Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Sáu, Ngày 29 tháng 03 năm 2024,
Tiêu điểm đầu tư tuần qua
Bình Dương được giao 21.817 tỷ đồng; 11.090 tỷ đồng xây cao tốc Khánh Hòa-Buôn Ma Thuột
Hạnh Nguyên - 15/01/2023 07:54
 
Đầu tư 11.090 tỷ đồng xây 37 km cao tốc Khánh Hòa - Buôn Ma Thuột; Bình Dương được giao 21.817 tỷ đồng vốn đầu tư công, cao nhất từ trước đến nay…

Đó là hai trong số những thông tin về đầu tư đáng chú ý trong tuần qua.

Đầu tư 11.090 tỷ đồng xây 37 km cao tốc Khánh Hòa - Buôn Ma Thuột 

Đây là các hạng mục thuộc Dự án thành phần 2 thuộc Dự án đầu tư xây dựng đường bộ cao tốc Khánh Hòa – Buôn Ma Thuột giai đoạn 1 do PMU6 làm chủ đầu tư.

Ban quản lý Dự án 6 (PMU6) vừa trình Bộ GTVT thẩm định, phê duyệt Báo cáo nghiên cứu khả thi Dự án thành phần 2 thuộc Dự án đầu tư xây dựng đường bộ cao tốc Khánh Hòa - Buôn Ma Thuột giai đoạn 1.

Dự án có điểm đầu tại Km32 + 000 thuộc địa phận xã Ninh Tây, thị xã Ninh Hòa, tỉnh Khánh Hòa; điểm cuối tại Km69+500 thuộc địa phận xã Cư Elang, huyện Ea Kar, tỉnh Đắk Lắk. Tổng chiều dài Dự án khoảng 36,987 km, trong đó đoạn đi qua địa phận tỉnh Khánh Hòa là 1,3Km; qua địa phận tỉnh Đắk Lắk là 35,687 km.

Từ điểm kết nối với dự án thành phần 1 (Km32+000), tim tuyến dịch ngang về phía Bắc khoảng 30m, tuyến đi cong nhẹ xuyên qua  núi Chư Bli bằng hầm Phượng Hoàng, cửa Tây hầm Phượng Hoàng lệch về phía Bắc so với tuyến Tiền khả thi khoảng 300m, sau khi ra khỏi hầm tuyến bám sườn núi, rẽ phải vượt sông Chò và đi bám sườn núi về phía Nam sông Chò.

Từ Km38+500, tuyến bám sườn núi đi về phía Tây Nam, sau đó đi theo sườn phía Nam của dẫy núi Chư Noun Ngai, đi về phía Bắc của các buôn thôn 4, thôn 9, đến khoảng Km42+500, tuyến rẽ trái đi sang sườn Nam của khe, sau đó xuyên núi bằng hầm Ea Trang 1 (Km43+700).

Sau khi ra khỏi cửa Tây hầm EaTrang, tuyến đi ôm sườn núi bằng cầu cạn, tuyến đi sâu về phía đỉnh núi, vượt mom núi bằng công trình hầm Ea Trang 2 (Km45+800), đến khoảng Km46+300, tuyến rẽ phải, vượt suối và đi qua yên ngựa tại Km47+400, rẽ trái nhẹ để tránh đồi đến Km48+500, tuyến đi bám theo địa hình, vượt sông Krông Pắc tại Km50+400, tuyến rẽ phải nhẹ, đi bám theo sườn núi, đi về phía Nam của Buôn Cư Dhắt, sau đó tuyến đi song song về phía Đông Nam đường Trường Sơn Đông khoảng 50-100m.

Từ Km54 tuyến bắt đầu rẽ phải vượt đường Trường Sơn Đông tại Km54+700, sau đó đi ôm theo sườn núi, cắt qua sông Eo Lách về Km58+500, sau đó tuyến rẽ phải nhẹ đi về phía Bắc, vượt qua sông Ea Tông, đến Km61 tuyến rẽ phải mạnh về phía Bắc đến Km63+700, tuyến đi xuyên núi bằng hầm Chư Te, ra khỏi cửa Tây hầm, tuyến đi bám theo sườn núi, đến Km66+600 tuyến vượt sông Ea Dâng, sau đó tuyến đi về phía Bắc hồ Ea rớt, đi bám sườn và kết nối với dự án thành phần 3 tại Km69+500.

Theo đề xuất của PMU6, tuyến chính cao tốc có bình diện và trắc dọc đạt tiêu chuẩn đường cao tốc với vận tốc thiết kế 80-100km/h.

Mặt cắt ngang giai đoạn hoàn thiện đạt tiêu chuẩn đường cao tốc 4 làn xe, bề rộng nền đường 24,75m. Giai đoạn 1 phân kỳ đầu tư quy mô 4 làn xe cao tốc hạn chế chiều rộng nền đường 17m, vận tốc thiết kế 80km/h.

Giá trị tổng mức đầu tư Dự án là 11.090 tỷ đồng, gồm chi phí bồi thường, hỗ trợ và tái định cư là 246,451 tỷ đồng; chi phí xây dựng là 9.251,19 tỷ đồng; chi phí thiết bị là 126 tỷ đồng; chi phí quản lý dự án và tư vấn đầu tư xây dựng là 436 tỷ đồng; chi phí dự phòng là 1.030 tỷ đồng.

Tổng mức đầu tư trên không bao gồm chi phí thiết bị của hạng mục ITS và trạm thu phí (khoảng 118 tỷ đồng theo báo cáo nghiên cứu tiền khả thi).

Dự án được đầu tư bằng Ngân sách nhà nước giai đoạn 2021-2025 (gồm vốn ngân sách trung ương và vốn ngân sách địa phương) và ngân sách Trung ương giai đoạn 2026-2030. Trong đó, Ngân sách Trung ương là 10.967,2 tỷ đồng. Ngân sách địa phương tham gia 50% chi phí GPMB 123,325 tỷ đồng.

Thời gian chuẩn bị đầu tư, thực hiện Dự án từ năm 2022, cơ bản hoàn thành một số đoạn tuyến có lưu lượng giao thông lớn vào năm 2025, cơ bản hoàn thành toàn tuyến năm 2026 và hoàn thành đưa vào khai thác đồng bộ toàn Dự án năm 2027.

Hải Phòng khởi công Dự án Trung tâm Chính trị - Hành chính mới hơn 2.500 tỷ đồng

Chiều 07/01, UBND TP.Hải Phòng đã tổ chức Lễ Khởi công xây dựng Dự án đầu tư xây dựng công trình Trung tâm Chính trị - Hành chính thành phố tại Khu đô thị Bắc sông Cấm.

Dự án đầu tư xây dựng công trình Trung tâm Chính trị - Hành chính thành phố, hệ thống giao thông và hệ thống hạ tầng kỹ thuật đồng bộ tại Khu đô thị Bắc sông Cấm được xây dựng tại xã Tân Dương, huyện Thủy Nguyên có diện tích khoảng 13,63 ha với tổng mức đầu tư 2.513,243 tỷ đồng từ nguồn ngân sách thành phố. Dự án do Ban Quản lý dự án phát triển đô thị và đầu tư xây dựng công trình dân dụng làm chủ đầu tư. Dự kiến dự án sẽ hoàn thành vào năm 2025.

Phối cảnh Dự án đầu tư xây dựng công trình Trung tâm Chính trị - Hành chính thành phố, hệ thống giao thông và hệ thống hạ tầng kỹ thuật đồng bộ tại Khu đô thị Bắc sông Cấm
Phối cảnh Dự án đầu tư xây dựng công trình Trung tâm Chính trị - Hành chính thành phố, hệ thống giao thông và hệ thống hạ tầng kỹ thuật đồng bộ tại Khu đô thị Bắc sông Cấm

Tiếp nối thành công của Dự án xây dựng cầu Hoàng Văn Thụ và các công trình hạ tầng kỹ thuật thuộc Dự án đầu tư xây dựng hạ tầng kỹ Khu đô thị mới Bắc sông Cấm, TP.Hải Phòng đã thống nhất triển khai Dự án đầu tư xây dựng công trình Trung tâm Chính trị - Hành chính thành phố, hệ thống giao thông và hệ thống hạ tầng kỹ thuật đồng bộ tại Khu đô thị Bắc sông Cấm.

Dự án sẽ xây dựng các công trình chính gồm 14 khối nhà, thiết kế đối xứng theo hai trục Bắc – Nam và Đông – Tây. Bao gồm: 04 khối nhà 03 tầng, 04 khối nhà 04 tầng, 04 khối nhà 05 tầng và 02 khối nhà 15 tầng; bố trí 01 tầng hầm, chia làm 02 khu vực đối xứng nhau; bố trí mái che kết hợp lối đi bộ kết nối các khối nhà; bố trí cầu đi bộ kết nối các khối nhà 03, 04, 05 tầng tại tầng 3 và 4. Chiều cao tối đa của khối nhà 15 tầng tính từ cốt sân đường nội bộ là 74,4 m, diện tích xây dựng công trình khoảng 29.035 m2, tổng diện tích sàn xây dựng khoảng 89.500 m2.

Bên cạnh đó là các kết cấu giao thông, cấp thoát nước, năng lượng, chiếu sáng đô thị, thông tin liên lạc, môi trường đồng bộ và hiện đại, giúp thành phố mở rộng không gian đô thị, giảm tải cho khu vực đô thị cũ hiện nay. Khi hoàn thành, Trung tâm Chính trị - Hành chính thành phố là trụ sở của tất cả các cơ quan Đảng, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc, tổ chức chính trị - xã hội thành phố (trừ các lực lượng vũ trang).

Phát biểu tại lễ khởi công, ông Nguyễn Văn Tùng, Chủ tịch UBND TP.Hải Phòng khẳng định: “Đây là công trình có ý nghĩa quan trọng, thiết thực góp phần cụ thể hóa Nghị quyết số 45-NQ/TW ngày 24/01/2019 của Bộ Chính trị, trong đó phấn đấu đến năm 2025 hoàn thành việc di chuyển Trung tâm hành chính thành phố sang phía Bắc sông Cấm”.

Trong những năm vừa qua, thành phố Hải Phòng đã triển khai nhiều dự án, công trình trọng điểm về phát triển hạ tầng khu đô thị, giao thông nhằm thúc đẩy phát triển kinh tếvùng kinh tế trọng điểm Bắc Bộ và vùng Đông Bắc Bộ và đã đạt được những kết quả quan trọng, toàn diện trên nhiều lĩnh vực.

“Khu đô thị Bắc sông Cấm nói chung, khu Trung tâm Chính trị - Hành chính thành phố Hải Phòng nói riêng sẽ là một đô thị hiện đại, năng động, thịnh vượng bậc nhất khu vực phía Bắc, là một biểu tượng của sự phát triển, mở rộng quy mô của thành phố trong thời kỳ mới. Qua đó, góp phần quan trọng trong xây dựng và phát triển Hải Phòng trở thành thành phố đi đầu cả nước trong sự nghiệp công nghiệp hoá, hiện đại hoá; động lực phát triển của vùng Bắc Bộ và của cả nước”, ông Tùng nhấn mạnh.

Đại diện nhà thầu thi công, Đại tá Nguyễn Minh Khiêm, Tổng Giám đốc Tổng Công ty 319 Bộ Quốc phòng cam kết sẽ thực hiện tốt nhất vai trò của nhà thầu. Trong quá trình thi công nhà thầu mong muốn nhận được sự quan tâm, chỉ đạo của UBND TP Hải Phòng, của địa phương, người dân huyện Thủy Nguyên để nhà thầu có thể hoàn thành xuất sắc công việc đã đề ra.

Chủ tịch UBND TP.Hải Phòng yêu cầu nhà thầu tập trung cao nhân lực và vật lực, tổ chức thi công 3 ca trong ngày, thi công trong cả ngày Lễ, Tết, để công trình được khánh thành vào đầu năm 2025. Đặc biệt, phải quan tâm chất lượng công trình, có kỹ thuật và  có mỹ thuật, phải đảm bảo tuyệt đối về an toàn lao động. Các Sở, ban, ngành của TP và huyện Thủy Nguyên, kịp thời giải quyết những vướng mắc, khó khăn và tạo điều kiện tốt nhất cho chủ đầu tư và các nhà thầu thi công, đảm bảo an ninh trật tự trong quá trình xây dựng công trình. Chủ đầu tư và các cơ quan liên quan, khẩn trường hoàn thiện hồ sơ, để khởi công: trung tâm Hội nghị và Biểu diễn Thành phố nằm ở phía sau tòa nhà này vào đầu tháng 3/2023, để khánh thành vào giữa năm 2025, để kịp thời phục vụ Đại hội Đảng Bộ thành phố Hải Phòng lần thứ XVII.

Hải Phòng khởi công dự án đầu tư xây nút giao thông khác mức hơn 688 tỷ đồng

Chiều 07/01, UBND TP.Hải Phòng đã tổ chức lễ khởi công Dự án đầu tư xây dựng nút giao thông khác mức tại Ngã tư đường Tôn Đức Thắng - Máng Nước - Quốc lộ 5.

Phát biểu tại lễ khởi công, ông Nguyễn Đức Thọ, Phó Chủ tịch UBND TP.Hải Phòng khẳng định: “Đây là Dự án góp phần cụ thể hóa định hướng phát triển kết cấu hạ tầng giao thông thành phố đồng bộ, văn minh, hiện đại, tiếp tục thực hiện chủ đề năm 2023 của thành phố là Đẩy mạnh Chỉnh trang, hiện đại hóa đô thị- Xây dựng nông thôn mới kiểu mẫu - Thực hiện chuyển đổi số”.

Nút giao thông khác mức tại Ngã tư đường Tôn Đức Thắng - Máng Nước - Quốc lộ 5
Nút giao thông khác mức tại Ngã tư đường Tôn Đức Thắng - Máng Nước - Quốc lộ 5

Trong những năm qua, kinh tế - xã hội của thành phố Hải Phòng phát triển mạnh mẽ và đột phá. Thu ngân sách tăng cao, nên thành phố có điều kiện để đầu tư cho phát triển hạ tầng kinh tế - xã hội, đặc biệt là hệ thống hạ tầng giao thông, được đầu tư theo hướng đồng bộ và hiện đại.

Nhiều công trình giao thông quan trọng đã được đầu tư trên địa bàn thành phố đã góp phần quan trọng trong việc phát triển kinh tế xã hội, kết nối Hải Phòng với các tỉnh, thành phố. Đến hết năm 2022, thành phố có hơn 7.600 km đường bộ, 145 cây cầu, trong đó gồm nhiều công trình giao thông có vai trò liên kết vùng như hệ thống đường ô tô cao tốc, đường Quốc lộ, đường tỉnh và hệ thống cầu nối Hải Phòng với các địa phương.

Dự án đầu tư xây dựng nút giao thông khác mức tại Ngã tư đường Tôn Đức Thắng - Máng Nước - Quốc lộ 5 do Ban Quản lý dự án Đầu tư xây dựng các công trình giao thông Hải Phòng là chủ đầu tư. Dự án có tổng vốn 688,831 tỷ đồng từ nguồn ngân sách thành phố. Dự kiến, dự án sẽ hoàn thành vào dịp 30/4 – 01/5/2024.

Báo cáo về Dự án, ông Đỗ Tuấn Anh, Tổng giám đốc Ban Quản lý dự án Đầu tư xây dựng các công trình giao thông Hải Phòng cho biết, Dự án sẽ xây dựng cầu vượt trực thông theo hướng đường Quốc lộ 5 – Nguyễn Văn Linh với chiều dài khoảng 285m, bề rộng 19,5m; tường chắn cho đường dẫn hai đầu cầu với chiều dài khoảng 200m. Nút giao thông dưới cầu bằng đảo xuyến có 4 nhánh đường gom hai bên cầu vượt và các đường đi nút Nam cầu Bính, đường Tôn Đức Thắng, đường nối Vành đai 2 (theo quy hoạch) và đường Máng Nước kết nối vào, ra đường trung tâm đảo xuyến. Xây dựng đường nhánh hai bên nút giao với mặt cắt ngang mỗi bên rộng 9,5m, gồm mặt đường rộng 7,5m, vỉa hè rộng 2,0m sau đó vuốt dần kết nối về đường hiện trạng.

Công trình xây dựng nút giao khác mức có giá trị 345 tỷ đồng do Liên danh Công ty Cổ phần Đầu tư xây dựng hạ tầng Khang Nguyên - Công ty Cổ phần Cầu 14 - Công ty Cổ phần Tập đoàn Phúc Lộc thi công.

nhà thầu sẽ phải thi công hơn 3.500md cọc khoan nhồi, hơn 11.000 m3 BTCT và bê tông cốt thép dự ứng lực, lắp đạt gần 2.000 tấn thép, thi công hơn 40.000 m2 diện tích nút giao. Trong quá trình thi công nút giao, đặc biệt là thời gian thi công cầu vượt các nhà thầu sẽ gặp không ít những khó khăn, thách thức, trong điều kiện phạm vi mặt bằng thi công khá chật hẹp, lưu lượng các phương tiện cơ giới qua lại nút giao rất lớn, hầu hết là các xe container”, ông Tuấn Anh thông tin thêm.

Đại diện liên danh nhà thầu, ông Đào Việt Tiến, Chủ tịch HĐQT Công ty Cổ phần Đầu tư xây dựng hạ tầng Khang Nguyên cam kết, Liên danh nhà thầu sẽ huy động đủ máy móc thiết bị, vật tư thi công, nhân lực. Quyết tâm hoàn thành công trình đảm bảo chất lượng, mỹ thuật, an toàn lao động, an toàn giao thông và vệ sinh môi trường, đúng tiến độ đề ra.

Để hoàn thành tiến độ mục tiêu, sớm đưa công trình vào khai thác, Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng các công trình giao thông Hải Phòng và các nhà thầu thi công rất mong tiếp tục nhận được sự quan tâm, chỉ đạo của Thành ủy, HĐND và UBND Thành phố; sự hỗ trợ, giúp đỡ của các sở, ban, ngành của thành phố. Đặc biệt là sự ủng hộ của các cấp chính quyền địa phương huyện An Dương, xã An Đồng; sự ủng hộ của những tổ chức, hộ gia đình cá nhân có đất bị thu hồi để thực hiện dự án. Chủ đầu tư và nhà thầu thi công rất mong nhận được là sự chia sẻ, cảm thông của những người tham gia giao thông qua nút giao này trong suốt quá trình thi công dự án.

“Việc đầu tư xây dựng nút giao thông quan trọng này sẽ góp phần hoàn thiện hệ thống hạ tầng giao thông thành phố; giảm thiểu tình trạng ùn tắc, mất an toàn giao thông trên Quốc lộ 5 và đáp ứng nhu cầu đi lại, vận chuyển của nhân dân. Đồng thời, phát huy hiệu quả của các công trình Nút giao thông Nam cầu Bính, tuyến đường nối từ nút giao Nam cầu Bính đến Ngã tư đường Tôn Đức Thắng - Máng Nước – Quốc lộ 5”, ông Thọ khẳng định.

Chính thức chốt vị trí quy hoạch sân bay trực thăng của Bộ Công an

Bộ trưởng Bộ Quốc phòng vừa có quyết định về việc phê duyệt Quy hoạch vị trí sân bay trực thăng Trung đoàn Không quân Công an nhân dân thuộc Bộ Tư lệnh Cảnh sát cơ động, Bộ Công an.

Sân bay của Trung đoàn Không quân Công an nhân dân có tên là Gia Bình được quy hoạch tại xã Xuân Lai, huyện Gia Bình, tỉnh Bắc Ninh trên diện tích 125 ha, có vai trò, chức năng trong hệ thống cảng hàng không, sân bay toàn quốc là sân bay chuyên dùng trên mặt đất.

Ảnh minh họa.
Ảnh minh họa.

Sân bay Gia Bình là có là sân bay trực thăng cấp 3, sân bay quân sự cấp 3, sân bay dân dụng tương đương cấp 3C theo tiêu chuẩn của ICAO. Sân bay này có nhiệm vụ chủ yếu là phục vụ lực lượng Trung đoàn Không quân Công an nhân dân thực hiện nhiệm vụ bay huấn luyện, sẵn sàng chiến đấu trên các loại trực thăng được trang bị; dự bị cho hoạt động bay quân sự và một số hoạt động hàng không dân dụng khác.

Sân bay được quy hoạch 1 đường cất hạ cánh kích thước 1.500mx36m, 1 đường lăn song song, hệ thống sân đỗ đảm bảo cho 2 phi đội trực thăng biên chế cho Trung đoàn Không quân Công an nhân dân; hệ thống công trình quản lý, điều hành bay đồng bộ…

Theo quyết định của Bộ Công an, Trung đoàn Không quân Công an nhân dân là đơn vị trực thuộc Bộ Tư lệnh Cảnh sát cơ động, có trách nhiệm tham mưu thực hiện các nhiệm vụ quản lý, điều hành hoạt động bay theo quy định phục vụ công tác huấn luyện và đấu tranh phòng, chống tội phạm, bảo vệ an ninh quốc gia, bảo đảm trật tự, an toàn xã hội, tham gia tìm kiếm cứu nạn, cứu hộ, phòng chống, khắc phục thảm họa, thiên tai và thực hiện các hoạt động bay khác của Trung đoàn theo chương trình, kế hoạch đã được lãnh đạo Bộ phê duyệt.

Quảng Bình khởi công 3 dự án hạ tầng quan trọng

Quảng Bình vừa khởi công 3 dự án, gồm Dự án Thành phần 2 - Cầu Nhật Lệ 3 và đường hai đầu cầu, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh, Trung tâm thể thao tỉnh Quảng Bình.

Chiều ngày 8/1, Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh Quảng Bình đã tổ chức Lễ khởi công Dự án Thành phần 2 - Cầu Nhật Lệ 3 và đường hai đầu cầu (thuộc Dự án Đường ven biển và cầu Nhật Lệ 3). Dự án do đơn vị này làm chủ đầu tư, có tổng mức đầu tư 1.300 tỷ đồng; thời gian thực hiện từ năm 2022-2026.

Phương án thiết kế cầu Nhật Lệ 3 và đường 2 đầu cầu với tên gọi Thiên nhiên hùng vĩ.
Phương án thiết kế cầu Nhật Lệ 3 và đường 2 đầu cầu với tên gọi Thiên nhiên hùng vĩ.

Dự án có tổng chiều dài xây dựng 2,826 km. Trong đó, Cầu Nhật Lệ 3 được xây dựng vĩnh cửu bằng thép, bê tông cốt thép dự ứng lực, kết cấu cầu chính dạng cầu vòm với chiều dài toàn cầu là 561,4 m, mặt cắt ngang cầu 23,5 m. Đường hai đầu cầu thiết kế theo cấp đường chính đô thị gồm 4 làn xe với vận tốc thiết kế 60 km/h; bề rộng nền đường từ 23,5 m đến 54,5 m; kết cấu mặt đường bê tông nhựa trên móng cấp phối đá dăm.

Dự án được thiết kế bắc qua sông Nhật Lệ; điểm đầu kết nối với Quốc lộ 1 tại địa phận xã Lương Ninh, huyện Quảng Ninh; điểm cuối tuyến giao với đường Võ Nguyên Giáp tại địa phận xã Bảo Ninh, TP. Đồng Hới.

Phát biểu tại lễ khởi công, ông Mai Hồng Ngọc, Phó giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh Quảng Bình cho biết, Dự án được xây dựng với mục tiêu thêm  tuyến đường liên kết giữa đường ven biển với Quốc lộ 1, đường Hồ Chí Minh tại TP. Đồng Hới và huyện Quảng Ninh, tạo thành hệ thống giao thông đồng bộ, kết nối liên hoàn với các tuyến đường của tỉnh.

Dự án có ý nghĩa quan trọng trong việc phát triển kết cấu hạ tầng giao thông; tạo động lực phát triển kinh tế - xã hội của địa phương; đồng thời giúp phát huy tiềm năng về đất đai và du lịch tại phía Nam bán đảo Bảo Ninh, TP. Đồng Hới và vùng liền kề tại các xã của huyện Quảng Ninh.

Cũng tại lễ khởi công, ông Trần Anh Tuấn, Tổng giám đốc Tập đoàn Đạt Phương (đơn vị trúng thầu gói thi công xây lắp Dự án) cam kết huy động tối đa phương tiện, máy móc và các nguồn lực để hoàn thành dự án trong vòng 41 tháng, bảo đảm chất lượng, mỹ thuật công trình.

Cũng trong ngày 8/1, tỉnh Quảng Bình cũng tổ chức lễ khởi công đồng thời 2 Dự án quan trọng khác gồm Dự án Trung tâm thể thao tỉnh Quảng Bình và Dự án Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh Quảng Bình.

Dự án Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh Quảng Bình tại phường Bắc Lý, TP. Đồng Hới  do Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh Quảng Bình (CDC tỉnh Quảng Bình) làm chủ đầu tư. Dự án có tổng diện tích 2.5 ha; bao gồm hạng mục khối nhà làm việc chính hơn 1,37 ha, khối công trình phụ trợ, hạng mục phụ trợ và hạ tầng kỹ thuật, cảnh quan…

Dự án được xây dựng góp phần tạo điều kiện thuận lợi đáp ứng tốt hơn nhiệm vụ chuyên môn, kỹ thuật về y tế dự phòng, các chương trình mục tiêu y tế đặc biệt là công tác phòng, chống dịch bệnh; phòng, chống tác động của các yếu tố nguy cơ ảnh hưởng tới sức khỏe; quản lý sức khỏe cộng đồng; khám phát hiện, điều trị dự phòng và cung cấp các dịch vụ y tế khác.

Dự án Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh Quảng Bình có tổng mức đầu tư của dự án là 220 tỷ đồng; dự kiến thời gian hoàn thành dự án trong Quý II/2025.

Trong khi đó, Dự án Trung tâm thể thao tỉnh Quảng Bình được xây dựng tại thôn Lộc Đại, xã Lộc Ninh, TP. Đồng Hới do Sở Văn hóa và Thể thao làm chủ đầu tư; tổng diện tích 2,5 ha bao gồm các hạng mục nhà thi đấu đa năng với sức chứa 2.500 chỗ gồm 3 tầng; sân bóng đá tiêu chuẩn liên kết với đường chạy điền kinh và các công trình phụ trợ khác.

Dự án có tổng mức đầu tư 240 tỷ đồng; thời gian thực hiện 2022-2025.

Bình Dương được giao 21.817 tỷ đồng vốn đầu tư công, cao nhất từ trước đến nay

UBND tỉnh Bình Dương vừa ban hành Quyết định số 3679/QĐ-UBND về việc giao vốn đầu tư công năm 2023 (vốn ngân sách địa phương).

Theo quyết định, tổng nguồn vốn kế hoạch đầu tư công năm 2023 từ ngân sách của tỉnh là 18.675 tỷ đồng. So với năm 2022, nguồn vốn ngân sách địa phương dành cho đầu tư công của Bình Dương tăng gấp 2,17 lần.

Tuyến đường ĐT 746 vừa được tỉnh Bình Dương khởi công mở rộng ngày 30/12/2022 với tổng mức đầu tư 1.492 tỷ đồng từ vốn ngân sách
Tuyến đường ĐT 746 vừa được tỉnh Bình Dương khởi công mở rộng ngày 30/12/2022 với tổng mức đầu tư 1.492 tỷ đồng từ vốn ngân sách

Cộng gộp cả nguồn vốn ngân sách Trung ương năm 2023 được Thủ tướng Chính phủ giao thì tổng kế hoạch đầu tư công năm 2023 của Bình Dương là 21.817 tỷ đồng. Đây là số vốn đầu tư công được giao cao nhất từ trước đến nay.

Việc Bình Dương được giao vốn đầu tư công cao hơn so với các năm trước nhằm đẩy mạnh đầu tư các Dự án hạ tầng liên kết vùng như đường Vành đai 3, Vành đai 4 (TP.HCM) đoạn qua Bình Dương; đường cao tốc TP.HCM – Thủ Dầu Một – Chơn Thành; đường ven sông Sài Gòn từ Thủ Dầu Một đến Thuận An.

Liên quan đến việc giải ngân vốn đầu tư công năm 2022, tỉnh Bình Dương đã ban hành kế hoạch số 6523/KH-UBND, về triển khai chiến dịch cao điểm đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công.

Chiến dịch được triển khai từ ngày 08/12/2022 đến 31/01/2023. Trong bản kế hoạch tỉnh Bình Dương đã giao chỉ tiêu tỷ lệ giải ngân cho 16 cơ quan, đơn vị và đề ra 12 nhiệm vụ cụ thể để các cơ quan, đơn vị thực hiện theo tiến độ.

Theo báo cáo của Sở Kế hoạch và Đầu tư Bình Dương, trước khi ban hành kế hoạch, tỷ lệ giải ngân kế hoạch vốn đầu tư công năm 2022 (bao gồm vốn năm 2021 kéo dài sang năm 2022) mới đạt 38,7%; ước tính đến ngày 05/01/2023, tỷ lệ giải ngân đạt 58,2% và đến ngày 31/01/2023 là 83,4%.

Số vốn dự kiến giải ngân không đạt chủ yếu nằm ở các dự án như xây dựng đường từ cầu Tam Lập đến Đồng Phú; xây dựng cầu bắc qua sông Đồng Nai (Cầu Bạch Đằng 2); Bệnh viện đa khoa 1500 giường; bồi thường, giải phóng mặt bằng trục thoát nước Bưng Biệp – Suối Cát (đoạn thuộc TP.Thuận An)...

Nguyên nhân dẫn đến giải ngân đầu tư công không đạt theo kế hoạch do khó khăn, vướng mắc liên quan đến giải phóng mặt bằng, chuẩn bị đầu tư, quản lý dự án…

Thúc Cục Đường bộ xử lý dứt điểm việc thu phí trên Quốc lộ 51

Theo thông tin của Báo điện tử Đầu tư - Baodautu.vn, Bộ GTVT vừa có công văn gửi Cục Đường bộ Việt Nam, Công ty cổ phần Phát triển đường cao tốc Biên Hòa - Vũng Tàu (BVEC) về Dự án đầu tư xây dựng mở rộng Quốc lộ 51 đoạn từ Km0+900 - Km73+600 theo hình thức hợp đồng BOT.

Một trạm thu phí BOT trên Quốc lộ 51.
Một trạm thu phí BOT trên Quốc lộ 51.

Công văn này được phát đi sau khi Bộ GTVT nhận được văn bản của Cục Đường bộ Việt Nam về việc xin ý kiến chỉ đạo của Bộ GTVT đối với các nội dung tồn tại, ngày kết thúc thu phí của Dự án BOT đầu tư xây dựng mở rộng Quốc lộ 51 đoạn từ Km0+900 - Km73+600.

Theo đó, Bộ GTVT cho rằng, các nội dung nêu tại các văn bản trên thuộc thẩm quyền giải quyết của Cục Đường bộ Việt Nam. Mặc dù Bộ GTVT đã có nhiều cuộc họp giải quyết, chỉ đạo và giao Cục Đường bộ Việt Nam quyết định, tuy nhiên đến nay vẫn chưa giải quyết dứt điểm. Đề nghị Cục Đường bộ Việt Nam khẩn trương thực hiện theo ý kiến chỉ đạo của Bộ GTVT.

Về tạm dừng, dừng thu phí dự án, Bộ GTVT nhấn mạnh, Thông tư số 45/2021/TT-BGTVT ngày 31/12/2021 của Bộ GTVT đã quy định thẩm quyền tạm dừng thu, dừng thu đối với dự án đầu tư theo hợp đồng BOT là của Cục Đường bộ Việt Nam.

“Vì vậy, trên cơ sở kết quả tính toán xác định thời điểm kết thúc thu phí dự án, Cục Đường bộ Việt Nam quyết định việc tạm dừng, dừng thu phí dự án theo thẩm quyền, đảm bảo đầy đủ tính pháp lý, đúng quy định, tránh việc doanh nghiệp dự án thu phí vượt quá thời gian”, lãnh đạo Bộ GTVT nhấn mạnh.

Trao đổi với báo chí, ông Nguyễn Xuân Cường, Cục trưởng Cục Đường bộ Việt Nam cho biết, nếu không có gì thay đổi, chiều nay (9/1) lãnh đạo của Cục Đường bộ Việt Nam sẽ họp lại và có quyết định cuối cùng.

"Lãnh đạo chúng tôi đang đi giữa hai làn đạn: nếu để nhà đầu tư thu quá sẽ vi phạm pháp luật, bị khởi tố, bắt tạm giam; nếu làm không tốt, nhà đầu tư thấy không đúng sẽ khởi kiện và nếu họ thắng thì tùy theo mức độ chúng tôi có thể bị xử lý hành chính, thậm chí nếu thiệt hại có thể xử lý hình sự”, ông Cường chia sẻ.

Dự án đầu tư mở rộng Quốc lộ 51 có lịch sử phức tạp hơn các dự án BOT được triển khai trong giai đoạn từ năm 2012 đến nay. Cụ thể, trước khi Dự án BOT đầu tư mở rộng Quốc lộ 51 được triển khai, Bộ GTVT có triển khai 1 dự án mở rộng Quốc lộ 51 bằng nguồn vốn vay của ngân hàng Phát triển Việt Nam (VDB), hoàn vốn bằng nguồn thu phí tại trạm T1, Quốc lộ 51.

Tuy nhiên, do không đạt hiệu quả đầu tư, nên Bộ GTVT đã đề xuất BVEC nhận quyền thu phí trạm thu phí T1 với giá trị hợp đồng mua quyền là 400 tỷ đồng, lãi suất huy động vốn là lãi suất cố định (7,75%/năm), không tính lợi nhuận cho nhà đầu tư. Tiếp đó, trong quá trình lập chủ trương Dự án đầu tư mở rộng Quốc lộ 51, giá trị nhận chuyển nhượng quyền thu phí trạm T1 được tổng hợp vào tổng mức đầu tư Dự án.

Theo Hợp đồng số 21/2009/HĐ.BOT-QL51 ký giữa Cục Đường bộ Việt Nam và BVEC vào năm 2009, thời gian kết thu hoàn vốn của Hợp đồng nguyên tắc chuyển giao quyền thu phí trạm T1 là ngày 10/7/2013; tổng thời gian thu phí hợp đồng Dự án đầu tư mở rộng Quốc lộ 51 là khoảng 20,66 năm, trong đó thời gian thu phí hoàn vốn khoảng 16,66 năm (từ ngày 3/8/2012 đến ngày 27/3/2029); thời gian thu phí tạo lợi nhuận 4 năm (từ ngày 28/3/2029 đến ngày 28/3/2033).

Đến cuối tháng 2/2017, thời gian thu phí hoàn vốn Dự án được điều chỉnh thành 20 năm 6 tháng 11 ngày, tức là từ ngày 1/7/2009 đến hết ngày 12/1/2030, trong đó bao gồm 4 năm 24 ngày thu theo Hợp đồng bán quyền thu phí tại trạm T1 (từ ngày 1/7/2009 đến ngày 24/7/2013) và 4 năm thu phí tạo lợi nhuận.

Đến cuối năm 2018, do có một số thay đổi liên quan đến yếu tố đầu vào và kiến nghị của Kiểm toán Nhà nước, Cục Đường bộ Việt Nam đã tính lại thời gian thu phí tạo lợi nhuận. Phương pháp được đại diện cơ quan Nhà nước có thẩm quyền chọn để tính lại thời gian thu phí tạo lợi nhận là phương pháp lợi nhuận kỳ vọng (là lợi nhuận nhà đầu tư thu được trong 4 năm thu tạo lợi nhuận theo phương án tài chính đã loại lãi bảo toàn vốn cho cả giai đoạn xây dựng và kinh doanh khai thác). Sau khi tính lại, Cục Đường bộ Việt Nam đã giảm thời gian tạo lợi nhuận từ 4 năm xuống còn 9 tháng.

Đại diện BVEC cho rằng, cách tính của Cục Đường bộ Việt Nam là mang tính chủ quan, không có cơ sở pháp lý nhất là khi thời gian tạo lợi nhuận 4 năm đã được các bên đàm phán thống nhất, được Bộ GTVT chấp thuận.

Tại văn bản gửi Bộ GTVT vào cuối tháng 11/2022, ông Đinh Hồng Hà, Tổng giám đốc BVEC đã kiến nghị Bộ trưởng Bộ GTVT không thực hiện đề xuất đơn phương tạm dừng thu phí tại Dự án BOT đầu tư mở rộng Quốc lộ 51 trong khi nhà đầu tư và đại diện cơ quan Nhà nước có thẩm quyền chưa thống nhất quyết toán vốn đầu tư và xác định thời gian tạo lợi nhuận của nhà đầu tư do một số quan điểm xử lý của Cục Đường bộ Việt Nam đưa ra chưa đủ cơ sở pháp lý.

“Trường hợp cơ quan quản lý Nhà nước quyết tâm đơn phương chấm dứt Hợp đồng trước hạn hoặc tạm dừng thu phí thì sẽ có thể xảy ra tranh chấp pháp lý giữa các bên có liên quan”, lãnh đạo BVEC lo ngại.

Tạm dừng thu phí Dự án Đầu tư xây dựng mở rộng Quốc lộ 51 từ ngày 13/1/2023

Chiều tối 9/1, Cục Đường bộ Việt Nam đã báo cáo Bộ GTVT về dự kiến tạm dừng thu phí Dự án đầu tư xây dựng mở rộng Quốc lộ 51 đoạn từ Km0+900÷Km73+600 theo hình thức hợp đồng BOT.

Một trạm thu phí trên Quốc lộ 51
Một trạm thu phí trên Quốc lộ 51

Tại văn bản này, ông Nguyễn Xuân Cường, Cục trưởng Cục Đường bộ Việt Nam cho biết, trong thời gian vừa qua, cơ quan này đã thực hiện đúng quy định về chức năng, nhiệm vụ của cơ quan nhà nước có thẩm trong giai đoạn kinh khai thác và nhiệm vụ ủy quyền ký kết hợp đồng Dự án BOT đầu tư xây dựng mở rộng Quốc lộ 51 đoạn từ Km0+900÷Km73+600.

Tuy nhiên, trong quá trình thực hiện, một số điều kiện quy định tại hợp đồng Dự án thay đổi (chi phí đầu tư quyết toán, lãi suất tiền vay, mức thu, số thu, lưu lượng phân lưu…), Kiểm toán Nhà nước kiến nghị về phí bảo toàn vốn của Dự án.

Do đó các bên phải đàm phán các nội dung vướng mắc phát sinh và điều chỉnh thời gian thu phí tạo lợi nhuận theo quy định tại hợp đồng dự án. Do các nội dung vướng mắc của Dự án vượt thẩm quyền, Cục Đường bộ Việt Nam (trước đây là Tổng cục Đường bộ Việt Nam) đã có nhiều văn bản báo cáo, đề nghị Bộ GTVT có ý kiến chỉ đạo cụ thể.

Trong thời gian chờ ý kiến của cơ quan có thẩm quyền, để bảo đảm hài hòa lợi ích của Nhà nước, nhà đầu tư và người sử dụng dịch vụ đường bộ và chỉ đạo của Bộ GTVT, Cục Đường bộ Việt Nam sẽ tạm dừng thu phí tại các trạm thu phí thuộc Dự án BOT đầu tư xây dựng mở rộng Quốc lộ 51 đoạn Km0+900 – Km73+600 vào lúc 7h ngày 13/1/2023.

Trước đó, vào ngày 7/1, Bộ GTVT đã có công văn gửi Cục Đường bộ Việt Nam, Công ty cổ phần Phát triển đường cao tốc Biên Hòa - Vũng Tàu (BVEC) về Dự án đầu tư xây dựng mở rộng Quốc lộ 51 đoạn từ Km0+900 - Km73+600 theo hình thức hợp đồng BOT.

Bộ GTVT cho rằng, các nội dung nêu tại các văn bản trên thuộc thẩm quyền giải quyết của Cục Đường bộ Việt Nam. Mặc dù Bộ GTVT đã có nhiều cuộc họp giải quyết, chỉ đạo và giao Cục Đường bộ Việt Nam quyết định, tuy nhiên đến nay vẫn chưa giải quyết dứt điểm. Đề nghị Cục Đường bộ Việt Nam khẩn trương thực hiện theo ý kiến chỉ đạo của Bộ GTVT.

Về tạm dừng, dừng thu phí dự án, Bộ GTVT nhấn mạnh, Thông tư số 45/2021/TT-BGTVT ngày 31/12/2021 của Bộ GTVT đã quy định thẩm quyền tạm dừng thu, dừng thu đối với dự án đầu tư theo hợp đồng BOT là của Cục Đường bộ Việt Nam.

“Vì vậy, trên cơ sở kết quả tính toán xác định thời điểm kết thúc thu phí dự án, Cục Đường bộ Việt Nam quyết định việc tạm dừng, dừng thu phí dự án theo thẩm quyền, đảm bảo đầy đủ tính pháp lý, đúng quy định, tránh việc doanh nghiệp dự án thu phí vượt quá thời gian”, lãnh đạo Bộ GTVT nhấn mạnh.

Hướng dẫn VEC đầu tư mở rộng cao tốc TP.HCM - Long Thành - Dầu Giây

Theo thông tin của phóng viên Báo điện tử Đầu tư - Baodautu.vn, Bộ Giao thông - Vận tải (GTVT) vừa có công văn gửi Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp, Tổng công ty Đầu tư phát triển đường cao tốc Việt Nam – VEC về việc nghiên cứu đầu tư mở rộng đường cao tốc TP.HCM - Long Thành - Dầu Giây.

Cụ thể, Bộ GTVT cho biết, theo khoản 2, Điều 2 Nghị Quyết số 75/NQ-CP ngày 21/5/2020 của Chính phủ về việc xử lý vướng mắc đối với một số Dự án đầu tư của các doanh nghiệp do Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp làm đại diện chủ sở hữu, VEC chủ động nghiên cứu, thực hiện các bước chuẩn bị đầu tư Dự án mở rộng đường cao tốc TP.HCM - Long Thành - Dầu Giây, trình Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp và các cấp có thẩm quyền theo quy định. Bộ GTVT sẽ tham gia ý kiến thẩm định chuyên ngành trong quá trình thẩm định phê duyệt chủ trương đầu tư theo quy định.

“Yêu cầu VEC khẩn trương hoàn thành quyết toán Dự án đường cao tốc TP.HCM - Long Thành - Dầu Giây (giai đoạn 1). Trong quá trình nghiên cứu, lập Báo cáo nghiên cứu tiền khả thi Dự án, VEC phải tính toán và báo cáo cụ thể khả năng cân đối vốn và cơ chế có liên quan để có thể thực hiện Dự án này”, công văn của Bộ GTVT nêu rõ.

Vào giữa tháng 11/2022, Bộ GTVT đã có Công văn số 11916/BGTVT – KHĐT gửi Thủ tướng Chính phủ về phương án mở rộng đoạn cao tốc TP.HCM - Long Thành - Dầu Giây.

Tại công văn này, Bộ GTVT cho biết là thống nhất với đề nghị của VEC và Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp trong việc kiến nghị người đứng đầu Chính phủ xem xét giao cho VEC nghiên cứu, thực hiện các bước chuẩn bị đầu tư mở rộng Dự án đường cao tốc TP.HCM - Long Thành - Dầu Giây.

“Trong quá trình nghiên cứu, lập Báo cáo nghiên cứu tiền khả thi, VEC phải tính toán và báo cáo cụ thể khả năng cân đối vốn và cơ chế có liên quan để có thể thực hiện Dự án này”, ông Lê Anh Tuấn, Thứ trưởng Bộ GTVT đề xuất.

Cần phải nói thêm rằng, tại Nghị quyết số 95/2019/QH14 ngày 26/11/2019 của Quốc hội về Báo cáo nghiên cứu khả thi Dự án đầu tư xây dựng Cảng hàng không quốc tế Long Thành giai đoạn 1, Quốc hội đã giao Chính phủ nghiên cứu đầu tư xây dựng hệ thống giao thông kết nối khu vực Cảng hàng không quốc tế Long Thành với vùng kinh tế trọng điểm phía Nam. Trong đó, tuyến cao tốc TP. HCM – Long Thành thuộc tuyến cao tốc TP. HCM – Long Thành – Dầu Giây do VEC đầu tư, khai thác được coi là tuyến đường bộ chính yếu kết nối sân bay Long Thành với sân bay Tân Sơn Nhất.

Trong khi đó, với quy mô 4 làn xe hiện tại, đoạn tuyến từ nút giao An Phú - TP.HCM (Km0+000) đến nút giao cao tốc Biên Hòa - Vũng Tàu (Km25+920) không đáp ứng được nhu cầu vận tải và đặc biệt là khi sân bay Long Thành giai đoạn 1 khai thác vào năm 2025.

Do đoạn từ nút giao An Phú đến nút giao Vành đai 2 (Km0+000 - Km4+000) đã bàn giao cho UBND TP.HCM quản lý, vận hành khai thác và bảo trì nên VEC sẽ chỉ tập trung nghiên cứu mở rộng đoạn từ nút giao Vành đai 2 đến nút giao với đường cao tốc Biên Hòa - Vũng Tàu (Km4+000 - Km25+920) lên quy mô 10 làn xe với chiều dài 21,92 km. Tổng mức đầu tư dự kiến cho việc mở rộng 21,92 km cao tốc Vành đai 2 đến nút giao cao tốc Biên Hòa - Vũng Tàu, vị trí gần nhất để kết nối với sân bay Long Thành là 14.786,938 tỷ đồng.

Theo phương án được Bộ GTVT lựa chọn, VEC sẽ tự huy động vốn để thực hiện đầu tư mở rộng, tổ chức vận hành, khai thác và thu phí toàn bộ tuyến đường để hoàn vốn đầu tư. Thủ tục đầu tư Dự án sẽ theo quy định của Luật Đầu tư.

“Phương án này có ưu điểm là tiến độ triển khai thuận lợi và dự kiến đầu năm 2026 hoàn thành, kịp với tiến độ sân bay Long Thành; không phải xử lý xung đột lợi ích giữa nhà đầu tư mới và VEC. Phù hợp với mục tiêu hình thành VEC là cân đối nguồn thu của các cao tốc đã đầu tư để đầu tư cao tốc mới, bao gồm cả việc mở rộng tuyến cao tốc mà đơn vị này đang khai thác”, ông Lê Anh Tuấn khẳng định.

Hậu Giang thống nhất chủ trương khảo sát lập đề xuất 2 dự án điện mặt trời 100 MW

Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hậu Giang Nguyễn Văn Hòa vừa ký ban hành Văn bản số 20/UBND-NCTH về chủ trương cho Công ty CP Đầu tư Xây dựng Thiên Tân nghiên cứu, khảo sát lập đề xuất Dự án Nhà máy Điện mặt trời Vị Tân.

Nhà máy điện mặt trời Hậu Giang có công suất 35 MWp, tại huyện Phụng Hiệp, tỉnh Hậu Giang (Ảnh minh họa)
Nhà máy điện mặt trời Hậu Giang có công suất 35 MWp, tại huyện Phụng Hiệp, tỉnh Hậu Giang (Ảnh minh họa)

Theo Văn bản nêu trên, UBND tỉnh Hậu Giang thống nhất chủ trương cho Công ty CP Đầu tư Xây dựng Thiên Tân nghiên cứu, khảo sát lập đề xuất dự án Nhà máy điện mặt trời Vị Tân gồm: Dự án Nhà máy điện mặt trời Vị Tân 1, địa điểm tại ấp 2, xã Vị Tân, TP. Vị Thanh, tỉnh Hậu Giang; công suất 50 MW. Dự án có diện tích sử dụng đất khoảng 50 ha.

Dự án Nhà máy điện mặt trời Vị Tân 2, địa điểm tại ấp 3, xã Vị Tân, TP. Vị Thanh, tỉnh Hậu Giang. Dự án có công suất 50 MW, diện tích sử dụng đất khoảng 50 ha.

Thời gian nghiên cứu, khảo sát là 12 tháng kể từ ngày UBND tỉnh thống nhất chủ trương cho nghiên cứu, khảo sát lập đề xuất dự án.

UBND tỉnh Hậu Giang đề nghị Công ty CP Đầu tư Xây dựng Thiên Tân phối hợp với các ngành chức năng có liên quan đề xuất diện tích sử dụng đất cho phù hợp với dự án trên cơ sở công suất của dự án và công nghệ sử dụng của tấm pin; đồng thời, đánh giá sơ bộ ảnh hưởng về môi trường (nếu có).

Đồng thời, UBND tỉnh Hậu Giang giao Sở Công Thương, Sở Kế hoạch và Đầu tư, UBND TP. Vị Thanh căn cứ chức năng, nhiệm vụ được giao tạo điều kiện, hỗ trợ Công ty CP Đầu tư Xây dựng Thiên Tân thực hiện nghiên cứu, khảo sát lập đề xuất dự án theo quy định.

Theo UBND tỉnh Hậu Giang, sau khi Quy hoạch điện VIII được cấp thẩm quyền phê duyệt và căn cứ vào chỉ tiêu sử dụng đất năng lượng theo Quyết định số 326/QĐ-TTg ngày 9/3/2022 của Thủ tướng Chính phủ, UBND Tỉnh sẽ thực hiện thủ tục quyết định chủ trương đầu tư theo đúng quy định hiện hành.

Việt Nam đang là điểm đến đầy hấp dẫn đối với nhà đầu tư Hồng Kông, Trung Quốc

Trưa ngày 10/1, Hội thảo kết nối hợp tác doanh nghiệp Việt Nam và Khu vực Hồng Kông - Quảng Đông - Ma Cao (Trung Quốc) đã diễn ra Hà Nội.

Hội thảo do Cục Đầu tư nước ngoài thuộc Bộ Kế hoạch và Đầu tư (FIA) phối hợp cùng Phòng Thương mại Trung Quốc tại Hồng Kông (CGCC), Hiệp hội doanh nhân Vùng Vịnh Quảng Đông - Hồng Kông - Ma Cao (GBA Union), Phòng Thương mại Hồng Kông - Việt Nam (HKVCC), Văn phòng kinh tế và Thương mại Hồng Kông tại Singapore (HKETO) đồng tổ chức.

Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư phát biểu tại sự kiện.
Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư phát biểu tại sự kiện.

Mục tiêu là nhằm thúc đẩy kết nối hợp tác doanh nghiệp giữa Việt Nam và Hồng Kông, cũng như Khu vực Hồng Kông - Quảng Đông - Ma Cao trong bối cảnh Trung Quốc chính thức mở cửa sau đại dịch. Ngoài việc giới thiệu những phát triển gần đây của Hồng Kông, sự kiện còn tập trung xúc tiến các doanh nghiệp Hồng Kông đầu tư vào Việt Nam thông qua việc giới thiệu môi trường đầu tư, chính sách ưu đãi đầu tư của Việt Nam trong thời gian gần đây, nhất là trong các lĩnh vực như gia công, chế tạo, bất động sản, thương mại, dịch vụ, phát triển cơ sở hạ tầng và kinh tế vùng...

Phát biểu tại sự kiện, Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Trần Duy Đông cho biết, quan hệ hợp tác đầu tư - thương mại giữa Việt Nam và Hồng Kông đã đạt được những thành tự nhất định, góp phần rất lớn vào sự phát triển trong quan hệ kinh tế của hai bên.

Về thương mại, Việt Nam hiện là đối tác thương mại lớn thứ tám của Hồng Kông. Năm 2021, kim ngạch xuất nhập khẩu của hai bên đạt 13,5 tỷ USD chủ yếu là các mặt hàng gồm máy tính, các sản phẩm và linh kiện điện tử. Tính đến tháng 11/2022, Việt Nam đã xuất khẩu sang Hồng Kông 10 tỷ USD, nhập khẩu từ Hồng Kông 1,78 tỷ USD, tăng 19,8%.

Về đầu tư, Hồng Kông hiện đứng thứ 5 về vốn đầu tư nước ngoài tại Việt Nam với 2.164 Dự án, tổng vốn đầu tư đạt gần 29,5 tỷ USD, tập trung vào các lĩnh vực: công nghiệp chế biến, chế tạo, hoạt động kinh doanh bất động sản, sản xuất, phân phối điện, khí, nước... Trong đó, có các dự án quy mô lớn, đóng góp quan trọng trong việc phát triển một số lĩnh vực kinh tế của Việt Nam thời gian qua. Hợp tác đầu tư giữa hai bên có sự gắn kết chặt chẽ, bổ trợ lẫn nhau để cùng phát triển.

Theo Thứ trưởng Trần Duy Đông, dự báo kinh tế thế giới năm 2023 có nhiều khó khăn, thách thức nhưng nhiều tổ chức quốc tế đều dự báo mức tăng GDP của Việt Nam khoảng 6,5%. Moody’s và S&P đều xếp hạng tín nhiệm dài hạn của Việt Nam ở mức “ổn định” và “tích cực”. Theo WIPO, Chỉ số đổi mới sáng tạo toàn cầu (GII) năm 2022 của Việt Nam về thể chế, phát triển thị trường, sáng tạo tăng hơn 20 bậc, xếp vị trí 48/132 quốc gia.

“Với những tín hiệu tích cực và khả quan trong sự phục hồi của nền kinh tế, tận dụng những lợi thế sẵn có, cùng với những nỗ lực mạnh mẽ của Chính phủ trong việc không ngừng cải thiện môi trường đầu tư, tạo thuận lợi cho hoạt động kinh doanh, Việt Nam đang trở thành điểm đến đầu tư an toàn, hấp dẫn với nhà đầu tư nước ngoài. Theo UNCTAD, Việt Nam là 1 trong 20 nước tiếp nhận nhiều nhất FDI trên thế giới”, Thứ trưởng Trần Duy Đông nhấn mạnh.

Đồng quan điểm, Tiến sĩ Jonathan Choi, Chủ tịch CGCC, GBA Union, HKVCC và Chủ tịch Tập đoàn Sunwah đánh giá, với lợi thế là một trong những quốc gia có tốc độ phát triển nhanh nhất trong khu vực, đặc biệt là trong giai đoạn hậu đại dịch, Việt Nam đang là điểm đến mới đầy sức hấp dẫn đối với các doanh nghiệp Trung Quốc, đặc biệt là Hồng Kông và Khu vực Hồng Kông - Quảng Đông - Ma Cao.

“Sự gần gũi về địa lý và văn hóa tạo điều kiện thúc đẩy quan hệ hợp tác giữa Việt Nam, Hồng Kông và và Khu vực Hồng Kông - Quảng Đông - Ma Cao trên nhiều lĩnh vực, đặc biệt là thương mại, đầu tư và du lịch. Hoạt động thương mại của Việt Nam gắn kết chặt chẽ với Khu vực Quảng Đông - Hồng Kông - Ma Cao, một thị trường rộng lớn khoảng 86 triệu dân với những lợi thế riêng như tài nguyên phong phú, công nghiệp dịch vụ hiện đại, phát triển đồng bộ và toàn diện”, Tiến sĩ Jonathan Choi phân tích.

Thứ trưởng Trần Duy Đông khẳng định, trong thời gian tới, Việt Nam hoan nghênh các nhà đầu tư Hồng Kông đầu tư vào các lĩnh vực công nghệ cao, đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số, đô thị thông minh, dịch vụ logistics, thương mại và dịch vụ, tài chính xanh... Đây là những lĩnh vực mà doanh nghiệp Hông Kông có thế mạnh và cũng là những lĩnh vực mà Việt Nam khuyến khích thu hút đầu tư.

Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư cam kết, cùng với nỗ lực chung của hai bên, Bộ Kế hoạch và Đầu tư sẽ tiếp tục tham mưu những bước đột phá trong cải cách môi trường đầu tư kinh doanh, đổi mới phương thức hỗ trợ doanh nghiệp. Đồng thời, sẽ luôn tạo điều kiện thuận lợi nhất cho nhà đầu tư nước ngoài, trong đó có các nhà đầu tư Hồng Kông đầu tư kinh doanh có hiệu quả tại Việt Nam.

Tập đoàn Sembcorp đầu tư khu công nghiệp không phát thải đầu tiên tại Việt Nam

Ngày 12/1, Chủ tịch UBND tỉnh Bình Dương ông Võ Văn Minh đã có buổi làm việc với Tập đoàn Sembcorp (Singapore) do ông Kelvin Teo, Giám đốc điều hành dẫn đầu.

Tại buổi làm việc ông  Kelvin Teo cho biết, mô hình các khu công nghiệp (KCN) Việt Nam-Singapore (VSIP) được đánh giá thành công tại Bình Dương và nhiều tỉnh, thành phố tại Việt Nam. Các KCN VSIP được xem là sự hợp tác hiệu quả giữa tỉnh Bình Dương và Tập đoàn Sembcorp.

Mô hình KCN VSIP III của Bình Dương
Mô hình KCN VSIP III của Bình Dương

Với định hướng phát triển xanh, thông minh, bền vững, các KCN Việt Nam - Singapore (VSIP) đang hướng đến mục tiêu cao hơn. Trong đó, KCN VSIP III tại Bình Dương được định hướng sẽ là KCN không phát thải đầu tiên của Việt Nam để thu hút đầu tư, phát triển công nghiệp 4.0.

Ông  Kelvin Teo cho biết, năm 2023 đánh dấu cột mốc kỷ niệm 50 năm thiết lập quan hệ ngoại giao và 10 năm quan hệ đối tác chiến lược giữa Việt Nam – Singapore, Sembcorp mong muốn phối hợp với tỉnh Bình Dương tổ chức các hoạt động chào mừng sự kiện này.

Về phía tỉnh Bình Dương, Chủ tịch UBND tỉnh ông Võ Văn Minh cho biết, mô hình hợp tác giữa Tập đoàn Sembcorp và Becamex IDC trong hơn 26 năm qua đã mang lại thành công với mô hình các Khu công nghiệp VSIP đã trở thành biểu tượng cho tình hữu nghị giữa hai nước.

Chủ tịch UBND tỉnh Bình Dương mong Tập đoàn Sembcorp sẽ tiếp tục triển khai các Dự án của VSIP Group tại tỉnh Bình Dương, cũng như tiếp tục nghiên cứu triển khai các dự án mới trong lĩnh vực thương mại, đô thị, hạ tầng giao thông tại các KCN VSIP.

Chính quyền tỉnh Bình Dương cam kết sẽ tạo mọi điều kiện để Tập đoàn thực hiện các dự án trên địa bàn tỉnh.

KCN VSIP III được xây dựng trên diện tích 1.000 ha tại xã Hội Nghĩa, thị xã Tân Uyên và xã Tân Lập, huyện Bắc Tân Uyên, tỉnh Bình Dương.

Dự án được khởi công vào tháng 3/2022 với tổng vốn đầu tư hơn 6.400 tỷ đồng. Mặc dù KCN này chưa khánh thành, nhưng đã thu hút được các tập đoàn lớn đến đầu tư. Trong đó,Tập đoàn LEGO của Đan Mạch đã khởi công nhà máy sản xuất đồ chơi trẻ em vào tháng 11/2022, với số vốn đầu tư 1,3 tỷ USD.

Bến Tre cần 630.000 tỷ đồng vốn đầu tư phát triển giai đoạn 2021-2030

Dưới sự chủ trì của Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Trần Quốc Phương, sáng 13/1, Hội đồng thẩm định quy hoạch tỉnh đã đồng ý thông qua Quy hoạch tỉnh Bến Tre thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050, với điều kiện có chỉnh sửa, bổ sung.

Theo Thứ trưởng Trần Quốc Phương, với vị trí tiếp giáp vùng kinh tế trọng điểm phía Nam, chỉ cách Thành phố Hồ Chí Minh 86 km, tỉnh Bến Tre có hệ thống giao thông đường thủy với bốn sông chính hướng ra biển Đông và hệ thống kênh, rạch là các trục giao thông đối ngoại quan trọng gắn kết Bến Tre với các tỉnh vùng Đồng bằng sông Cửu Long và vùng kinh tế trọng điểm phía Nam, rất thuận lợi cho việc phát triển các lĩnh vực kinh tế - xã hội.

Hội nghị thẩm định Quy hoạch tỉnh Bến Tre thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 ngày 13/1.
Hội nghị thẩm định Quy hoạch tỉnh Bến Tre thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 ngày 13/1.

Đặc biệt, kể từ khi được Chính phủ quan tâm đầu tư xây dựng các cầu: Rạch Miễu (năm 2008), Hàm Luông (năm 2010) và Cổ Chiên (năm 2015) đã phá thế cô lập về giao thông đường bộ giúp tiềm năng kinh tế - xã hội của Bến Tre được khơi dậy và phát triển mạnh mẽ. Kinh tế phát triển khá toàn diện; hạ tầng kinh tế - xã hội tiếp tục được đầu tư xây dựng; diện mạo đô thị và nông thôn có nhiều khởi sắc. Văn hóa - xã hội có nhiều chuyển biến tích cực. Đời sống người dân tiếp tục được cải thiện. An ninh chính trị ổn định, trật tự an toàn xã hội được đảm bảo.

Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được, tỉnh Bến Tre vẫn còn những tồn tại, hạn chế như kinh tế phát triển chưa tương xứng với tiềm năng, tăng trưởng kinh tế, thu nhập bình quân đầu người không đạt chỉ tiêu Nghị quyết; tái cơ cấu ngành nông nghiệp chưa đạt yêu cầu; công nghiệp, xây dựng, thương mại, dịch vụ, du lịch chưa tạo đột phá trong phát triển; hạ tầng kinh tế - xã hội thiếu đồng bộ, nhất là hạ tầng kết nối giữa các huyện, kết nối liên tỉnh; thiếu chủ động trong ứng phó hạn mặn; quản lý tài nguyên và môi trường còn hạn chế.

Thứ trưởng Trần Quốc Phương nhấn mạnh, trong những năm tới, để đẩy mạnh phát triển kinh tế gắn với giải quyết tốt các vấn đề xã hội, thích ứng với biến đổi khí hậu, bảo vệ môi trường, đưa tỉnh Bến Tre phát triển nhanh, bền vững, Bến Tre cần phải xây dựng một bản quy hoạch tỉnh có thể đề ra các phương án phát triển phát huy tối đa các tiềm năng, thế mạnh, giải quyết các khó khăn, thách thức, đẩy mạnh thu hút đầu tư có chọn lọc. Bên cạnh đó, cần huy động tối đa và sử dụng có hiệu quả mọi nguồn lực trong và ngoài địa phương để đầu tư phát triển kinh tế - xã hội.

Phát biểu tại Hội nghị, Chủ tịch UBND tỉnh Bến Tre Trần Ngọc Tam cho biết, tỉnh Bến Tre đã nhận thức rõ được tầm quan trọng của Quy hoạch tỉnh trong giai đoạn tới, vì vậy trong quá trình lập Quy hoạch đã nghiên cứu, chọn lựa các định hướng, chiến lược phát triển và kịch bản phát triển để khai thác và phát huy hiệu quả nhất nguồn lực nội tại của địa phương kết hợp với huy động các nguồn lực khác. Đồng thời, tỉnh Bến Tre xác định, Quy hoạch tỉnh phải nằm trong tổng thể chung của Quy hoạch vùng Đồng bằng sông Cửu Long và Quy hoạch ngành, Quy hoạch tổng thể quốc gia, vì vậy, trong quá trình lập Quy hoạch tỉnh đã nghiên cứu, lồng ghép các nội dung quan trọng của Quy hoạch vùng, Quy hoạch ngành đã được phê duyệt và bám sát theo định hướng của Quy hoạch tổng thể quốc gia.

Quy hoạch tỉnh Bến Tre sau khi được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt sẽ mở ra các thời cơ và cơ hội như: tỉnh sẽ có không gian phát triển mới, khai thác tiềm năng và thế mạnh của địa phương; phát huy có hiệu quả các nguồn lực phục vụ phát triển kinh tế - xã hội nhanh, bền vững.

Theo báo cáo Quy hoạch tỉnh Bến Tre thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050, tỉnh đề ra mục tiêu phát triển nhanh, toàn diện, bền vững, phấn đấu đến năm 2030 trở thành tỉnh có trình độ phát triển ở mức khá của cả nước dựa trên thu hút hiệu quả nguồn lực đầu tư để mở rộng không gian phát triển tỉnh về hướng Đông gắn với kinh tế biển. Có hệ thống kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội, hạ tầng số đồng bộ, hiện đại và kết nối thuận lợi với các tỉnh trong vùng và cả nước...

Giai đoạn 2021-2025, tốc độ tăng trưởng kinh tế GRDP bình quân 8,5-9,5%/năm, GRDP bình quân đầu người 83-85 tỷ đồng, huy động vốn đầu tư phát triển toàn xã hội 230.000 tỷ đồng. Giai đoạn 2026-2030, tỉnh đặt mục tiêu tăng trưởng kinh tế 11-11,5%/năm, GRDP bình quân đầu người 138-142 triệu đồng, huy động vốn đầu tư phát triển toàn xã hội 400.000 tỷ đồng.

Trong 630.000 tỷ đồng vốn đầu tư phát triển cần thiết cho giai đoạn 2021-2030, tỉnh Bến Tre dự kiến, vốn khu vực nhà nước khoảng 171.360 tỷ đồng (vốn ngân sách nhà nước khoảng 63.000 tỷ đồng), vốn ngoài nhà nước khoảng 416.430 tỷ đồng, vốn nước ngoài khoảng 42.210 tỷ đồng.

Các Dự án động lực mà tỉnh xác định là xây dựng cầu Rạch Miễu 2; tuyến đường bộ ven biển kết nối tỉnh Bến Tre với tỉnh Trà Vinh, Tiền Giang; Bệnh viện đa khoa tỉnh Bến Tre, dự án lấn biển tại các huyện Bình Đại, Ba Tri, Thạch Phú; dự án xây dựng Trường Đại học Tây Nam Bộ - Đại học Quốc gia TP.HCM; cơ sở hạ tầng các khu, cụm công nghiệp, các khu đô thị...

Tầm nhìn đến năm 2050, Bến Tre sẽ phát triển thịnh vượng, với đô thị sinh thái, hiện đại, thông minh, có môi trường sống lý tưởng cho người dân.

Quy hoạch tỉnh Bến Tre xác định 05 quan điểm phát triển tỉnh trong thời kỳ quy hoạch, trong đó nhấn mạnh quan điểm phát triển về hướng Đông (hướng biển với trọng tâm là kinh biển) là tầm nhìn xuyên suốt của thời kỳ quy hoạch với mục tiêu lấn biển tạo quỹ đất, mở rộng không gian phát triển mới.

Không gian phát triển của tỉnh sẽ chia thành 3 vùng là Vùng Bắc sông Hàm Luông, Vùng Nam sông Hàm Luông và Vùng ven biển; 5 hành lang kinh tế gồm 3 hành lang phát triển theo hướng Tây - Đông, 2 hành lang phát triển theo hướng Bắc - Nam. Đến năm 2030, tỉnh Bến Tre có tỷ lệ đô thị hóa đạt 50% với 37 đô thị.

Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư