Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Năm, Ngày 25 tháng 04 năm 2024,
Xung lực để Cần Thơ tăng tốc phát triển
Huy Tự - 28/08/2015 10:47
 
Thành tựu về đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng kỹ thuật trong 10 năm qua của TP. Cần Thơ chính là xung lực ban đầu để Cần Thơ phát triển xứng tầm là thành phố động lực trung tâm của vùng Đồng bằng sông Cửu Long.
 Cần Thơ đang tập trung huy động các nguồn lực để phát triển nhanh hạ tầng kinh tế - xã hội và kiến thiết đô thị
Cần Thơ đang tập trung huy động các nguồn lực để phát triển nhanh hạ tầng kinh tế - xã hội và kiến thiết đô thị

 

40 năm, 3 thời kỳ

Sau 40 năm xây dựng và phát triển, TP. Cần Thơ đã đạt được nhiều thành tựu rất quan trọng, khá toàn diện và bước đầu giành thắng lợi trong công cuộc đổi mới; diện mạo, vị thế, tiềm lực kinh tế chuyển biến đáng kể trên nhiều lĩnh vực, từng bước khẳng định vai trò động lực, thúc đẩy mạnh mẽ sự phát triển của vùng Đồng bằng sông Cửu Long, góp phần quan trọng vào tiến trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước, bước đầu hội nhập với khu vực và thế giới.

40 năm xây dựng và phát triển của TP. Cần Thơ có thể chia làm 3 giai đoạn cơ bản.

Thời kỳ khôi phục kinh tế xã hội chủ nghĩa (1975 - 1985), Cần Thơ tạo dấu ấn bằng nhiều thành tích trong cải tạo xã hội chủ nghĩa, vừa khắc phục hậu quả do chiến tranh để lại, vừa tập trung cho công tác cải tạo và xây dựng kinh tế xã hội chủ nghĩa, phát triển sản xuất, giữ vững ổn định chính trị, làm nghĩa vụ quốc tế trên đất bạn, bảo đảm quốc phòng, an ninh.

Thời kỳ đổi mới và phát triển (1986 - 2003), Cần Thơ đã đạt những thành tựu kinh tế - xã hội đáng tự hào. Tăng trưởng kinh tế năm sau cao hơn năm trước. Cơ cấu kinh tế chuyển dịch theo hướng phát triển công nghiệp, thương mại và nông nghiệp, đáp ứng được nhu cầu tiêu dùng nội địa và xuất khẩu. Hạ tầng kinh tế, xã hội, quốc phòng, an ninh được đầu tư, một số khu dân cư, khu chế xuất - công nghiệp tập trung hình thành. Cơ sở hạ tầng, nhất là giao thông, điện, nước sạch, cơ sở giáo dục - y tế, văn hóa, cơ sở hạ tầng đô thị được chú trọng đầu tư...

Đặc biệt, trong thời kỳ phát triển và hội nhập (từ năm 2004 đến nay), sau khi Cần Thơ trở thành thành phố trực thuộc Trung ương, diện mạo cả nội và ngoại thành đã thay đổi đáng kể. Bên cạnh việc cải tạo nâng cấp, chỉnh trang đô thị, nhiều khu đô thị mới, khu tái định cư, khu thương mại, dịch vụ ở các quận, huyện  đã được đầu tư theo hướng hiện đại. Đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân không ngừng được nâng cao, ước GDP bình quân đầu người năm 2015 đạt 79,26 triệu đồng/người/năm, so với 377 đồng vào năm 1976. Trong thời kỳ này, nổi bật có 6 vấn đề lớn về kinh tế đáng ghi nhận:

Một là, đã giải quyết được vấn đề lương thực, thực phẩm cấp bách của những năm sau giải phóng và tiến tới trở thành địa phương có mức xuất khẩu lương thực hàng đầu tại Đồng bằng sông Cửu Long. Sản lượng lúa năm 1976 là 267.653 tấn trên tổng diện tích gieo trồng 115.532 ha, thủy sản chủ yếu là khai thác nội địa và nuôi trồng rất ít. Ước năm 2015, sản lượng lúa đạt xấp xỉ 1,3 triệu tấn trên tổng diện tích các vụ là 220.590 ha, sản lượng nuôi trồng và đánh bắt thủy sản 190.000 tấn, xuất khẩu gạo đạt 412 triệu USD và xuất khẩu thủy hải sản các loại 485 triệu USD.

Hai là quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa diễn ra mạnh mẽ, từng bước đưa TP. Cần Thơ thành địa phương có tốc độ phát triển công nghiệp cao của Đồng bằng sông Cửu Long. Nền công nghiệp trước đây được hình thành trên cơ sở Nhà nước quốc hữu hóa và các cơ sở công nghiệp tiểu thủ công nghiệp nhỏ trên địa bàn, giá trị sản xuất công nghiệp năm 1976 là 135,2 tỷ đồng, các mặt hàng sản xuất chủ yếu mang tính nhỏ lẻ, đáp ứng một phần nhu cầu tiêu dùng trong nước. Năm 2015, giá trị sản xuất công nghiệp ước đạt 103.324 tỷ đồng, các mặt hàng sản xuất công nghiệp ngày càng đa dạng, phong phú theo hướng sản xuất hàng hóa, đáp ứng nhu cầu tiêu dùng trong nước và xuất khẩu.

Ba là, lĩnh vực thương mại, dịch vụ phát triển mạnh. Từ nền kinh tế tập trung bao cấp, cách thức bán hàng theo tem phiếu, hàng hóa lưu thông ách tắc, TP. Cần Thơ đã đầu tư phát triển mạnh mẽ hạ tầng thương mại - dịch vụ, ngày càng thể hiện rõ vai trò là trung tâm phân phối lớn, trung tâm thương mại, dịch vụ của vùng. Năm 2015, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ ước đạt trên 81.000 tỷ đồng so với năm 1976 là 90 triệu đồng, kim ngạch xuất khẩu hàng hóa và dịch vụ đạt trên 1,5 tỷ USD. Hoạt động du lịch có bước phát triển quan trọng, dự báo năm 2015, đón 1,375 triệu lượt khách du lịch lưu trú, doanh thu toàn ngành 1.250 tỷ đồng.

Bốn là, tổng vốn đầu tư phát triển toàn xã hội trên địa bàn tăng qua từng năm. Sau giải phóng, cơ sở hạ tầng bị chiến tranh tàn phá, vốn đầu tư năm 1976 là 7 triệu đồng, trong đó phần lớn là vốn đầu tư xây dựng cơ bản từ ngân sách nhà nước đầu tư xây dựng cơ sở sản xuất kinh doanh, công trình công cộng thiết yếu, nạo vét kênh mương thủy lợi và máy móc thiết bị phục vụ sản xuất, giao thông vận tải, giáo dục và y tế, không có vốn đầu tư nước ngoài. Trong giai đoạn 2004 - 2015, tổng vốn đầu tư phát triển toàn xã hội trên địa bàn đạt xấp xỉ 280.000 tỷ đồng, riêng năm 2015 ước đạt 60.000 tỷ đồng.

Năm là, lĩnh vực thu ngân sách. Thời kỳ 1976 - 1985, thu ngân sách rất hạn chế, đến năm 1986, tổng thu ngân sách trên địa bàn đạt 1,4 tỷ đồng, đến cuối năm 2014, tổng thu ngân sách nhà nước trên địa bàn đạt 17.315 tỷ đồng. TP. Cần Thơ là địa phương duy nhất vùng Đồng bằng sông Cửu Long, là một trong 13 địa phương điều tiết ngân sách về Trung ương.

Sáu là, hoạt động tài chính, ngân hàng ngày càng phát triển mạnh mẽ, góp phần quan trọng vào phát triển kinh tế của Thành phố. Những năm đầu sau giải phóng và nhiều năm tiếp theo, lĩnh vực tài chính, ngân hàng phát triển khá chậm. Đến năm 2015, trên địa bàn có 52 tổ chức tín dụng với 230 điểm có giao dịch ngân hàng, tổng vốn huy động ước đạt 42.000 tỷ đồng, tổng dư nợ cho vay nền kinh tế ước đạt 50.000 tỷ đồng, tăng gần 22 lần so với năm 2004.

Các khâu đột phá

Ông Trần Thanh Mẫn, Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Bí thư Thành ủy Cần Thơ phấn khởi chia sẻ, để thực hiện có hiệu quả tinh thần Nghị quyết số 45-NQ/TW ngày 17/2/2005 của Bộ Chính trị, TP. Cần Thơ sẽ phấn đấu là một trong những địa phương đi đầu trong sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa và cơ bản trở thành thành phố công nghiệp trước năm 2020, là một cực phát triển, đóng vai trò động lực thúc đẩy mạnh mẽ sự phát triển của toàn vùng.

Cùng với đó, Cần Thơ phấn đấu tốc độ tăng trưởng kinh tế bình quân khoảng 7,3%/năm giai đoạn 2016-2020; GDP bình quân đầu người đến năm 2020 đạt 96,2 triệu đồng (tương đương 4.475 USD); kim ngạch xuất khẩu hàng hóa và dịch vụ đạt 11 tỷ USD; tổng kim ngạch nhập khẩu đạt 3,8 tỷ USD. Tổng số vốn đầu tư toàn xã hội dự kiến 242.000 tỷ đồng (11,26 tỷ USD).

Địa phương tập trung vào 3 nhiệm vụ trọng tâm như sau:

Thứ nhất, thực hiện tốt công tác quy hoạch xây dựng Thành phố theo hướng văn minh, hiện đại; tận dụng mọi cơ hội, phát huy tối đa các tiềm năng, lợi thế để phát triển kinh tế với tốc độ nhanh, bền vững, có hiệu quả và có sức cạnh tranh cao trên thị trường trong nước và quốc tế. Trong đó, chú trọng chuyển dịch nhanh cơ cấu kinh tế theo hướng công nghiệp - thương mại, dịch vụ - nông nghiệp công nghệ cao. Đẩy mạnh phát triển kinh tế đối ngoại, phấn đấu đưa Cần Thơ trở thành trung tâm giao lưu, cửa ngõ và đầu mối giao lưu, buôn bán, hợp tác với nước ngoài của các tỉnh Đồng bằng sông Cửu Long; thu hút mạnh hơn đầu tư trong và ngoài nước. Bên cạnh đó, Thành phố tập trung huy động các nguồn lực để phát triển nhanh kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội và kiến thiết đô thị; xây dựng đồng bộ hệ thống giao thông và đẩy nhanh tiến độ các công trình trọng điểm của Thành phố.

Thứ hai, chăm lo phát triển con người một cách toàn diện; nâng cao chất lượng giáo dục - đào tạo; chú trọng đào tạo nhân lực có chất lượng cao, xây dựng con người Cần Thơ “trí tuệ - năng động - nhân ái - hào hiệp - thanh lịch”.     

Thứ ba, kết hợp chặt chẽ phát triển kinh tế - xã hội với củng cố quốc phòng, an ninh, kiềm chế tai nạn giao thông, bảo đảm giữ vững an ninh chính trị, trật tự an toàn xã, nâng cao chất lượng, hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước của các cấp chính quyền; đẩy mạnh cải cách hành chính, chống quan liêu, tham nhũng, lãng phí, tiêu cực… 

Để thực hiện tốt các nhiệm vụ trên, TP. Cần Thơ đã chọn các khâu đột phá là: huy động mọi nguồn lực đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội, tạo điều kiện thu hút đầu tư vào Thành phố; tập trung đào tạo nhân lực, thu hút nhân tài, nhất là chuyên gia đầu ngành, cán bộ chuyên môn giỏi; ứng dụng mạnh mẽ khoa học và công nghệ vào sản xuất và quản lý kinh tế - xã hội; quan tâm giải quyết tốt hơn vấn đề an sinh xã hội, nâng cao chất lượng cuộc sống của nhân dân và xây dựng nếp sống văn minh đô thị, thành phố sáng - xanh - sạch - đẹp.

 

Triển lãm Thành tựu kinh tế - xã hội TP. Cần Thơ tại Hà Nội

Thực hiện Quyết định số 506/QĐ-TTg ngày 17/4/2015 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt Kế hoạch Tổ chức các hoạt động Kỷ niệm 70 năm Cách mạng Tháng Tám (19/8/1945-19/8/2015) và Quốc khánh nước CHXHCN Việt Nam (2/9/1945-2/9/2015), Quyết định số 2334/QĐ-BVHTTDL ngày 9/7/2015 của Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch về việc phê duyệt Đề án tổ chức Triển lãm Thành tựu kinh tế - xã hội năm 2015, TP. Cần Thơ tổ chức Đoàn tham gia Triển lãm Thành tựu kinh tế - xã hội TP. Cần Thơ tại Thủ đô Hà Nội từ ngày 28/8 đến 3/9/2015.

Đây là hoạt động thiết thực cùng với cả nước chào mừng kỷ niệm 70 năm Cách mạng Tháng Tám và Quốc khánh nước CHXHCN Việt Nam và là cơ hội cho TP. Cần Thơ giới thiệu những thành tựu trong công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, đặc biệt là những thành tựu phát triển trong thời kỳ đổi mới dưới sự lãnh đạo của Đảng; đồng thời, quảng bá về lợi thế, tiềm năng, các cơ hội liên kết hợp tác và đầu tư thông qua danh mục các dự án ưu tiên mời gọi thu hút đầu tư, đặt trong tổng thể định hướng phát triển kinh tế - xã hội đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030 của Thành phố.

Dịp này, TP. Cần Thơ sẽ giới thiệu các nội dung: những thành tựu 70 năm công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc; những thành tựu phát triển trong thời kỳ đổi mới dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam từ năm 1986 đến nay; lợi thế, tiềm năng phát triển của TP. Cần Thơ; Quy hoạch Tổng thể phát triển kinh tế - xã hội TP. Cần Thơ đến năm 2020 và tầm nhìn đến năm 2030; giới thiệu danh mục các dự án kêu gọi đầu tư; các chương trình an sinh xã hội, chăm lo đối tượng chính sách, gia đình nghèo neo đơn; giới thiệu các doanh nghiệp tiêu biểu của Thành phố; quảng bá về hình ảnh, các dịch vụ và sản phẩm du lịch tại TP. Cần Thơ…

 

Chính thức mở đường bay kết nối Cần Thơ - Bang Kok
13h00 ngày hôm nay (21/7), chuyến bay đầu tiên của Hãng hàng không Thái VietJet Air đã đáp xuống Sân bay quốc tế Cần Thơ. Ngay trong ngày, chuyến bay theo...
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư