Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Sáu, Ngày 19 tháng 04 năm 2024,
Chuyện “vượt bão” Covid-19 để hồi sinh của doanh nghiệp du lịch
Hoài Sương - 18/10/2022 08:00
 
Đến giờ này, những chủ doanh nghiệp du lịch đã tái sinh được còn thất thần khi kể lại những cuộc “vượt bão” Covid-19 của mình.

Phút chốc trắng tay

Nhắc đến thời điểm dịch Covid-19 bắt đầu và bùng phát mạnh, ông Nguyễn Trần Hoàng Phương, Tổng giám đốc Công ty Golden Smile Travel kể, trong giai đoạn đầu của dịch Covid-19, dù đã thiệt hại nhưng chưa doanh nghiệp du lịch nào chuẩn bị tâm lý. Thậm chí khi dịch lan rộng ra toàn thế giới, các công ty vẫn cố gắng làm du lịch và tiếp tục chờ rồi “chết lặng” khi phong tỏa khắp nơi.

Theo ông Phương đây là giai đoạn rất khó khăn, khó trong cả suy nghĩ khi công ty có gần 100 nhân sự nhưng chỉ trong thời gian ngắn đã phải chia tay vì Công ty không tạo ra doanh thu, không có bất kỳ hoạt động du lịch nào nữa và không thể trả lương…  Lãnh đạo Golden Smile Travel thời điểm đó quyết định chỉ còn giữ lại kế toán và vài nhân sự để “sống tạm” qua dịch.

Còn với ông Nguyễn Ngọc Toản, Giám đốc Công ty Image Travel & Events, đại dịch Covid-19 là nỗi ám ảnh “không bao giờ quên”. Bởi trước đó, năm 2019 doanh thu của công ty tăng trưởng hơn 20% so với năm 2018 mà lại còn ký được nhiều hợp đồng với các tập đoàn lớn tại châu Âu.

“Nhưng từ tháng 4/2020 đến cuối năm, chúng tôi chỉ có hơn 10 đoàn khách nội địa và chưa tới 10 doanh nghiệp tổ chức sự kiện… dẫn đến doanh thu giảm xuống trầm trọng”, ông Toản kể và cho hay, tình trạng hủy tour, trả tiền đặt cọc diễn ra ồ ạt không chỉ công ty ông mà ở nhiều công ty du lịch lữ hành khi có lệnh phong tỏa ở một số quốc gia.

“Trong giai đoạn đầu của dịch, công ty bị mất 1 đoàn khách ở Phượng hoàng Cổ trấn khi Trung Quốc đóng cửa. Nhiều đoàn khác đang trên đường đi thì buộc phải quay về. Trong đó, một số du khách chấp nhận thì công ty sẽ dời ngày trải nghiệm tour. Có đoàn khách không cảm thông, công ty buộc phải trả lại tiền cọc. Chỉ giai đoạn đầu đó thôi, thiệt hại của Du lịch Việt đã tới 5 tỷ đồng, chưa kể các giai đoạn dịch về sau”, ông Phan Hải Đăng, Trưởng phòng Marketing công ty Cổ phần Truyền thông Du lịch Việt ngậm ngùi.

Theo thống kê, nếu như năm 2019, tổng doanh thu từ khách du lịch của Việt Nam là 755.000 tỷ đồng thì đến năm 2020 chỉ còn 312.000 tỷ đồng, giảm 58,7% so với 2019. Năm 2021 tiếp tục giảm xuống còn 180.000 tỷ đồng, giảm 42,3% so với năm 2020. Đã có tới 95% doanh nghiệp lữ hành quốc tế ngừng hoạt động, hàng nghìn lao động mất việc...

Du khách hào hứng với dịch vụ tham quan trên xe buýt 2 tầng

Bán đất, bán cơm, làm khẩu trang để “vượt bão”

Ông Trần Khang Duy, Tổng giám đốc Odys Boutique Hotel chia sẻ kỷ niệm khó quên đó là tháng 7/2021, doanh nghiệp đang “ngắc ngoải” bỗng các y, bác sĩ bệnh viện Nhiệt Đới, TP.HCM vào lưu trú trong thời gian chống dịch. Thế là doanh nghiệp không chỉ cung cấp dịch vụ lưu trú mà… bán cả cơm cho các y bác sĩ.

“Chúng tôi còn đi bán cơm cho 3 khách sạn khác trong một thời gian dài. Mỗi ngày chúng tôi bán được gần 600 suất cơm, đó như chiếc phao cứu cánh khi doanh nghiệp đang khốn đốn”, ông Duy chia sẻ.

Còn Công ty cổ phần Truyền thông Du lịch Việt thì đầu năm 2020 đã đi buôn bán các loại… nông sản như rau, dưa hấu, thanh long để có tiền nuôi nhân viên. Sau đó, ban lãnh đạo quyết định dốc kiệt “hầu bao” đầu tư 1 nhà máy khẩu trang để vừa tạo việc làm giữ chân nhân sự, vừa  bán trong nước vừa xuất sang Mỹ và phục vụ trong nước, đồng thời tạo việc làm để giữ chân nhân sự.

“Có thể nói, chúng tôi làm bất cứ nghề nào để có thể sống và vượt qua”, ông Phan Hải Đăng, Trưởng phòng Marketing công ty Cổ phần Truyền thông Du lịch Việt tâm sự.  

Với Công ty CP du lịch Winway, do chuyên tour nước ngoài như Mỹ, Châu Âu nên thiệt hại nặng nề, bởi chi phí bỏ ra cao nhưng khách hủy tour ồ ạt bởi các lệnh phong tỏa của các nước. Biết bao mồ hôi nước mắt và thời gian để gây dựng nên thương hiệu đã được các tập đoàn, công ty tin tưởng đặt tour, lại có các quan hệ thế giới, không thể đóng cửa, xóa sổ công ty. Lại cũng không thể cho nhân viên, đặc biệt là các hướng dẫn viên giỏi ngoại ngữ nghỉ vì khi hồi sinh rất khó “săn” được lực lượng này. Thế là lãnh đạo, cổ đông sáng lập Winway đã “móc hầu bao” cá nhân, bán cả bất động sản hình thành từ nguồn lợi bao năm của công ty để “nuôi” nhân viên, khắc khoải đến từng giờ chờ đại dịch qua đi, mà Covid-19 vẫn đeo đẳng.

Trong khi đó, các doanh nghiệp đa ngành thì phải dùng ngành này nuôi ngành kia. Như Golden Smile sử dụng những ngành khác của công ty như: may mặc, quà tặng, sự kiện và phim ảnh… để có nguồn kinh phí bổ sung cho nhân sự, truyền thông cho ngành du lịch.

“Ngoài ra, nhân sự cũng thay đổi giữa các bộ phận của công ty, khi có dịch thì chuyển qua ngành khác, khi hết dịch thì trở lại làm du lịch. Tất cả để giữ chân hướng dẫn viên chờ hồi sinh”, ông Phương, Tổng giám đốc Công ty Golden Smile Travel chia sẻ.

Thêm sức mạnh, nghị lực và bài học quý

Tất cả các doanh nghiệp trên cũng như nhiều công ty khác bằng nhiều phương cách “mưu sinh” trái nghề đã vượt qua “cơn bão” Covid-19. Chính cuộc “vượt bão” đó đã tiếp thêm sức mạnh và nghị lực để họ "hồi sinh" một cách thần kỳ.

Theo Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, ngành du lịch đã đạt được những kết quả phục hồi ấn tượng. Số liệu thống kê cho thấy, từ đầu năm 2022 đến nay ngành du lịch đã phục vụ gần 72 triệu lượt du khách trong nước (kế hoạch cả năm 2022 là 60 triệu lượt, vượt kế hoạch 20%), 733.000 lượt du khách quốc tế và tổng thu đạt 316.000 tỷ đồng.

Trong đó, số doanh nghiệp lữ hành tái hoạt động và cấp phép mới đã tăng trở lại với 2.563 doanh nghiệp lữ hành quốc tế, 1.060 doanh nghiệp lữ hành nội địa.

Tuy nhiên, mỗi cuộc chiến đều có những giá trị, bài học và kinh nghiệm nhất định. Không ít doanh nghiệp cho rằng, hơn 2 năm sống chung với dịch, dù có ám ảnh nhưng cũng rất đáng tự hào.

“Bản thân tôi thấy may mắn với đội ngũ của mình khi từ sale, marketing, bộ phận hành chính… đều có thể làm được nhiều việc khác nhau sau khi trải qua dịch bệnh. Tôi nghĩ chúng ta vẫn chưa vượt qua được khó khăn vì vậy vẫn phải tiếp tục chiến đấu, nhưng quan trọng nhất là mọi người hiểu và chia sẻ với nhau nhiều hơn, phối hợp với nhau một cách nhẹ nhàng giúp quy trình làm việc của công ty cũng trở nên nhanh gọn hơn”, ông Phan Hải Đăng, Trưởng phòng Marketing công ty Cổ phần Truyền thông Du lịch Việt vui vẻ nói.

Còn với ông Nguyễn Trần Hoàng Phương, Tổng giám đốc Công ty Golden Smile Travel, bản thân ông nhận thấy áp lực khi phải giải quyết mọi thứ đang thay đổi từ công việc kinh doanh đến định hướng, chiến lược… nhưng khi vượt qua được thì ông và nhân sự lại rất tự hào vì đã cùng nắm tay nhau vượt qua Covid-19.

“Qua đại dịch đến giai đoạn hiện tại, bài học và kinh nghiệm đúc kết được là phải sáng suốt để biết mình đang ở đâu để thay đổi định hướng trong tìm kiếm khách hàng. Nếu như trước đây, công ty tìm kiếm khách lẻ, khách đối tác thì hiện tại đang lựa chọn thu hút khách đoàn nhiều hơn”, ông Phương nói.

Là doanh nghiệp cung cấp dịch vụ xe buýt 2 tầng chủ yếu cho khách du lịch, cũng thê thảm nhưng vượt qua được “bão covid-19”, ông Nguyễn Khoa Luân, Tổng giám đốc Công ty Ảnh Việt Hop on - Hop off Việt Nam đúc rút: “Bài học sau dịch là doanh nghiệp phải đổi mới liên tục, số hóa sản phẩm tour, tạo ra những tác động lớn trên mạng xã hội. Chúng tôi đang tạo ra sản phẩm mới, đưa tuyến xe buýt 2 tầng qua Thành phố Thủ Đức để đưa khách đến trung tâm, tổ chức nhiều sự kiện trên xe như: đón đội tuyển bóng đá, giao lưu với các văn nghệ sĩ… để kéo nguồn khách mới lên xe. Chúng tôi cũng liên kết với bảo tàng, Dinh Thống Nhất, giảm giá vé khi mua City tour, nhằm kích cầu du lịch với các điểm đến du lịch trong nội thành”.

Còn với Image Travel & Events, kinh nghiệm lớn nhất có lẽ là tự đảm bảo an toàn tài chính, thứ hai là bình tĩnh tìm ra các cơ hội trong lúc khó khăn. “Thiếu sự chuẩn bị thì doanh nghiệp sẽ mất tất cả chứ không có sự hỗ trợ nào từ các tổ chức tài chính cho các công ty như chúng tôi. Ngoài ra, nếu không cảm nhận được sự thay đổi của thị trường thì doanh nghiệp khó có định hướng phù hợp”, ông Nguyễn Ngọc Toản, Giám đốc Công ty Image Travel & Events trầm ngâm.

Mỗi doanh nghiệp du lịch vượt qua đại dịch đều có những đúc rút riêng cho mình, nhưng trò chuyện với chúng tôi, hầu như những người “cầm lái” đề chung một bài học lớn: Doanh nghiệp nên có một quỹ dự phòng lâu năm để tồn tại và có lực để tái khởi động. Bởi chưa biết tình hình trên thế giới trong thời gian tới diễn biến ra sao và còn những điều gì sẽ xảy đến.

Doanh nghiệp du lịch không “cô đơn”
Gần 3 năm qua, kể từ khi “sóng thần” Covid-19 đánh trực diện vào ngành kinh tế xanh, doanh nghiệp du lịch lâm vào cảnh “cháy nhà tứ phía”, khó...
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư