Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Bảy, Ngày 20 tháng 04 năm 2024,
X6 hay cuộc đời hoàn hảo của một điệp viên
Lê Tân - 05/09/2013 20:39
 
 “Trong suốt hai năm làm việc với ông Ẩn để thực hiện cuốn sách này, tôi luôn được ông ấy nói rằng ông ấy là một điệp viên may mắn. Tuy nhiên, với tôi được viết về ông Ẩn là may mắn của bản thân tôi” - Giáo sư Larry Berman chia sẻ. Có lẽ, chính cách ông sống, đấu tranh và suy nghĩ của Phạm Xuân Ẩn đã hàm chứa những giá trị của sự hoàn hảo như cuốn sách mang tên ông “X6 - Điệp viên hoàn hảo”.  
TIN LIÊN QUAN

Cuộc hội ngộ của các điệp viên kỳ cựu

Khán phòng của khách sạn Continenltal Saigon (134 – 132 Đồng Khởi, q1, TP.HCM) chật ních khán giả là những nhà báo, các viên chức của lãnh sự quán Mỹ tại TP.HCM, sở Thông tin - Truyền thông TP.HCM và đông đảo những người trẻ yêu mến tướng Phạm Xuân Ẩn đã lặng người khi nghe bức thư của bà Thu Nhàn, phu nhân của tướng Ẩn gửi cho ông Larry Berman, Giáo sư, nhà nghiên cứu lịch sử, tác giả cuốn sách viết về chồng bà.

Trong thư, có một ý nói rằng, ông Larry Berman đã giữ đúng lời hứa với ông Ẩn là giữ bí mật những điều có thể gây ảnh hưởng xấu cho đồng đội và những người bạn của ông Ẩn.

Và rằng, “ông Ẩn đang rất hạnh phúc” khi biết được điều đó.

Cuộc gặp còn chứng kiến những hình ảnh xúc động khác khi những đồng đội, chỉ huy của ông Ẩn trong cụm tình báo H63 đã có mặt gần như đông đủ.

Đó là những cái tên như: Mười Hương, Mười Nho (Đại tá Nguyễn Xuân Mạnh, trưởng phòng điệp báo), Tư Cang (Đại tá Nguyễn Văn Tàu, cụm trưởng cụm tình báo H63) và bà Mỹ Nhung, giao liên cụm tình báo H63…

Tất cả họ đều đã bạc tóc. Phần lớn họ không còn đủ khỏe khắn để phát biểu cho rành rọt câu chữ, nhưng họ vẫn đến để dự, để tưởng nhớ về người đồng đội đầy tài ba của mình.

“Chúng tôi biết rằng, làm nghề tình báo sẵn sàng hy sinh bất kì lúc nào. Tuy nhiên, lúc bấy giờ chúng tôi hoàn toàn lạc quan vào sự nghiệp lâu dài và không hề buồn bã. Bao nhiêu lần tôi và Hai Trung cùng con chó của anh ấy chạy xe lòng vòng Sài Gòn để chuyển tin. Chúng tôi hiểu rằng, nếu bị phát hiện thì chỉ có một con đường là chết”, ông Tư Cang thuật lại.

Một người yêu nước đích thực

Giáo sư Larry Berman nói với đông đảo các phóng viên rằng: “Trong suốt hai năm làm việc với ông Ẩn để thực hiện cuốn sách này, tôi luôn được ông ấy nói rằng ông ấy là một điệp viên may mắn. Tuy nhiên, với tôi được viết về ông Ẩn là may mắn của bản thân tôi”.

Với tài năng thu phục nhân tâm và khả năng khai thác thông tin xuất chúng, Phạm Xuân Ẩn đã khám phá ra những kế hoạch vô cùng quan trọng ở cấp cao nhất của quân đội, tình báo Mỹ và chính quyền Việt Nam Cộng hòa.

Tôi từng được báo cáo lại, sau khi đọc các tài liệu mật của Ẩn gửi về, Bác Hồ và Đại tướng Võ Nguyên Giáp cùng các tướng lĩnh đã xúc động thốt lên: 'Đọc báo cáo của Hai Trung (bí danh của Phạm Xuân Ẩn) mà có cảm tưởng như đang ở ngay trong đầu não chỉ huy tác chiến của Mỹ'"

(Ông Mười Hương - tức Trần Quốc Hương, nguyên Bí thư BCH Trung ương Đảng, Chỉ huy Mạng lưới tình báo chiến lược, Trưởng ban Nội chính Trung ương)

Larry Berman nói rằng, không chỉ mến mộ tài năng và tính cách của ông Ẩn, điều mà ông tâm niệm là muốn cho người đọc của Việt Nam cũng như công chúng Mỹ hiểu ra một điều, Tướng Ẩn chỉ làm đúng những điều mình nghĩ.

Tướng Ẩn là một người yêu nước đích thực và ông không muốn người Mỹ định đoạt tương lai của dân tộc mình. Tuy nhiên, ông không ghét người Mỹ, trái lại ông mong muốn sau chiến tranh, hai dân tộc sẽ hòa giải và xích lại gần nhau.

“Khi tôi xuất bản cuốn sách về ông Ẩn năm 2007, tôi đã gặp rất nhiều sự phản đối của giới chính khách Mỹ, các cựu binh. Thậm chí, sự phản đối còn đến từ những người Việt đang sống tại Mỹ. Tuy nhiên, cho đến nay, tình hình đã cải thiện rất nhiều. Mọi người đã hiểu ông Ẩn hơn, hiểu bản chất của cuộc chiến tranh Việt Nam hơn”, Larry Berman chia sẻ.

Cuộc trò chuyện kéo dài với tâm sự của một thế hệ những điệp viên kỳ cựu của Việt Nam, những con người không tiếc xương máu cho cuộc giải phóng dân tộc.

Và trong sâu thẳm họ, được ngồi lại hôm nay để tưởng nhớ người đồng đội tài năng và trọng tình của họ, hơn hết, chính những người này là những người muốn thúc đẩy mối quan hệ tốt đẹp của hai dân tộc Việt Nam và Hoa Kỳ trong giai đoạn mới.

Nói như nhà sử học Dương Trung Quốc: Khi Mỹ bình thường hóa quan hệ với Việt Nam thì phần đông các cựu binh Mỹ là những người đầu tiên đến đây. Họ muốn đến để hàn gắn viết thương mà mình đã gây ra trong một cuộc chiến đáng tiếc giữa hai dân tộc.

Có lẽ, đó cũng là ước mong sâu thẳm của điệp viên Phạm Xuân Ẩn. Chính ở cách ông sống, đấu tranh và suy nghĩ đã hàm chứa những giá trị, sắc thái của sự hoàn hảo như cuốn sách mang tên ông “X6 - Điệp viên hoàn hảo”.

* Cuộc đời ly kỳ của nhà tình báo chiến lược Phạm Xuân Ẩn trong vỏ bọc nhà báo của các cơ quan Time, Reuters, New York Herald Tribune... đã được chính ông kể lại cho nhà sử học người Mỹ Larry Berman ghi âm, chấp bút thành quyển sách Perfect spy: the incredible double life of Pham Xuan An, Time magazine reporter and Vietnamese communist agent (bản tiếng Việt: "Điệp viên hoàn hảo - cuộc đời hai mặt không thể tin được của Phạm Xuân Ẩn, phóng viên tạp chí Time & điệp viên cộng sản Việt Nam", đã được NXB Thông Tấn phát hành vào tháng 10-2007).

* Larry Berman hiện đang là Giáo sư Danh dự tại trường Đại học California, Trưởng khoa Đào tạo nhân tài ưu tú - Trường Đại học Quốc gia Georgia (Mỹ).

* Bản in lần này công bố những điều chưa được tiết lộ khi Phạm Xuân Ẩn còn sống. Bản quyền được First News đàm phán với Nhà xuất bản Harper, một chi nhánh thuộc HarperCollins. Bản tiếng Việt được Giáo sư Larry Berman hậu thuẫn để xuất bản trước phiên bản tiếng Anh, sẽ công bố tại Mỹ và các nước châu Âu vào tháng sau.

* Giáo sư Larry Berman cũng công bố, sẽ chuyển giao bản quyền dựng phim và các hình thức khác cho First News, để trong tương lai gần, sẽ tiến hành làm một bộ phim về cuộc đời của tướng Phạm Xuân Ẩn, dựa trên nguyên tác cuốn sách. Kinh phí dự kiến chưa được tiết lộ, nhưng được dự đoán là rất lớn.

Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư