Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Sáu, Ngày 29 tháng 03 năm 2024,
Xử lý nợ xấu: Ngân hàng tố khổ
Trần Mạnh - 10/12/2016 09:39
 
Nhận tài sản đảm bảo để rót vốn cho khách hàng vay, nhưng khi khách không chịu trả nợ, ngân hàng mất hàng năm trời kiện cáo vẫn không xử lý được. Uớc tính, hàng tỷ USD nợ xấu vẫn đang nằm trong tài sản đảm bảo mà ngân hàng chưa tìm thấy lối ra.
TIN LIÊN QUAN

Hàng trăm ngàn tỷ đồng chôn trong tài sản đảm bảo

Đoạn trường đòi nợ của qua xử lý tài sản đảm bảo được ông Nguyễn Thành Long, Phó tổng giám đốc Ngân hàng VPBank miêu tả qua trường hợp CTCP Đầu tư ATS - một khách hàng của VPBank từ năm 2011. Do nợ quá hạn phát sinh, công ty này được ngân hàng miễn giảm lãi, tạo mọi điều kiện trả nợ, nhưng vẫn không chịu trả. Đến năm 2013, VPBank buộc phải khởi kiện, đưa ATS ra tòa. Thế nhưng, do Công ty ATS liên tục cản trở, gây khó dễ, đến tận năm 2016 này, VPBank mới hoàn tất được việc đăng ký sang tên tất cả các tài sản gán nợ. Dù vậy, đến nay, Công ty ATS vẫn liên tục gửi đơn thư tố cáo sai sự thật đi khắp nơi…

.
.

Câu chuyện VPBank gặp phải cũng là tình trạng chung mà các ngân hàng đang gặp. Lãnh đạo nhiều ngân hàng đã rất thấm thía câu “đứng cho vay, quỳ thu nợ”. Mặc dù khi thế chấp tài sản để vay vốn, khách hàng đều đặt bút ký thỏa thuận sẽ trao quyền xử lý tài sản đảm bảo cho ngân hàng, song thực tế, khi phát sinh nợ xấu, nhiều khách hàng chây ỳ, chống đối khiến ngân hàng gặp vô vàn khó khăn.

“Bản chất kinh tế của quyền xử lý tài sản đảm bảo của tổ chức tín dụng là nhằm bù đắp thiệt hại do nợ xấu gây ra. Nhưng khi ngân hàng muốn xử lý tài sản đảm bảo thì người vay không hợp tác, thậm chí đối đầu”, TS. Vũ Đình Ánh, chuyên gia kinh tế chỉ rõ.

Về vấn đề này, ông Nguyễn Trọng Long, Phó cục trưởng Cục Cảnh sát điều tra tội phạm kinh tế và tham nhũng (C46) - Bộ Công an cho rằng, nguyên nhân lớn nhất, bao trùm nhất là hành lang pháp lý chưa phù hợp. Tuy nhiên, có một số trường hợp, theo ông Long, phía ngân hàng có thể nghiên cứu phối hợp với cơ quan điều tra để đẩy nhanh tốc độ thu hồi.

Cụ thể, với những khách hàng rơi vào nợ xấu nhóm 4, nhưng không hợp tác với ngân hàng, thậm chí thách thức ngân hàng, trong khi vẫn có nguồn thu, vẫn có nhà lầu, xe hơi. Trước đây, với các con nợ này, ngân hàng không thể xử lý tài sản đảm bảo vì con nợ bất hợp tác, kiện ra tòa cũng phải mất nhiều năm trời mới thu hồi được vốn, trong khi lại không thể mời cảnh sát điều tra vào cuộc (vì trong luật chưa quy định), song hiện đã có quy định về tội danh này. Do đó, các ngân hàng thương mại cần nắm bắt luật mới, lập danh sách những khách hàng trong diện này, phối hợp với cơ quan điều tra để vào cuộc nhằm đẩy nhanh tốc độ thu hồi nợ.

Riêng với các ngân hàng nếu có tài sản đảm bảo nợ xấu nằm trong các vụ án liên quan đến ngân hàng mà cơ quan điều tra đang kê biên, đại diện C46 khuyến nghị ngân hàng cần gửi công văn để phối hợp xử lý nợ xấu. Đơn cử, thời gian qua, cơ quan điều tra đã giúp 3 ngân hàng 0 đồng xử lý tài sản đảm bảo, thu hồi hàng chục ngàn tỷ đồng nợ xấu.

Cần có luật riêng về xử lý tài sản đảm bảo và nợ xấu

Theo lãnh đạo các ngân hàng thương mại, 90% nợ xấu hiện nay có tài sản đảm bảo (TSĐB). Xử lý TSBĐ để thu hồi nợ là giải pháp thu hồi nợ triệt để nhất, nhanh nhất. Tuy nhiên, biện pháp này thời gian qua thực hiện rất chậm, mới đạt gần 14.000 tỷ đồng.

Phó thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Kim Anh phân tích, thực tiễn xử lý tài sản bảo đảm của hệ thống tổ chức tín dụng cho thấy có rất nhiều rào cản, vướng mắc, bất cập từ nhận thức chưa đúng về quyền xử lý tài sản đảm bảo hợp pháp của tổ chức tín dụng nhận bảo đảm.

Chính vì vậy, ông Nguyễn Trọng Long và nhiều ngân hàng đề nghị, cần nhanh chóng có một bộ luật hoặc ít nhất một nghị định riêng về xử lý tài sản đảm bảo, xử lý nợ xấu. 

Dù hợp đồng ký kết giữa tổ chức tín dụng với khách hàng đều quy định cụ thể, chi tiết về quyền chủ nợ. Tuy nhiên, trên thực tế, khi khách hàng không trả được nợ, ngân hàng muốn thu hồi và xử lý tài sản đảm bảo lại gặp muôn vàn khó khăn.

“Qua câu chuyện trên, chúng tôi cho rằng, cần phải có cơ chế để quyền xử lý tài sản đảm bảo của các tổ chức tín dụng thực thi hiệu quả, đảm bảo trình tự tố tụng, hành chính được nhanh nhất. Trên cơ sở thực thi có hiệu quả và hiệu lực đó, tôi tin rằng sẽ có sự thay đổi nhận thức về bên có tài sản, bên vay nợ, tránh việc chây ì, kéo dài thời gian trả nợ, để nhanh chóng đàm phán tìm giải pháp hiệu quả hơn”, ông Nguyễn Thành Long, đại diện VPBank kiến nghị thêm.

Đứng về góc nhìn chuyên gia, TS. Võ Trí Thành tỏ ra sốt ruột cho rằng, xử lý nợ xấu là việc “đại sự quốc gia”, song lại chưa được quan tâm xử lý quyết liệt đúng mức. “Nguyên tắc xử lý nợ xấu là phải đau đớn, cách làm là làm sao giảm đau đớn ở mức thấp nhất. Chúng ta cần phải nhìn về nỗi đau của nợ xấu để nhanh chóng đưa ra những cơ chế xử lý nợ xấu dứt điểm. Nếu chỉ nhìn về nguyên nhân, truy tội đồ thì chúng ta sẽ thua cuộc”, ông Thành cảnh báo.

Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư