Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Sáu, Ngày 29 tháng 03 năm 2024,
Bị chiếm dụng hàng ngàn vỏ bình gas, doanh nghiệp gas gửi đơn khẩn kêu cứu
Ngô Nguyên - 19/05/2022 08:50
 
Nhiều doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh gas đồng loạt gửi đơn khẩn cứu khi phát hiện hàng ngàn vỏ bình gas là tài sản của họ đã bị chiếm dụng, cạo sửa.
Cơ quan chức năng Bình Dương phát hiện hàng ngàn vỏ bình gas của Công ty TNHH Khí hóa lỏng miền Trung trong khuôn viên của ga tàu Dĩ An
Cơ quan chức năng Bình Dương phát hiện hàng ngàn vỏ bình gas của Công ty TNHH Khí hóa lỏng miền Trung trong khuôn viên của ga tàu Dĩ An

Đây không chỉ là chiêu trò cạnh tranh không lành mạnh, mà còn là hành vi chiếm đoạt tài sản đã xảy ra từ lâu, nhưng doanh nghiệp vẫn trông chờ việc xử lý...

Miền Nam: “Đại gia” gas cũng lâm nạn

Công ty TNHH Khí hóa lỏng Việt Nam - VT Gas (VT Gas, trụ sở TP.HCM) là doanh nghiệp tên tuổi, chuyên cung cấp sản phẩm khí hóa lỏng LPG với chất lượng cao cho các ngành công nghiệp và nhà hàng - khách sạn phía Nam.

Mới đây, ông Lê Khắc Ninh (Giám đốc VT Gas) phải làm đơn kêu cứu gửi Công an tỉnh Bình Dương cho hay: VT-Gas là đơn vị 100% vốn của Công ty cổ phần Kinh doanh khí miền Nam (Gas South).  Gas South có tải sản là vỏ bình gas, được dập chìm/dập nổi trên thân bình hoặc tay xách chữ “PVGC’, “PV GAS”, “PGS”, “PETECHIM” hoặc đục xuyên chữ “MEKONG”.

Tuy nhiên, mới đây, chủ tài sản lại phát hiện hàng ngàn vỏ bình gas của mình nằm tại địa điểm kinh doanh của Công ty TNHH H.A (xin tạm chưa nêu tên) tại số 8, Lý Thường Kiệt, phường Dĩ An, TP. Dĩ An tỉnh Bình Dương.

Điều đáng nói là, các vỏ bình gas của VT Gas đã bị cạo sơn sửa đổi sang nhãn hiệu “PVGAS LPG” - là nhãn hiệu của Công ty cổ phần Kinh doanh LPG Việt Nam (Petro Việt Nam Gas).

Hành vi cạnh tranh không lành mạnh.

- Luật sư Nguyễn Tấn Thi (Công ty Luật TNHH MTV LS Thi và Cộng sự -TP.HCM)

Chiếm giữ vỏ bình gas, khiến đối thủ không có vỏ bình để kinh doanh là hành vi cạnh tranh không lành mạnh. Hành vi này còn có yếu tố hình sự là chiếm đoạt tài sản trái phép.Việc chiếm giữ rồi xoá nhãn, huỷ bỏ vỏ bình ga là hành vi huỷ hoại tài sản của người khác. Hành vi cắt tai bình, mài vỏ, thay đổi nhãn hiệu thì đã có dấu hiệu vi phạm Luật Sở hữu trí tuệ. Các hành vi này đều có thể xủ lý hình sự tùy theo mức độ sai phạm và hậu quả, thì mới có thể làm sạch môi trường kinh doanh mặt hàng khí nói chung.

“Hành vi này được thực hiện tinh vi, quy mô lớn, có tổ chức gây thiệt hại lớn cho đơn vị sở hữu”, ông Ninh nói và kiến nghị cơ quan công an điều tra làm rõ có hay không doanh nghiệp khác thuê Công ty HA sơn sửa chuyển đổi tài sản thuộc sở hữu của Gas South sang Petro Việt Nam Gas.

Không chỉ VT Gas, Công an tỉnh Bình Dương cũng vừa nhận được đơn trình báo của Công ty TNHH Khí hóa lỏng miền Trung (trụ sở tại Hà Tĩnh) cho hay, cán bộ kinh doanh của Công ty mới đây phát hiện trong khuôn viên của ga tàu Dĩ An thuộc Công ty cổ phần Xe lửa Dĩ An (Bình Dương) hàng ngàn vỏ bình gas mang nhãn hiệu HA TINH PETROL GAS, GAZ DAT VIET, THANG LONG PETRO là tài sản thuộc quyền sở hữu của Công ty, hoặc tài sản mà Công ty được ủy quyền sử dụng.

Trong đơn, ông Nguyễn Đức Luân, Phó giám đốc Công ty TNHH Khí hóa lỏng miền Trung khẳng định với cơ quan công an, các vỏ bình gas trên là của Công ty xuất ra trong quá trình bán cho khách. Nhưng khuôn viên của ga tàu Dĩ An thuộc Công ty cổ phần Xe lửa Dĩ An lại không phải là đại lý hay cơ sở bán lẻ gas của Công ty TNHH Khí hóa lỏng miền Trung. Từ đó, ông Luân khẳng định, tài sản của doanh nghiệp bị chiếm giữ trái phép, nên đề nghị cơ quan công an xử lý theo quy định pháp luật.

Theo tìm hiểu của chúng tôi, Đội Cảnh sát kinh tế Công an TP. Dĩ An phối hợp cùng lực lượng quản lý thị trường tỉnh Bình Dương vừa bất ngờ kiểm tra địa điểm theo đơn tố cáo và phát hiện có hàng ngàn vỏ bình gas loại 12 kg có in nổi nhãn hiệu của các thương hiệu nêu trên.

Lực lượng chức năng đã tiến hành thống kê, niêm phong toàn bộ số vỏ bình gas để phục vụ công tác điều tra, xác minh.

Miền Bắc: Petrovietnam cũng khẩn cứu

Cùng thời điểm 2 doanh nghiệp gas ở miền Nam gửi đơn tới công an Bình Dương, tháng 4/2020, Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN) cũng gửi văn bản tới Ban chỉ đạo 389 (Ban Chỉ đạo quốc gia chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả) và Công an TP. Hà Nội. Văn bản này cho hay, Tập đoàn là chủ sở hữu nhãn hiệu Petrovietnam và Petrovietnam GAS đã được Cục Sở hữu trí tuệ cấp bằng sở hữu số 155561 ngày 8/12/2010. Tổng công ty Khí Việt Nam (PV Gas) và Công ty cổ phần Kinh doanh LPG Việt Nam (PV GAS LPG) được quyền sử dụng nhãn hiệu này. Tập đoàn cũng đã ban hành Nghị quyết 6188/QD-DKVN, ủy quyền cho PV Gas và PV GAS LPG thay mặt PVN thực hiện các công việc nhằm bảo vệ quyền lợi và lợi ích hợp pháp của PVN với tư cách là chủ sở hữu nhãn hiệu Petrovietnam và Petrovietnam Gas.

Theo báo cáo mới nhất của PV Gas và PV GAS LPG, PVN, hàng ngàn vỏ bình gas nhãn hiệu của doanh nghiệp đang bị Công ty CP Kinh doanh và Xuất nhập khẩu V.L (Hà Nội) chiếm giữ.

“PVN kính đề nghị Ban chỉ đạo 389 quốc gia, Công an TP. Hà Nội, Tổng cục Quản lý thị trường quan tâm chỉ đạo để tổ chức kiểm tra, xác minh hành vi chiếm giữ trái phép vỏ bình gas nhằm bảo vệ hình ảnh, thương hiệu của PVN, cũng như quyền lợi và lợi ích hợp pháp của PVN”, Phó tổng giám đốc PVN Đỗ Chí Thanh khẩn thiết trong đơn kiến nghị.

Cũng liên quan tới Công ty V.L, cùng thời điểm với PVN, Công ty TNHH Dầu khí Quảng Trị cũng đã có đơn tố giác tội phạm gửi Công an TP. Hà Nội cho biết, thời gian qua, có một số lượng lớn vỏ bình gas nhãn hiệu GREEN PERTROL GAS QTH, THÀNH LỢI GAS của Công ty đã đưa ra thị trường, nhưng không quay về chủ sở hữu. Qua điều tra, đơn vị phát hiện tài sản của mình nằm tại Công ty V.L nên doanh nghiệp “nhờ cậy” cơ quan chức năng xử lý.

Thiệt hại rất lớn, nhưng…

Theo các doanh nghiệp, họ phải đầu tư rất lớn vào bình gas, bởi đây là phương tiện để bán gas. Tính trung bình, một vỏ bình gas 12 kg được doanh nghiệp sản xuất hoặc mua mới có giá từ 550.000 - 600.000 đồng/vỏ; 1,2 - 1,5 triệu đồng/vỏ bình loại 45 kg. Tuổi thọ trung bình mỗi vỏ bình gas khoảng 25 năm.

Với số lượng hàng chục ngàn bình gas như vậy, là khối tài rất lớn, thậm chí chiếm tới 50% tài sản cố định của doanh nghiệp.

Nguyên tắc, sau khi nạp gas và đưa ra thị trường, người tiêu dùng dùng hết gas, đại lý tới đổi bình mới và lấy vỏ mang về giao công ty nạp tiếp. Nên thông thường, các doanh nghiệp không sản xuất vỏ, nhưng kinh doanh gas thường cử “người lạ” tới các đại lý, sẵn sàng chi trên dưới 300.000 đồng để đổi vỏ bình của doanh nghiệp “xịn” lấy vỏ bình cho một thương hiệu khác.

Sau đó các doanh nghiệp “đen” này mang về giữ nguyên thương hiệu, nhưng nạp gas khác, hoặc cắt, đục, sơn sửa vỏ bình sang thương hiệu mới. Cách làm ăn phi pháp như vậy sẽ “tiết kiệm” được rất nhiều chi phí, rẻ hơn nhiều so với việc sản suất ra một bình gas mới.

Ngoài ra, có khá nhiều doanh nghiệp còn cạnh tranh theo hướng triệt hạ đối thủ. Theo đó, họ đi thu gom vỏ bình gas của đối thủ, khiến đối thủ không có đủ vỏ bình để nạp gas kinh doanh - doanh nghiệp bị hại dễ dẫn tới phá sản.

Điều đáng nói, những hành vi trên đã tồn tại từ rất lâu trên thị trường gas và cũng chính từ những hiện tượng cạnh tranh như vậy, mà đơn kêu cứu của doanh nghiệp tới các cơ quan chức năng “như bươm bướm”.

Kêu cứu là vậy, nhưng không ít doanh nghiệp than với chúng tôi: Rất khó!

Lời than này không phải thiếu cơ sở. Bởi ngay cuối năm ngoái (tháng 11/2021), tại Hội nghị “Kinh doanh khí hóa lỏng: Tiến tới khuôn khổ pháp lý toàn diện thúc đẩy kinh doanh và phát triển thị trường”, do Bộ Công thương tổ chức, Hiệp hội Gas Việt Nam đã thẳng thừng nêu, việc chiếm đoạt vỏ bình, sang chiết gas trái pháp luật, vi phạm quy định về nhãn hiệu hàng hóa của các doanh nghiệp diễn ra công khai ở nhiều nơi. Việc diễn ra những vi phạm này một phần xuất phát từ những thiếu sót trong hệ thống pháp luật về kinh doanh khí, khiến quản lý nhà nước đối với hoạt động kinh doanh mặt hàng này có những khó khăn, phức tạp; việc xử lý của cơ quan chức năng trong cùng một hành vi thì lại khác nhau, nơi thì hình sự, nơi phạt hành chính…

Đại diện Bộ Công thương cũng phải thừa nhận, hiện chưa có quy định cụ thể để các doanh nghiệp kinh doanh gas, trạm chiết nạp gas trong việc trao đổi, hoàn trả vỏ bình, hoặc hợp đồng thỏa thuận trao đổi không được thực hiện nghiêm túc, dẫn đến tình trạng chiếm dụng vỏ bình. Việc triển khai quy định ở nhiều nơi còn khó khăn do tuyên truyền, thiếu lộ trình áp dụng hợp lý, chưa có quy định ràng buộc các tổ chức, cá nhân có liên quan thực hiện. Do vậy, hầu hết các doanh nghiệp thuộc đối tượng điều chỉnh đã không tuân thủ hoặc tuân thủ theo hình thức đối phó.

Theo phân tích của một luật sư, hành vi chiếm giữ vỏ bình gas, khiến đối thủ không có vỏ bình để kinh doanh là hành vi cạnh tranh không lành mạnh. Hành vi này còn có yếu tố hình sự là chiếm đoạt tài sản trái phép.

Còn việc chiếm giữ, rồi xoá nhãn, hủy bỏ vỏ bình ga là hành vi huỷ hoại tài sản của người khác; Hành vi cắt tai bình, mài vỏ, thay đổi nhãn hiệu thì đã có dấu hiệu vi phạm Luật Sở hữu trí tuệ.

Vì vậy, có thể điều chỉnh quy định pháp luật liên quan từ hành chính đến hình sự theo hướng: Các tổ chức, cá nhân có hành vi trên, ở mức độ gây thiệt hại lớn thì có thể xử lý hình sự. Còn ở mức độ vi phạm ngưỡng hành chính thì xử phạt hành chính, nhưng nếu tái phạm phải xử lý hình sự về tội xâm phạm quyền sở hữu công nghiệp hoặc hủy hoại, chiếm đoạt tài sản trái phép…

"Dòng tiền đi nghỉ lễ", cổ phiếu PVGas, Masan kéo lùi VN-Index
Thanh khoản trên thị trường có thêm một phiên sụt sâu. Các nhà đầu tư thận trọng hơn trong giao dịch khi kỳ nghỉ lễ đang đến gần.
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư