Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Năm, Ngày 28 tháng 03 năm 2024,
Xoay lại phương án vốn cho Quốc lộ 1
Anh Minh - 22/04/2013 07:01
 
Thành, bại của việc nâng cấp, mở rộng Quốc lộ đoạn Thanh Hóa - Hà Tĩnh - Cần Thơ đang neo cả vào phương án phát hành hơn 47.843 tỷ đồng trái phiếu Chính phủ, cho 17 đoạn không kêu gọi vốn đầu tư tư nhân.
TIN LIÊN QUAN
Phương án tháng 4 dự tính, đến hết năm 2013 trên Quốc lộ 1 sẽ hoàn thành 627 km mở rộng đường và xây dựng tuyến tránh

Việc huy động vốn để mở rộng Quốc lộ 1 đoạn Thanh Hóa – Hà Tĩnh – Cần Thơ sẽ có những thay đổi lớn, đặc biệt là tại các phân đoạn sử dụng vốn có tính ngân sách nhà nước.

Cụ thể, theo Văn bản số 2738/BGTVT – KHĐT vừa được Bộ Giao thông - Vận tải (GTVT) trình Thủ tướng Chính phủ (phương án tháng 4/2013), việc huy động vốn cho 17 đoạn không kêu gọi vốn đầu tư tư nhân có chiều dài 678 km, tổng mức đầu tư (TMĐT) lên tới 47.843 tỷ đồng sẽ được thực hiện bằng nguồn vốn trái phiếu chính phủ.

Để có đủ cơ sở pháp lý, Bộ GTVT kiến nghị người đứng đầu Chính phủ trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho phép phát hành trái phiếu chính phủ để huy động vốn đầu tư Dự án.

Trong phương án vốn được Bộ GTVT trình Chính phủ đầu tháng 1/2013 (Phương án tháng 1), bộ này kiến nghị phát hành trái phiếu công trình được Chính phủ bảo lãnh với chủ thể phát hành trái phiếu là Ngân hàng Phát triển Việt Nam (VDB).

Theo Bộ GTVT, Phương án tháng 1 không thành là do trong quá trình lấy ý kiến, liên bộ Tài chính – Kế hoạch và Đầu tư đều khẳng định là “không thể thực hiện được theo hình thức trái phiếu công trình”. “Hơn nữa, trái phiếu được Chính phủ bảo lãnh do doanh nghiệp phát hành khó khả thi vì chỉ số tín nhiệm thấp, lãi suất phát hành cao”, Bộ trưởng Bộ GTVT Đinh La Thăng phân tích.

Theo Phương án tháng 4, trên Quốc lộ 1 (đoạn Hà Nội – Cần Thơ dài 1.887 km) đến hết năm 2013 sẽ hoàn thành mở rộng và xây dựng tuyến tránh được 627 km. Từ nay đến đến hết năm 2016 sẽ tăng cường mặt đường 222 (các đoạn song hành với các tuyến cao tốc đang triển khai) và mở rộng 1.038 km.

Ngoại trừ 27 km đoạn Ninh Thuận – Bình Thuận (dài khoảng 25 km), toàn tuyến chia thành 37 dự án, gồm: 17 dự án BOT dài 562 km/TMĐT 42.502 tỷ đồng; 2 dự án đang được đầu tư từ nguồn ngân sách nhà nước với tổng chiều dài 60 km/3.387 tỷ đồng; 17 dự án đầu tư bằng vốn trái phiếu được Chính phủ bảo lãnh dài 678 km/TMĐT 47.843 tỷ đồng.

Với những cơ chế ưu đãi về tài chính, hiện việc kêu gọi vốn tư nhân vào 17 dự án BOT là khá thuận lợi. Tính đến ngày 18/4/2013, Bộ GTVT đã kêu gọi thành công và khởi công được 6 dự án BOT. “Các dự án BOT còn lại đã được Bộ hoàn thiện thủ tục duyệt dự án, đang khẩn trương đàm phán và ký hợp đồng với nhà đầu tư để khởi công đồng loạt trong quý II/2013”, ông Trương Tấn Viên, Thứ trưởng Bộ GTVT cho biết.

Đối với các dự án sử dụng vốn trái phiếu, hiện Bộ GTVT đã cơ bản hoàn thành công tác thẩm định, dự thảo quyết định phê duyệt và hiện chỉ có chờ tín hiệu vốn để triển khai.

“Cái khó của Phương án tháng 4 chính là việc phải phụ thuộc vào sự chấp thuận của Quốc hội do Quốc lộ 1 không nằm trong danh mục các dự án sử dụng vốn trái phiếu chính phủ”, ông Nguyễn Ngọc Long, Phó Chủ tịch Hội Khoa học kỹ thuật cầu đường Việt Nam đánh giá. Mặc dù vậy, theo ông Long, do các dự án BOT và dự án sử dụng vốn trái phiếu đan cài nhau về vị trí, nên nếu không đầu tư đồng bộ, thì các công trình sẽ khó phát huy hiệu quả đồng vốn.

Bên cạnh đó, phương án phân khai vốn của Bộ GTTVT là khá hợp lý, bởi với năng lực hiện tại các doanh nghiệp không thể kham được việc đầu tư nâng cấp toàn bộ tuyến Quốc lộ 1 (đoạn Hà Nội đến Cần Thơ, dự kiến hoàn thành trong năm 2016).

Cũng nằm trong gói giải pháp tháo gỡ khó khăn về vốn, Bộ GTVT đã đề nghị Chính phủ cho phép Bộ GTVT chỉ định một số doanh nghiệp có năng lực kỹ thuật và tài chính ứng vốn để đầu tư ngay một số đoạn cấp bách.

Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư