Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Ba, Ngày 23 tháng 04 năm 2024,
Nguyễn Trường Giang, sáng lập ứng dụng gọi xe Xelo
Xelo tự tin chia sẻ thị trường với ứng dụng gọi xe ngoại
Anh Hoa - 12/09/2018 09:22
 
Vận hành ứng dụng gọi xe Xelo trên nguyên tắc cạnh tranh minh bạch, lành mạnh và hỗ trợ khách hàng tối đa, Nguyễn Trường Giang tự tin có thể chia sẻ thị trường với các ứng dụng gọi xe ngoại tại Việt Nam.

Nắm bắt cơ hội

“Nhiều người ngạc nhiên vì tôi liều lĩnh về với Xelo. Nhưng với tôi, thời gian làm việc cùng anh Nguyễn Trường Giang, “thuyền trưởng” của con tàu Xelo, đã giúp tôi tự tin để cùng Xelo thực hiện những kế hoạch dài. Trước mắt, sẽ còn rất nhiều việc phải làm, nhưng có thuyền trưởng giỏi, đồng đội tốt, sẽ chẳng lo gì sóng gió”, Nguyễn Thành, phụ trách phát triển thị trường Xelo chia sẻ.

Xelo vừa tung ra dịch vụ hỗn hợp giữa Car và Taxi, gọi là Xelo Mix, giúp khách hàng gọi xe nhanh mà không phân biệt loại xe và các hãng taxi có thể dễ dàng tham gia hệ thống.

doanh nhân Nguyễn Trường Giang, sáng lập ứng dụng gọi xe Xelo.
Doanh nhân Nguyễn Trường Giang, sáng lập ứng dụng gọi xe Xelo

Tháng 2/2018, Nguyễn Trường Giang cùng các cộng sự đưa ứng dụng Xelo vào thị trường. Sau 6 tháng triển khai, đến nay đã có 8.000 lái xe đăng ký ủng hộ Xelo và 21.000 lượt tải ứng dụng Xelo. Trong năm nay, Xelo miễn 100% chiết khấu cho lái xe và bắt đầu thu chiết khấu từ năm 2019, nhưng sẽ không vượt quá 15%. 

Hiện nay, tại Việt Nam có gần 10 loại hình dịch vụ vận tải bằng ứng dụng từ các hãng khác nhau. Điều này cho thấy sự phổ biến và giá trị kinh tế mà loại hình này đem lại.

Xelo là dự án đầy táo bạo, tâm huyết của Trường Giang và các cộng sự, phôi thai từ lợi thế của Skysoft - công ty chuyên cung cấp thiết bị định vị cho xe tải, xe khách, taxi, container, tàu thủy... và cá nhân.

Khi Uber tuyên bố rút khỏi Đông Nam Á, trong đó có Việt Nam, Nguyễn Trường Giang đã tự đặt câu hỏi về khả năng cạnh tranh nếu triển khai một ứng dụng tương tự như Uber, Grab… Sau một thời gian cân nhắc, nhận thấy cơ hội từ thị trường vẫn còn 50 (truyền thống) - 50 (công nghệ), anh quyết định xây dựng Xelo - ứng dụng vừa mang tính chất truyền thống, vừa hỗ trợ thị trường taxi công nghệ.

Lợi thế “3 trong 1”

Xelo hoạt động như một sàn giao dịch vận tải hành khách vận hành trên nguyên tắc cạnh tranh minh bạch, lành mạnh, nghĩa là, Xelo không đứng về một phía hãng xe nào.

Đối với taxi truyền thống, việc sử dụng ứng dụng Xelo giúp giảm thiểu được chi phí đầu tư khi hệ thống sẽ hỗ trợ điều khách cho xe thông qua ứng dụng trung tâm, tính tiền như đồng hồ taxi, tiến tới có thể bỏ đàm, bỏ đồng hồ taxi. Ngoài ra, Xelo cũng hỗ trợ kết nối hành khách và lái xe.

“Xelo là sự kết hợp 3 trong 1: vừa điều từ trung tâm, vừa hỗ trợ tính tiền như đồng hồ taxi, vừa hỗ trợ từ ứng dụng đến ứng dụng, từ đó tận dụng được mạng lưới khách hàng sử dụng chung rất lớn”, anh Giang nói.

Đối với taxi công nghệ, các xe sẽ tham gia vào hệ thống này tương tự như Uber, Grab, nhưng Xelo có điểm khác khi dựa trên nguyên tắc tự cân bằng. Cụ thể, Xelo cho phép lái xe tự thiết lập mức giá dựa vào chất lượng xe và mong muốn của lái xe. Trên nguyên tắc tự cân bằng, hệ thống sẽ đặt ra các tiêu chí ưu tiên về giá, chất lượng xe, lượng sao đánh giá lái xe... để tự động lựa chọn cho hành khách một xe tối ưu nhất.

Với ưu việt đó, Xelo được xem là một công cụ tự động sàng lọc, chọn xe có lợi nhất cho khách hàng. Nếu lái xe muốn tăng tính cạnh tranh, sẽ phải nâng cao chất lượng phục vụ và đưa ra mức giá phù hợp.

Xelo hỗ trợ tất cả các dịch vụ trên cùng một ứng dụng. Trong đó, có đủ các dịch vụ, từ xe máy cho tới xe ô tô 4 chỗ, 7 chỗ và sau này có thể phát triển thêm các dịch vụ xe cao cấp, xe vận tải hàng hóa…

“Nếu các ứng dụng Việt được phát triển một cách bài bản, hỗ trợ khách hàng tối đa, có chế độ tốt thì sẽ chia sẻ thị trường với các ứng dụng ngoại, tránh được câu chuyện độc quyền, thậm chí có thể thay thế sự vắng mặt của Uber”, anh Giang tự tin nhận định.

Hành trình định vị thương hiệu

Ra mắt vào thời điểm các ứng dụng gọi xe đã khá phổ biến, hạ tầng viễn thông, Internet phát triển, nên Xelo không mất quá nhiều thời gian để tiếp cận người dùng. Việc sử dụng smartphone phổ biến hiện nay cho phép Xelo tìm được khách hàng nhanh hơn dự kiến. 

Trường Giang từng học về công nghệ thông tin tại Trường đại học Tổng hợp Hà Nội (nay là Đại học Quốc gia Hà Nội). Sau khi tốt nghiệp, anh công tác tại một công ty công nghệ hàng đầu Việt Nam gần 10 năm. Đến năm 2010, cảm thấy môi trường làm việc không đủ để thực hiện các hoài bão của mình, anh quyết định rời bỏ và thành lập Công ty Skysoft.

Là “dân” công nghệ, cái khó với Nguyễn Trường Giang khi khởi nghiệp không phải là phát triển sản phẩm mà là những vấn đề về kỹ năng lãnh đạo, giao tiếp, kinh doanh... Nhưng bằng nỗ lực, thậm chí là lăn xả của bản thân, những “vùng lõm” đó phần nào đã được san bằng. Giờ đây, bài toán của Xelo là định vị thương hiệu để trở thành sự lựa chọn của đội ngũ tài xế và người tiêu dùng.

Thị trường Việt Nam đang xuất hiện thêm các ứng dụng gọi xe mới, nhưng anh Giang cho rằng, điều đó không ảnh hưởng quá nhiều đến Xelo. “Mỗi bên có chiến lược, phân khúc của mình và phải ganh đua để tạo ra trải nghiệm tốt nhất cho khách hàng”, sáng lập Xelo khẳng định.

Ứng dụng gọi xe Việt - đối thủ của Grab nhận khoản đầu tư chiến lược từ VinaCapital
FastGo, ứng dụng gọi xe của Việt Nam, một trong những đối thủ của Grab, vừa chính thức nhận khoản đầu tư chiến lược từ quỹ đầu tư...
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư