Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Sáu, Ngày 29 tháng 03 năm 2024,
Bệnh viện thiếu nhiều loại thuốc hiếm, thuốc giải độc
D.Ngân - 15/09/2022 08:03
 
Bệnh viện Bạch Mai cùng nhiều bệnh viện khác hiện thiếu nhiều loại thuốc hiếm như huyết thanh nọc rắn cạp nia, thuốc giải độc Clostridium Botulinum.
TIN LIÊN QUAN

Thông tin từ Trung tâm Chống độc, Bệnh viện Bạch Mai, hiện nơi đây thiếu nhiều loại thuốc gồm huyết thanh kháng nọc rắn cạp nia, thuốc giải độc cho người bị ngộ độc Clostridium Botulinum.

Bệnh viện Bạch Mai cùng nhiều bệnh viện khác hiện thiếu nhiều loại thuốc hiếm như huyết thanh nọc rắn cạp nia, thuốc giải độc Clostridium Botulinum.

TS. Nguyễn Trung Nguyên, Giám đốc Trung tâm chống độc, Bệnh viện Bạch Mai cho hay, các thuốc giải độc có vai trò rất quan trọng trong quá trình điều trị cho bệnh nhân ngộ độc, cải thiện đáng kể tỉ lệ tử vong. 

Khi những thuốc đặc hiệu bị thiếu, các bác sĩ phải sử dụng tất cả biện pháp có thể để cứu chữa cho bệnh nhân, nhưng hiệu quả rất hạn chế.

Ông Đào Xuân Cơ, Giám đốc Bệnh viện Bạch Mai cho hay bệnh viện đã có văn bản kiến nghị Bộ Y tế, đề xuất thành lập kho dự trữ các thuốc hiếm, để sẵn sàng điều phối đến các bệnh viện toàn quốc khi có người bệnh cần sử dụng.

Ngay sau khi nắm được thông tin về tình trạng thiếu thuốc thuộc danh mục thuốc giải độc ở Bệnh viện Bạch Mai, theo đại diện Bộ Y tế, cơ quan này đã yêu cầu Cục Quản lý Dược có giải pháp hỗ trợ và cung cấp đủ thuốc cho đơn vị.

Về phía Cục Quản lý Dược, ông Vũ Tuấn Cường, Cục trưởng thông tin thêm, thuốc giải độc là thuốc hiếm. Các thuốc này không sẵn có về nguồn cung ứng trên phạm vi toàn thế giới.

Do đó, sau khi bệnh viện lập đơn hàng khẩn cấp, Cục Quản lý Dược sẽ giải quyết trong vòng 24-72 giờ tùy theo sự sẵn có của mặt hàng.

Cục Quản lý Dược cũng hướng dẫn bệnh viện khẩn trương lập đơn hàng, tìm kiếm nguồn cung để đưa vào điều trị cho người bệnh.

Để chủ động hơn nữa đối với các thuốc giải độc, thuốc hiếm, Bộ Y tế sẽ đề xuất với Chính phủ có cơ chế đặc thù đối với việc mua sắm, dự trữ một số loại thuốc hiếm đảm bảo nhu cầu điều trị.

Cũng về tình trạng thiếu thuốc, giữa tháng 8/2022 Cục này cũng phải có văn bản để nghị các cơ sở chủ động cung ứng do thiếu hụt nguồn cung ứng thuốc chứa hoạt chất Protamin sulfat trong phẫu thuật tim mạch- lồng ngực.

Trước đó, khi dịch sốt xuất huyết bùng phát mạnh tại nhiều cơ sở y tế xảy ra tình trạng khan hiếm thuốc điều trị.

Đại diện Viện Pasteur TP.HCM cho biết, công tác phòng chống dịch sốt xuất huyết của khu vực đang gặp nhiều khó khăn, vướng mắc, trong đó thiếu kinh phí, hóa chất, thiết bị và thuốc là phổ biến.

Cụ thể, hóa chất, máy phun diệt muỗi, loăng quăng dự kiến không đủ cho khu vực phía Nam trong thời gian tới. Hầu hết, việc mua sắm hóa chất cho năm nay của các tỉnh đang còn nằm trên giấy, nếu dùng hết số hóa chất cũ thì sẽ khó khăn trong giai đoạn tới. 

Bên cạnh đó, các sinh phẩm xét nghiệm chẩn đoán bệnh cũng thiếu. Nhiều bệnh viện thiếu dịch truyền cao phân tử (tức dịch truyền) để điều trị bệnh nhân nặng do khó mua sắm.

Theo đại diện Sở Y tế An Giang, nơi số ca mắc tăng từ đầu năm tăng 387% so với cùng kỳ năm 2021, trong thời gian chờ mua sắm hóa chất số lượng lớn, địa phương đề nghị các cơ sở chỉ định thầu rút gọn dưới 100 triệu đồng để giải quyết nhanh, nhưng các cơ sở cũng sợ sai phạm, nhiều nơi chưa thực hiện.

Về thuốc điều trị, theo phác đồ của Bộ Y tế, bệnh nhân sốc sốt xuất huyết nặng được truyền dung dịch cao phân tử gồm Dextran 40, Dextran 70, HES 200.000 dalton.

Tuy nhiên, 3 loại dịch truyền trên đều khan hiếm. Bộ Y tế cho phép cơ sở y tế sử dụng HES 130.000 dalton để thay thế. Tuy vậy, HES 130.000 không thể hiệu quả bằng Dextran 40, 70 và HES 200.000.

Sở Y tế TP.HCM đã đăng ký mua Dextran 40 cho các bệnh viện, nhưng phải chờ đặt hàng từ 6-8 tháng để đơn vị sản xuất cung ứng.

Không chỉ có các loại thuốc trên bị thiếu mà theo phản ánh của nhiều bệnh viện, tình trạng thiếu thuốc khám chữa bệnh, thiết bị y tế trở nên trầm trọng thời gian qua.

Bệnh nhân ung thư tại Bệnh viện K mòn mỏi chờ thuốc đặc trị, bệnh nhân mổ thủy tinh thể tại Bệnh viện Mắt Trung ương phải chờ từ 3-6 tháng mới có thủy tinh thể để thay…

Lý giải về thực tế khan hiếm thuốc chữa bệnh đại diện Bộ Y tế từng cho rằng, nguyên nhân chính dẫn tới tình trạng thiếu thuốc, vật tư y tế là do tâm lý lo ngại, sợ sai, sợ thanh tra, kiểm tra, do vậy không dám làm, không dám đấu thầu, mua sắm của một số địa phương và đơn vị.

Một số địa phương giao cho các đơn vị chủ động tự đấu thầu, thay vì đấu thầu tập trung như trước, nhưng các đơn vị vẫn tỏ ra lúng túng hoặc e ngại trong tổ chức thực hiện. 

Bên cạnh đó, cũng có tình trạng một số doanh nghiệp, nhà cung cấp cũng e ngại trong việc cung ứng hàng hóa cho các đơn vị công do liên quan đến giá chưa hợp lý, thủ tục đấu thầu, thủ tục thanh toán phức tạp, khó khăn.

Ngoài ra theo lý giải của Bộ này, việc mua sắm trong lĩnh vực y tế có lúc, có nơi xuất phát từ nhu cầu bị động, phụ thuộc nhiều vào các yếu tố như tình hình dịch bệnh, mô hình bệnh tật. 

Đặc biệt, 2 năm 2020-2021 đã chịu ảnh hưởng nặng nề của đại dịch Covid-19, nhiều gói thầu phải mua theo hình thức chỉ định thầu rút gọn, lựa chọn nhà thầu trong trường hợp khẩn cấp để phục vụ cho nhu cầu chống dịch. 

Cũng do ảnh hưởng của đại dịch, nguồn nguyên liệu sản xuất, hàng hóa khan hiếm, giá cả hàng hóa nhiều biến động, vì vậy, việc mua sắm thuốc, vật tư y tế, hóa chất, sinh phẩm cho phòng, chống dịch bệnh và khám, chữa bệnh càng trở nên khó khăn hơn.

Phân tích thêm nguyên nhân, PGS-TS. Nguyễn Lân Hiếu, đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Bình Định, Giám đốc Bệnh viện Đại học Y Hà Nội cho rằng, hiện Luật Đấu thầu đã có, nhưng thông tư, nghị định hướng dẫn đặc thù riêng cho ngành Y tế chậm ban hành, hoặc văn bản hướng dẫn còn bất cập, khó hiểu và khó áp dụng. Điều này đã gây tâm lý e dè cho các bệnh viện trong việc mua sắm vật tư tiêu hao.

Một số ý kiến khác thì nêu ra, xảy ra tình trạng thiếu thuốc như hiện tại, phần lớn do quy trình đấu thầu thuốc chữa bệnh tập trung hiện nay rất phức tạp, phải tuân thủ gần 20 bước, liên quan nhiều cơ quan chức năng khác nhau, mỗi cơ quan chậm vài ba ngày, thậm chí một, hai tuần là dẫn đến kết quả đấu thầu chậm.

Để khắc phục vấn đề này, một số ý kiến cho rằng, cơ quan có thẩm quyền cần nghiên cứu, giảm thủ tục hành chính trong quy trình đấu thầu thuốc tập trung. 

Đồng thời phải quy định rõ thời gian giải quyết cho từng khâu, từ khi lập kế hoạch, nhu cầu sử dụng thuốc của các đơn vị, tổng hợp nhu cầu và trình các cơ quan chức năng xem xét, thẩm tra, thẩm định, ban hành kế hoạch đấu thầu, mời thầu, đến công bố kết quả đấu thầu.

TS. Nguyễn Huy Quang, nguyên Vụ trưởng Vụ Pháp chế, Bộ Y tế cũng đồng thuận với kiến nghị cần phải có văn bản hướng dẫn cụ thể hơn Luật Tài sản công, Luật Đầu tư công, Luật Đấu thầu… 

Ngoài ra, cần có quy định riêng cho ngành y tế, vì đây là ngành kinh doanh có điều kiện ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe người dân. Điều này sẽ giúp ngành y tế có cơ chế pháp lý minh bạch, có thể điều chỉnh các quan hệ nảy sinh liên quan đến vấn đề này. Đồng thời cũng tạo khung khổ pháp lý rõ ràng, minh bạch cho các đơn vị tham gia đấu thầu yên tâm thực hiện.

Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư