Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Tư, Ngày 24 tháng 04 năm 2024,
Cải thiện năng lực cạnh tranh cấp tỉnh: Căng thẳng cuộc đua ở cấp thực thi
Khánh An - 30/06/2022 08:46
 
Khi vị trí của cán bộ nhà nước có thể bị lung lay bởi chỉ số năng lực cạnh tranh đứng im hoặc giảm điểm, thì môi trường văn hóa hành chính sẽ có thay đổi mang tính bước ngoặt.
Bắc Giang đứng đầu cả nước trong quý II và 6 tháng đầu năm 2022 về tăng trưởng kinh tế. Trong ảnh: Thu mua, phân loại vải thiều tại Bắc Giang 

Khi người đứng đầu sốt ruột

Quảng Ninh làm được, Bắc Giang cũng phải làm được. Câu nói này của ông Lê Ánh Dương, Chủ tịch UBND tỉnh Bắc Giang chắc hẳn sẽ chạm vào khát vọng và cả tâm tư của nhiều cán bộ, công chức trong hệ thống chính quyền địa phương này.

Trực tiếp nghe lời nói này của Chủ tịch UBND là lãnh đạo các sở, ban, ngành, các cán bộ trực tại bộ phận một cửa trong các cơ quan, đơn vị thường xuyên tiếp xúc và làm việc với doanh nghiệp, nhà đầu tư. Không chỉ vậy, cán bộ cấp thôn, tổ dân phố tham gia trực tuyến Hội nghị Phân tích Chỉ số Năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) năm 2021 và giải pháp nâng cao chỉ số PCI năm 2022 tỉnh Bắc Giang cũng nhận được thông điệp của người đứng đầu.

Trước đó, ông Dương đã nhắc tới nỗ lực không ngừng của vị trí số 1 của Quảng Ninh trong Bảng xếp hạng PCI liên tiếp 5 năm qua, dù không ai ở trên để cạnh tranh; nhắc tới tốc độ cải thiện năng lực cạnh tranh rất nhanh của nhiều địa phương khác dù “cùng trời đất, cùng pháp luật”..., khiến thứ hạng PCI năm 2021 của Bắc Giang tuy vẫn trong top khá, nhưng giảm 4 bậc, đang ở vị trí 31/63 tỉnh, thành phố.

Đây là điều mà ông Lê Ánh Dương mong muốn bộ máy chính quyền Bắc Giang nhận thức rõ khi thực hiện các kế hoạch nâng cao chỉ số PCI. “Cải thiện các chỉ số PCI là để đáp ứng các mục tiêu phát triển dài hạn của địa phương, nghĩa là dù đứng ở thứ hạng nào, doanh nghiệp phải cảm nhận được nỗ lực của chính quyền địa phương trong cải thiện môi trường kinh doanh. Khi đó, các tiềm năng, lợi thế của Bắc Giang mới được phát huy”, ông Dương chia sẻ với những cán bộ trong bộ máy chính quyền.

Nhưng để thực hiện được, ông Dương thẳng thắn xác định, đây là nhiệm vụ rất khó, vì những gì doanh nghiệp phản ánh còn khoảng cách xa so với mong muốn của chính quyền địa phương và các kế hoạch cải thiện, mà trước mắt là mục tiêu trong top 15 địa phương đứng đầu cả nước về năng lực cạnh tranh tới năm 2025. “Năm nay, chúng ta sẽ thay đổi cách làm, xác định giải pháp cụ thể cho các tiêu chí, chứ không thể chỉ có giải pháp tổng thể. Bắt đầu từ sơ kết 6 tháng đầu năm, sẽ có hướng dẫn xem xét người đứng đầu các cơ quan được giao trách nhiệm để chỉ số nào sụt giảm, đứng im sẽ tính vào thi đua cuối năm và năm tới, nếu không cải thiện, sẽ phải xem đến vị trí công tác”, Chủ tịch Dương nhấn mạnh.

Dư địa của văn hóa hành chính đồng hành với doanh nghiệp

Là diễn giả được mời của hội nghị trên, ông Đậu Anh Tuấn, Phó tổng thư ký Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), đơn vị thực hiện khảo sát và công bố PCI hằng năm cảm thấy hào hứng với những cam kết của lãnh đạo tỉnh Bắc Giang mà ông cũng trực tiếp lắng nghe. “Lãnh đạo tỉnh đang đặt áp lực rất lớn cho bộ máy, sẽ có những thay đổi lớn trong thực thi”, ông Tuấn nói.

Cải thiện các chỉ số PCI là để đáp ứng các mục tiêu phát triển dài hạn của địa phương, nghĩa là dù đứng ở thứ hạng nào, doanh nghiệp phải cảm nhận được nỗ lực của chính quyền địa phương trong cải thiện môi trường kinh doanh. Khi đó, các tiềm năng, lợi thế của Bắc Giang mới được phát huy.

- Ông Lê Ánh Dương, Chủ tịch UBND tỉnh Bắc Giang

Khi bóc tách các đánh giá của doanh nghiệp đang hoạt động tại Bắc Giang, ông Tuấn cũng nhận thấy khoảng cách khá xa giữa quyết tâm của lãnh đạo tỉnh và thực tế ở cấp cơ sở. Ví dụ, trong chỉ số về thực hiện thủ tục hành chính, chỉ tiêu thành phần cán bộ nhà nước thân thiện đứng 55/63 tỉnh thành; cán bộ giải quyết công việc hiệu quả đứng thứ 49/63; chỉ số doanh nghiệp không cần phải đi lại nhiều lần để lấy dấu và chữ ký xếp 56/63...

Hay gánh nặng thanh tra, kiểm tra vẫn khá đáng kể, khi 19% doanh nghiệp than phiền bị thanh tra, kiểm tra trùng lặp, 11% doanah nghiệp phải đón trên 3 đoàn thanh tra, kiểm tra trong 1 năm.

Đặc biệt, doanh nghiệp phản ánh, còn hiện tượng ưu ái doanh nghiệp lớn, doanh nghiệp có liên kết chặt chẽ với chính quyền. Có tới 60% doanh nghiệp cho rằng, tỉnh ưu tiên giải quyết khó khăn cho doanh nghiệp lớn hơn so với doanh nghiệp nhỏ và vừa. 44% doanh nghiệp cho là tỉnh ưu tiên doanh nghiệp lớn hơn là phát triển doanh nghiệp nhỏ và vừa.

Thứ hạng này không hề tương xứng với những kết quả trong nỗi lực thu hút đầu tư, thúc đẩy tăng trưởng GRDP của tỉnh này. Theo con số mới công bố vào tuần trước, tốc độ tăng trưởng kinh tế của Bắc Giang đứng đầu cả nước trong quý II và 6 tháng đầu năm 2022, với mức 24%.

“Nếu chính quyền địa phương xây dựng được mối quan hệ thân thiện với doanh nghiệp theo nghĩa có khó khăn, vướng mắc gì, doanh nghiệp sẵn sàng nói với chính quyền để cùng bàn cách tháo gỡ, không ngại bị trù dập; hay doanh nghiệp nhỏ và vừa cũng nhìn thấy vị trí của mình trong các kế hoạch phát triển của địa phương, thì môi trường kinh doanh sẽ thay đổi căn bản và bền vững, chứ không chỉ là những cải thiện mang tính hình thức trong các nghị quyết, văn bản chỉ đạo...”, ông Tuấn nói.

Sự cải thiện vượt bậc của Quảng Ninh hay Hải Phòng, Vĩnh Phúc thời gian qua; sự bền vững trong thứ hạng của Đồng Tháp, dù không hề có lợi thế về vị trí địa lý, hạ tầng như các trung tâm kinh tế, cũng bắt đầu từ những thay đổi trong tư duy, nhận thức và cách ứng xử của cấp cơ sở. Nhờ vậy, các địa phương này đã tạo lập được văn hóa hành chính, văn hóa đồng hành, hỗ trợ doanh nghiệp.

“Nếu Bắc Giang và các địa phương đều sốt ruột khi nhìn vào tốc độ cải thiện năng lực cạnh tranh của các địa phương khác, đặt mình vào cuộc đua tới những địa phương top đầu, thì tôi tin là những cải thiện có thể chưa tạo nên bứt phá về thứ hạng ngay, nhưng là những cải thiện mang tính bền vững. Doanh nghiệp sẽ hưởng lợi lâu dài từ những cải thiện này”, ông Đậu Anh Tuấn tin tưởng.

Kiên Giang quyết tâm trở lại nhóm “khá” về Chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh
Tỉnh Kiên Giang tiếp tục cải thiện và nâng cao Chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) để trở lại nhóm “khá” của cả nước trong năm 2021...
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư