Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Sáu, Ngày 19 tháng 04 năm 2024,
Xây dựng Đặc khu: Phải hút được "nhà đầu tư hạng nhất", "công dân hạng nhất"
Nguyên Đức - 22/09/2017 08:05
 
Phải thu hút được những nhà đầu tư hạng nhất, những công dân hạng nhất vào để phát triển các đơn vị hành chính - kinh tế đặc biệt (đặc khu). Nhưng làm sao để làm được điều đó?

Tại hội thảo mới đây về mô hình tổ chức chính quyền địa phương tại các đặc khu, do Bộ Kế hoạch và Đầu tư tổ chức, TS. Trần Đình Thiên, Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam đã gây ấn tượng với bình luận rằng, phải tạo thể chế, chính sách vượt trội để thu hút được “những nguồn lực cao nhất của thế giới, những nhà đầu tư hạng nhất, những công dân hạng nhất” vào phát triển đặc khu. Và rằng, đã nói là đặc khu thì phải có chính sách đặc biệt. Điều này đã ngay lập tức nhận được sự đồng thuận của dư luận.

Câu chuyện đặt ra là, các thể chế, chính sách này phải đặc biệt đến đâu? Và liệu những thể chế, chính sách được thiết kế trong Dự thảo Luật Đơn vị hành chính - kinh tế đặc biệt đã đủ để tạo nền tảng cho việc hình thành và phát triển các đặc khu ở Việt Nam.

Với mục đích đưa Vân Đồn thành đặc khu kinh tế, cảng hàng không quốc tế tại đây đang được gấp rút xây dựng. Ảnh: Thanh Hà
Với mục đích đưa Vân Đồn thành đặc khu kinh tế, cảng hàng không quốc tế tại đây đang được gấp rút xây dựng. Ảnh: Thanh Hà

Thể chế vượt trội để thu hút nhà đầu tư hạng nhất

Không nằm ngoài dự đoán, việc thiết lập tổ chức chính quyền địa phương ở các đặc khu như thế nào chính là vấn đề được dư luận quan tâm nhiều nhất. Bởi thế, tại hội thảo về mô hình tổ chức chính quyền các đặc khu, đông đảo các chuyên gia kinh tế đã thảo luận sôi nổi, và điều quan trọng là, có rất nhiều quan điểm trái chiều.

Thực tế, đây là điều Ban soạn thảo Dự luật đã dự báo trước. Bởi lẽ, như Báo Đầu tư đã thông tin, Dự thảo Luật đã đề xuất mô hình chính quyền đặc khu theo hướng không tổ chức HĐND và UBND, mà chỉ có một thiết chế được gọi là Trưởng đơn vị hành chính - kinh tế đặc biệt. Đây là điều chưa có tiền lệ và là một sự vượt trội về thể chế.

Các chính sách kinh tế - xã hội trong Dự thảo Luật được thiết kế vượt trội để đảm bảo thu hút các nhà đầu tư hàng đầu vào ba đặc khu Vân Đồn, Bắc Vân Phong và Phú Quốc.

Mặc dù vậy, không ít quan điểm cho rằng, xây dựng mô hình chính quyền đặc khu phải tuân thủ Hiến pháp và Luật Tổ chức chính quyền địa phương, không thể không có HĐND. Thêm nữa, đặc khu phải trực thuộc Trung ương, chứ không thể chỉ trực thuộc tỉnh.

Tuy nhiên, TS. Nguyễn Bá Ân, nguyên Phó viện trưởng Viện Chính sách phát triển (Bộ Kế hoạch và Đầu tư) cho rằng, phải có đột phá về mô hình chính quyền đặc khu, bởi muốn xây dựng đặc khu thì thể chế hành chính là rất quan trọng. “Dù có nhiều ưu đãi, nhưng thể chế, môi trường đầu tư kinh doanh không thuận lợi thì cũng không thể thu hút đầu tư”, ông Ân nói và bày tỏ sự ủng hộ đối với mô hình chính quyền đặc khu được đề xuất trong Dự thảo Luật.

“Nếu cứ đem Luật Tổ chức chính quyền địa phương ra để soi thì không được. Tuân thủ theo luật này thì không thể thành công được. Tôi cũng đồng ý trao nhiều quyền cho Trưởng đơn vị hành chính - kinh tế đặc biệt”, ông Ân nói.

Trong khi đó, một cách thẳng thắn, TS. Trần Đình Thiên nói về những “trói buộc kinh khủng” của mô hình hành chính chịu trách nhiệm tập thể hiện nay và cho rằng, không nên cứ “rà lại những cái cũ” để tìm ra cái gì “mới hơn một tý”, “cơi nới một tý”, mà phải có một mô hình đặc biệt để tạo sự đột phá cho các đặc khu.

Không chỉ cho rằng các đề xuất trong Dự thảo Luật về mô hình chính quyền địa phương đặc khu là tích cực, TS. Trần Đình Thiên cũng đồng tình việc trao quyền cho Trưởng đơn vị hành chính - kinh tế đặc biệt, và cho rằng, đây chính là điều quan trọng nhất.

“Đã gọi là đặc khu thì có nghĩa là phải đặc biệt. Chỉ cần không vi phạm Hiến pháp, còn lại chúng ta phải tạo dựng thể chế, chính sách đặc biệt cho đặc khu phát triển, để làm sao thu hút những nguồn lực cao nhất của thế giới, những nhà đầu tư hạng nhất, những công dân hạng nhất”, ông Thiên nói. 

Ông Thiên thậm chí đã nhắc đến ví dụ của Thẩm Quyến, Tiền Hải (Tiền Hải còn trực thuộc cả Thẩm Quyến - Trung Quốc) nhưng vẫn phát triển rất mạnh, bởi quyền lực của người đứng đầu các đơn vị này rất lớn, thậm chí lãnh đạo tỉnh Quảng Châu cũng không có…

“Mô hình đặc khu đã bàn 15 năm nay, song giờ vẫn chưa có, đó là vì những ràng buộc về thể chế. Chúng ta lo nhiều quá. Phải nghĩ rằng lập đặc khu để làm gì, để trở thành cực tăng trưởng của nền kinh tế, lại trong bối cảnh nhiều quốc gia đã thành lập các đặc khu từ lâu, thì phải có thể chế, chính sách vượt trội, cạnh tranh quốc tế. Phải có hình mẫu thể chế vượt thẳng lên”, ông Thiên nói.

Vượt trội trong cả các chính sách kinh tế - xã hội

Trao đổi với báo giới, ông Trần Duy Đông, Vụ trưởng Vụ Quản lý các khu kinh tế (Bộ Kế hoạch và Đầu tư), thành viên Ban soạn thảo Luật Đơn vị hành chính - kinh tế đặc biệt không hề giấu giếm tham vọng rằng, cùng với việc có mô hình tổ chức hành chính đột phá, các chính sách kinh tế - xã hội trong Dự thảo Luật cũng được thiết kế vượt trội so với nhiều đặc khu kinh tế trong khu vực để đảm bảo đủ sức cạnh tranh và thu hút các nhà đầu tư hàng đầu vào ba đặc khu Vân Đồn, Bắc Vân Phong và Phú Quốc.

“Khi xây dựng các chính sách kinh tế - xã hội, mọi người hay đề cấp các ưu đãi trước tiên, nhưng trong quan điểm của chúng tôi, quan trọng nhất là tạo dựng môi trường đầu tư, kinh doanh thuận lợi”, ông Đông nói.

Thuận lợi là khi, theo ông Đông, Dự thảo Luật đã đề xuất việc mở cửa thị trường tại các đặc khu. Các ngành nghề kinh doanh có điều kiện sẽ được cắt giảm tối đa, chỉ giữ lại một số ngành nghề nhất định vì lý do quốc phòng, an ninh. Không thực hiện thủ tục quyết định chủ trương đầu tư với dự án đầu tư thuộc thẩm quyền quyết định chủ trương đầu tư của Thủ tướng Chính phủ và UBND tỉnh. Cũng không thực hiện thủ tục cấp giấy chứng nhận đăng ký đầu tư với dự án đầu tư theo hình thức hợp tác công - tư và dự án đầu tư ra nước ngoài...

“Quan trọng hơn, tất cả các thủ tục được thực hiện tại trung tâm hành chính công theo cơ chế một cửa, tại chỗ và qua hệ thống mạng trực tuyến và do Trưởng đơn vị ban hành”, ông Đông nói và cho biết, một quy định vượt trội khác, đó là các nhà đầu tư nước ngoài - trong trường hợp có tranh chấp - có thể yêu cầu đưa ra giải quyết ở tòa án nước ngoài. Đây cũng là điều chưa từng có tiền lệ.

Cũng theo ông Đông, Dự thảo Luật đã quy định thời hạn sử dụng đất tối đa 99 năm đối với các dự án đầu tư khu hỗ trợ khởi nghiệp sáng tạo, nghiên cứu và phát triển, y tế, giáo dục, các dự án đầu tư thuộc ngành nghề ưu tiên phát triển của các đặc khu và dự án của các nhà đầu tư chiến lược. Các nhà đầu tư nước ngoài cũng được thế chấp tài sản gắn liền với đất; được nhận chuyển nhượng, chuyển nhượng, mua, cho thuê nhà ở... Ngoài ra, còn hàng loạt ưu đãi về thuế giá trị gia tăng, thuế thu nhập doanh nghiệp đối với các dự án đầu tư...

“Nếu so sánh thì chúng tôi có thể khẳng định, các chính sách này là vượt trội và cạnh tranh được so với các đặc khu trong khu vực. Tất nhiên, không so được với các đặc khu phát triển ở các thiên đường thuế như Dubai, song những cơ chế này đã đủ mạnh để thu hút đầu tư”, ông Đông nói.

Hiện nay, theo thông tin của Báo Đầu tư, các cơ chế, chính sách kinh tế - xã hội cho các đặc khu đã cơ bản nhận được sự đồng thuận của các bộ, ngành. Ngay cả Bộ Tài chính, đơn vị trước đây đã phản bác các đề xuất ưu đãi thuế của Dự thảo Luật đơn vị hành chính - kinh tế đặc biệt cũng đã đồng thuận.

“Việc liệt kê một loạt ưu đãi cho các đặc khu có thể khiến dư luận cho rằng, chúng ta đã ưu đãi quá nhiều, nhưng thực tế không phải như vậy. Hầu hết các ưu đãi này đã là quy định hiện hành, chỉ một số ngành, nghề ưu tiên phát triển của các đặc khu mới được ưu đãi cao hơn. Ví dụ ở Vân Đồn, công nghệ cao được ưu đãi 10% thuế thu nhập doanh nghiệp trong 30 năm, vì đó là ngành nghề ưu tiên, nhưng ở Bắc Vân Phong, dù đầu tư công nghệ cao nhưng cũng sẽ không được hưởng cơ chế ưu đãi này vì đó không phải là ngành nghề ưu tiên”, ông Đông lý giải.

Lo đặc quyền và giám sát quyền lực

Có một câu chuyện đã được nhắc đến rất nhiều trong thời gian gần đây khi Dự thảo Luật Đơn vị hành chính - kinh tế đặc biệt được đưa ra lấy ý kiến công luận, đó là làm sao giám sát quyền lực và tránh chuyện “lợi ích nhóm” khi quá nhiều quyền lực được trao cho Trưởng đơn vị hành chính - kinh tế đặc biệt.

Thậm chí, có chuyên gia kinh tế lo việc trao quyền sẽ khiến 3 đặc khu sẽ như ba “miếng mồi ngon” cho lợi ích nhóm. Còn PGS. Huỳnh Ngọc Giao lại lo chuyện trao quyền lớn cho Trưởng đơn vị, song cả Bắc Vân Phong, Phú Quốc và Vân Đồn đều có vị trí địa lý nhạy cảm, liên quan đến an ninh, quốc phòng, thì có thể hệ lụy sẽ rất lớn.

Trả lời về vấn đề này, ông Trần Duy Đông cho biết, Dự thảo Luật mặc dù tạo thuận lợi lớn trong tiếp cận đất đai cho nhà đầu tư trong và ngoài nước, thậm chí cho phép thời hạn sử dụng đất đối với một số trường hợp có thể lên tới 99 năm, song cũng có những điều khoản “quản chặt” vấn đề này.

Chẳng hạn, tỷ lệ sở hữu của người nước ngoài không quá 30%. Trước khi quyết định cấp, giao đất cho người nước ngoài, Trưởng đặc khu sẽ phải lấy ý kiến Bộ Quốc phòng, Bộ Công an về địa điểm, vị trí đất.

Thêm nữa, sẽ có một đề án riêng liên quan đến đảm bảo an ninh, quốc phòng ở các đặc khu được trình đồng thời với Dự thảo Luật Đơn vị hành chính - kinh tế đặc biệt và 3 đề án phát triển đặc khu của các địa phương.

Còn TS. Trần Đình Thiên đặt ngược một câu hỏi rằng, “miếng mồi ngon” ở đâu, thế nào, phải chỉ rõ ra, chứ không thể chỉ “tưởng tượng” ra rồi ngồi lo. “Phải trao quyền, trao quyền trên nền tảng công khai, minh bạch, kèm theo đó là cơ chế chịu trách nhiệm của Trưởng đơn vị, cơ chế giám sát. Phải tin vào hệ thống dân chủ, sự giám sát của dân, chứ đừng chỉ ngồi lo rồi lại không làm”, ông Thiên nói.

Liên quan đến chuyện giám sát quyền lực của Trưởng đơn vị, sau góp ý của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Ban soạn thảo đã bổ sung một mục với 5 điều khoản quy định Trưởng đơn vị chịu tới 7 sự giám sát, từ Thủ tướng Chính phủ, các bộ, ngành liên quan, UBND, HĐND tỉnh, đến Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam… và cả sự giám sát của người dân. Chưa kể, sẽ có một Hội đồng Giám sát và Tư vấn được thành lập ở đặc khu được thành lập.

Đây là những nội dung mới, được bổ sung sau phiên họp của Ủy ban Thường vụ Quốc hội mới đây. Tuy nhiên, tại hội thảo ngày 20/9, nhiều chuyên gia kinh tế lại bày tỏ quan điểm rằng, Trưởng đơn vị đang bị giám sát nhiều quá. Thêm nữa, hiệu quả của Hội đồng Giám sát và Tư vấn đến đâu thì cũng cần phải thảo luận thêm.

Trao quyền và giám sát quyền lực các Trưởng Đơn vị Hành chính - Kinh tế đặc biệt như thế nào?
Mô hình tổ chức, đặc biệt là vai trò, thẩm quyền của người đứng đầu của đơn vị hành chính - kinh tế đặc biệt (đặc khu) tiếp tục...
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư