Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Sáu, Ngày 19 tháng 04 năm 2024,
Xu hướng M&A: Sẽ tăng cả quy mô và số thương vụ
Giản Phúc - 09/08/2015 07:57
 
Quy mô các thương vụ M&A năm 2014 tăng mạnh so với năm 2013. Ngay trong 6 tháng đầu năm 2015, giá trị thương vụ đã bằng 3/4 năm 2014. Liệu những diễn biến này có là nền tảng cho sự bùng nổ của hoạt động M&A trong năm 2015?
.
Toàn cảnh Diễn đàn M&A 2015

 

Sẽ có thương vụ lớn "châm ngòi"

Thị trường sẽ có nhiều thương vụ lớn. “Đây là làn sóng M&A thứ 3 trên thị trường Việt Nam”, Tiến sĩ Cấn Văn Lực - Phó Tổng giám đốc Ngân hàng Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV) nhận định tại Diễn đàn M&A 2015. Ông Lực cũng đưa ra một số thông tin chứng minh cho quan điểm của mình.

Thứ nhất, nếu so với thế giới và khu vực, quy mô thị trường M&A Việt Nam còn nhỏ. Trong năm 2014, giá trị giao dịch M&A thế giới tăng 57%, đạt 4.400 tỷ USD. Trong khi đó, Việt Nam chỉ tăng 33%, nhưng đây cũng là mức tăng khá tốt.

Còn nếu so với khu vực, rõ ràng M&A ở Việt Nam diễn ra chưa mạnh bằng các nước Indonexia, Malayxia hay Philippin. Điều này chứng tỏ dòng vốn nước ngoài đổ vào những quốc gia này nhiều hơn Việt Nam trong cùng thời điểm.

Trong năm 2014, thị trường M&A Việt Nam đạt khoảng 4,2 tỷ USD với 313 giao dịch. Trung bình đạt giá trị 130 triệu USD mỗi giao dịch. Trong khi đó, theo ông Lực, con số này ở các nước vừa so sánh đạt khoảng 400 triệu USD.

Đánh giá về xu hướng M&A trong thời gian tới, ông Lực lạc quan về quy mô và số thương vụ sẽ tăng. Ngoài ra, các doanh nghiệp Việt Nam cũng tỏ ra chủ động hơn trong các thương vụ. Nhìn chung, hầu hết các diễn giả tại Diễn đàn M&A 2015 đều đồng tình với quan điểm này. Ông Steaphane Gripon, Giám đốc Mondelez Kinh Đô cho rằng, Việt Nam đang có nhiều điều kiện thuận lợi để đầu tư. “Chính trị ổn định, địa lý thuận lợi, tỷ lệ dân số trẻ cao… là những yếu tố giúp Việt Nam thu hút vốn đầu tư nước ngoài hiệu quả trong thời gian tới”, ông Steaphane đánh giá.

Tuy nhiên, bên cạnh sự gia tăng về số lượng và quy mô các giao dịch M&A, còn có nỗi lo về kì vọng đầu tư qua M&A. Theo ông Johan Nyvene, Tổng giám đốc CTCK TP.HCM (HSC), thị trường sẽ có nhiều thương vụ lớn hơn hiện nay. Nhưng sau đó, khi các công ty “đầu đàn” bán hết, sẽ tạo ra thách thức cho các công ty nhỏ hơn phải “lớn nhanh”. “Nếu không, kỳ vọng nhà đầu tư sẽ giảm. Hoặc họ sẽ buộc đầu tư vào các công ty nhỏ hơn, đồng nghĩa dòng vốn cũng ít hơn”, ông Johan nghĩ ngợi.

Chuẩn bị gì cho M&A?

Chuẩn bị là khâu rất quan trọng ảnh hưởng đến sự thành công của các thương vụ M&A. Chia sẻ của các diễn giả tại diễn đàn cho thấy, đây là giai đoạn không hề dễ dàng.

Ông Chu Chee Kwang, Tổng Giám đốc Tập đoàn Nam Long kể, khi nhà đầu tư nước ngoài muốn đầu tư vào doanh nghiệp Việt như Nam Long, họ quan tâm đến rất nhiều thông tin chi tiết. Ngoài thông tin chung dự án, họ muốn biết chính xác về quyền sở hữu đất, quá trình giải phóng mặt bằng ra sao, cũng như các loại thuế phí như thế nào. Doanh nghiệp Việt cần thiết phải thể hiện tính minh bạch, qua việc trình bày rõ ràng các thông tin trao đổi. “Đặc biệt, phải làm nhanh. Vì thời gian là yếu tố được nhà đầu tư nước ngoài rất coi trọng”, vị lãnh đạo này nhấn mạnh.

Nói thêm về tính minh bạch, ông Chu góp ý, doanh nghiệp Việt cần công khai thông tin theo từng giai đoạn dự án: từ đền bù giải tỏa đến xin giấy phép, xây dựng… Phải minh bạch mới mong thúc đẩy tỷ lệ thành công của thương vụ cao hơn. Bởi nhà đầu tư nước ngoài thường nghiên cứu thị trường và doanh nghiệp rất lâu. Chẳng hạn, nhà đầu tư Singapore hay Malaysia có thể nghiên cứu trong 6 tháng, nhưng phải mất ít nhất 1 năm với nhà đầu tư Nhật.

Doanh nghiệp cũng cần biết thêm về quy tắc làm việc trong M&A với đối tác. Nhà đầu tư Nhật thường ký biên bản ghi nhớ ở tháng thứ 5 hoặc thứ 6. Biên bản này thể hiện sự cam kết của doanh nghiệp trong M&A về các hoạt động đã ký, như marketing, triển khai dự án hay hoàn thành kế hoạch đặt ra. Theo ông Chu: “Người Nhật muốn dự án triển khai đúng ngân sách và thời gian, họ không muốn thay đổi gì cả”.

Nhưng trước khi tìm được đối tác, ông Lực BIDV cho rằng, phải cân nhắc kĩ các tiêu chí về sự phù hợp. “Đâu đó phải hợp về mặt chiến lược cái đã”, ông Lực nói.

Về góc độ giá trị, theo ông Lực, giá trị doanh nghiệp hai bên phải bù đắp cho nhau, sau nữa là giúp làm tăng giá trị cho nhau sau sáp nhập. Với trường hợp BIDV sáp nhập Ngân hàng Phát triển Nhà Đồng bằng Sông Cửu Long (MHB), BIDV đứng trên cương vị ngân hàng lớn hỗ trợ thị trường. Ông Lực chia sẻ. “BIDV muốn trở thành ngân hàng bán lẻ có quy mô lớn ở tầm quốc tế. MHB thì đáp ứng được các tiêu chí đó khi về với BIDV”.

Hậu M&A: Để 2 thành 1

Từ kinh nghiệm triển khai trực tiếp thương vụ này, ông Cấn Văn Lực khái quát 6 yếu tố cần phải làm đầu tiên sau M&A.

Để thành công hậu M&A, kinh nghiệm từ vụ sáp nhập BIDV và MHB là phải làm thật nhanh. Vì để lâu, chi phí sáp nhập càng cao. Thông thường, một thương vụ sáp nhập cần thời gian từ 3-12 tháng để hoàn thành, nhưng BIDV chỉ triển khai trong thời gian chưa tới 2 tháng. Nhờ đó, BIDV cũng triển khai nhanh các hoạt động hợp nhất hệ thống sau sáp nhập thành công.

Nhưng trước tiên, theo ông Lực, cần phải xác định rõ giá trị hai bên. Điều này phải nhờ đến tư vấn pháp lý cho rõ ràng. Với góc độ quản trị, lãnh đạo BIDV đã gặp và trao đổi trực tiếp với lãnh đạo phía đối tác MHB, để tìm hiểu hiểu nhau hơn.

Một vấn đề khác khá quan trọng là làm sao hòa hợp được văn hóa và chế độ đãi ngộ sau sáp nhập. Ở BIDV, ban lãnh đạo cho nhân viên hai bên làm việc chung để cọ xát lẫn nhau. Sau thời gian sàng lọc, có thể bố trí công việc khác phù hợp hơn, thậm chí cho nghỉ việc. “Đó là việc cần thiết để có hệ thống mới sạch và mạnh hơn:, ông Lực cho hay.

Khách hàng là mục tiêu lớn nhất sau M&A, trong lĩnh vực ngân hàng. Kế hoạch hậu M&A cũng phải đưa ra các tiêu chí cụ thể để giữ chân khách hàng. Trong khi đó, công nghệ là yếu tố cũng quan trọng không kém, vì phải đầu tư nhiều. Dù chỉ giữ lại một công nghệ hiệu quả, nhưng BIDV đã cho chạy song song hai hệ thống trong thời gian 4-6 tháng, trước khi hợp nhất thành một nền tảng công nghệ duy nhất.

Nếu như thương vụ sáp nhập BIDV và MHB tốn nhiều công sức, thì chuyện hậu M&A ở Mondelez Kinh Đô có vẻ êm đềm hơn. Theo ông Steaphane Gripon, có lẽ vì hai bên đã có hệ thống ổn định.

Sau sáp nhập, việc đầu tiên phía lãnh đạo Mondez làm ở công ty mới là họp mặt tất cả nhân viên và nhà đầu tư lại. Với nhà đầu tư, cả chiến lược và tài chính, lãnh đạo Mondelez thống nhất với họ các mục tiêu phát triển cụ thể trong giai đoạn kế tiếp. “Chúng tối cũng vạch sẵn nhiều giải pháp thúc đẩy tăng trưởng hiệu quả hơn để tạo động lực và niềm tin”, ông Stephane nói. Tất cả các kế hoạch này sẽ được phổ biến cho nhân viên, thể hiện sự thống nhất và quyết tâm thực hiện từ trên xuống dưới.

Diễn đàn M&A Việt Nam 2015: Đại tiệc sôi động cho giới đầu tư
Được cộng hưởng bởi nhiều yếu tố tích cực (như sự tăng trưởng của nền kinh tế, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, hội nhập kinh...
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư