Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Năm, Ngày 25 tháng 04 năm 2024,
Xét xử tranh chấp Hợp đồng xây dựng công trình Thủy điện Nậm Mô: Lạc lối trong “rừng văn bản”
Hoàng Hảo - 25/12/2016 08:30
 
Không chỉ chủ đầu tư và nhà thầu, mà ngay cả tòa án cũng còn những cách hiểu khác nhau về phương pháp tính bù giá nhân công và nguyên, vật liệu, khiến tranh chấp giữa chủ đầu tư và nhà thầu tại Dự án Thủy điện Nậm Mô trở nên phức tạp.
TIN LIÊN QUAN

Mâu thuẫn trong tính bù giá

Ngày 22/12/2010 và ngày 24/02/2011, Tổng công ty 36  (bên B) và Công ty cổ phần Phát triển năng lượng Nghệ An (Công ty năng lượng Nghệ An - bên A) đã ký kết 2 hợp đồng thi công các hạng mục chính của Công trình Thủy điện Nậm Mô tại Nghệ An, với giá trị là 187,5 tỷ đồng. Đến đầu năm 2013, công trình đã hoàn thành và được đưa vào sử dụng.

Tuy nhiên, mâu thuẫn giữa 2 bên A và B nảy sinh khi quyết toán công trình. Theo hồ sơ, bên B yêu cầu quyết toán đối với 2 hợp đồng trên cao hơn 19,7 tỷ đồng so với giá trị hợp đồng đã ký, do phải bù giá nhân công và giá nguyên vật liệu.

Thủy điện Nậm Mô đã được đưa vào khai thác từ hơn 2 năm nay, nhưng tranh chấp giữa chủ đầu tư và nhà thầu vẫn chưa được giải quyết. Ảnh: Hoàng Hảo
Thủy điện Nậm Mô đã được đưa vào khai thác từ hơn 2 năm nay, nhưng tranh chấp giữa chủ đầu tưnhà thầu vẫn chưa được giải quyết. Ảnh: Hoàng Hảo

Bên A không chấp nhận quyết toán số tiền do bên B đưa ra, với lý do nhiều loại nguyên vật liệu được bên B đưa vào tính toán không đúng với thực tế xây dựng và bên A chỉ chấp nhận tính bù giá nhân công áp dụng mức lương tối thiểu chung theo quy định tại Nghị định 28/2009/NĐ-CP ngày 25/03/2010, trong khi bên B áp dụng tính bù giá nhân công theo mức lương tối thiểu vùng. Sau nhiều lần thương lượng, thỏa thuận không được, Tổng công ty 36 khởi kiện ra Tòa án nhân dân TP. Vinh.

Ngày 20 - 25/04/2016, Tòa án nhân dân TP. Vinh đã mở phiên tòa sơ thẩm xét xử vụ án tranh chấp trên và ra quyết định: buộc Công ty Năng lượng Nghệ An phải thanh toán cho Tổng công ty 36 số tiền còn lại là gần 47,9 tỷ đồng và hơn 4,8 tỷ đồng lãi suất. Sau khi trừ số tiền phạt bên B do chậm tiến độ là hơn 1,5 tỷ đồng, số tiền mà Công ty Năng lượng Nghệ An phải trả là hơn 51,2 tỷ đồng.

Ngày 29/04/2016, Công ty Năng lượng Nghệ An gửi đơn kháng cáo bản án sơ thẩm. Tiếp đó, ngày 6/5, Tổng công ty 36 cũng có đơn kháng cáo bản án sơ thẩm. Đến ngày 23/5/2016, Viện Kiểm sát nhân dân tỉnh Nghệ An ra Quyết định kháng nghị bản án nêu trên của Tòa án nhân dân TP. Vinh.

Ngày 12/9/2016, Tòa án nhân dân tỉnh Nghệ An đưa vụ án ra xét xử phúc thẩm và  quyết định: “Buộc Công ty Năng lượng Nghệ An thanh toán số tiền còn lại và tiền lãi phạt do chậm thanh toán cho Tổng công ty 36 trong việc xây dựng Thủy điện Nậm Mô theo 2 hợp đồng với số tiền gần 55,2 tỷ đồng, trong đó số tiền chưa thanh toán là gần 47,9 tỷ đồng, tiền phạt do chậm thanh toán là gần 7,3 tỷ đồng; Công ty Năng lượng Nghệ An được trừ hơn 1,5 tỷ đồng tiền phạt bên B chậm tiến độ”.

Không đồng ý với phán quyết trên, Công ty Năng lượng Nghệ An nhiều lần gửi đơn đề nghị giám đốc thẩm và hoãn thi hành án.

Hủy án sơ thẩm và phúc thẩm

Ngày 15/11/2016, Tòa án Nhân dân Tối cao đã ra Kháng nghị giám đốc thẩm đối với Bản án kinh doanh, thương mại phúc thẩm số 14/2016/KDTM-PT ngày 12/09/2016 của Tòa án nhân dân tỉnh Nghệ An.

Bản Kháng nghị Giám đốc thẩm phân tích:

Tại các bản hợp đồng trên, hai bên thỏa thuận “Hợp đồng theo đơn giá điều chỉnh”. Điều 29 “Điều kiện cụ thể của hợp đồng” quy định: “Việc điều chỉnh giá do thay đổi chi phí được thực hiện theo từng phiếu giá”; Đối với các loại vật liệu, 2 bên thỏa thuận căn cứ vào thông báo giá của các đơn vị cụ thể, riêng đối với đơn giá tiền lương chỉ thỏa thuận là “theo hướng dẫn của Bộ Xây dựng về điều chỉnh giá nhân công trong xây dựng cơ bản”.

Về cách tính bù giá nhân công, tại Biểu đơn giá hợp đồng có liệt kê các hạng mục công trình phải thực hiện, đơn giá nhân công được tính tương ứng theo bậc lương của thợ và định mức khối lượng công việc, không quy định đơn giá tính theo lương tối thiểu chung hay lương tối thiểu vùng. Tại các văn bản trình bày, Công ty Năng lượng Nghệ An chỉ đồng ý tính bù giá nhân công theo lương tối thiểu chung, vì Tổng công ty 36 là công ty nhà nước, nên việc trả lương cho công nhân phải tính theo Nghị định 205/2004/NĐ - CP quy định về hệ thống thang bảng lương trong công ty nhà nước. Trong khi Tổng công ty 36 lại yêu cầu Công ty Năng lượng Nghệ An bù giá nhân công theo mức lương tối thiểu vùng.

Tòa án cấp sơ thẩm và cấp phúc thẩm chỉ căn cứ vào Biên bản làm việc ngày 22/5/2014 được 2 bên thống nhất áp dụng mức lương tối thiểu vùng theo 4 giai đoạn (các năm 2010, 2011, 2012, 2013) từ đó chấp nhận yêu cầu của nguyên đơn tính bù giá nhân công theo mức lương tối thiểu vùng là không đúng, vì sau đó, ngày 15/9/2015, hai bên có biên bản thể hiện việc không thống nhất được giá nhân công trong hồ sơ quyết toán, nên phải xin hướng dẫn của Bộ Xây dựng.

Ngày 22/9/2015, Bộ Xây dựng có Công văn số 2353/BXD - KTXD trả lời Tổng công ty 36 với nội dung các căn cứ điều chỉnh tiền lương nhân công mà Tổng công ty 36 nêu trong Công văn là phù hợp với quy định của pháp luật. Tuy nhiên, ngày 6/9/2016, Bộ Xây dựng lại có Công văn số 1933 gửi Công ty Năng lượng Nghệ An khẳng định: Công trình Thủy điện Nậm Mô không thuộc đối tượng áp dụng quy định tại Nghị định số 112/2009/NĐ-CP ngày 14/12/2009 của Chính phủ, nên không bắt buộc phải áp dụng theo hướng dẫn tại Công văn số 2353/BXD-KTXD. 

Đối chiếu với các quy định các các văn bản pháp lý còn hiệu lực quy định về mức lương tối thiểu vùng, thì doanh nghiệp do Nhà nước sở hữu 100% vốn điều lệ chỉ được áp dụng mức lương tối thiểu vùng trong trường hợp thuê mướn người lao động làm việc giản đơn nhất trong điều kiện lao động bình thường ở doanh nghiệp này.

Công ty Năng lượng Nghệ An nhiều lần yêu cầu Tổng công ty 36 cũng như Tòa án cho tiến hành giám định để xác định đơn giá nhân công, nhưng Tòa án không xem xét yêu cầu này để làm rõ Tổng công ty 36 có thuê mướn người lao động thi công công trình thủy điện Nậm Mô hay không? Nếu có thuê mướn thì thi công những hạng mục nào? Mức lương thực tế những công nhân này nhận được có phù hợp với tình hình thực tế ở địa phương không? Nếu không có tài liệu nào để chứng minh thì phải áp dụng mức lương tối thiểu chung theo quy định tại Nghị định 28/2009/NĐ-CP ngày 25/3/2010 và hệ số thang bảng lương, phụ cấp theo quy định tại Nghị định 205/2004/NĐ-CP ngày 14/12/2004. “Tòa án sơ thẩm và phúc thẩm chưa làm rõ những vấn đề nêu trên mà đã đưa ra phán quyết là chưa đủ căn cứ, không đảm bảo quyền và lợi ích hợp pháp của các bên đương sự”, bản Kháng nghị Giám đốc thẩm chỉ rõ.

Về bù giá nguyên vật liệu, Tòa án cần cho các bên so sánh sổ sách, nhật ký công trình để xác định loại vật liệu đã được sử dụng tại công trình làm căn cứ để quyết toán. Tòa các cấp  chưa làm rõ vấn đề này mà chấp nhận yêu cầu của Tổng công ty 36 là chưa đủ căn cứ, bản Kháng nghị phân tích.

Từ những phân tích trên, Tòa án nhân dân Tối cao quyết định kháng nghị Bản án kinh doanh, thương mại phúc thẩm số 14/20166/KDTM-PT của Tòa án nhân dân tỉnh Nghệ An; Đề nghị Tòa án nhân dân cấp cao tại Hà Nội xét xử giám đốc thẩm theo hướng hủy Bản án 14/20166/KDTM-PT của Tòa án nhân dân tỉnh Nghệ An và Bản án kinh doanh, thương mại sơ thẩm của Tòa án nhân dân TP. Vinh; Giao hồ sơ vụ án cho Tòa án nhân dân TP. Vinh xét xử sơ thẩm lại theo quy định của pháp luật.

Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư