Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Sáu, Ngày 29 tháng 03 năm 2024,
Xuất khẩu đồ gỗ khó đạt mục tiêu 7 tỷ USD
Thanh Nguyễn (HQ Online) - 04/07/2015 16:58
 
Với những khó khăn về thị trường, giá bán giảm trong khi chi phí đầu vào lại gia tăng…, dự báo xuất khẩu gỗ năm 2015 khó đạt mục tiêu 7 tỷ USD.
 Việc tìm kiếm và thâm nhập các thị trường xuất khẩu gỗ mới còn khá khó khăn. Ảnh: Trần Việt.
Việc tìm kiếm và thâm nhập các thị trường xuất khẩu gỗ mới còn khá khó khăn. Ảnh: Trần Việt.

Đó là khẳng định của ông Nguyễn Tôn Quyền, Phó chủ tịch kiêm Tổng thư ký Hiệp hội Gỗ và Lâm sản Việt Nam khi trao đổi với báo chí bên lề Hội nghị sơ kết hai năm thực hiện Đề án tái cơ cấu ngành lâm nghiệp, nhân rộng mô hình điển hình do Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tổ chức ngày 3/7, tại Hà Nội.

Theo ông Quyền, 6 tháng đầu năm, xuất khẩu gỗ và các sản phẩm từ gỗ đạt khoảng 3 tỷ USD, tốc độ tăng trưởng khoảng 7% (giảm 5% so với cùng kỳ năm 2014). Nguyên nhân chủ yếu là do lượng găm gỗ xuất khẩu sang Trung Quốc sụt giảm, đồng thời XK sản phẩm sang thị trường EU cũng gặp khó khăn. Như vậy nửa năm trôi qua kim ngạch xuất khẩu mới đạt non nửa mục tiêu đề ra (7 tỷ USD).

Trong khi dự báo từ nay tới cuối năm những khó khăn mà các doanh nghiệp trong ngành chế biến, xuất khẩu gỗ phải đối mặt còn khá nhiều. Đơn cử như trong khi giá bán giảm thì chi phí đầu vào (như tiền điện, xăng dầu, lương công nhân...) đều tăng. Thậm chí, một số doanh nghiệp đã nảy sinh tâm lý ngại không muốn làm. Cùng với đó, các ngân hàng cũng đang rục rịch tăng lãi suất cho vay càng thêm gánh nặng cho doanh nghiệp.

“Việc mở rộng thị trường xuất khẩu cũng chưa có nhiều khả quan. Ví dụ như tại thị trường Nga mặc dù được khuyến khích và tạo điều kiện nhưng hiện doanh nghiệp vẫn chưa thâm nhập được. Hiện nay, hiệp hội cùng các doanh nghiệp đang cố gắng thúc đẩy tiếp cận các thị trường như Ấn Độ, Trung Đông, Nam Mỹ… Mục tiêu là làm sao để các nhà máy luôn sản xuất hết công suất, công nhân có việc làm thường xuyên, duy trì ổn định sản xuất”, ông Nguyễn Tôn Quyền nhấn mạnh.

Ông Nguyễn Bá Ngãi, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Lâm nghiệp cho biết: Sau hai năm triển khai Đề án tái cơ cấu ngành lâm nghiệp, giá trị xuất khẩu đồ gỗ và lâm sản tăng trưởng mạnh, gấp hơn 2 lần trong vòng 5 năm từ 3,035 tỷ/năm giai đoạn 2010-2012 lên 6,267 tỷ USD/năm giai đoạn 2013 đến nay. 

Tuy nhiên, ông Ngãi thừa nhận, quá trình thực hiện triển khai tái cơ cấu còn khá nhiều hạn chế. Kết quả tái cơ cấu trong thực tiễn mới chỉ là bước đầu và chưa tạo được chuyển biến rõ rệt; tăng trưởng của ngành chưa vững chắc. Bên cạnh đó, đổi mới và phát triển các hình thức tổ chức sản xuất còn chậm; kinh tế hộ nhỏ lẻ ngày càng bộc lộ những hạn chế, yếu kém; lâm trường quốc doanh, công ty lâm nghiệp Nhà nước đổi mới chậm…

Theo Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Hà Công Tuấn, bất cập nổi cộm trong triển khai Đề án tái cơ cấu ngành lâm nghiệp là việc triển khai thực hiện Đề án chưa đồng bộ.

Nhiều địa phương chưa thực sự quan tâm, triển khai chậm, thậm chí còn lúng túng. Đến nay, còn 25 tỉnh, thành phố chưa phê duyệt Đề án, kế hoạch hành động tái cơ cấu ngành lâm nghiệp tại địa phương mình.

Ông Ngãi cho biết: Để khắc phục những tồn tại hiện có, đồng thời thúc đẩy triển khai Đề án hiệu quả hơn, tạo điều kiện hỗ trợ tốt hơn cho xuất khẩu gỗ, thời gian tới, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn sẽ chủ trì, phố hợp với Bộ Tài chính, Bộ Công Thương và các bộ, ngành liên quan rà soát, đề xuất chính sách thuế trong lâm nghiệp (chú trọng đối với dăm gỗ xuất khẩu) nhằm khuyến khích và thúc đẩy sản xuất, kinh doanh lâm sản theo hướng nâng cao giá trị gia tăng sản phẩm sau chế biến.

Đồng thời, xây dựng kế hoạch tiếp cận thị trường cho xuất khẩu sản phẩm gỗ, trước mắt tập trung vào thị trường Nga và Hàn Quốc, trong đó đề xuất những nội dung, biện pháp cụ thể cần triển khai thực hiện.

“Xây dựng bộ cơ sở dữ liệu về xuất nhập khẩu hàng hóa lâm sản của Việt Nam làm cơ sở để thực hiện các biện pháp điều hành của Nhà nước, thực hiện các biện pháp thúc đẩy sản xuất, xuất nhập khẩu và chỉ đạo điều hành cũng là biện pháp được thúc đẩy trong thời gian tới”, ông Ngãi nhấn mạnh.

Công nghiệp đồ gỗ: Vật lộn tự cứu mình
Tái cấu trúc tài chính, tái cấu trúc doanh nghiệp là các giải pháp chính đang được nhiều doanh nghiệp chế biến gỗ tập trung, để tự cứu mình.
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư