Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Năm, Ngày 28 tháng 03 năm 2024,
WB khuyến nghị nâng cấp cách thức Chính phủ vận hành
Khánh An - 15/07/2018 18:36
 
Cách đây không lâu, các thuê bao của Vinaphone, Mobifone và Viettel chỉ có thể kết nối với nhau với chi phí rất cao. Và đó chính là cách mà hiện nay các cơ quan chính phủ đang cùng nhau chia sẻ dữ liệu. Thực trạng này phải thay đổi.
.
Ông Ousmane Dione, Giám đốc Quốc gia Ngân hàng Thế giới (WB) tại Việt Nam

Ông Ousmane Dione, Giám đốc Quốc gia Ngân hàng Thế giới (WB) tại Việt Nam đã khuyến nghị về sự thay đổi cách thức Chính phủ vận hành để Việt Nam tiến lên, thậm chí sẽ có bước nhảy vọt trong cuộc cách mạng 4.0.

Điều này được ông đưa ra tại Diễn đàn cấp cao về Công nghiệp 4.0 do Chính phủ và Ban Kinh tế trung ương tổ chức cuối tuần trước, khi phân tích công thức kiềng ba chân mà ông tin là sẽ giúp Việt Nam đạt được khát vọng phát triển của mình, đó là công nghệ, thể chế và con người.

Cách thức vận hành của Chính phủ có thể nhìn vào các quan hệ với chính phủ mang ý nghĩa quan trọng, đó là giữa các cơ quan của chính phủ (G2G), giữa chính phủ với doanh nghiệp (G2B), và giữa chính phủ với người dân (G2C).

“Công nghệ có thể hỗ trợ theo nhiều cách, nếu chúng ta có thể nắm bắt công nghệ một cách chiến lược để đảo ngược những thách thức tiềm ẩn đối với các mối quan hệ này. Nhưng một mình công nghệ không thể giải quyết được vấn đề. Việc thuần túy đầu tư vào phần mềm hoặc phần cứng sẽ không cải thiện được khả năng vận hành của chính phủ. Chính phủ sẽ không thể là đối tác của công nghiệp 4.0 nếu như bị mắc kẹt trong bộ máy quan liêu 1.0”, ông Ousmane Dione phân tích.

Trở lại việc cách đây không lâu, các thuê bao của Vinaphone, Mobifone và Viettel chỉ có thể kết nối với nhau với chi phí rất cao, nhưng mọi việc đã thay đổi.

Còn các cơ quan chính phủ thì vẫn phân tán trong các hệ thống quản lý cơ sở dữ liệu, khó kết nối được với nhau.

“Thách thức này đã được Chính phủ Việt Nam thừa nhận. Gần đây, Chính phủ đã đề xuất xây dựng và kết nối 6 cơ sở dữ liệu quốc gia. Rào cản hiện nay chính là thiếu hệ thống mã số định danh quốc gia đủ mạnh và chúng tôi hoan nghênh những giải pháp gần đây của chính phủ để đẩy nhanh việc thực hiện cải cách mã số định danh quốc gia”, ông Dione nói.

Về khía cạnh này, Ấn Độ, Thái Lan đang phát triển nhanh chóng dựa vào mã số định danh duy nhất trên cơ sở sinh trắc học, một yếu tố không thể thiếu của quản trị điện tử trong kỷ nguyên mới này. Ấn Độ đã đăng ký cho 1 triệu người dân mỗi ngày nhờ vào các công nghệ mới. Với tốc độ đó, theo ông Dione, Việt Nam có thể hoàn thành đăng ký kỹ thuật số cho toàn bộ dân số của mình trong 3 tháng.

“Các tổ chức hoặc quy trình thể chế không tạo ra và cũng không lường trước được những công nghệ có tính đột phá, nhưng chúng là công cụ hữu hiệu để nuôi dưỡng, thúc đẩy đổi mới sáng tạo cũng như giảm nhẹ những thách thức đến từ công nghệ đột phá”, ông Dione nhấn mạnh.

Cùng với đó, Giám đốc Quốc gia WB tại Việt Nam cũng khuyến nghị Chính phủ cần áp dụng một cách tiếp cận toàn diện về cách công nghệ có thể hỗ trợ cải cách nhằm tác động và chuyển đổi những kết quả phát triển của mình; đầu tư vào kỹ năng và sức khỏe của lực lượng lao động trong tương lai.

Bàn tiếp cơ hội của Việt Nam trong cuộc cách mạng 4.0
Giới chuyên gia kinh tế quốc tế đều nhìn thấy cơ hội bứt phá trong cuộc cách mạng công nghệ 4.0 của Việt Nam, nhưng thách thức thực sự không...
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư