Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Sáu, Ngày 26 tháng 04 năm 2024,
Xuất khẩu xi măng: Khó chồng thêm khó
Thế Hải - 25/02/2017 08:33
 
Không khai phá thêm được thị trường xuất khẩu mới, “ăn đong” tại các thị trường truyền thống, trong khi nguồn cung tiếp tục được bổ sung, xuất khẩu xi măng năm 2017 ngày càng đi vào ngõ hẹp.
.
Dự báo tiêu thụ xi măng nội địa trong năm 2017 vào khoảng 62 - 63 triệu tấn

Xuất khẩu lao dốc

Đường đi của xi măng, clinker xuất khẩu đi vào ngõ hẹp là có lý do, khi nguồn cung tăng, nhưng xuất khẩu sụt giảm liên tục.

Đỉnh điểm của xuất khẩu là vào năm 2014, với sản lượng lên tới 20,5 triệu tấn, trị giá hơn 860 triệu USD. Nhưng phong độ đã không thể duy trì được sang những năm tiếp theo. Hết năm 2015, xuất khẩu giảm chỉ còn 16,7 triệu tấn và xuống còn chưa đầy 15 triệu tấn trong năm 2016.

Tính đến hết năm 2016, công suất ngành xi măng đã lên tới 88 triệu tấn, trong khi dự báo tiêu thụ nội địa trong năm 2017 chỉ tăng nhẹ so với 2016, dự kiến khoảng 62 - 63 triệu tấn.

Nếu xuất khẩu giữ được ở mức gần 15 triệu tấn như năm 2016, thì dư cung vẫn lên tới 10 triệu tấn. Đây là bài toán đầu ra vô cùng nặng nề của ngành xi măng nói chung và nhất là các nhà sản xuất có sản lượng lớn.

Theo thống kê của Bộ Xây dựng, năm 2016, tổng sản lượng tiêu thụ xi măng của toàn ngành ước đạt 75,21 triệu tấn, tăng 3,5% so cùng kỳ, trong đó tiêu thụ nội địa hơn 60 triệu tấn, còn lại là xuất khẩu.

Số liệu  của Tổng cục Hải quan cho biết, năm 2016, Việt Nam đã xuất khẩu được 14,73 triệu  tấn xi măng và clinker,  trị giá 561 triệu USD, giảm 7,1% về lượng và 16% về trị giá so với 2015. Chia bình quân, mỗi tấn xi măng, clinker  có giá xuất khẩu khoảng 38,1 USD.

Là nhà sản xuất xi măng lớn với sản lượng lên tới 25 triệu tấn, Vicem cũng không dám nói mạnh về xuất khẩu. Ông Trần Việt Thắng, Tổng giám đốc Vicem thừa nhận, nguồn cung xi măng đang dư so với cầu khoảng 25%, nhưng để xuất khẩu có hiệu quả là không dễ, khi các nhà xuất khẩu Thái Lan, Trung Quốc… đều tập trung cao độ cho xuất khẩu. Vicem tính toán, năm 2017, duy trì được mức xuất khẩu 3,1 triệu tấn như năm 2016 cũng rất chật vật.

Theo nhận định của phần lớn các doanh nghiệp, việc tập trung xuất khẩu vào một số thị trường đang gây khó cho ngành xi măng và nhà nhập khẩu “có cớ” ép giá.

Philippiness và Bangladesh là hai thị trường xuất khẩu xi măng, clinker lớn nhất của Việt Nam trong năm qua và hiện tại. Trong năm 2016, 2 thị trường này nhập khẩu gần 8,6 triệu tấn xi măng, clinker của Việt Nam, với trị giá 326 triệu USD, trong đó Philippiness đã nhập khẩu 3,8 triệu tấn, trị giá 185 triệu USD, chiếm 33% kim ngạch xuất khẩu toàn ngành.

Chật vật giành đơn hàng với các “đại gia” hàng xóm

Chính sách đẩy mạnh xuất khẩu xi măng của Thái Lan, Trung Quốc, Pakistan…, với sản lượng cực lớn đang tác động tới xuất khẩu xi măng Việt Nam.

Theo ông Nguyễn Quang Cung, Chủ tịch Hiệp hội Xi măng Việt Nam, sự dư thừa công suất của xi măng Trung Quốc đã lên đến 600 triệu tấn, gấp 6 - 7 lần tổng công suất của Việt Nam hiện nay. Hay Thái Lan, với các tập đoàn lớn như SCG, Siam City Cement Public Company Limited (SCCC)… cũng đang khiến doanh nghiệp nội càng thêm khó trong cạnh tranh giành đơn hàng  xuất khẩu sang các thị trường khu vực như Bangladesh, Indonesia, Đài Loan, Peru, Philippiness...

Chưa hết, một số thị trường quen thuộc của Việt Nam hiện đã tự chủ được nguồn xi măng, không nhập từ Việt Nam nữa, khiến sản lượng xuất khẩu xi măng càng giảm.

Công ty cổ phần Xi măng Sông Lam thuộc Tập đoàn Xi măng The Vissai vừa đưa 2 dây chuyền với công suất 4,3 triệu tấn/năm vào hoạt động từ tháng 11/2016. Bà Đỗ Thị Hằng, Phó giám đốc Công ty cho hay, 70% sản lượng từ Nhà máy để phục vụ xuất khẩu, tuy nhiên, so với giá của các năm trước, nay đã có một khoảng cách xa.

“Có thời điểm, giá xuất khẩu clinker của Tập đoàn lên tới 37 USD/tấn, nhưng từ 2016, chỉ ở ngưỡng 30 USD, thậm chí dưới 30 USD”, bà Hằng nói. Cũng theo bà Hằng, giá xuất khẩu giảm, nhưng vẫn có đơn hàng để xuất đi là điều đáng mừng, tạo điều kiện để nhà máy huy động tối đa công suất, có nguồn thu, trang trải các chi phí tài chính, cũng như nhân công.

Tất nhiên, xuất khẩu nhiều nhưng về hiệu quả lại là một câu chuyện khác. Chẳng hạn, năm 2016, Bangladesh đã nhập 4,7 triệu tấn xi măng và clinker của Việt Nam, nhưng chỉ với kim ngạch 141 triệu USD. Như vậy, tính bình quân, giá nhập khẩu xi măng và clinker Việt Nam của Bangladesh chỉ là 30 USD/tấn.

Nhận định về đường đi của xuất khẩu xi măng, clinker trong nước, phần lớn các nhà sản xuất đều nhận định, khó sẽ tiếp tục chồng khó. Bởi bản thân doanh nghiệp vừa chịu cạnh tranh nội bộ, tự hạ giá để giành đơn hàng, ở bên ngoài là cạnh tranh với các nhà xuất khẩu khẩu trong khu vực, thành thử khó cả trong lẫn ngoài.

“Thái Lan, Malaysia và Indonesia chỉ có khoảng 10 đầu mối xuất khẩu, còn tại Việt Nam, doanh nghiệp vừa sản xuất vừa xuất khẩu, mạnh ai nấy làm, khiến cạnh tranh trong nội bộ càng khốc liệt”, ông Cung cho biết.

Dự báo trong vòng 5 năm tiếp theo, công suất thiết kế ngành xi măng của Việt Nam sẽ chạm mốc 98,7 triệu tấn/ năm, cung tiếp tục vượt cầu ở mức 25-30%. Rõ ràng, khi nhu cầu nội địa tăng không đáng kể,  xuất khẩu tiếp tục là kênh tiêu thụ quan trọng với các nhà sản xuất xi măng trong nước. 

Với giá xuất khẩu ngày càng xuống thấp, cùng sự cạnh tranh khốc liệt như hiện nay, dường như lợi ích từ ngành xi măng đem lại chưa chắc đã lớn bằng thiệt hại do tàn phá môi trường của ngành này.

Xuất khẩu clinker, xi măng lo “cõng” thêm chi phí
Chi phí xuất khẩu của các doanh nghiệp xi măng trong nước sẽ tăng thêm khoảng 4,5 USD/ tấn clinker và tăng 7,5 USD/ tấn xi măng, càng khiến sản phẩm...
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư