Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Sáu, Ngày 19 tháng 04 năm 2024,
Web lậu làm nhà đài điêu đứng
Hữu Tuấn - 04/09/2017 08:35
 
Hơn 70 website hoạt động theo kiểu đánh cắp nội dung, chèn quảng cáo đang lấn lướt các nhà đài.
.
Bị xâm hại bản quyền, VTVcab phải ngừng phát sóng giải UEFAChampions League, UEFAEuropa League, ước tính thiệt hại vài triệu USD…

Đầy rẫy ăn cắp bản quyền

Chỉ sau 30-60 phút phát sóng trên truyền hình của Hàn Quốc, Nhật Bản, các tập phim truyện có phụ đề tiếng Việt đã được up ngay trên các website. Cũng chỉ sau 10-15 phút diễn ra, những clip, video bóng đá của các giải bóng đá như Ngoại hạng Anh đã được up ngay lên các web lậu. Chỉ mất vài giây thao tác, khán giả đã có thể xem lại các tập của bộ phim “Người phán xử” do VTV sản xuất, thậm chí các trang web này còn tuyên bố: “Phim được chiếu trên website vào lúc 21h40, thứ 4, thứ 5 hàng tuần. Bản đầy đủ HD sẽ được cập nhật sau đó vài giờ”.

Theo kết quả kiểm tra, rà soát của Cục Phát thanh - Truyền hình và Thông tin điện tử (Bộ Thông tin và Truyền thông) về danh sách 50 website chiếu phim lậu lớn nhất tại Việt Nam hiện nay, có những trang web có thời lượng truy cập lên tới 45 triệu lượt trong 6 tháng đầu năm 2017. Họ đang chiếu lậu các phim đang chiếu rạp, phim truyền hình đang phát sóng và các chương trình truyền hình ăn khách khác. Các website vi phạm bản quyền này đều có nguồn thu rất lớn từ quảng cáo, dịch vụ của những nhãn hàng có tên tuổi, có uy tín tại Việt Nam.

“Tình trạng ăn cắp bản quyền ở Việt Nam ở mức khủng khiếp. Đài PTTH Vĩnh Long bị vài trăm trang web ăn cắp lại nội dung bản quyền, trong đó có rất nhiều nhà mạng, trang web có tên tuổi. Họ đua nhau ăn cắp, làm giàu từ ăn cắp. Điều này không chỉ gây tác hại rất lớn đến Đài, mà còn ảnh hưởng đến người dân”, ông Lê Quang Nguyên, Giám đốc Đài PTTH Vĩnh Long chua xót cho biết.

Hậu quả của những vi phạm bản quyền trên là, trong 6 tháng đầu năm 2017, một số doanh nghiệp như MyTV đạt mức độ tăng trưởng chỉ bằng 96,2% so với cùng kỳ năm trước. Tổng công ty Truyền thông Đa phương tiện VTC cũng bị suy giảm tới 40% doanh thu và phát triển thuê bao mới. Bị xâm hại bản quyền, VTVcab phải ngừng phát sóng giải UEFAChampions League, UEFAEuropa League, ước tính thiệt hại vài triệu USD…

Dẫn số tiền thiệt hại lên tới 461 tỷ USD/năm mà tội phạm trong lĩnh vực sở hữu trí tuệ gây ra, trong đó, phim lậu trực tuyến là thủ phạm gây ra 76,5% thiệt hại này, ông Micheal Kwan, Giám đốc Công nghệ Khu vực của Hiệp hội Điện ảnh Hoa Kỳ (MPA) cho biết, MPA đã từng  gửi yêu cầu tới các nhà cung cấp dịch vụ Internet đề nghị gỡ bỏ 27 website chiếu phim lậu, vi phạm bản quyền truyền hình tại Việt Nam, nhưng chỉ có một yêu cầu được thực hiện.

Chia nhỏ để chặt

Để ngăn chặn nạn vi phạm bản quyền truyền hình, nhiều ý kiến đề xuất Bộ Thông tin và Truyền thông cần thực hiện cùng lúc nhiều biện pháp. Cụ thể, đối với các trang web vi phạm bản quyền trong nước, có thể dùng các biện pháp: xử phạt vi phạm hành chính, thu hồi tên miền đối với những trang dùng tên miền “.vn”, chặn tên miền và địa chỉ IP, các IDC trong nước hủy dịch vụ CDN của các trang vi phạm.

Đối với các trang web vi phạm bản quyền ở nước ngoài, biện pháp hữu hiệu nhất là các doanh nghiệp Việt Nam có quảng cáo trên các trang web này không tiếp tục quảng cáo nữa. Biện pháp chặn tên miền, chặn hoặc giới hạn dung lượng đường truyền đến mạng lưu trữ website đó hoặc thông qua số hiệu mạng cũng cần được áp dụng...

Ông Nguyễn Thanh Lâm, Cục trưởng Cục Phát thanh - Truyền hình và Thông tin điện tử cho biết, ngăn chạn nạn vi phạm bản quyền truyền hình là một bài toán lớn, không thể giải quyết nhanh chóng trong một sớm một chiều, mà cần phải chia nhỏ, siết chặt quản lý ở nhiều nơi, nhiều lúc và phải đúng, phải trúng. Cục sẽ làm “sứ giả” đến tận các đơn vị liên quan, các doanh nghiệp, các bên quản lý để cảnh báo nguy cơ và cùng tìm giải pháp lành mạnh hóa việc trả tiền bản quyền trên nội dung số, chống vi phạm bản quyền…

“Đồng thời, cần có cơ quan quản lý nhà nước đứng ra làm trọng tài, để có thể tổ chức thanh tra, yêu cầu nhà mạng ngừng cho thuê hosting, khoá tên miền ngay khi phát hiện website vi phạm bản quyền. Như vậy mới có thể xử lý nhanh đơn vị cung cấp nội dung vi phạm”, ông Tô Mạnh Cường, Phó tổng giám đốc Tập đoàn VNPT đề xuất. Thậm chí, ông Nguyễn Văn Tấn, Phó tổng giám đốc Tổng công ty VNPT - Media khẳng định, đơn vị này sẵn sàng hy sinh lợi ích từ nguồn thu hosting để ngăn chặn tình trạng này.

Được biết, mới đây, Cục Phát thanh Truyền hình và Thông tin điện tử đã làm việc với Vụ Thanh toán (Ngân hàng Nhà nước) để trao đổi, bàn bạc một số nội dung, tiến tới xây dựng cơ chế phối hợp tăng cường công tác quản lý hoạt động thanh toán điện tử đối với các dịch vụ nội dung số trên mạng, trong đó có việc tìm giải pháp ngăn chặn việc thanh toán cho các sản phẩm, dịch vụ bất hợp pháp trên môi trường mạng, nhằm bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng.

Tính đến nay, nước ta có 272 kênh truyền hình, phát thanh được cấp phép. Tổng số thuê bao truyền hình trả tiền tính đến tháng 7/2017 là 13.567.279, với tổng doanh thu trong 7 tháng đầu năm 2017 đạt 4.060 tỷ đồng.

Hiện có 3 dạng vi phạm bản quyền điển hình là: vi phạm trên các trang thông tin điện tử (website), các ứng dụng (app), OTT không phép (OTT lậu); vi phạm trên các website, các ứng dụng (app) của một số doanh nghiệp có giấy phép cung cấp dịch vụ truyền hình trả tiền, chủ yếu là dịch vụ OTT; một số đài PT-TH sử dụng hình ảnh, tư liệu trong chương trình, kênh chương trình nhưng không xin phép chủ sở hữu.

Nguồn: Cục Phát thanh - Truyền hình và Thông tin điện tử (Bộ Thông tin và Truyền thông)

Vi phạm bản quyền "chặn đường sống" doanh nghiệp
Vi phạm bản quyền tràn lan khiến các doanh nghiệp công nghệ thông tin (ICT) Việt Nam bị chặn đường sống và sẽ thu hẹp cơ hội mua bản quyền từ...
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư