Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Sáu, Ngày 29 tháng 03 năm 2024,
Chính phủ lý giải nguyên nhân chậm phân bổ vốn Chương trình phục hồi
Nguyễn Lê - 21/05/2022 10:38
 
Vừa hoàn thành ngày 20/5, phục vụ kỳ họp thứ ba, Quốc hội khóa XV, báo cáo của Chính phủ lý giải nguyên nhân chậm phân bổ vốn từ Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế, xã hội.
.
Vốn đầu tư công sẽ được điều chỉnh linh hoạt.(Ảnh minh hoạ của Duy Linh).

Vừa hoàn thành ngày 20/5 phục vụ kỳ họp thứ ba, Quốc hội khóa XV khai mạc sáng 23/5, báo cáo tình hình kinh tế, xã hội của Chính phủ lý giải nguyên nhân chậm phân bổ vốn từ Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế, xã hội.

Theo thông lệ, ngay trong phiên khai mạc, Chính phủ đều báo cáo Quốc hội tình hình kinh tế, xã hội. Tuy nhiên, do thời lượng có hạn, báo cáo này ngắn gọn hơn, tập trung vào một số vấn đề mang tính thời sự cao. Còn báo cáo đầy đủ sẽ do Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư thừa uỷ quyền Thủ tướng gửi Quốc hội trước phiên khai mạc.

Lần này, báo cáo đầy đủ còn có mục riêng về hình hình triển khai thực hiện Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế, xã hội (Chương trình phục hồi) theo Nghị quyết 43/2022/QH15 của Quốc hội.

Trước đó, Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chủ tịch Quốc hội, các Ủy ban Tài chính - Ngân sách, Ủy ban Kinh tế của Quốc hội đều bày tỏ sốt ruột trước tiến độ thực hiện Nghị quyết 43/2022/QH15 của Quốc hội, trong đó có gói chính sách tài khoá, tiền tệ hỗ trợ Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế, xã hội (Chương trình).

Hồi âm quan ngại trên, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng báo cáo, căn cứ các nguyên tắc, tiêu chí lựa chọn và phân bổ vốn cho các dự án thuộc Chương trình quy định tại Nghị quyết 43/2022/QH15 của Quốc hội, Chính phủ đã chỉ đạo Bộ Kế hoạch và Đầu tư phối hợp với các Bộ, cơ quan trung ương, địa phương khẩn trương xây dựng, báo cáo Thủ Chính phủ về danh mục, phương án phân bổ vốn đầu tư công thuộc Chương trình (Bộ đã có báo cáo ngày 1/4/2022).

"Tuy nhiên, đến nay, Chính phủ chưa trình được Ủy ban Thường vụ Quốc hội quyết định bổ sung vốn, chậm so với yêu cầu chủ yếu do các dự án dự kiến bố trí vốn từ Chương trình là dự án mới, cần thời gian hoàn thiện thủ tục đầu tư theo quy định của Luật Đầu tư công, sau khi có đủ điều kiện theo quy định mới có cơ sở để báo cáo Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét việc bố trí vốn theo quy định tại Nghị quyết số 43/2022/QH15", Bộ trưởng báo cáo Quốc hội.

Nghị quyết 43 còn yêu cầu điều chỉnh linh hoạt nguồn vốn đầu tư công của Chương trình và Kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021-2025.

Về yêu cầu này, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng cho biết, Chính phủ đã báo cáo Ủy ban Thường vụ Quốc hội về phương án điều chỉnh linh hoạt nguồn vốn đầu tư công của Chương trình và Kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021-2025 tại Tờ trình số 146/TTr-CP ngày 22/4/2022 của Chính phủ về việc bổ sung kế hoạch đầu tư vốn ngân sách trung ương trong nước năm 2022 cho các bộ, cơ quan trung ương và địa phương.

Với nội dung hỗ trợ doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh, Bộ trưởng báo cáo, Chính phủ chỉ đạo Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, phối hợp với Bộ Tài chính, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, các bộ, cơ quan liên quan xây dựng, trình Chính phủ ban hành Nghị định hướng dẫn thực hiện hỗ trợ lãi suất cho vay từ ngân sách nhà nước đối với doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh.

Cũng đúng ngày 20/5, Nghị định này đã được ban hành.

Dự kiến ban hành trong tháng 5/2022 còn có Nghị định hỗ trợ lãi suất đối với các khoản vay tại Ngân hàng Chính sách xã hội, nguồn vốn cho vay, cấp bù lãi suất và phí quản lý để Ngân hàng Chính sách xã hội cho vay theo Nghị quyết số 43/2022/QH15, theo báo cáo của Bộ trưởng.

Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng còn cho biết, trên cơ sở các Quyết định của Thủ tướng Chính phủ về phê duyệt hạn mức bảo lãnh phát hành trái phiếu  và giao bổ sung kế hoạch tín dụng năm 2022 , Ngân hàng Chính sách xã hội đã khẩn trương triển khai thực hiện, giải ngân hơn 38,1 nghìn tỷ đồng cho vay hộ nghèo và các đối tượng chính sách (bao gồm cả cho vay theo Chương trình).

Đến ngày 18/5/2022, Ngân hàng Chính sách xã hội đã giải ngân thực hiện 4/5 chương trình tín dụng chính sách của Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế, xã hội khoảng 2.575 tỷ đồng  trên 19.000 tỷ đồng kế hoạch cả năm 2022.

Sốt ruột chương trình phục hồi, tiếp tục lo trái phiếu doanh nghiệp
Các đại biểu Quốc hội và chuyên gia đều đặc biệt quan tâm đến cách ứng xử với thị trường vốn sau nhiều tai tiếng thời gian qua.
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư