Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Bảy, Ngày 20 tháng 04 năm 2024,
Chuyên gia Võ Trí Thành: Nới biên độ là tìm điểm cân bằng mới cho tỷ giá
Thùy Liên - 18/10/2022 07:33
 
Trao đổi với Báo điện tử Đầu tư - baodautu.vn, TS. Võ Trí Thành, Viện trưởng Viện nghiên cứu chiến lược Thương hiệu và Cạnh tranh cho rằng, nới biên độ tỷ giá từ +/-3% lên +/-5% là cần thiết.
f
TS. Võ Trí Thành, Viện trưởng Viện nghiên cứu chiến lược Thương hiệu và Cạnh tranh

Ông đánh giá như thế nào về việc Ngân hàng Nhà nước lại nới biên độ tỷ giá từ +/-3% lên +/-5%?

Trong bối cảnh hiện nay, áp lực lên tỷ giá , lạm phát rất là lớn thì việc NHNN nới biến độ tỷ giá cũng là cần thiết. Đây cũng là cách để một phần giảm áp lực với tỷ giá, tìm điểm cân bằng mới thích hợp hơn cho tỷ giá và cũng tạo dư địa cho điều hành chính sách tiền tệ linh hoạt và chủ động hơn.

Nới biên độ điều chỉnh tỷ giá chỉ là một trong nhiều giải pháp, công cụ mà NHNN thực hiện nhằm giúp tỷ giá ổn định một cách tương đối trong so sánh với biến động tỷ giá của nhiều quốc gia khác cũng như trong bối cảnh Fed và nhiều quốc gia tiếp tục thắt chặt tiền tệ, nâng lãi suất.

Trước đó, để ổn định tỷ giá, NHNN đã dùng biện pháp như: sử dụng Quỹ dự trữ ngoại hối, tăng lãi suất, chuyển phương thức giao dịch ngoại tệ từ bán kỳ hạn 3 tháng sang phương thức bán giao ngay… Chính vì vậy, việc nới biên độ này nằm trong tổng thể nhiều công cụ khác, ở chừng mực nhất định, giúp cân bằng đc tất cả các chiều cạnh để tác động không quá tiêu cực tới nền kinh tế.

Việc nới biên độ tỷ giá giao ngay và nâng tỷ giá trung tâm khiến tỷ giá VNĐ/USD đã tăng 7% kể từ đầu năm. Điều này sẽ tác động như thế nào tới doanh nghiệp và nền kinh tế, thưa ông?

Dĩ nhiên, việc tiền đồng mất giá hơn sẽ gây ảnh hưởng nhất định đến nền kinh tế, nhất là lạm phát, lãi suất. Nếu tiền đồng mất giá quá nhiều thì một phần sẽ chuyển vào chỉ số giá, đồng thời đẩy lãi suất đi lên. Với xuất khẩu, nếu tỷ giá không đủ linh hoạt cũng rất khó cạnh tranh. Hơn nữa, xuất khẩu của Việt Nam dựa rất lớn vào nhập khẩu nên nếu VNĐ mất giá nhiều thì xuất khẩu cũng chưa chắc được lợi. Chưa kể vấn đề nợ quốc gia…  

Thế nhưng, mức độ nới biên độ tỷ giá như hiện nay đã nằm trong tính toán tác động với nhiều chiều cạnh (lạm phát, lãi suất, xuất khẩu, nhập khẩu, lợi ích người gửi tiền đồng, USD…). 

Cách của NHNN là linh hoạt hơn, tìm điểm cân bằng mới với tất cả các chiều cạnh của nền kinh tế để giảm các tác động tiêu cực, trong chừng mực vẫn giữ được ổn định vĩ mô tương đối, hỗ trợ xuất khẩu mà không tác động quá tiêu cực tới nhập khẩu, lạm phát.

Ngân hàng Nhà nước nới biên độ tỷ giá thay vì tăng mạnh tỷ giá trung tâm. Điều này có hàm ý gì, theo ông?

So với tăng mạnh tỷ giá trung tâm, nới biên độ tỷ giá cũng có điểm tương đồng là đạt tới điểm cân bằng tỷ giá mới. Tuy vậy, có sự khác biệt không nhỏ về thông điệp. Thứ nhất, về tỷ giá công bố, NHNN vẫn điều hành theo cách từ trước đến nay:  linh hoạt điều chỉnh theo theo tỷ giá chủ chốt của các đối tác lớn. Thứ hai, biên độ điều chỉnh tỷ giá được nới linh hoạt sẽ giúp chính sách tiền tệ linh hoạt hơn, giảm bớt áp lực cho điều hành.  

Ngân hàng Nhà nước tăng biên độ tỷ giá lên 5%
Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (NHNN) quyết định điều chỉnh biên độ tỷ giá giao ngay USD/VND từ mức ±3% lên ±5%; có hiệu lực từ ngày 17/10.
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư