Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Sáu, Ngày 19 tháng 04 năm 2024,
Xuất khẩu lường trước nguy cơ rủi ro từ bảo hộ và chiến tranh thương mại
Thế Hải - 23/04/2018 23:07
 
Sự xuất hiện trở lại của chủ nghĩa bảo hộ thương mại trong những tháng đầu năm 2018 đang là những thách thức không nhỏ đối với xuất khẩu của Việt Nam.
Xuất khẩu cá tra của Việt Nam gặp khó ở một số thị trường lớn do tác động của bảo hộ thương mại.
Xuất khẩu cá tra của Việt Nam gặp khó ở một số thị trường lớn do tác động của bảo hộ thương mại.

Theo báo cáo của Bộ Công Thương tại Hội nghị bàn Giải pháp tổng thể thúc đảy xuất khẩu do Bộ Công Thương tổ chức sáng 23/4/2018 tại Hà Nội, xuất khẩu hàng hóa Việt Nam trong quý 1/2018 tiếp đà tăng trưởng của năm 2017 đã đạt được kết quả ấn tượng.

3 tháng đầu năm 2018, tổng kim ngạch xuất nhập khẩu hàng hóa của Việt Nam dự kiến đạt 107,32 tỷ USD, tăng 17,7% so với cùng kỳ năm 2017.

Trong đó, xuất khẩu ước đạt 54,31 tỷ USD, tăng 22% và nhập khẩu ước tính 53 tỷ USD, tăng 13,6% so với cùng kỳ năm 2017.

Cán cân thương mại hàng hóa của Việt Nam trong tháng 3/2018 ước tính thặng dư 800 triệu USD. Qua đó, nâng mức thặng dư của Việt nam đến hết tháng 3 năm 2018 đạt 1,3 tỷ USD.

Bộ trưởng Bộ Công Thương, Trần Tuấn Anh cho biết, thương mại toàn cầu năm 2018 được dự báo sẽ tiếp tục khởi sắc nhưng vẫn tiềm ẩn những biến động khó lường khi quan hệ ngoại giao, kinh tế giữa các nền kinh tế lớn đang trở nên căng thẳng trong những ngày gần đây.

Nguy cơ về một cuộc chiến thương mại giữa các cường quốc tuy không lớn nhưng vẫn âm ỉ, dẫn đến tâm lý không an tâm cho doanh nghiệp, nhà đầu tư.

“Chủ nghĩa bảo hộ đang xuất hiện trở lại và thể hiện rõ ràng hơn trong những tháng đầu năm 2018. Lần đầu tiên sau rất nhiều năm, Hoa Kỳ mới lại áp dụng biện pháp tự vệ toàn cầu trong thương mại (đối với máy giặt). Hoa Kỳ cũng sẵn sàng mâu thuẫn với chính mình, thay đổi quy tắc xuất xứ đã được Hoa Kỳ công nhận và duy trì nhiều năm để có thể đánh thuế "chống lẩn tránh" vào tôn xuất khẩu của Việt Nam”, theo Bộ trưởng Trần Tuấn Anh.

Mức thuế chống bán phá giá cá tra - basa mới được công bố gần đây cũng cao một cách bất thường, có thể nói là bảo hộ quá mức, gây khó khăn cho xuất khẩu sản phẩm cá tra của Việt Nam.

Một số nước khác thậm chí sẵn sàng vi phạm quy định của WTO để bảo hộ sản xuất trong nước như Indonesia chỉ cho phép nhập khẩu điện thoại thông minh nếu công ty làm ra điện thoại đó cũng có cơ sở sản xuất ở Indonesia, hay Ấn Độ cấm nhập khẩu hạt tiêu nếu giá bán vào Ấn Độ thấp hơn một mức giá tối thiểu do Chính phủ nước này đặt ra.

Một khó khăn nữa với xuất khẩu của Việt Nam là nhận thức của người dân cũng như của Chính phủ các nước về bảo vệ sức khỏe người tiêu dùng và bảo vệ môi trường ngày càng cao, dẫn đến việc áp dụng các tiêu chuẩn về an toàn thực phẩm và về bảo vệ môi trường ngày càng khắt khe như EC xiết chặt mức dư lượng thuốc bảo vệ thực vật đối với nông sản nhập khẩu, áp dụng các quy định về đánh bắt thủy sản hợp pháp (IUU) và sử dụng gỗ nguyên liệu hợp pháp (FLEGT); nhiều nước ban hành quy định về truy xuất nguồn gốc Trong khi đó, giá nông sản đã tăng khá tốt trong năm qua nên khả năng tăng trưởng kim ngạch xuất khẩu nhờ yếu tố giá không còn nhiều.

Đứng trước các cơ hội và thách thức của năm 2018, Bộ Công Thương đã có công văn gửi các Bộ, ngành, địa phương liên quan đề nghị đánh giá về tình hình xuất khẩu năm 2017; năng lực sản xuất và khả năng xuất khẩu năm 2018; đồng thời đề xuất giải pháp để thúc đẩy sản xuất, xuất khẩu.

Bộ Công Thương đã đề xuất một số giải pháp để thúc đẩy xuất khẩu trong năm 2018, theo đó, với 3 nhóm giải pháp lớn, chủ yếu hướng vào khối doanh nghiệp Việt Nam, bao gồm  nhóm giải pháp tác động vào phía cung;  nhóm giải pháp tác động vào phía cầu; và nhóm giải pháp có tác dụng hỗ trợ, tác động vào khâu tổ chức xuất khẩu, kết nối giữa cung và cầu.

Nhóm giải pháp tác động vào phía cung: gồm các giải pháp tập trung vào đẩy mạnh tái cơ cấu sản xuất nông nghiệp, tăng cường kiểm soát nguồn cung, định hướng sản xuất gắn với tín hiệu thị trường; từng bước nâng cao và ổn định chất lượng nông sản, thủy sản xuất khẩu, đảm bảo đáp ứng các quy định ngày càng khắt khe của các thị trường nhập khẩu về chất lượng, an toàn thực phẩm; tháo gỡ các quy định, vướng mắc về thuế và kiểm tra chuyên ngành đối với nguyên liệu sản xuất, chế biến hàng xuất khẩu và tăng cường đào tạo phát triển nguồn nhân lực cho các ngành sản xuất, xuất khẩu.

Nhóm giải pháp tác động vào phía cầu, gồm các giải pháp đàm phán mở cửa và phát triển thị trường, các biện pháp nhằm duy trì thị trường xuất khẩu ổn định; tăng cường và nâng cao hiệu quả công tác xúc tiến thương mại, xây dựng thương hiệu; tăng cường ứng phó với các biện pháp phòng vệ thương mại và những biện pháp bảo hộ không phù hợp với cam kết quốc tế.

Nhóm giải pháp có tác dụng hỗ trợ, tác động vào khâu tổ chức xuất khẩu, kết nối giữa cung và cầu: gồm các giải pháp nhằm cải cách thể chế, hoàn thiện hành lang pháp lý đối với hoạt động xuất khẩu; tăng cường và đổi mới công tác thông tin thị trường; đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính; tháo gỡ khó khăn trong thanh toán, tín dụng, đảm bảo nguồn vốn cho sản xuất, xuất khẩu.

Bộ Công thương: Mức thuế Hoa Kỳ đưa ra với cá tra-basa Việt Nam là không khách quan
Liên quan đến việc Bộ Thương mại Hoa Kỳ (DOC) ban hành kết luận cuối cùng trong vụ việc rà soát hành chính lần thứ 13 (POR 13) biện pháp chống bán...
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư