Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Tư, Ngày 24 tháng 04 năm 2024,
WTO trong nỗi nhớ và những kỷ niệm của Đại sứ Ngô Quang Xuân
Đại sứ Ngô Quang Xuân - 27/01/2017 06:56
 
Ngày 11/1/2007 đi vào lịch sử, khi Việt Nam chính thức tham gia sân chơi thương mại lớn nhất toàn cầu, làm thành viên chính thức thứ 150 của Tổ chức Thương mại thế giới (WTO). Sau tròn một thập niên, nhớ về quá trình đàm phán kiên trì và quyết liệt ấy, những cung bậc cảm xúc, những kỷ niệm đủ gam màu cứ ùa về trong tôi…

Những ngày đất nước bước sang năm mới này, tôi và nhiều chiến hữu đồng nghiệp - những nhà đàm phán chuyên nghiệp một thời, nay ở nhiều cương vị khác nhau - thường ngồi chia sẻ tâm sự, ôn cố tri tân về quá trình đàm phán cam go kéo dài 11 năm gối đầu hai thế kỷ, với hơn 200 cuộc đàm phán, bao gồm cả 14 phiên đa phương và nhiều phiên đàm phán song phương với 27 đối tác, để góp phần đưa nước ta gia nhập WTO.

.
Đại sứ Ngô Quang Xuân

Chúng tôi vui với những đánh giá hậu WTO của xã hội về những “cái được” nhờ nỗ lực của cả hệ thống chính trị và của toàn dân, nhưng rất buồn với những “cái mất”, “cái chưa được”, nhất là do những căn bệnh trầm kha của trì trệ, bảo thủ kéo dài, lạc hậu, tụt hậu ngày càng sâu của hệ thống quản trị nói nhiều làm ít, chất lượng nguồn nhân lực còn thấp và nền kinh tế có sức cạnh tranh còn yếu kém.

Dẫu biết rằng, đồng xu nào cũng có hai mặt, nhưng chúng tôi tin rằng, kết quả của quá trình hội nhập đem lại, đặc biệt là từ khi vào WTO, đã đưa Việt Nam phát triển thêm một bước dài, có vị thế ngày càng quan trọng hơn trong mắt bạn bè quốc tế. Tôi đã từng đọc được những điều tích cực này từ suy nghĩ của nhiều bạn bè quốc tế, kể cả khi nhiều người trong số họ là nhà đàm phán khắt khe, khó tính. Khi nghĩ và nhớ về họ, rồi nghĩ về cái duyên đưa tôi đến cuộc đàm phán lịch sử dài ngày này để được gặp họ.

Duyên nợ Geneva

Chỉ một thời gian ngắn sau khi rời nhiệm sở Đại sứ Đặc mệnh Toàn quyền/Đại diện Thường trực Việt Nam bên cạnh Liên hợp quốc, New York với gần 7 năm công tác, vào một ngày giữa năm 2002, tôi được mời lên gặp nguyên Phó thủ tướng kiêm Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Nguyễn Mạnh Cầm. Ông nói, đang tìm một đại sứ sang địa bàn Geneva với nhiều nhiệm vụ ngoại giao đa phương, nhưng trọng tâm là thúc đẩy giai đoạn tăng tốc của quá trình đàm phán gia nhập WTO. Mặc dù biết tôi mới về từ một địa bàn đa phương khá vất vả như New York, nhưng ông muốn cử tôi vào trọng trách này và đã báo cáo việc này với Thủ tướng Chính phủ.

Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Văn An thăm và làm việc với lãnh đạo WTO (Geneva, ngày 25/3/2005).
Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Văn An thăm và làm việc với lãnh đạo WTO (Geneva, ngày 25/3/2005).

Vậy là gia đình tôi lại khăn gói lên đường, tới Geneva vào trước Noel 2002. Lúc đó, tôi không tiên liệu được rằng, ngày trở lại thành phố tươi đẹp, yên bình này đã cột chân tôi tới gần 6 năm nữa ở xứ người cho tới khi Việt Nam đã vào WTO! Tận dụng không khí ấm áp gia đình của Lễ Giáng sinh tại châu Âu, tôi đến thăm vị chính khách đầu tiên liên quan đến WTO là ông Trần Văn Thình, Đại sứ của EU tại WTO.

Dù đã nghe và tìm hiểu về ông Thình, nhưng tôi không khỏi ngỡ ngàng khi đứng trước tôi là một người Việt Nam thấp nhỏ, mà lại là Đại sứ, là Đại diện Thường trực cho cả Cộng đồng chung châu Âu gồm 17 quốc gia (tới thời điểm đầu những năm 2000) - một bên đàm phán rất trọng lượng của “sân chơi” WTO - tới 17 năm! Ông còn là một trong những “cha đẻ” của rất nhiều sáng kiến, văn kiện, luật lệ quy định luật chơi của thương mại toàn cầu. Sau này, càng tiếp xúc, chuyện trò với ông, tôi càng thêm mến phục ông.

Những kết quả đạt được trong giai đoạn hậu WTO sẽ là cơ sở vững chắc cho nền kinh tế nước ta có thể tiếp tục phát triển bền vững hơn. Đó cũng là khát vọng luôn cháy bỏng của chúng tôi, những nhà đàm phán đã góp phần đưa nước ta trở thành thành viên của WTO.

Trong những lần được Bộ Ngoại giao và Bộ Thương mại ta mời về thăm, Đại sứ Trần Văn Thình lúc đầu còn khuyến cáo các vị lãnh đạo ta nên cân nhắc hết sức cẩn trọng việc làm thành viên WTO. Theo ông, một nền kinh tế ở trình độ thấp như Việt Nam, nếu trở thành thành viên chính thức của WTO, sẽ phải đối mặt với rất nhiều thách thức quá sức, vậy nên tốt nhất chưa nên vào. Sau này, có thể từ khi thấy Việt Nam quyết tâm hội nhập và từng bước thành công, ông trở thành người ủng hộ tích cực, vô điều kiện trong suốt quá trình đàm phán gia nhập WTO.

Trước khi ông bà chuyển hẳn về Bruxelles sinh sống, tôi thường đến tham vấn, nhất là về các đối tác đang và sẽ đàm phán với Việt Nam, học hỏi kinh nghiệm đàm phán và hoạt động của vị đại sứ này tại WTO. Ông cũng là cầu nối hiệu quả giữa nhiều vị đại sứ của ta tại các nước Bỉ và Pháp với cộng đồng người Việt Nam đang sinh sống, làm ăn ở sở tại.

Chính ông là người kết nối tôi với gia đình ông Lê Văn Lợi, Đại sứ cuối cùng của Chính quyền Sài Gòn tại các tổ chức quốc tế tại Geneva (1967-1975) nhân dịp ta được Chính quyền TP. Geneva hỗ trợ tích cực và hợp tác cùng tổ chức kỷ niệm trọng thể 50 năm ngày ký kết Hiệp định Giơ-ne-vơ kết thúc chiến tranh và lập lại hòa bình ở Việt Nam. Sự kết nối này góp phần làm cho cộng đồng bà con Việt kiều tin tưởng thêm vào chủ trương “Đại đoàn kết dân tộc” và tạo điều kiện giúp gia đình ông Lê Văn Lợi tự tin trở lại thăm quê hương và họ hàng sau thời gian dài cách biệt.

Những tháng ngày “chung lưng đấu cật”

Bắt tay vào công việc, tôi và các đồng nghiệp tại Phái đoàn Thường trực Việt Nam ở Geneva đã thực sự “chung lưng đấu cật”, chia sẻ nhiều điều, cùng nhau chịu đựng nỗi nhọc nhằn của địa bàn ngoại giao đa phương này. Mà đâu chỉ một mảng việc với WTO, còn nhiều tổ chức, diễn đàn khác nữa. Tôi còn nhớ, một thống kê thời đó cho rằng, nếu ở Trụ sở Liên hợp quốc tại New York hàng năm có khoảng 6.000 cuộc họp, thì ở Geneva - trụ sở thứ hai của Liên hợp quốc - có tới 9.000 cuộc họp và là nơi đóng đô của rất nhiều tổ chức quốc tế khác nữa. Vì vậy, với một phái đoàn ngoại giao cỡ nhỏ như của ta, Đại sứ và tập thể cán bộ, nhân viên phải biết lựa chọn chính xác các ưu tiên để chỉ đạo được hoạt động và thực hiện nhiệm vụ một cách hiệu quả nhất. 

Đại sứ Ngô Quang Xuân đón Tổng giám đốc WTO Pasca Lamy sang Việt Nam dự Hội nghị cấp cao APEC lần thứ 18  (tháng 11/2006)
Đại sứ Ngô Quang Xuân đón Tổng giám đốc WTO Pasca Lamy sang Việt Nam dự Hội nghị cấp cao APEC lần thứ 18 (tháng 11/2006)

Trong đàm phán gia nhập WTO cũng vậy, ưu tiên cao nhất của tôi là huy động lực lượng bám sát, đánh giá diễn đàn thương mại, diễn biến quá trình đàm phán của ta, đặc điểm sự quan tâm và lợi ích thực sự của các nước để có thể đề xuất từng bước đi và chủ trương, chiến lược và chiến thuật đàm phán về Thủ đô. Đây là công việc khó nhất, không chỉ dựa vào những hiện tượng nhãn tiền, mà phải biết tổng hợp mọi yếu tố, từ kiến thức hiểu biết, bề dày kinh nghiệm, cập nhật mọi động thái hàng ngày...

Trong tập thể cán bộ, nhân viên khá trình độ và nhiệt thành của Phái đoàn ta ở Geneva, tôi may mắn có được hai trụ cột luôn sát cánh, đồng tâm hiệp lực, đó là Tham tán Công sứ, Tiến sĩ Phạm Quốc Trụ (nay là Đại sứ Đặc mệnh Toàn quyền của Việt Nam tại Algeria) và Tham tán Đặng Ngọc Minh (từ Bộ Tài chính, nay là Phó tổng cục trưởng Tổng cục Thuế). Họ là những nhà đàm phán có kiến thức sâu rộng và dày dạn kinh nghiệm, giao lưu, kết bạn rộng rãi và tích cực hỗ trợ tôi trong tập hợp lực lượng để phát huy các hoạt động tại mọi diễn đàn, cả Liên hợp quốc, các tổ chức quốc tế và đặc biệt là tại WTO. 

Thời bấy giờ, khi chúng ta kết thúc giai đoạn đàm phán đa phương nhằm “minh bạch hóa chính sách” và bắt đầu bước vào tăng tốc đàm phán song phương, Đoàn đàm phán Chính phủ ta lúc đông nhất có tới 87 thành viên. Nghĩa là, ngoài công việc của một cơ quan đại diện ngoại giao, vào dịp diễn ra các phiên đàm phán đa phương, chúng tôi còn phải đón đưa, thu xếp lịch trình đàm phán và hậu cần cho cả đoàn. 

Về cách thức đàm phán, nhiều vị trong đoàn đàm phán cho rằng, chỉ cần tập trung vào các đối tác lớn như Hoa Kỳ, EU, Trung Quốc…, các đối tác khác sẽ dễ bề đi theo. Nhưng ngay từ đầu, tôi và anh em Phái đoàn kiên trì đề xuất và chủ trương “đàm phán cuốn chiếu”, nghĩa là chúng ta linh hoạt đàm phán với tất cả các đối tác cả to lẫn nhỏ. Mũi nào có khả năng “đánh nhanh thắng nhanh”, ta sẽ tranh thủ kết thúc sớm để gây thanh thế và tạo sức ép lên các đối tác tiếp theo.

Cũng từ đây, vai trò chủ động lobby (vận động hành lang) và khi cần Đại sứ thay mặt Nhà nước đàm phán trực tiếp tại chỗ với các đối tác được đẩy mạnh và gặt hái được những kết quả hết sức quan trọng. Nhưng công sức và thời gian cũng phải bỏ ra nhiều, tôi bị cuốn hút vào dòng chảy ngày đêm không ngưng nghỉ của những đề xuất chủ trương và tổ chức thực thi nhiều nhiệm vụ. Đây cũng đúng là buôn có bạn, bán có phường. Đồng nghiệp và bạn bè đã bên cạnh, luôn sẵn lòng hợp tác, hỗ trợ, nhiều khi có kết quả ngay, nhưng có khi cũng phải kiên trì đồng hành vì cũng phải kéo dài lê thê.

Chiến dịch tìm Chủ tịch WP

Nói về quá trình đàm phán, tôi không thể không nói đến một nhân vật đặc biệt quan trọng, đó là Chủ tịch Ban công tác (WP-Working Party) về đàm phán của Việt Nam vào WTO, với vai trò như một điều phối viên cho các phiên đàm phán đa phương, cầu nối giữa Việt Nam với Ban thư ký WTO và mọi thành viên của tổ chức này đang đàm phán với ta.

Vị Chủ tịch WP đầu tiên (1998-2004) là Ngài Seung Ho, Đại sứ Hàn Quốc tại WTO, người rất cảm tình với Việt Nam. Nhưng lúc tôi sang nhận nhiệm sở, ông đã hết nhiệm kỳ và trở về Hàn Quốc được gần 2 năm, nên mỗi lần WP của ta họp, ta lại phải chờ ông bay đi, bay về. Nhận thấy vai trò tối quan trọng của Chủ tịch WP, nhất là việc đã là Chủ tịch phụ trách đàm phán của ta thì dứt khoát  phải có mặt thường trực tại chỗ để chúng tôi có thể phối hợp hàng ngày, tôi cùng Tham tán Đặng Ngọc Minh bắt đầu “chiến dịch” tìm người thay thế Đại sứ Seung Ho.

Tưởng đây là việc đương nhiên và không quá khó, thế mà tôi đã mất hơn nửa năm trời cho công việc này. Phần vì Đại sứ Seung Ho muốn tiếp tục nên có thể đã vận động Chính phủ nước ông ủng hộ ông kéo dài. Phần vì phía ta, kể cả lãnh đạo cấp cao, e là sẽ ảnh hưởng đến quan hệ song phương, nên có lúc chần chừ, có người còn phê bình tôi (!)

Trong khi tôi cất công thăm dò, tìm cách tiếp cận một số ứng viên, cái duyên đã đưa tôi gặp được ngài Eirik Glenne, Đại sứ Na Uy tại WTO. Được nhiều đại sứ các nước là bạn bè thân thiết giới thiệu và sau khi gặp ông, tôi nhận ra, Đại sứ Eirik Glenne là một người am hiểu sâu sắc tiến trình vòng Doha và các cuộc đàm phán thương mại đang diễn ra tại WTO. Hơn nữa, ông có uy tín và quan hệ rộng rãi trong cộng đồng các đại sứ tại WTO, nên chắc chắn nếu ông nhận lời làm Chủ tịch WP về đàm phán gia nhập WTO của Việt Nam, ông sẽ hỗ trợ tích cực và thúc đẩy được tiến độ quá trình đàm phán của ta với các đối tác.

Một mặt, tôi vận động ông, mặt khác cập nhật báo cáo liên tục để “nhà” đồng ý nhanh kẻo lỡ thời cơ nếu ông nhận việc khác. Thật may là, khi nhận được báo cáo của Đại sứ Eirik Glenne xin ý kiến, Chính phủ Na Uy đã xem xét rất thuận lợi và đồng ý khá sớm, cùng vào thời điểm tôi nhận được sự chấp thuận từ Thủ đô việc ông làm Chủ tịch WP. Sau đó hơn 2 năm, tại phiên đàm phán đa phương cuối cùng của Ban công tác về gia nhập WTO của Việt Nam ngày 26/10/2006, chính Chủ tịch Eirik Glenne - lúc đó cũng là Chủ tịch Đại hội đồng Tổ chức Thương mại Thế giới WTO - đã gõ búa tuyên bố với toàn thế giới rằng, Việt Nam đã hoàn tất cuộc đàm phán gia nhập sân chơi thương mại lớn nhất toàn cầu này.

Người anh em Cuba và vị Đại sứ Uruguay thiện chí

Trong đàm phán song phương với các nước, có thể nói Cuba là đối tác tích cực nhất ủng hộ Việt Nam, bằng cách là nền kinh tế đầu tiên ký kết kết thúc đàm phán với Việt Nam. Cuộc đàm phán Cuba dành cho ta hữu nghị như anh em trong nhà, nhưng hết sức nghiêm túc. Bạn có một số mặt hàng chiến lược như dụng cụ y tế, xì gà, rượu Rum... và kiên trì giải thích để ta phải đáp ứng yêu cầu của bạn.

Có lúc, một số thành viên đoàn đàm phán ta nêu ý kiến, do quan hệ đặc biệt giữa hai nước, nên nếu có vấn đề gì khó, hai nước sẽ giải quyết riêng với nhau. Bạn đã giải thích rất rõ, Việt Nam và Cuba thỏa thuận mức thuế quan với các mặt hàng Cuba quan tâm như thế nào, thì kết quả đàm phán sẽ được áp dụng cho tất cả các nước thành viên WTO khác theo nguyên tắc “tối huệ quốc”, vì vậy hai nước phải cùng bảo vệ lợi ích của nhau một cách tốt nhất, nhưng phải phù hợp với quy định của WTO.

Tháng 7/2004, tại Geneva, tôi và Đại sứ Cuba đã ký Bản thỏa thuận về kết thúc đàm phán song phương giữa hai nước về Việt Nam gia nhập WTO. Vượt trên nhiều góc độ đánh giá khác nhau, việc chính thức kết thúc đàm phán song phương đầu tiên này, như anh em chúng tôi hứng khởi nói với nhau vào thời khắc đó, là “phát súng” mở đường, là tín hiệu báo giai đoạn đi vào kết thúc cuộc đàm phán gian nan của chúng ta bắt đầu!

Ngày 27/8/2004, tôi và Đại sứ Alejandro Jara Puga của Chile ký kết Biên bản thỏa thuận tuyên bố Việt Nam và Chile kết thúc đàm phán song phương về Việt Nam đàm phán gia nhập WTO.

Ngày 6/10/2004, Việt Nam và EU - một trong đối tác đàm phán lớn nhất - tuyên bố kết thúc đàm phán song phương về Việt Nam gia nhập WTO.

Việc Cuba, Chile và EU kết thúc đàm phán với ta thực sự tạo thành cú hích và tạo thế cho ta trong đàm phán song phương với 24 đối tác còn lại, trong đó có những nền kinh tế rất nhỏ và những nền kinh tế đại lớn. Tôi sớm nhận ra, dường như hầu hết họ đã liên kết với nhau, ngầm phân công nhau gây áp lực trong các cuộc đàm phán với Việt Nam, nhằm bảo đảm đạt tối ưu các lợi ích của mình. Thậm chí, cũng có những “nhóm lợi ích” ràng buộc nhau, thực ra lệ thuộc nhau, khi nền kinh tế “đầu đàn” nhóm đó “chưa bật đèn xanh”, thì các nền kinh tế khác cùng trong nhóm chưa được kết thúc đàm phán với Việt Nam!

Những đánh giá đó tôi thường xuyên cập nhật trong các báo cáo “về nhà”. Biết là không dễ, nhưng được khích lệ bởi những thắng lợi dù nhỏ trong quá trình đàm phán, tôi và đồng đội vẫn kiên trì tiếp tục tiến lên.

Còn nhớ, tôi đón năm mới 2005 ở Geneva với nhiều chia sẻ thú vị trong đàm phán song phương với Đại sứ Guillermo Valles của Uruguay. Đây là nền kinh tế thành viên không lớn tại WTO, nhưng nổi tiếng với vòng đàm phán thương mại Uruguay kéo dài đến 8 năm (1986-1994), trước khi GATT (Hiệp định chung về Thương mại và Thuế quan) trở thành Tổ chức WTO. Đại sứ Valles là một nhà đàm phán nổi bật trên sân chơi thương mại toàn cầu, nên chúng tôi hiểu rằng, cuộc đàm phán Việt Nam - Uruguay gây chú ý lớn tới cộng đồng thành viên WTO.

Đại sứ Valles là người có thiện cảm với Việt Nam, nhưng khá đòi hỏi và kiên trì giữ vững các yêu cầu trong đàm phán. Tuy nhiên, tôi thấy những điểm ghi được hay nhượng bộ trong các phiên họp hai bên đều sòng phẳng dễ chịu. Khi ông xuất hiện tại phiên cuối cùng trước mặt tôi, ông rút tờ giấy từ túi ngực áo veston đưa cho tôi, trên đó là mã số của 6 dòng thuế được viết bằng tay. Ông vừa nói vừa cười rất tươi với tôi rằng, đây là những đòi hỏi cuối cùng của Uruguay, nếu Việt Nam đáp ứng được, hai bên sẽ tuyên bố kết thúc đàm phán luôn.

Nhận được báo cáo của nhóm chuyên viên đoàn ta là vừa rà soát kỹ 6 dòng thuế đó, ta có thể chấp nhận được, lòng mừng vui khôn xiết, tôi bắt chặt tay Đại sứ Valles, cám ơn ông đã tích cực ưu tiên giành nhiều thời gian đàm phán với tôi mới có được kết quả của hôm nay. Được Thủ đô hai nước ủy quyền, ngày 14/4/2005, tại Phái đoàn ta ở Geneva, tôi và Đại sứ Uruguay Guillermo Valles đã ký Hiệp định Kết thúc đàm phán song phương giữa hai nước về việc Việt Nam đàm phán gia nhập WTO.

Tháo dần những nút thắt

Hoạt động tại Trụ sở WTO những tháng đầu năm 2005 trở nên sôi động, với hy vọng vòng đàm phán Doha (được phát động từ tháng 11/2001 tại Thủ đô Doha của Qatar) có thể đi đến kết thúc tại Hội nghị Bộ trưởng WTO lần thứ 6 vào cuối năm - tháng 12/2005 tại Hong Kong. Bối cảnh này tác động tích cực đến cuộc đàm phán của ta không những ở Geneva, mà ở Thủ đô các nước khi Đoàn đàm phán của Chính phủ ta chia ra các mũi nhọn đi vận động lobby và đàm phán trực tiếp với các đối tác. Chúng ta nhận được nhiều đáp ứng khá thuận lợi từ Ban thư ký WTO và các nước đang đàm phán song phương với ta.

Tôi và nhà đàm phán từ Ủy ban Kinh tế Quốc Hội Nguyễn Văn Phúc (sau này là Phó chủ nhiệm Ủy ban này), một thành viên tích cực của Đoàn đàm phán Chính phủ, sau khi đã cân nhắc và bàn kỹ, đã cùng đề nghị và thúc đẩy chuẩn bị, tổ chức đoàn Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Văn An sang thăm Trụ sở và làm việc với WTO vào ngày 25/3/2005. Vào thời điểm đó, mối quan tâm số một của các đối tác tập trung vào chương trình làm luật của ta, vì chỉ có một hệ thống pháp luật hoàn chỉnh thì các thành vien WTO mới tin là Việt Nam mong muốn “chơi” thật. Chuyến thăm WTO của người đứng đầu ngành lập pháp nước ta đã làm yên lòng các nhà đàm phán quốc tế, cho họ thấy rõ cam kết chính trị rất cao của Việt Nam trong đàm phán gia nhập sân chơi thương mại toàn cầu.

Nửa cuối năm 2005 và đầu năm 2006, chúng ta đẩy mạnh đàm phán trên các “mặt trận”, nhằm đi đến kết thúc đàm phán đa phương và song phương với các nền kinh tế. Tại Geneva, ngoài những đối tác trên, tôi cũng đã lần lượt ký kết các hiệp định song phương với các thành viên WTO về việc Việt Nam gia nhập WTO như Colombia (20/7/2005), Thổ Nhĩ Kỳ (5/9/2005), Paraguay (27/9/2005), El Salvador (15/11/2005), Brazil (23/11/2005), Honduras và Cộng hòa Dominic (29/3/2006)…; ký Bản thỏa thuận về kết thúc đàm phán với Iceland (9/8/2005)…

Sang đầu năm 2006, hai đoàn đàm phán của Việt Nam và Hoa Kỳ đạt được những thỏa thuận quan trọng về cả thuế quan và dịch vụ, thương mại hàng hóa. Từ Geneva, tôi luôn nhấn mạnh việc Việt Nam đăng cai năm APEC, đặc biệt là trước dịp Hội nghị cấp cao vào tháng 11/2006 của 21 nền kinh tế họp tại Hà Nội, nơi những nguyên thủ các thành viên APEC có mặt, sẽ là cơ hội lớn cho chúng ta kết thúc đàm phán vào WTO với mọi đối tác, nhất là với các đối tác lớn còn lại như Hoa Kỳ và Trung Quốc.

Có những nền kinh tế thành viên WTO không lớn như Honduras và Cộng hòa Dominic, chưa có quan hệ ngoại giao, còn quan hệ kinh tế thương mại với ta hầu như chưa có gì, vậy mà hai nước đã lập chung một đoàn đàm phán, lúc nào cũng căng thẳng, đưa ra nhiều yêu cầu rất cao, chúng tôi cố gắng nghiên cứu mãi sau này rồi cũng hiểu dần ra... Có lúc Đại sứ Honduras nói căng với tôi rằng, ngài ấy luôn có vạch đỏ trên bàn đàm phán, tôi nói tôi cũng có vạch đỏ chứ, nhưng cả hai chúng ta hãy cùng cố gắng nhích dần lên đến điểm gặp nhau sau gạch đỏ, thì mới kết thúc đàm phán được.

Thậm chí, đến đầu tháng 3/2006, Đặc phái viên Thủ tướng ta đến thăm Honduras và Cộng hòa Dominic, đàm phán ký kết được thiết lập quan hệ ngoại giao rồi mà hai nước này vẫn không quyết định kết thúc đàm phán song phương với ta để ta vào WTO. Lúc đó, có người cho ta biết riêng là họ thực sự bị vướng (!). Chỉ sau khi ta đã có được những tiến bộ thực chất trong đàm phán với Hoa Kỳ, thì những nút thắt đàm phán với những nước như Honduras, Cộng hòa Dominic, Mexico, Canada, New Zealand, Australia cũng được cởi ra dần dần. Ngày 31/5/2006, tại Dinh Thống nhất TP.HCM, ta ký Hiệp định Kết thúc đàm phán song phương với Hoa Kỳ, đối tác cuối cùng của quá trình 11 năm đàm phán vào WTO!

Trong vòng tay bè bạn

Trong vòng hơn một thập niên, liên tiếp cả ba đời Tổng giám đốc WTO đều tích cực ủng hộ và có nhiều đóng góp cho quá trình đàm phán của Việt Nam vào WTO. Tổng giám đốc WTO đầu tiên Mike Moore (người New Zealand), nhậm chức ngày 1/1/1995, cũng là ngày nộp đơn xin gia nhập WTO của Việt Nam và ông là người quyết định thành lập Ban công tác về đàm phán gia nhập của ta. Tổng giám đốc Suphachai Panitchpakdi (Thái Lan) đã nồng nhiệt đón tiếp và làm việc với đoàn Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Văn An để bàn về những biện pháp thúc đẩy mạnh mẽ hơn quá trình đàm phán gia nhập của Việt Nam.

Và Tổng giám đốc Pascal Lamy, người luôn theo sát từng diễn biến cuộc đàm phán của ta. Chính ông là người đã “chia lửa” vào “phút 89” với Đoàn đàm phán Việt Nam, khi quyết định trực tiếp điện đàm với một đối tác để họ đồng ý với thỏa thuận chung cuối cùng (về vận tải biển) trong gói đàm phán của các đối tác với Việt Nam. Nhờ đó, phiên đa phương vào một thứ Sáu ngày 13 (tháng 10/2006) đã đi đến kết thúc toàn bộ quá trình đàm phán gia nhập WTO của Việt Nam.

Trong Ban thư ký WTO, chúng ta còn có rất nhiều bạn bè, đó là Giám đốc Vụ Gia nhập (Accession Division) Arif Hussein, một người Ấn Độ yêu mến Việt Nam, kính trọng và yêu quý Chủ tịch Hồ Chí Minh. Đó là ông Cato và cô Emmanuelle, những chuyên gia xuất sắc của WTO đã luôn làm việc không kể thời gian để hỗ trợ chúng tôi trong cả quá trình đàm phán… Họ là đông đảo bà con Việt kiều luôn ủng hộ, giúp tăng thêm trí tuệ và bản lĩnh cho chúng tôi trong đàm phán; là người bạn, “bà đỡ” cho đàm phán Việt Nam - Hoa Kỳ Virginia Foote (nay là Giám đốc Phòng Thương mại Hoa Kỳ tại Hà Nội); là những người bạn từ nhiều thành viên WTO đã luôn nhiệt tình đón tiếp tôi và các nhà đàm phán Việt Nam tới các thủ đô...

Sau 10 năm làm thành viên WTO, kinh tế thương mại nước ta đã tiến thêm được những bước dài, đưa nước ta hội nhập ngày càng sâu và rộng vào khu vực và thế giới. Tuy nhiên, trong một khu vực, trong một thế giới còn nhiều diễn biến khó lường, chúng ta còn nhiều việc phải làm, nhiều khó khăn, chướng ngại phải vượt qua. Những kết quả đạt được trong giai đoạn hậu WTO sẽ là cơ sở vững chắc cho nền kinh tế nước ta có thể tiếp tục phát triển bền vững hơn. Đó cũng là khát vọng luôn cháy bỏng của chúng tôi, những nhà đàm phán đã góp phần đưa đất nước ta trở thành thành viên của sân chơi thương mại toàn cầu WTO.

10 năm gia nhập WTO và câu hỏi còn lại
Sau 10 năm gia nhập Tổ chức Thương mại thế giới (WTO), kinh tế Việt Nam vẫn còn nhiều câu hỏi chưa tìm được lời giải.
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư