Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Ba, Ngày 19 tháng 03 năm 2024,
Workshop 3 cuộc thi Business Challenges 2018: Đột phá tư duy công nghệ
K.T - 19/06/2018 03:02
 
Nằm trong khuôn khôt cuộc thi Business Challenges 2018, ngày 15/6 vừa qua, Viện Quản trị Kinh doanh - Trường Đại học Kinh tế - ĐHQGHN tổ chức workshop với chủ đề Đột phá tư duy công nghệ. Đây là workshop thứ ba trong chuỗi các hoạt động và sự kiện của cuộc thi Business Challenges 2018.

Một sự kiện đáng chú ý được công bố tại workshop lần này là Quỹ Friedrich Naumann - FNF (CHLB Đức) đã chính thức tham gia với vai trò là đơn vị đồng tổ chức của cuộc thi. Bên cạnh đó, Báo Đầu tư cũng đồng hành với cuộc thi với vai trò là đơn vị bảo trợ truyền thông.

Theo PGS-TS. Nguyễn Anh Thu, Phó Hiệu trưởng Đại học Kinh tế - ĐHQGHN, với sự hợp tác và gắn bó qua rất nhiều hoạt động, việc Quỹ FNF và Trường Đại học Kinh tế đồng tổ chức hoạt động rất có ý nghĩa này sẽ mang đến cho các bạn sinh viên những cơ hội mới.

Đồng tình với ý kiến này, TS. Hồ Chí Dũng, Phó Trưởng ban tổ chức cuộc thi Business Challenges 2018 đánh giá, nước Đức nổi tiếng với những công nghệ phát triển mới. Sự xuất hiện của Quỹ FNF ở các quốc gia sẽ giúp cho sự phát triển của các doanh nghiệp nhỏ và vừa hay startup phát triển nhanh hơn. “Với sự hợp tác đồng tổ chức của hai bên, chúng ta sẽ có kết quả tốt đẹp”, TS. Hồ Chí Dũng nói.

Các diễn giả, Ban tổ chức và các đội thi chụp ảnh lưu niệm tại Workshop 3
Các diễn giả, Ban tổ chức và các đội thi chụp ảnh lưu niệm tại Workshop 3

Tại workshop 3 với chủ đề Đột phá tư duy công nghệ, các đội thi và các bạn sinh viên đã lắng nghe và thảo luận sôi nổi với các diễn giả về 3 nhóm đề tài chính: Ứng dụng công nghệ Blockchain trong kinh doanh; Sức mạnh của Digital Marketing và Tạo lập App - Kinh nghiệm và bài học.

Các đề tài do các doanh nhân có tiếng trong lĩnh vực khởi nghiệp trình bày, gồm ông Tuấn Hà, CEO Vinalink và Thevuon - Sáng lập kiêm Phó chủ tịch VMCC - Cộng đồng tiếp thị Truyền thông Việt Nam; ông Ôn Như Bình, Phó Giám đốc CNTT VNPost; ông Trần Mạnh, CEO Mantan Group.

Chia sẻ với các đội thi và các bạn trẻ đang khao khát khởi nghiệp, ông Ôn Như Bình cho biết, ứng dụng công nghệ thông tin trong kinh doanh có thể chia làm 2 dạng “make money” và “save money”.

Trong khi đó, ông Tuấn Hà chia sẻ, đối với những đội thi không mạnh về công nghệ, các đội có thể tìm thế mạnh khác. Công nghệ có thể thay thế mọi thứ, nhưng có những thứ con người chưa quen với công nghệ. “Các bạn có thể lựa chọn những sản phẩm mà công nghệ chưa mang lại cảm xúc ngay cho chúng ta”, ông Hà nói.

Tuy nhiên, mọi hoạt động trong tương lai sẽ hướng đến digital, chúng ta hãy bắt nhịp trong truyền thông, marketing, phân tích hành vi khách hàng, phân phối… phải sử dụng digital. Theo ông Hà, digital sẽ là tất yếu chứ không còn là xu hướng.

Chia sẻ về “thủ thuật” trong làm app, ông Trần Mạnh bật mí, để xây dựng app khiến người dùng thường xuyên sử dụng, cần tích hợp trong đó những tính năng để họ buộc phải quay lại sử dụng. Lấy ví dụ xây dựng app học tiếng Anh, ông Mạnh cho rằng có thể tích hợp trong đó cộng đồng sử dụng tiếng Anh để người dùng thường xuyên sử dụng.

Ý kiến chia sẻ của các chuyên gia tại workshop 3 đã đem lại nhiều kiến thức bổ ích cho các đội tham dự cuộc gia và các bạn trẻ đang tìm cho mình một hướng đi khởi nghiệp.

Theo Ban tổ chức cuộc thi Business Challenges 2018, Workshop 4 với chủ đề về Nhân sự sẽ diễn ra vào ngày 28/6 tới cũng sẽ mang đến nhiều nội dung, kiến thức thú vị cho các đội thi.

Chiến lược "Marketing 0 đồng" của chàng doanh nhân 8x Cường Steward
Marketing 0 đồng là chiến lược giúp các startup, các doanh nghiệp nhỏ có thể "đối chọi" với những ông lớn bởi "chi ít nhưng đem lại hiệu quả...
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư