Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Sáu, Ngày 29 tháng 03 năm 2024,
Xuất khẩu gạo lấy lại "phong độ"
Thế Hải - 07/09/2017 19:12
 
Xuất khẩu gạo đang dần lấy lại “phong độ” sau năm 2016 sụt giảm mạnh. Trong 8 tháng đầu năm, xuất khẩu gạo đạt 3,96 triệu tấn, với kim ngạch 1,75 tỷ USD, tăng 19,8% về khối lượng và tăng 17,5% về giá trị so với cùng kỳ năm 2016.
.
Nhu cầu tiêu thụ gạo ở khu vực châu Á đang tác động tích cực đến xuất khẩu gạo của Việt Nam

Thêm hạn ngạch xuất khẩu gần 300.000 tấn sang Philippines

Doanh nghiệp xuất khẩu gạo Việt Nam đang phấn khởi bởi vừa có thêm cơ hội xuất khẩu sang thị trường Philippines, với hạn mức gần 300.000 tấn cho 2 năm 2017 - 2018.

Với thông báo này, Philippines đã cho phép khối tư nhân nhập khẩu gạo theo cơ chế tiếp cận thị trường tối thiểu (MAV), trong đó, nhập từ Việt Nam là 293.100 tấn.

Loại gạo được tư nhân Philippines chọn mua là gạo 25% tấm và các loại gạo nếp, gạo thơm... Thời gian giao hàng được chia làm 2 giai đoạn: giai đoạn I từ ngày 20/12/2017 đến 28/2/2018; giai đoạn II từ ngày 1/6/2018 đến 31/8/2018.

Đầu ra cho hạt gạo xuất khẩu từ nay đến hết năm 2017 đang mở ra rộng hơn, với nhu cầu lớn hơn từ các thị trường nhập khẩu cũng như lượng gạo mà Việt Nam phải giao theo các hợp đồng đã ký.

Philippines là một trong những thị trường xuất khẩu gạo quan trọng của Việt Nam. Trong nửa đầu năm nay, xuất khẩu gạo sang thị trường này đứng thứ 2, chỉ sau thị trường Trung Quốc, đạt gần 270.000 tấn, với kim ngạch 104 triệu USD, tăng 38% về lượng và tăng 25% về trị giá so với cùng kỳ năm 2016.

Trước đó, tại đợt đấu thầu mở quốc tế (G2P) cho tất cả các nhà cung cấp hôm 25/7/2017 do Cơ quan Lương thực quốc gia Philippines (NFA) tổ chức, trong gói thầu xuất khẩu 250.000 tấn gạo sang quốc gia này, các thương nhân Việt Nam đã trúng 6/8 lô thầu, với tổng khối lượng là 175.000 tấn, chiếm 70% tổng lượng gạo trong gói thầu này.

Theo nhận định của Hiệp hội Lương thực Việt Nam (VFA), nhu cầu tiêu thụ gạo ở khu vực châu Á đang tác động tích cực đến xuất khẩu gạo của Việt Nam trong năm nay. Một số thị trường đang có nhu cầu nhập khẩu gạo, nên tạo thêm động lực cho thị trường. Chẳng hạn, Bangladesh sau 3 đợt đấu thầu gạo và mua 250.000 tấn  của Việt Nam, nay đang đàm phán mua 200.000 tấn gạo của Thái Lan và có thể tiếp tục mua thêm gạo của Việt Nam.

Ngoài ra, nhu cầu tiêu thụ của Trung Quốc, Ấn Độ dự báo cũng tác động đến xuất khẩu gạo của Việt Nam trong thời gian tới.

Gạo sạch vào các thị trường khó tính

Những năm gần đây, các giống lúa của Nhật Bản được trồng ngày càng nhiều tại các tỉnh như An Giang, Đồng Tháp, Hưng Yên, Thái Bình. Riêng tại An Giang có tới 6.000 ha canh tác giống lúa của Nhật Bản.

Tại phía Bắc, Công ty TNHH An Đình đã đưa giống lúa Nhật Bản và Hàn Quốc về canh tác tại các huyện Vũ Thư, Tiền Hải, Kiến Xương (tỉnh Thái Bình) và xuất khẩu sang nhiều thị trường khó tính, với tiêu chuẩn cao về thực phẩm.

Trao đổi với phóng viên Báo Đầu tư, bà Nguyễn Thị Mỹ Thương, Giám đốc bán hàng Công ty TNHH An Đình cho biết, 70% doanh thu của Công ty đến từ xuất khẩu, chủ yếu sang Nhật Bản, Nga, Mỹ…; 30% còn lại tiêu thụ tại hệ thống bán lẻ trong nước và hệ thống nhà hàng Nhật Bản tại Việt Nam.

Theo bà Thương, xác định thị trường cần chinh phục là những thị trường khó tính, Công ty đã sản xuất gạo Nhật bằng 100% giống nhập trực tiếp từ đất nước mặt trời mọc. Để xuất khẩu, các sản phẩm gạo Nhật An Đình như Koshi Hikari, Akita, Niigata được sản xuất theo quy trình nông nghiệp sạch, hạn chế sử dụng phân bón hóa học và không sử dụng thuốc bảo vệ thực vật độc hại.

Ngoài ra, Công ty cũng đầu tư Nhà máy sản xuất gạo Nhật tại xã Ngọc Lâm (Mỹ Hào, Hưng Yên), với dây chuyền sản xuất hiện đại, công nghệ Nhật Bản, đạt các tiêu chuẩn ISO 22000:2005; HACCP, được Tổ chức JAZ ANZ cấp chứng nhận.

Trong khi đó, tín hiệu xuất khẩu thuận lợi cũng đến với Công ty cổ phần Gentraco (tỉnh Cần Thơ). Nếu như cả năm 2016, Công ty Gentraco xuất khẩu được 100.000 tấn gạo, thì 8 tháng đầu năm nay, sản lượng gạo xuất khẩu của Gentraco đã vượt cả năm 2016.

Ông Nguyễn Trung Kiên, Tổng giám đốc Công ty cổ phần Gentraco cho biết, xét về tình hình chung thì xuất khẩu gạo chưa bao giờ hết khó, song vẫn có những phân khúc thị trường để doanh nghiệp có thể đẩy mạnh xuất khẩu.

Bởi vậy, với Gentraco, Công ty đang theo đuổi mục tiêu nâng cao chất lượng gạo xuất khẩu để bán với giá trị cao hơn. Thậm chí, giống lúa có phẩm chất gạo trung bình vẫn có thể bán giá cao nếu ứng dụng kỹ thuật để nâng cao chất lượng và giá trị.

Đơn cử, Gentraco mở rộng sản xuất tại Sóc Trăng, tham gia đầu tư kinh doanh nông nghiệp có trách nhiệm trong chuỗi giá trị lúa gạo tại Việt Nam (GRAISEA) thông qua Oxfam - Việt Nam tổ chức, nhằm gắn kết mối quan hệ giữa doanh nghiệp và nông dân, cải thiện nguồn cung gạo chất lượng và bền vững, xây dựng vùng sản xuất lúa IR50404 với 200 ha theo Tiêu chuẩn SRP…

Xuất khẩu năm 2017 dự báo cán mốc 200 tỷ USD
Với kim ngạch xuất khẩu 8 tháng đầu năm đạt 133,5 tỷ USD, dự báo xuất khẩu năm nay sẽ cán mốc 200 tỷ USD, vượt xa kế hoạch đề ra là 187- 189 tỷ...
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư