Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Tư, Ngày 24 tháng 04 năm 2024,
Chuỗi bán lẻ xe đạp chờ “cửa sáng” hậu sốt ảo
Anh Hoa - 15/02/2023 08:20
 
Sau hai năm tăng trưởng liên tục, thị trường bán lẻ xe đạp đang chững lại khi nhu cầu mua giảm mạnh, nhưng, các nhà đầu tư vẫn tin tưởng vào tiềm năng dài hạn của lĩnh vực này.
Nhu cầu chăm sóc sức khỏe và tập luyện thể thao của  người dân tăng lên tạo dư địa lớn cho  thị trường xe đạp
Nhu cầu chăm sóc sức khỏe và tập luyện thể thao của người dân tăng lên tạo dư địa lớn cho thị trường xe đạp.

Thị trường hấp dẫn, nhưng 90% thuộc về đơn vị nhỏ lẻ

Báo cáo nghiên cứu Thị trường xe đạp ở riêng phân khúc trẻ em trên sàn thương mại điện tử Shopee, Tiki, Lazada dành cho nhà bán hàng trong năm 2022 do Nền tảng phân tích số liệu thị trường Metric.vn cho thấy, tổng doanh số đạt 39 tỷ đồng, tăng 11,3% so với năm trước đó.

Sự tăng trưởng của phân khúc xe đạp trẻ em cũng diễn ra tương tự ở mảng bán lẻ tại các chuỗi cửa hàng hiện hữu. Ông Peter Nguyễn, Tổng giám đốc Công ty cổ phần Vòng Xanh (Xedap.vn, Xedien.vn) không tiết lộ con số kinh doanh cụ thể, nhưng ông khẳng định, phân khúc xe đạp trẻ em sôi động nhất trên thị trường, bởi một gia đình có thể mua cho đứa trẻ tới 3 chiếc xe trong khoảng thời gian bé từ 1 tuổi đến 15 tuổi.

Về thị trường nói chung, ông Peter Nguyễn cho rằng, thị trường xe đạp đi đôi với tốc độ phát triển đô thị hóa với tỷ lệ tăng trưởng 15% hàng năm. Ước tính, có khoảng 2,5 triệu chiếc xe đạp được tiêu thụ tại Việt Nam mỗi năm, với tổng giá trị thị trường ở mức 7.500 tỷ đồng.

Ba yếu tố động lực của thị trường xe đạp 

Ông Peter Nguyễn, Tổng giám đốc Công ty cổ phần Vòng Xanh chỉ ra 3 yếu tố khiến thị trường xe đạp tại Việt Nam có tiềm năng về dài hạn.
Thứ nhất, xe đạp là ngành kinh doanh trường tồn. Khi kinh tế phát triển, thu nhập bình quân của người dân tăng, dân số tầng lớp trung lưu tăng, nhu cầu đạp xe tăng cường sức khỏe sẽ tăng lên và ngành xe đạp cũng sẽ phát triển theo.

 
Thứ hai, xu hướng đô thị hóa ngày càng lớn, các khu dân cư mới được xây lên, hạ tầng giao thông đường bộ phát triển, làn đường dành cho xe đạp cũng sẽ được thiết lập cùng với sự chú trọng của Chính phủ cho cuộc sống xanh.


Thứ ba, tắc nghẽn giao thông sẽ được giải quyết bằng hệ thống giao thông công cộng, mật độ xe máy sẽ giảm dần tại các khu trung tâm. Phương tiện đi lại quãng đường ngắn như xe đạp sẽ là sự lựa chọn tối ưu. Các mạng lưới chia sẻ xe đạp dùng công nghệ và ngành xe đạp nói chung sẽ có ảnh hưởng tích cực.

Trong khi đó, hầu hết các cửa hàng xe đạp hiện tại đều đang được vận hành bởi các hộ kinh doanh cá thể truyền thống chưa chuẩn chỉnh, thiếu kinh nghiệm vận hành, thiếu phương pháp quản trị và nguồn lực. Vậy nên, việc xây dựng chuỗi bán lẻ xe đạp cho cả gia đình với trải nghiệm mua sắm hiện đại, cung cấp sản phẩm chất lượng, mẫu mã đẹp và dịch vụ hậu mãi uy tín sẽ đánh đúng thị hiếu của thị trường.

Ngành hàng xe đạp tại Việt Nam là thị trường hấp dẫn, nhưng đang bị bỏ ngỏ. Dù nhu cầu cao, thị trường hiện chỉ có một vài “ông lớn” nắm khoảng 10% thị phần, 90% thị phần thuộc về các đơn vị buôn bán nhỏ lẻ, manh mún và chưa được đầu tư bài bản. Do đó, đây là cơ hội tốt để các tên tuổi gia nhập thị trường, tăng tốc mở chuỗi và giành “miếng bánh”.

Đầu năm 2022, chuỗi bán lẻ Thế giới Di động quyết định nhảy vào thị trường này với chuỗi cửa hàng thử nghiệm AVACycle. Đây là một trong 5 chuỗi thuộc hệ sinh thái AVAWorld, chuyên bán các mặt hàng xe đạp và phụ kiện chính hãng.

Trước đó, Thế giới Di động cũng có những cửa hàng bán xe đạp tại các địa bàn ở khu vực phía Nam TP.HCM. Khu vực bán xe đạp được đặt dưới mái hiên của hai siêu thị Điện máy Xanh hiện hữu.

Để thực hiện chiến lược giành thị phần, Thế giới Di động đã nâng cấp mảng kinh doanh xe đạp thành mô hình “shop-in-shop” trong chuỗi Điện máy Xanh. Theo đó, nhà bán lẻ này tách mảng xe đạp hiện tại để thành lập các cửa hàng AVACycle.

AVACycle hiện có khoảng 158 cửa hàng, tận dụng khoảng trống phía trước các cửa hàng Điện máy Xanh để làm mặt bằng trưng bày xe đạp. Tại đây, các loại xe đạp đường phố, xe đạp leo núi, xe đạp đua, xe đạp trẻ em... với nhiều mẫu mã được bày bán. Cùng với đó, cửa hàng cũng bán các phụ kiện đi kèm như mũ bảo hiểm, găng tay, đèn, bọc yên, túi... với giá phù hợp số đông.

Thời điểm bắt đầu thử nghiệm, ông Đoàn Văn Hiểu Em, CEO Công ty cổ phần Thế giới Di động cho biết, trung bình một cửa hàng Điện máy Xanh bán 10 - 15 chiếc xe đạp/ngày. Trong những ngày đầu khai trương, mỗi cửa hàng có thể bán tới 50 chiếc/ngày. Với đà tăng trưởng điểm bán và giá bán trung bình 3 triệu đồng/chiếc, CEO Thế giới Di động kỳ vọng, mảng xe đạp sẽ mang về doanh thu khoảng 400 tỷ đồng trong năm đầu tiên và tiếp tục tăng trưởng.

Với bước khởi đầu thuận lợi trong hai năm qua, AVACycle kỳ vọng có thể đóng góp doanh thu và lợi nhuận đáng kể cho Thế giới Di động từ năm 2023.

Nhắc đến các chuỗi xe đạp tiên phong ở thị trường Việt Nam, phải kể đến chuỗi Xedap.vn thuộc sở hữu của Công ty cổ phần Vòng Xanh.

Tên tuổi này được nhắc nhiều đến từ năm 2016 trong vai trò nhà phân phối chính thức của Giant International - thương hiệu xe đạp thể thao lớn nhất thế giới. Đây cũng là nhà nhập khẩu xe đạp quy mô lớn nhất Việt Nam với danh mục phân phối kết hợp nhiều thương hiệu xe đạp và phụ tùng, phụ kiện, trong đó có Wahoo, Maxxis, Finish Line...

Nhưng phải đến năm 2019, Vòng Xanh mới bắt tay xây dựng chuỗi bán lẻ Xedap.vn. Hiện Xedap.vn đã có hơn 22 cửa hàng, chủ yếu tập trung ở Đà Nẵng, Hà Nội, TP.HCM. Chuỗi này cũng bước chân vào lĩnh vực xe điện với mô hình cửa hàng song song Xedap.vn, Xedien.vn.

Xedap.vn vừa được Quỹ đầu tư tư nhân Excelsior Capital Asia rót vốn và hỗ trợ chiến lược tăng tốc độ phủ. Với khoản đầu tư này, Xedap.vn đặt tham vọng mở rộng chuỗi lên trên 100 cửa hàng trong các năm tới, hướng tới mục tiêu phủ khắp cả nước. Không chỉ vậy, chuỗi sẽ đầu tư các nền tảng công nghệ kết nối cộng đồng đạp xe và thể thao và đưa xe đạp đến tất cả các hộ gia đình thành thị.

 Cuộc đua chinh phục khách hàng

Thời điểm AVACycle và Xedap.vn nhảy vào cuộc chơi, nhiều dữ liệu cho thấy, các tên tuổi này sẽ là đối thủ đáng gờm của các cửa hàng xe đạp nhỏ lẻ với chính sách ưu đãi đậm.

Tuy nhiên, ông Peter Nguyễn cho rằng, khoảng 2.300 cửa hàng bán lẻ xe đạp truyền thống đang hiện diện trên thị trường vẫn “sống khỏe”. Đây là bức tranh tồn tại bao năm nay, không có gì mới. Trong cuộc chơi này, Vòng Xanh không cố gắng xây dựng điều gì to tát, mà đơn giản chỉ tham gia cải tiến, hiện đại hóa ngành bán lẻ xe đạp truyền thống. 

Hai năm đại dịch là thời điểm kích thích tốc độ tăng trưởng chung cho các chuỗi, thậm chí Xedap.vn đã mở liên tục 22 cửa hàng, song đến thời điểm này, tốc độ phát triển đang tạm chững lại, vì nhu cầu chi tiêu và sức mua của người dân giảm, do nền kinh tế gặp khó khăn chung.

“Có thể năm nay, chúng tôi sẽ không đạt tăng trưởng như kỳ vọng và 2 năm trước, nhưng vẫn phải nỗ lực tăng trưởng theo cam kết với quỹ đầu tư”, ông Peter Nguyễn chia sẻ.

Theo Tổng giám đốc Công ty cổ phần Vòng Xanh, sản phẩm chất lượng, đa dạng mẫu mã và đáp ứng tất cả nhu cầu của người tiêu dùng trong cùng gia đình là yếu tố cạnh tranh để giành phần thắng hiện nay.

Cụ thể, mỗi điểm bán phải có đủ các dòng xe, phân khúc xe cho trẻ em, người lớn, người già, người đi làm, đi chợ, tập thể thao… Cửa hàng phải đặt ở trung tâm của sự tiện lợi, tại những khu vực tập trung tập thể thao, mua sắm; có chất lượng dịch vụ hậu mãi tốt, mang tới cho khách hàng trải nghiệm mua sắm tiện nghi.

“Hầu hết cửa hàng truyền thống đều thiếu một trong những điều trên, nên khách hàng sẽ tìm đến chuỗi Xedap.vn để được thỏa mãn”, ông Peter Nguyễn khẳng định.

Trong khi đó, CEO Thế giới Di động cũng tự tin với lượng khách hàng lớn sẵn có, cộng với mô hình shop-in-shop tốn ít chi phí mặt bằng và vận hành, nên AVACycle có thể dùng khoản dư đó để khuyến mại, kích cầu tiêu dùng. Với cách làm này, AVACycle sẽ không mất nhiều thời gian để chiếm được 30 - 40% thị phần trong thời gian sớm nhất.

Thực tế, Vòng Xanh cũng là nhà cung cấp xe đạp Giant International cho Điện máy Xanh. Việc nhà bán lẻ lớn này nhảy vào thị trường sẽ thúc đẩy ngành xe đạp phát triển, sự quan tâm của người dân tới việc đạp xe cũng sẽ nhiều hơn. Thậm chí, mảng bán lẻ của chính Vòng Xanh cũng hưởng lợi, bởi doanh thu mảng bán sỉ của Công ty tăng cùng với quy mô của Điện máy Xanh.

Giới phân tích cho rằng, thời gian qua, đại dịch Covid-19 bùng phát khiến những dự đoán về nhu cầu thị trường bị sai lệch. Nhiều nhà phân phối xe đạp và các cửa hàng, chuỗi bán lẻ xe đạp đối mặt với vấn đề hàng tồn kho lớn và chi phí tăng cao do kinh tế suy thoái. Nhiều cơ sở phải đối mặt với lựa chọn vô cùng khó khăn: tăng giá để bù đắp chi phí hay giảm giá, khuyến mại để cứu vãn doanh số.

Thông thường, từ tháng 7 đến cuối năm là giai đoạn thị trường xe đạp tăng trưởng mạnh, vì gắn với mùa tựu trường và mùa mua sắm cuối năm. Tuy nhiên, trong quý III và quý IV/2022, các hãng xe đạp cho biết, sức mua giảm 50 - 70% so với cùng kỳ năm 2021 và còn thấp hơn cả giai đoạn trước dịch Covid-19. Diễn biến này tại Việt Nam khá giống thị trường toàn cầu.

Mặc dù vậy, giới kinh doanh đã sớm nhìn ra triển vọng bùng nổ của thị trường xe đạp và đánh giá, về dài hạn, bán lẻ xe đạp vẫn là thị trường tiềm năng. Đây là yếu tố chính khiến các quỹ đầu tư cân nhắc để rót vốn vào các chuỗi bán lẻ xe đạp ở thị trường Việt Nam.

UBND Thành phố Hà Nội đồng ý thí điểm cho thuê xe đạp công cộng
UBND Thành phố Hà Nội vừa chấp thuận đề xuất của Sở Giao thông Vận tải Hà Nội về thí điểm xe đạp công cộng trên địa bàn trong 12 tháng...
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư