Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Sáu, Ngày 19 tháng 04 năm 2024,
"Vua tôm" trở lại, có "chiêu" gì lợi hại?
Hồng Phúc - 18/03/2018 11:13
 
Cùng với việc “tái xuất” trên sàn chứng khoán, Công ty cổ phần Tập đoàn Thủy sản Minh Phú (mã MPC) sẽ thực hiện kế hoạch giảm chi phí nguyên liệu thông qua hoạt động đầu tư vào vùng nuôi 10.000 ha tại Kiên Giang và tham vọng đạt kim ngạch xuất khẩu 1 tỷ USD trong năm 2018.

Bài toán về nguồn vốn

Ông Lê Văn Quang, Chủ tịch HĐQT Minh Phú đang có kế hoạch họp bàn với một số chuyên gia hàng đầu thế giới liên quan đến lĩnh vực trí tuệ nhân tạo tại Singapore vào cuối tháng 3/2018. “Tôi muốn tìm kiếm những nhà cung ứng rô-bốt, máy móc công nghệ cao để áp dụng vào quá trình nuôi và chế biến tôm, với mục tiêu nâng tỷ lệ tự động hóa trong quá trình sản xuất của Minh Phú lên khoảng 70%”, ông Quang cho biết. Minh Phú đã chuẩn bị áp dụng những tiến bộ này 2 năm qua với nguồn dữ liệu được tích lũy. Doanh nghiệp này kỳ vọng, nếu áp dụng các công nghệ nuôi phù hợp hơn, năng suất bình quân một năm có thể đạt 150 tấn/ha qua 3 vụ, thay vì chỉ 10 tấn/ha như hiện nay.

Năm 2017, Công ty cổ phần Tập đoàn Thủy sản Minh Phú đạt doanh số trên 700 triệu USD, đóng góp 18% tổng kim ngạch xuất khẩu tôm cả nước
Năm 2017, Công ty cổ phần Tập đoàn Thủy sản Minh Phú đạt doanh số trên 700 triệu USD, đóng góp 18% tổng kim ngạch xuất khẩu tôm cả nước

Với giá trị xuất khẩu hàng trăm triệu USD mỗi năm, Minh Phú từng được mệnh danh là “vua tôm” trong ngành thủy sản. Tuy nhiên, sau khi hủy niêm yết hồi quý II/2015, doanh nghiệp này bước vào giai đoạn “ác mộng” với những khoản lỗ kéo dài đến hết năm 2016. Nhớ lại giai đoạn này, ông Quang dẫn giải, do chi phí nuôi tôm cao, giá bán tôm nguyên liệu xuất khẩu của Việt Nam cao hơn khoảng 30% so với Ấn Độ, Indonesia... khiến Minh Phú không thể tăng sản lượng xuất khẩu, nhưng doanh nghiệp vẫn phải thu mua nguyên liệu từ các hộ dân liên kết theo giá leo thang trên thị trường.

“Minh Phú là doanh nghiệp sản xuất tôm lớn nhất Việt Nam, nếu để các hộ nuôi tôm bị lỗ rồi bỏ nghề thì rất nguy hiểm. Do đó, chúng tôi phải mua tôm và “ôm” khoản lỗ này. Khi đó, nếu quyết định chạy theo lợi nhuận, thì bây giờ có lẽ Minh Phú đã không còn tồn tại và phát triển, vì chẳng còn ai nuôi tôm nữa thì lấy đâu ra để sản xuất”, “vua tôm” nhớ lại và khẳng định, mình đã có quyết định hoàn toàn đúng đắn và giai đoạn nói trên trở thành bài học về việc chủ động nguyên liệu sản xuất.

Năm 2017 đánh dấu sự hồi sinh của Minh Phú - doanh nghiệp chiếm khoảng 18% kim ngạch xuất khẩu tôm Việt Nam, với doanh số hơn 16.800 tỷ đồng và lợi nhuận sau thuế đạt 841 tỷ đồng, tăng khoảng 8 lần so với năm 2016. Yếu tố mang lại thành công cho Minh Phú là giá nguyên liệu trong tầm kiểm soát, dù vẫn cao hơn thị trường toàn cầu khoảng 20%, bởi nguồn cung trong nước chỉ đáp ứng khoảng 60% so với nhu cầu của các nhà máy.

Năm 2017, xuất khẩu tôm của Việt Nam có nhiều khởi sắc, kim ngạch xuất khẩu đạt 3,8 tỷ USD, tăng 22% so với năm 2016, trong đó, Minh Phú đóng góp trên 700 triệu USD và tiếp tục là doanh nghiệp thủy sản có kim ngạch xuất khẩu lớn nhất cả nước.

Mỹ là thị trường xuất khẩu chính của Minh Phú trong nhiều năm qua, chiếm trên 40% tổng kim ngạch xuất khẩu trong năm 2016 và giảm nhẹ còn khoảng 39% trong năm 2017. Bù lại, kim ngạch xuất khẩu của Minh Phú vào các thị trường Nhật Bản và Australia tăng trưởng, với giá trị xuất khẩu lần lượt đạt 161 triệu USD và 42,7 triệu USD. 

Ông Quang dự tính, năm nay, sản lượng tôm của Việt Nam sẽ tăng thêm khoảng 20%, đáp ứng 80% nhu cầu sản xuất trong nước với mức giá vẫn cao hơn các nước khác khoảng 10%. Vị Chủ tịch của Minh Phú kỳ vọng có thể tạo nên sự cân bằng cung - cầu, thông qua việc triển khai xây dựng khu quy hoạch nuôi tôm công nghệ cao khoảng 10.000 ha tại Kiên Giang.

Tuy nhiên, bài toán đặt ra với Minh Phú là nguồn vốn đầu tư từ đâu để thực hiện kế hoạch này, khi tính đến hết năm 2017, giá trị các khoản vay ngắn hạn của doanh nghiệp đã lên mức 3.476 tỷ đồng, trong đó chỉ có 300 tỷ đồng là khoản vay tín chấp? Thêm vào đó, Minh Phú còn phải vay khoảng 700 tỷ đồng để việc mở rộng Nhà máy Minh Phú Cà Mau (tổng vốn xây dựng khoảng 1.000 tỷ đồng), dự kiến sẽ triển khai vào đầu quý III/2018.

Doanh nghiệp thủy sản này đang trông chờ vào gói tín dụng trong nông nghiệp công nghệ cao trị giá 10.000 tỷ đồng của Chính phủ để có thể hoàn thiện mục tiêu nâng cấp các vùng nguyên liệu nuôi tôm.

“Các thủ tục liên quan đến việc xây dựng khu quy hoạch nuôi tôm công nghệ cao này sẽ được hoàn thành trong năm 2018. Đây là thời điểm vàng để triển khai, bởi nông nghiệp công nghệ cao đang nhận được sự quan tâm đặc biệt của Chính phủ, với cơ chế, chính sách thông thoáng”, Chủ tịch Minh Phú cho biết.

Một thực tế đã kéo dài suốt nhiều năm qua và ít nhiều ảnh hưởng đến sự tăng trưởng của Minh Phú, đó là doanh nghiệp chỉ chủ động được 30% nguyên liệu sản xuất với 300 ha nuôi tôm tại tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu và 600 ha tại Kiên Giang, phần còn lại phụ thuộc vào 50.000 ha vùng nuôi của các hộ dân. Ông Quang thừa nhận, đây chỉ là những hộ nuôi nhỏ lẻ, chưa có sự liên kết chặt chẽ. Trong khi, các kế hoạch mở rộng, cải tiến, nâng cao năng suất tôm bằng việc quy tụ một số hợp tác xã, trong đó có những hộ nuôi sở hữu diện tích nuôi tập trung, và hướng đến đạt một số chứng nhận tiêu chuẩn vùng nuôi chỉ mới bắt đầu thí điểm. Minh Phú kỳ vọng, mô hình nuôi tôm quảng canh cải tiến đạt các chứng nhận ASC, hữu cơ... khi được triển khai sẽ mang lại năng suất 2,5 tấn/ha/năm thay vì chỉ khoảng 450kg/ha/năm như hiện tại.

“Kế hoạch áp dụng công nghệ cao này kéo dài 5 năm, nhưng chúng tôi phấn đấu 3 năm tới sẽ áp dụng xong vào toàn bộ vùng nguyên liệu mà Minh Phú tự chủ. Sau khi đạt được mục tiêu này, chúng tôi mới tính đến các kế hoạch tăng diện tích vùng nuôi”, ông Quang cho biết.

Đã tìm được đối tác chiến lược?

Sau ba năm hủy niêm yết tự nguyện, Công ty cổ phần Tập đoàn Thủy sản Minh Phú sẽ niêm yết trở lại trong năm nay. Sự trở lại lần này của Minh Phú có nhiều kế hoạch lớn nhằm thay đổi những điểm yếu đã tồn tại. Theo đó, “vua tôm” sẽ không chỉ tập trung vào giảm giá thành nguyên liệu từ việc giảm chi phí nuôi, mà còn chú tâm vào cắt giảm các khoản nợ vay bằng việc quay lại Sở Giao dịch chứng khoán TP.HCM (HOSE). Minh Phú sẽ tăng vốn điều lệ từ 700 tỷ đồng lên 1.400 tỷ đồng nhằm cải thiện thanh khoản, không chia cổ tức bằng tiền mặt để có vốn mở rộng đầu tư nhà máy tại Cà Mau.

Chưa dừng lại ở đây, Minh Phú có thể sẽ đón nhận một vài đối tác chiến lược sau khi trở lại HOSE vào tháng 06/2018 thông qua phát hành riêng lẻ 60 triệu cổ phiếu và thu về khoảng 600 tỷ đồng. Như vậy, tổng vốn điều lệ dự kiến sau các đợt phát hành trên mang lại cho Minh Phú không dưới 2.000 tỷ đồng.

Một chi tiết đáng lưu ý, đó là mong muốn tìm đối tác chiến lược, tái cơ cấu Tập đoàn và đảm bảo nguồn vốn cho sự phát triển đã nhiều lần được Minh Phú nhen nhóm thực hiện, dù kết quả bất thành, ví dụ như việc doanh nghiệp này đã chuyển sang niêm yết trên HOSE từ cuối 2007 với mong muốn thu hút được những nhà đầu tư lớn tại TP.HCM.

Tuy nhiên, lần niêm yết trở lại này, ông Quang đặt nhiều kỳ vọng cho sự tăng trưởng của Minh Phú. Ông hồ hởi cho biết, rất nhiều đơn vị đã đánh tiếng muốn trở thành đối tác chiến lược của Công ty và hầu hết đều là nhà đầu tư nước ngoài. Chủ tịch Minh Phú tin tưởng vào các kế hoạch phát triển, khi chỉ tính riêng tháng 1/2018, Công ty đã có lãi 40 tỷ đồng, trong khi cùng kỳ các năm trước, họ đều phải gánh chịu những khoản lỗ. Đây là một tín hiệu lạc quan cho cả năm.

Năm 2017 xuất khẩu tôm của Việt Nam có nhiều khởi sắc, kim ngạch xuất khẩu ước đạt 3,8 tỷ USD, tăng 22% so với năm 2016, trong đó, Minh Phú đóng góp trên 700 triệu USD và tiếp tục là doanh nghiệp thủy sản có kim ngạch xuất khẩu lớn nhất cả nước.

Mỹ là thị trường xuất khẩu chính của Minh Phú trong nhiều năm qua, chiếm trên 40% tổng kim ngạch xuất khẩu trong năm 2016 và giảm nhẹ còn khoảng 39% trong 2017. Bù lại, kim ngạch xuất khẩu của Minh Phú vào các thị trường Nhật Bản và Australia tăng trưởng, với giá trị xuất khẩu lần lượt đạt 161 triệu USD và 42,7 triệu USD. 

“Chúng tôi dự báo nhu cầu nhập khẩu tôm của thị trường toàn cầu tăng trưởng 7 - 10% mỗi năm, và vẫn tập trung xuất khẩu vào Hoa Kỳ, bởi Minh Phú không bị áp thuế chống bán phá giá tại thị trường này, trong khi các doanh nghiệp khác đang chịu mức 25,39%. Vì vậy, 2018 sẽ là năm có nhiều thuận lợi cho Công ty”, Chủ tịch Minh Phú nói về kế hoạch năm 2018 của doanh nghiệp và kỳ vọng sẽ đạt kim ngạch xuất khẩu 1 tỷ USD với sản lượng xuất khẩu 70.000 tấn thành phẩm, thu về lợi nhuận trước thuế khoảng 1.300 tỷ đồng.

"Vua tôm" Minh Phú thua lỗ và nỗi lo của ngành thủy sản
Kết quả kinh doanh kém, thậm chí là thua lỗ đã được ông Lê Văn Quang, Chủ tịch CTCP Tập đoàn Thủy sản Minh Phú (MPC) đề cập đến từ cuối quý I...
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư