Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Năm, Ngày 28 tháng 03 năm 2024,
“Cơn lốc” điện mặt trời quét qua, quy hoạch đất đai bị phá nát - Bài 1: “Mọc” trên đất nông nghiệp, “ký sinh” trong khu công nghiệp
Nhiệt Băng - 10/08/2021 08:26
 
Ở Khánh Hòa, trên những khu đất nông nghiệp bị chuyển đổi trái quy định, hàng ngàn tấm pin mặt trời “ngoi” lên. Còn tại Lâm Đồng, hệ thống điện mặt trời “ký sinh” trên nóc nhà xưởng.
Trong làn sóng “đổ bộ” đầu tư dự án điện mặt trời, tại nhiều địa phương thuộc khu vực miền Trung, Tây Nguyên đã xảy ra tình trạng lấy đất sản xuất nông nghiệp, đất rừng để làm điện mặt trời, “núp bóng” mô hình kinh tế trang trại, lắp đặt trái phép trên mái nhà xưởng… Những dự án xây dựng bất chấp pháp luật này không chỉ phá nát quy hoạch đất đai, mà còn “góp phần” khiến hệ lụy của “cơn sốt” điện mặt trời trở nên trầm trọng hơn.
Nhiều hệ thống điện mặt trời được các cá nhân tự ý lắp đặt tại xã Cam Thịnh Đông (Cam Ranh, Khánh Hòa)
Nhiều hệ thống điện mặt trời được các cá nhân tự ý lắp đặt tại xã Cam Thịnh Đông (Cam Ranh, Khánh Hòa)

Bài 1: “Mọc” trên đất nông nghiệp, “ký sinh” trong khu công nghiệp

Ở Khánh Hòa, trên những khu đất nông nghiệp bị chuyển đổi trái quy định, hàng ngàn tấm pin mặt trời “ngoi” lên. Còn tại Lâm Đồng, hệ thống điện mặt trời “ký sinh” trên nóc nhà xưởng.

Xây dựng “chui” trên đất trồng cây, đất rừng

Thời gian qua, các hệ thống điện năng lượng mặt trời ồ ạt “mọc” lên tại xã Cam Thịnh Đông (TP. Cam Ranh, tỉnh Khánh Hòa).

Thửa đất số 37, tờ bản đồ số 16 (thôn Hòa Sơn, xã Cam Thịnh Đông) với 2.147 m2 được quy hoạch là đất trồng cây hàng năm khác. Nhưng trên thửa đất này, ông Huỳnh Văn Thạch (trú tại Khu đô thị Vĩnh Điềm Trung, Nha Trang, Khánh Hòa) đã tự ý xây trụ cột xi măng cốt thép, khung giàn thép và mái lợp tấm pin năng lượng mặt trời với diện tích 480 m2.

Cũng tại thôn Hòa Sơn, trên thửa đất số 12, tờ bản đồ số 20 (11.993,8 m2), ông Thạch xây trụ cột xi măng, khung dàn thép, mái lợp tấm pin năng lượng mặt trời với diện tích 2.640 m2.

Ngày 13/1/2021, ông Thạch bị UBND TP. Cam Ranh xử phạt vi phạm hành chính về hành vi chuyển mục đích sử dụng đất nông nghiệp là đất trồng cây hàng năm khác sang đất phi nông nghiệp tại khu vực nông thôn không được cơ quan nhà nước có thẩm quyền cho phép.

Dù vi phạm, nhưng dàn pin năng lượng mặt trời của ông Thạch vẫn được đóng điện và đi vào hoạt động.

Không xây dựng trên đất trồng cây hàng năm khác như ông Thạch, ông Phạm Tiến Lam (trú tại phường Vĩnh Hòa, Nha Trang) dựng cột xi măng cốt thép, khung dàn thép, mái lợp tấm pin năng lượng mặt trời (với diện tích 3.744 m2) trên cả… đất rừng sản xuất. Hệ thống điện năng lượng mặt trời của ông Lam cũng đã được đóng điện và đi vào hoạt động.

Theo tìm hiểu của phóng viên Báo Đầu tư, tại xã Cam Thịnh Đông (TP. Cam Ranh) còn có 7 cá nhân khác xây dựng hệ thống điện năng lượng mặt trời vi phạm với hành vi tương tự. Đáng lo ngại, diện tích đất mà các cá nhân này tự ý chuyển đổi mục đích sử dụng lên đến hàng chục ngàn mét vuông, hầu hết đều đã được đóng điện và thu lợi bất chính.

Ông Lê Ngọc Thạch, Phó chủ tịch UBND TP. Cam Ranh cho hay, xã Cam Thịnh Đông có hơn 2.495 ha đất nông nghiệp và đất chưa sử dụng. Tận dụng khả năng sử dụng đất và vận dụng cơ chế khuyến khích phát triển điện mặt trời, một số cá nhân, hộ gia đình và tổ chức đã tự ý phát triển kinh tế trang trại chăn nuôi, trồng trọt kết hợp lắp đặt hệ thống điện năng lượng mặt trời áp mái chưa phù hợp với quy định của pháp luật.

“Việc phát triển mô hình kinh tế trang trại kết hợp điện năng lượng mặt trời áp mái tại xã Cam Thịnh Đông trong thời gian qua là hành vi vi phạm pháp luật về đất đai. Các công trình điện áp mái tự phát tại xã này được xây dựng trên đất trồng cây hàng năm/đất trồng cây lâu năm/đất rừng sản xuất là hành vi vi phạm pháp luật về đất đai, được quy định tại Điều 10, Điều 11, Nghị định số 91/2019/NĐ-CP của Chính phủ, nên UBND TP. Cam Ranh đã tiến hành xử phạt vi phạm hành chính…”, ông Lê Ngọc Thạch nhấn mạnh.

Trao đổi với phóng viên Báo Đầu tư, ông Lê Ngọc Thạch cho biết, UBND TP. Cam Ranh đang rà soát lại pháp lý và lý do vì sao các công trình điện mặt trời triển khai, chính quyền địa phương phát hiện vi phạm, mà trước đó lại được đấu nối, hợp đồng đóng điện.

“Đây là trách nhiệm của các đơn vị điện lực. Họ trực tiếp ký hợp đồng với các tổ chức, cá nhân”, ông Lê Ngọc Thạch nói.

Tuy nhiên, ông Trần Đăng Hiền, Phó tổng giám đốc Công ty cổ phần Điện lực tỉnh Khánh Hòa khi trả lời phỏng vấn của phóng viên Báo Đầu tư nói rằng, tại thời điểm ký hợp đồng mua bán điện, chủ đầu tư của tất cả dự án điện năng lượng mặt trời kết hợp trang trại tại Khánh Hòa đều cung cấp giấy xác nhận của chính quyền địa phương về việc khai báo xây dựng trang trại và đều có “bản cam kết tự chịu trách nhiệm” về dự án điện năng lượng mặt trời theo đúng yêu cầu.

“Đến nay, chúng tôi chưa nhận được phản ánh nào của chính quyền địa phương về việc các chủ đầu tư vi phạm pháp luật về đất đai, xây dựng”, ông Hiền khẳng định.

Lắp đặt trái phép trên mái nhà xưởng khu công nghiệp

Nếu như tại Cam Ranh (Khánh Hòa) các công trình điện năng lượng mặt trời được ồ ạt xây dựng trên đất trồng cây hàng năm khác, đất rừng, thì tại Lâm Đồng, trong các khu công nghiệp (KCN) ở tỉnh này có gần 10 doanh nghiệp đã lắp đặt hệ thống điện mặt trời trên mái nhà xưởng. Một số doanh nghiệp đầu tư, lắp dựng nhằm phục vụ sản xuất, kinh doanh; một số doanh nghiệp khác cho các đơn vị bên ngoài KCN thuê lại mặt bằng và mái nhà xưởng để lắp đặt.

Cá biệt, trên cùng một vị trí của dự án (mục tiêu là sản xuất công nghiệp) có tới 2 - 3 doanh nghiệp bên ngoài vào đầu tư lắp đặt hệ thống điện năng lượng mặt trời trên mái để mức công suất không quá 1 MW nhằm hưởng giá bán điện theo Quyết định số 13/2020/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ.

Tính đến nay, tại KCN Lộc Sơn và KCN Phú Hội của tỉnh Lâm Đồng mới chỉ có 2 doanh nghiệp được cấp phép lắp đặt hệ thống điện mặt trời áp mái, trong khi có tới 7 doanh nghiệp tự lắp đặt hệ thống điện mặt trời trên mái chưa bổ sung mục tiêu để điều chỉnh Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư, chưa được cấp Giấy phép xây dựng.

Văn bản số 301, ngày 5/7/2021 của Ban Quản lý các KCN tỉnh Lâm Đồng thể hiện,

6 doanh nghiệp (Công ty TNHH Thiên Định, Công ty TNHH Hà Gia Phát, Công ty cổ phần Nông nghiệp kỹ thuật cao Osaka, Công ty TNHH VMV châu Á, Công ty cổ phần Vinasolar Bảo Lộc, Công ty cổ phần Xanh Lộc Châu) đã thi công lắp dựng hệ thống điện năng lượng mặt trời trên mái và đấu nối vào hệ thống lưới điện của Công ty Điện lực Lâm Đồng.

Điều đáng nói là, vào ngày 10/5/2021, Ban Quản lý các KCN tỉnh Lâm Đồng tiến hành làm việc với các doanh nghiệp đã lắp đặt hệ thống điện mặt trời trên mái, “hướng dẫn” các doanh nghiệp này hoàn thiện một số thủ tục như điều chỉnh, bổ sung mục tiêu, quy mô sản xuất điện trên mái trong Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư, thẩm duyệt phòng cháy hệ thống điện mặt trời trên mái và cấp phép xây dựng.

“Việc hoàn thiện các thủ tục này được thực hiện trong vòng 30 ngày, đến nay, các doanh nghiệp đang thực hiện”, văn bản của Ban Quản lý các KCN tỉnh Lâm Đồng do ông Võ Văn Phương, quyền Trưởng ban ký gửi Sở Công thương tỉnh Lâm Đồng nêu.

Tại văn bản này, Ban Quản lý các KCN tỉnh Lâm Đồng cho biết, riêng Công ty cổ phần Vinasolar Bảo Lộc không phối hợp làm việc nhằm khắc phục và bổ sung các thủ tục theo quy định của pháp luật, Ban sẽ tiếp tục mời công ty này làm việc để khắc phục và xử lý các tồn tại.

Tài liệu mà phóng viên Báo Đầu tư thu thập được còn thể hiện, trong quý IV/2020, Vinasolar Bảo Lộc san gạt nền và tiến hành xây dựng nhà máy. Ngày 24/11/2020, Công ty Phát triển hạ tầng KCN Lộc Sơn - Phú Hội báo cáo việc xây dựng nhà xưởng của Công ty cổ phần Vinasolar Bảo Lộc khi chưa có Giấy phép xây dựng.

Ngày 1/12/2020, Ban Quản lý các KCN tỉnh Lâm Đồng tiến hành kiểm tra thực tế hiện trường thi công xây dựng nhà xưởng của Công ty cổ phần Vinasolar Bảo Lộc và lập biên bản vi phạm hành chính về việc khởi công xây dựng khi chưa có Giấy phép xây dựng, đồng thời tạm dừng xây dựng và mời công ty này lên làm việc.

Trong các ngày 5/2 và 18/2/2021, Ban Quản lý các KCN tỉnh Lâm Đồng tiếp tục kiểm tra việc xây dựng nhà xưởng này (sau khi đã được cấp Giấy phép xây dựng), lại phát hiện Vinasolar Bảo Lộc vi phạm. Cụ thể, công trình đã thi công không đúng thiết kế được duyệt, tổ chức thi công lắp đặt hoàn thiện hệ thống điện năng lượng trên mái không có Giấy phép xây dựng và đấu nối với mạng lưới trung thế trong KCN qua 3 trạm biến thế. Trong khi đó, mục tiêu của dự án này là sản xuất lưới thép và gia công khung kèo thép tiền chế.

Ngày 15/4/2021, Ban Quản lý các KCN tỉnh Lâm Đồng yêu cầu Công ty cổ phần Vinasolar Bảo Lộc tháo dỡ và di dời ra khỏi Dự án toàn bộ hạng mục sai phép xây dựng và hệ thống điện năng lượng mặt trời không phép trên mái nhà xưởng.

Tuy nhiên, Ban Quản lý các KCN tỉnh Lâm Đồng vẫn gửi văn bản đến Sở Công thương để báo cáo UBND tỉnh xem xét, chỉ đạo đơn vị điện lực dừng đấu nối việc mua bán điện mặt trời trên mái cho đến khi các doanh nghiệp kể trên bổ sung và hoàn thiện các thủ tục.

Trong khi trước đó, vào ngày 23/2/2021, kiểm tra thực tế tại KCN Lộc Sơn, ông Phan Văn Đa, Phó chủ tịch UBND tỉnh Lâm Đồng đã giao Ban Quản lý các KCN tỉnh yêu cầu Công ty cổ phần Vinasolar Bảo Lộc tháo dỡ và di dời ra khỏi Dự án toàn bộ hệ thống điện năng lượng mặt trời đã đầu tư không đúng quy định.

“Đề nghị Điện lực Lâm Đồng không đấu nối và mua điện từ dự án này”, ông Đa tỏ thái độ rất cương quyết.

Một mái nhà xưởng, nhiều hệ thống điện năng lượng mặt trời được lắp đặt

Công ty TNHH Lâm nghiệp Hoàng Long và Công ty TNHH Nông nghiệp Năng lượng xu hướng mới (doanh nghiệp bên ngoài

KCN Phú Hội) thực hiện lắp đặt hệ thống điện năng lượng mặt trời trên mặt bằng mái nhà xưởng của Công ty TNHH Hà Gia Phát (tại Lô E5 - E6, KCN Phú Hội, huyện Đức Trọng), nhưng Công ty TNHH Hà Gia Phát lại không đăng ký dự án sản xuất điện năng lượng và chưa được cấp phép xây dựng điện mặt trời trên mái.

Công ty cổ phần Resun Việt Nam, Công ty cổ phần Jinka Việt Nam (doanh nghiệp ngoài KCN Phú Hội) và Công ty cổ phần Vinasolar Bảo Lộc “ký sinh” trên mặt bằng mái nhà xưởng của Công ty cổ phần Vinasolar Bảo Lộc. Vinasolar Bảo Lộc cũng không đăng ký dự án sản xuất điện năng lượng, chưa được cấp giấy phép xây dựng điện mặt trời trên mái…

(Còn tiếp)

Điện mặt trời áp mái nhà tại khu công nghiệp tắc vì thiếu hướng dẫn rõ ràng
Lắp điện mặt trời mái nhà ở khu công nghiệp phải thực hiện đánh giá tác động môi trường toàn khu khiến nhiều doanh nghiệp thèm "chứng chỉ...
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư