Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Bảy, Ngày 20 tháng 04 năm 2024,
Xuất khẩu càng ngày càng "đuối sức"
Hà Nguyễn - 30/08/2016 19:08
 
Càng về nửa cuối năm, tốc độ tăng trưởng xuất khẩu càng giảm tốc và đây là dấu hiệu cho thấy, việc đạt mục tiêu tăng trưởng xuất khẩu 10% trong năm nay gần như là bất khả khi.

Theo số liệu mới nhất mà Tổng cục Thống kê vừa công bố, 8 tháng đầu năm, tổng kim ngạch xuất khẩu của cả nước chỉ ước đạt 112,2 tỷ USD, tăng 5,5% (tương đương 5,8 tỷ USD) so với cùng kỳ năm trước. Nếu so với mục tiêu đề ra là 10%, thì con số này mới chỉ đạt già nửa.

Chỉ còn 4 tháng để “phấn đấu”, nên nếu muốn đạt tốc độ tăng trưởng xuất khẩu đề ra, bình quân những tháng còn lại của năm, mỗi tháng phải xuất khẩu được trên 17 tỷ USD. Đây là con số gần như không có khả năng đạt được, khi mà những tháng gần đây, kim ngạch xuất khẩu tính theo tháng chỉ đạt khoảng 15 tỷ USD. Tháng 7/2016, cả nước xuất khẩu 14,9 tỷ USD, trong khi con số của tháng 8/2016 ước là 15,2 tỷ USD.

.
8 tháng đầu năm 2016, tổng kim ngạch xuất khẩu của cả nước đạt 112,2 tỷ USD, tăng 5,5% so với cùng kỳ năm 2015

Chính lãnh đạo Bộ Công thương đã thừa nhận điều này và cho rằng, ngoài yếu tố giá dầu, cũng như giá các mặt hàng xuất khẩu khác đều trong xu hướng giảm, việc tăng trưởng xuất khẩu của Việt Nam giảm còn là do xuất khẩu các mặt hàng nông - lâm - thủy sản đã tới ngưỡng, công nghiệp chế biến không có mức tăng trưởng cao và đột biến như những năm trước do phần lớn các doanh nghiệp đã chạy hết công suất… Ngay cả các mặt hàng có tốc độ tăng trưởng xuất khẩu cao trong những năm trước, như điện tử, điện thoại, dệt may… cũng đã chậm lại. Thậm chí, các doanh nghiệp dệt may còn đang lo không đạt mục tiêu xuất khẩu đề ra cho năm nay.

Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng, khi báo cáo Chính phủ, cũng đã nhấn mạnh việc tốc độ tăng trưởng xuất khẩu khó có thể đạt mục tiêu đề ra. “Khó khăn lớn nhất của xuất khẩu Việt Nam là khả năng cạnh tranh yếu kém, cùng với giá xuất khẩu giảm, một số thị trường xuất khẩu bị thu hẹp. Giá xuất khẩu một số mặt hàng nông, thủy sản tăng cao, nhưng do thiếu nguyên liệu đầu vào, nên các nhà máy chế biến hoạt động không hết công suất, không đủ hàng để xuất khẩu, cộng thêm chúng ta chưa nắm bắt được hết các cơ hội, lợi thế khi hội nhập ngày càng sâu rộng, đặc biệt là chưa phát huy được lợi thế khi tham gia Cộng đồng Kinh tế ASEAN (AEC)”, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng nhấn mạnh.

Thực tế, sau một năm 2015 chật vật vì xuất khẩu gặp khó, nhiều kỳ vọng đã được đặt ra cho năm nay, khi mà Việt Nam đã tham gia một loạt hiệp định thương mại tự do (FTA) thế hệ mới, cũng như chính thức tham gia AEC. Tuy nhiên, kết quả đã không như kỳ vọng. Việt Nam chưa tận dụng và phát huy được các lợi thế cho AEC, cũng như các FTA mang lại.

Trong một báo cáo về kinh tế vĩ mô gần đây, Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương (CIEM) nhấn mạnh, sự quan tâm thái quá của giới truyền thông tới các FTA thế hệ mới vô hình trung đã làm lu mờ đi tầm quan trọng của hội nhập khu vực nói chung và AEC nói riêng. “Điều này khiến các cơ hội từ ASEAN chưa được tận dụng hết, trong khi những thách thức từ gia tăng nhập khẩu, cạnh tranh của hàng hóa và doanh nghiệp ASEAN tại thị trường Việt Nam đã hiện hữu”, ông Nguyễn Đình Cung, Viện trưởng CIEM nhận định.

Thực tế, những năm gần đây, thương mại với ASEAN đã có sự chuyển dịch theo xu hướng giảm khá nhanh về tỷ trọng trong cả xuất khẩu và nhập khẩu của Việt Nam, mặc dù tăng về số tuyệt đối. Năm 2015, giá trị xuất khẩu và nhập khẩu của Việt Nam với ASEAN lần lượt là 18,16 tỷ USD và 23,83 tỷ USD. Tỷ trọng của thị trường ASEAN trong xuất khẩu của Việt Nam đã giảm từ 18,30% năm 2012 xuống 14,39% năm 2015 và tỷ trọng trong nhập khẩu giảm từ 15,22% xuống 11,20%. Ước tính 8 tháng đầu năm 2016, xuất khẩu sang thị trường ASEAN chỉ ước đạt 11,1 tỷ USD, giảm mạnh 10% (1,2 tỷ USD).

Rõ ràng, hoạt động thương mại Việt Nam, đặc biệt là xuất khẩu, dường như vẫn tiếp tục chuyển hướng sang các đối tác thương mại lớn ngoài ASEAN như Hoa Kỳ, EU, Trung Quốc và Hàn Quốc. 8 tháng qua, Hoa Kỳ vẫn là thị trường xuất khẩu dẫn đầu với 24,6 tỷ USD, tăng 13% (2,8 tỷ USD) so với cùng kỳ năm 2015; tiếp đến là EU ước đạt 21,9 tỷ USD, tăng 8,8% (1,8 tỷ USD); Trung Quốc ước đạt 12,6 tỷ USD, tăng 15% (1,6 tỷ USD)…

Sẽ là rất tốt khi tăng trưởng xuất khẩu sang các thị trường lớn như Hoa Kỳ, EU, Trung Quốc, Nhật Bản vẫn ở mức cao. Song nếu “bỏ quên” thị trường ASEAN, thì đó sẽ là một hệ lụy khôn lường, nhất là khi AEC đã được thành lập.

Sẽ có 24 địa bàn xuất khẩu đạt và vượt mốc 1 tỷ USD trong năm 2016
Trong 7 tháng đầu năm nay, đã có 15 tỉnh/thành phố đạt kim ngạch xuất khẩu từ 1 tỷ USD trở lên, tăng 1 địa bàn so với cùng kỳ năm trước (Vĩnh...
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư