Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Bảy, Ngày 20 tháng 04 năm 2024,
Vương quốc linh trưởng giữa Đà Nẵng
Nguyên Phương - 15/02/2016 10:31
 
Ngay trong lòng TP. Đà Nẵng có một Vương quốc từ xa xưa được gọi là “núi khỉ”, nơi có một loài “linh trưởng” được mệnh danh là “nữ hoàng thời trang” đang ngự trị với mật độ cao nhất thế giới - voọc chà vá chân nâu (còn gọi là voọc ngũ sắc).
TIN LIÊN QUAN

Bị “nữ hoàng” dụ lên núi

7 năm nay, Tuấn dành hầu hết thời gian để lên núi Sơn Trà “gần gũi” với “nữ hoàng” ngũ sắc. Tuấn kể, quê ở huyện Đại Lộc (tỉnh Quảng Nam), năm 2006, thi đậu và vào Khoa Sinh - Môi trường Đại học Sư phạm Đà Nẵng. Lúc đó TS. Đinh Thị Phương Anh, nhà nghiên cứu sinh thái học đầu tiên ở Đà Nẵng làm Trưởng khoa. Tuấn được TS. Phương Anh hướng dẫn đề tài Nghiên cứu về sinh thái học, tập trung vào các cá thể voọc chà vá chân nâu. “Duyên voọc” đưa đẩy, ngày tốt nghiệp, cũng là ngày Tuấn bị “nữ hoàng” linh trưởng “dụ” lên núi Sơn Trà rồi mê mẩn từ khi nào không hay.

Sáng tinh mơ, chiều tà, mưa hay nắng, gần như những nẻo đường, dưới tán rừng, trên những thảm thực vật của đỉnh Sơn Trà đều đã in dấu giày của Tuấn. Núi Sơn Trà những năm trước 2008 chỉ một tuyến đường mòn độc đạo bị che khuất bởi nhiều tầng, tán rừng với vô số khúc cua tay áo nguy hiểm. Hoang vu, lạnh lẽo đến rùng mình mỗi khi leo núi lúc trời còn tờ mờ sương trắng, mây mù la đà mặt đường...

Gia đình nhỏ nhà voọc trên núi Sơn Trà
Gia đình nhỏ nhà voọc trên núi Sơn Trà

Những hôm mưa gió, Tuấn ngồi dưới gốc cây chờ đợi “nữ hoàng”, áo quần ướt sũng, nắm “xôi vò nước” lạnh ngắt trên tay vừa ăn vừa run vì lạnh. Có lần xe máy bị hỏng dưới chân đỉnh dốc, Tuấn vừa dắt xe vừa đẩy hơn 10 km đường núi tìm đến nơi sửa chữa mà cứ thấy nghèn nghẹn trong lòng...

Việc ngắm “nữ hoàng” thật lắm công phu, gian truân, nhưng rồi cũng đến ngày “hái trái ngọt”. Với gần 200 cá thể voọc được ghi nhận và đưa vào bản đồ số hóa về vùng phân bố của loài ở Sơn Trà, nhóm nghiên cứu của Tuấn đã nhận giải Nhì trong Báo cáo kết quả Hội nghị Sinh viên nghiên cứu khoa học lần thứ 8 của Đại học Đà Nẵng. Sau đó, họ được vinh dự tham gia báo cáo trong Hội thảo Bảo tồn linh trưởng quốc tế năm 2009, tại Vườn quốc gia Cúc Phương, Ninh Bình.

Hiện Tuấn đang cùng tham gia thực hiện đề tài khoa học thứ 2 về tập tính mẫu phân và trữ lượng quần thể của loài voọc tại Sơn Trà. Anh cho biết, trong lần nghiên cứu này, có nhiều điều lý thú, bỡ ngỡ khiến anh cũng bất ngờ về loài thú quý hiếm này.

Gìn giữ “kho báu mong manh”

Hai bức ảnh Tuấn chụp trong những năm tháng rong ruổi trên Sơn Trà để ngắm “nữ hoàng” chà vá chân nâu được giới thiệu trong Triển lãm ảnh “Xuân quê hương” tại Đà Nẵng tháng 3/2014. Bức ảnh đã đem đến cho người thưởng lãm hình ảnh “nữ hoàng” thiên nhiên sinh động, duyên dáng và kiêu sa, khi ngự trị trên cành cây với 5 màu sắc rực rỡ, nổi bật trên nền rừng xanh ngút ngàn…

Ngày đó, Tuấn vẫn một mình “chiếm giữ nữ hoàng”, nhưng bây giờ, sau hai năm, từ hai tấm ảnh trong triển lãm ấy, đã có hơn 1.500 người lên Sơn Trà chỉ để… say nắng “nữ hoàng”. Để trợ giúp những người yêu thiên nhiên, Trung tâm Đa dạng sinh học nước Việt (Green Viet) được thành lập với mục đích hoạt động phi lợi nhuận. Tuấn là một trong số 11 thành viên đồng sáng lập và đang là cầu nối hữu hiệu giữa voọc chà vá chân nâu với những người quan tâm, yêu thích động vật thế giới.

Hoàng thân Đan Mạch, khi đến Đà Nẵng vào hai ngày cuối năm 2015, đã dành riêng một buổi chiều ngắm voọc trên Sơn Trà. Tuấn đã giúp ông thực hiện mong muốn tưởng chừng đơn giản, nhưng vô cùng nguy hiểm trong một ngày mưa gió vần vũ.

Hiện voọc chà vá chân nâu cũng đã được TP. Đà Nẵng lấy làm hình ảnh đại diện thân thiện của thành phố vì môi trường. Voọc chà vá chân nâu được các tổ chức bảo vệ động vật hoang dã tôn vinh là “nữ hoàng” của các loài linh trưởng cư trú trong rừng sâu bởi vẻ đẹp lạ lùng. Loài này thuộc nhóm nguy cấp trong sách đỏ Việt Nam và thế giới, được xếp vào danh sách các loài động vật cần được bảo vệ vô điều kiện.

Jonathan Clayton, nghiên cứu sinh người Mỹ cho biết, thật may mắn khi được tiếp cận “kho báu” linh trưởng của thế giới ngay tại Sơn Trà. “Loài voọc này tồn tại ở một số khu rừng dọc biên giới Việt Nam, Lào và Campuchia. Riêng bán đảo Sơn Trà được đánh giá là có số cá thể lớn nhất, nên tôi quyết định chọn làm đề tài nghiên cứu sinh”, Jonathan nói.

Nhiều đoàn làm phim trong và ngoài nước đã đến đây ghi lại tập tính và sinh hoạt hằng ngày của voọc, như ăn ở theo gia đình khoảng 5 - 7 con, cứ khoảng 4-5 giờ sáng, thức dậy kiếm quả sung, lá đa cùng nhiều loại lá cây khác làm thức ăn, khoảng 11 giờ đi ngủ, đến 1 giờ chiều, trời mát thì đi ăn lại... Những thước phim ấy đã đưa hình ảnh loài voọc chà vá chân nâu tại núi Sơn Trà đến với bạn bè quốc tế.

Để bảo vệ “báu vật” này, nhiều chuyên gia cho rằng, ngoại trừ những tác động bất khả kháng từ thiên nhiên, TP. Đà Nẵng cần có chiến lược bảo tồn một cách bền vững, từ việc ngăn chặn đánh bắt trái phép đến quy hoạch, khai thác du lịch. Vợ chồng Tiến sĩ, Bác sĩ thú y Ulike Strecher và Larry Ulibarri (người Mỹ) đã ngạc nhiên khi có một khu rừng xinh đẹp ở gần TP. Đà Nẵng với hệ sinh thái gần như còn nguyên vẹn. Tuy nhiên, họ cũng cảnh báo sự mất còn của khu bảo tồn thiên nhiên Sơn Trà khi gọi đó là một “kho báu mong manh”.

Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư