Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Sáu, Ngày 19 tháng 04 năm 2024,
Xử lý kết quả đấu thầu tại Dự án Xây dựng nhà ga T2 Nội Bài: Chưa rõ đúng – sai
Anh Minh - 16/10/2018 08:08
 
Sau gần 4 năm, kể từ khi Nhà ga hành khách khách T2, Cảng hàng không quốc tế Nội Bài được đưa vào khai thác, các cơ quan chức năng vẫn chưa thể thống nhất được việc lựa chọn nhà thầu cho 2 gói thầu 10A và 10B có sai sót hay không.
TIN LIÊN QUAN

Thanh tra “bảo sai”...

Theo thông tin của Báo Đầu tư, việc xác định sai sót và quy trách nhiệm liên quan đến quá trình phê duyệt giá gói thầu 10A, 10B thuộc Dự án Xây dựng nhà ga T2, Cảng hàng không quốc tế Nội Bài vẫn là một trong những điểm gợn lớn nhất trong quá trình thực hiện Kết luận số 2569/KL - TTCP ngày 12/10/2017 của Thanh tra Chính phủ về việc chấp hành chính sách, pháp luật về quản lý, sử dụng vốn tại Tổng công ty Cảng hàng không Việt Nam - CTCP (ACV).

Cụ thể, trong Công văn số 8978/VPCP - VI của Văn phòng Chính phủ được phát đi vào cuối tháng 9/2018 về việc xử lý sau thanh tra tại ACV, Phó thủ tướng Trương Hòa Bình yêu cầu Thanh tra Chính phủ và các bộ Giao thông - Vận tải (GTVT), Tài chính, Kế hoạch và Đầu tư, Tư pháp có ý kiến chính thức về việc chủ đầu tư phê duyệt gói thầu 10A, 10B với giá trúng thầu cao hơn dự toán 2 gói thầu lên tới 1.450 tỷ đồng có đảm bảo đúng căn cứ pháp luật hay không; báo cáo Thủ tướng Chính phủ trong tháng 10/2018.

Trước đó, trong Văn bản số 821/TTCP - GSTĐXLSTT ngày 29/5/2018, Thanh tra Chính phủ cho biết, việc phê duyệt giá gói thầu 10A, 10B vẫn chưa được thực hiện đầy đủ theo kết luận thanh tra cũng như ý kiến chỉ đạo của Phó thủ tướng Chính phủ tại Văn bản số 590/TB - VPCP ngày 21/12/2017 (rà soát lại việc phê duyệt giá gói thầu gói thầu 10A, 10B theo quy định của Hiệp định vay và các quy định của pháp luật Việt Nam, trong trường hợp có vi phạm, kiến nghị hình thức kiểm điểm, xử lý trách nhiệm các tổ chức, cá nhân theo quy định của pháp luật).

Tại mục 1.4, phần III, Kết luận thanh tra số 2569, Thanh tra Chính phủ cho rằng, tại Gói thầu số 10A và 10B (sử dụng vốn ODA của Chính phủ Nhật Bản), Tổng công ty Cảng hàng không Miền Bắc (chủ đầu tư, nay là ACV) đã thực hiện đấu thầu rộng rãi, xử lý tình huống trong đấu thầu do chỉ có một nhà thầu tham dự, khi giá trúng thầu cao hơn giá gói thầu đã phê duyệt để làm cơ sở xét thầu, mà không thực hiện đấu thầu lại, hoặc làm rõ với nhà thầu về nguyên nhân chênh lệch giá cao hơn so với giá dự toán gói thầu được duyệt theo quy định.

Do vậy, gói thầu 10A, 10B thực hiện đấu thầu, nhưng không có tính cạnh tranh về kỹ thuật, năng lực và giá bỏ thầu. Tổng giá trị trúng thầu của nhà thầu cao hơn giá dự toán (của cả 2 gói thầu) là 5.713.482.041 JPY, tương đương 1.450,0817 tỷ đồng.

Trên cơ sở đó, nội dung kiến nghị tiếp tục xử lý tại mục 2.2.2, Kết luận thanh tra số 2569/KL-TTCP ngày 12/10/2017, Thanh tra Chính phủ đề nghị Bộ GTVT phối hợp với các bộ liên quan xem xét, báo cáo và đề xuất Thủ tướng Chính phủ để xử lý về kinh tế và trách nhiệm liên quan đến việc đấu thầu gói thầu 10A, 10B Dự án Nhà ga T2, Cảng hàng không Nội Bài như Kết luận thanh tra đã nêu.

Được biết, Dự án Xây dựng nhà ga hành khách T2 là công trình sử dụng vốn vay ODA theo điều kiện đặc biệt (STEP) của Nhật Bản, vốn đối ứng của Chính phủ Việt Nam và được áp dụng hình thức đấu thầu rộng rãi giữa các nhà thầu Nhật Bản. Tại Dự án, phần vốn ODA sử dụng cho 2 gói thầu chính là xây lắp, cung cấp và lắp đặt thiết bị nhà ga (gói thầu số 10A) và giám sát thi công xây dựng công trình (gói thầu số 10B).

Bộ chủ quản “nói đúng”

Trong quá trình giải trình Dự thảo Kết luận thanh tra, cũng như việc triển khai Kết luận số 2569, ACV và Bộ GTVT với vai trò là cấp quyết định đầu tư đều khẳng định, “đã làm tròn trách nhiệm trong quá trình đấu thầu gói thầu số 10A, 10B”.

Để báo cáo Thủ tướng Chính phủ về việc tổ chức đấu thầu 2 gói thầu nói trên, tháng 4/2018, tại Văn bản số 3637/BGTVT - CQLXD, Bộ GTVT cho biết, theo khoản 3, Điều 3, Luật Đấu thầu số 61/2005/QH11 và quy định của Hiệp định vay, việc tổ chức đấu thầu Gói thầu số 10A, 10B phải tuân thủ theo các hướng dẫn của nhà tài trợ do đây là các gói thầu sử dụng vốn vay ODA của Chính phủ Nhật Bản; vì vậy, các quy định và ý kiến của JICA trong quá trình đấu thầu sẽ phải được ưu tiên áp dụng.

Cụ thể, hồ sơ mời thầu các gói thầu được lập theo mẫu của các nhà tài trợ ODA, theo đó, các nhà tài trợ không quy định nhà thầu phải bắt buộc áp dụng hệ thống định mức chi phí, thông báo giá vật tư, vật liệu, thiết bị, tiền lương và các chi phí khác (chi phí quản lý, lợi nhuận,…) theo quy định trong nước của chủ đầu tư khi lập giá gói thầu. Đó là chưa kể đến việc, khi tham dự thầu, các nhà thầu nước ngoài thường bỏ giá căn cứ yêu cầu kỹ thuật, tiến độ, giá cả thị trường do nhà thầu khảo sát, dự kiến và phù hợp phương thức quản lý của nhà thầu. Do đó, các dự án, gói thầu sử dụng vốn ODA có sự khác biệt lớn giữa phương pháp lập dự toán xây dựng công trình của chủ đầu tư (theo quy định trong nước) và phương pháp lập giá dự thầu của nhà thầu.

Nhà ga T2 Nội Bài có công suất 10 triệu hành khách/năm. Dự án có tổng mức đầu tư 43,2 tỷ yên và 6.145 tỷ đồng, được khởi công tháng 2/2012, hoàn thành tháng 12/2014.

Ngoài ra, các nhà tài trợ ODA không quy định về giá trần (mức giá tối đa) khi xem xét, đánh giá kết quả lựa chọn nhà thầu như quy định pháp luật trong nước (yêu cầu giá đề nghị trúng thầu không vượt giá hoặc dự toán gói thầu được duyệt). Việc xem xét, xử lý tình huống giá đề nghị trúng thầu vượt dự toán được duyệt đối với các gói thầu sử dụng vốn ODA là “nhằm hài hòa, phù hợp quy định pháp luật trong nước” khi xem xét, quyết định phê duyệt kết quả lựa chọn nhà thầu.

Bên cạnh đó, Dự án Xây dựng nhà ga T2 là công trình có tính chất đặc thù ngành hàng không, lại sử dụng khoản vay theo điều kiện STEP của JICA nên khó tránh khỏi tính hạn chế sự tham gia của các nhà thầu (chỉ các nhà thầu Nhật Bản và nhà thầu phải có năng lực, kinh nghiệm thực hiện các dự án thuộc lĩnh vực hàng không mới đủ điều kiện tham dự thầu). Trên thực tế, các gói thầu 10A, 10B của Dự án đã được chủ đầu tư tổ chức sơ tuyển, nhưng chỉ có 1 nhà thầu quan tâm, khi tổ chức đấu thầu rộng rãi giữa các nhà thầu Nhật Bản thì cũng chỉ duy nhất một nhà thầu nộp hồ sơ dự thầu. ACV đã phải gia hạn thời điểm đóng thầu, nhằm tăng số lượng nhà thầu nộp hồ sơ dự thầu để nâng cao tính cạnh tranh, nhưng vẫn không có thêm nhà thầu khác nộp hồ sơ dự thầu sau thời điểm gia hạn.

“Đây là dự án lớn, yêu cầu tiến độ triển khai gấp để giải tỏa áp lực của nhà ga T1 đã vượt tải 1,5 lần; trường hợp tổ chức đấu thầu lại cũng sẽ gặp nhiều khó khăn như: khó có thêm nhà thầu tham dự thầu; dự án sẽ bị kéo dài thời gian hoàn thành theo cam kết giữa Chính phủ Việt Nam và JICA, làm giảm hiệu quả đầu tư; chi phí thực hiện gói thầu, tổng mức đầu tư dự án sẽ tăng lên trong điều kiện giá cả thị trường đang biến động theo xu hướng tăng”, Thứ trưởng Bộ GTVT Lê Đình Thọ cho biết.

Với những lý do nói trên, Bộ GTVT cho rằng, chủ đầu tư đã tổ chức lựa chọn nhà thầu cho 2 gói thầu 10A, 10B theo đúng trình tự, thủ tục, quy định, đã thực hiện việc xử lý tình huống trong đấu thầu phù hợp quy định, hướng dẫn của nhà tài trợ JICA

Theo Bộ GTVT, việc chủ đầu tư xử lý tình huống đấu thầu, phê duyệt điều chỉnh giá gói thầu bằng giá bỏ thầu của nhà thầu làm cơ sở phê duyệt kết quả đấu thầu đã được Thủ tướng Chính phủ thống nhất và chỉ đạo thực hiện. Nhà tài trợ JICA cũng đã có Thư chấp thuận. Thực tế, Bộ GTVT, ACV đã chỉ đạo và các nhà thầu hoàn thành dự án đúng tiến độ, đạt chất lượng cao, đáp ứng hiệu quả đầu tư dự án.

Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư