Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Sáu, Ngày 19 tháng 04 năm 2024,
Đà Nẵng - Ước vọng từ Hải Vân quan
Hoàng Anh - 26/01/2023 10:31
 
Hơn 550 năm trước, khi thân chinh đi đánh Chiêm Thành, đến đèo Hải Vân, vua Lê Thánh Tông đã viết những câu thơ: “Hỗn nhất xa thư cộng bức viên/Hải Vân hoành giới Việt Nam thiên…” (Giang sơn trọn bức dư đồ/Hải Vân giang rộng mở cờ vượt Nam). Không chỉ là cảm hứng trước khung cảnh thiên nhiên hùng vỹ của vùng đất này, ý thơ đó đã mở ra không gian phát triển về phương Nam của dân tộc.
Hải Vân quan - nơi ghi dấu  những bước chân lịch sử của tiền nhân
Hải Vân quan - nơi ghi dấu những bước chân lịch sử của tiền nhân

Linh khí “đệ nhất hùng quan”

Dặm dài thiên lý Bắc - Nam, đèo Hải Vân chiếm một vị trí rất quan trọng. Ở đây, đất trời, núi rừng và biển cả cùng giao hòa thành một bức tranh thiên cảnh. Nơi đây đã trở thành chứng nhân cho hành trình mở cõi về phương Nam của dân tộc. Mỗi lần lên đến đỉnh đèo Hải Vân, phóng tầm mắt nhìn biển trời rộng lớn, chạm vào viên gạch cửa ải rong rêu, ta như nghe được lời thì thầm của lịch sử, nghe được tiếng vó ngựa của tiền nhân vọng về.

Chuyện xưa kể rằng, năm 1471, Vua Lê Thánh Tông thân chinh đi đánh Chiêm Thành, đến núi Hải Vân thì dừng lại nghỉ đêm dưới chân núi phía Bắc. Đêm ấy, nữ thần báo mộng, Nhà Vua “phải vượt qua ngọn núi cao mây phủ này để tiến quân vào Nam và cuộc Nam chinh sẽ chiến thắng”.

Sáng hôm sau, nhớ lời của nữ thần, Nhà Vua cho bày hương án vái tạ. Lúc ấy, khí thiêng ngút trời, vượng khí dâng trào. Quả nhiên sau đó, đoàn quân của Vua Lê Thánh Tông chiến thắng vang dội. Với chiến thắng này, Vua Lê Thánh Tông không những thực hiện được ý định khôi phục bốn châu Thăng, Hoa, Tư, Nghĩa, chấm dứt nạn binh đao, mà còn mở rộng biên cương đến phủ Hoài Nhơn (Bình Định ngày nay).

Sau đó, Vua Lê Thánh Tông lấy ba phủ Thăng Hoa, Tư Nghĩa và Hoài Nhơn lập thành một đạo thứ mười ba là Quảng Nam Thừa tuyên đạo, sáp nhập vào lãnh thổ Đại Việt.

Thành phố bên sông Hàn hướng đến mục tiêu trở thành một trong những trung tâm kinh tế - xã hội lớn của cả nước và Đông Nam Á, với vai trò là trung tâm khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo, du lịch, thương mại, tài chính, logistics, công nghiệp công nghệ cao, công nghệ thông tin, công nghiệp hỗ trợ.

Trong lần viễn chinh ấy, trước cảnh quan hùng vĩ của Hải Vân, Vua Lê Thánh Tông cảm tác thi ca: “Giang sơn trọn bức dư đồ/Hải Vân giang rộng mở cờ vượt Nam/Đồng Long vằng vặc trăng nằm/Con thuyền Lộ Hạc canh năm dập dềnh…”. Nhà Vua còn gọi Hải Vân là “thiên hạ đệ nhất hùng quan”. Danh xưng ấy lưu truyền mãi đến tận ngày nay, như để minh chứng cho những câu chuyện hư thực mà dân gian vẫn kể về lần viễn chinh của Vua Lê Thánh Tông khi qua đèo Hải Vân.

Án ngữ trên con đường độc đạo từ Nam ra Bắc, lại là “pháo đài”, đài quan sát tự nhiên để canh giữ và nhìn bao quát cửa Đà Nẵng, khi có chiến tranh, Hải Vân quan là chiến lũy, một lá chắn kiên cố để ngăn chặn mọi ý đồ xâm chiếm Kinh đô Huế. Vì thế, trải bao lần biến động, mỗi sự kiện xảy ra tại Hải Vân đều có tác động đến vận thế của thời cuộc. Họ Trịnh từng đắp lũy ở đây để chống Tây Sơn, nên gọi là Đỉnh Lũy. Năm 1786, Nguyễn Huệ hạ được cửa ải này thì chiếm được Phú Xuân. 15 năm sau, Nguyễn Ánh hạ được quan ải này cũng đã nhanh chóng khôi phục Kinh thành Phú Xuân.

Vì vị trí chiến lược vô cùng quan trọng mà các vị vua triều Nguyễn đã đặc biệt quan tâm đến đèo Hải Vân. Từ thời Vua Minh Mạng, sau đó là Vua Tự Đức, đã liên tục tăng cường phòng thủ, biến Hải Vân trở thành một cứ điểm mạnh trong hệ thống phòng thủ quanh Kinh đô Huế. Tầm nhìn xa của tiền nhân quả không sai. Bởi cửa biển Đà Nẵng - nơi Triều đình Huế chọn làm điểm tiếp đón tàu thuyền nước ngoài đến buôn bán, giao thiệp - liên tục bị thế lực phương Tây dòm ngó. Đến năm 1858, liên quân Pháp - Tây Ban Nha đổ quân tấn công Đà Nẵng, tiến đánh ra Kinh đô Huế, thực hiện âm mưu xâm lược Việt Nam.

Vì tầm quan trọng của mặt trận Đà Nẵng đối với Triều đình Huế, nên giặc đã xua quân đánh phá các pháo đài ở đèo Hải Vân để dọn đường ra Huế, ngăn chặn sự trao đổi của Triều đình với mặt trận Đà Nẵng. Nhưng hai lần tấn công Đà Nẵng với hỏa lực, pháo hạm, quân đội Pháp đều thất bại trên đường vượt Hải Vân ra Huế. Lúc đó, người Pháp mới thấy thế nào là “thiên hạ đệ nhất hùng quan”.

Khi triều Nguyễn suy vi, nước mất về tay người Pháp, nhưng khí anh hùng nước Việt không bao giờ khuất phục. Trong cuốn “Người Pháp và An Nam, bạn hay thù”, chính Philippe Devillers thừa nhận rằng, dù quân viễn chinh đã trổ đủ mánh khóe ngoại giao lẫn hỏa lực, pháo hạm, nhưng người Việt chưa một ngày dừng bước kháng chiến. “Yết hầu” đèo Hải Vân chính là một trong những thiên chứng của khúc tráng ca vệ quốc lịch sử ấy.

Ước vọng từ Hải Vân

Trên đỉnh Hải Vân, nhìn về phương Nam, ta sẽ thấy cả một vùng đất trời rộng lớn, nhưng điểm đầu tiên chạm vào mắt là TP. Đà Nẵng ẩn hiện trong làn mây trắng. Bằng một cách nào đó, sự hình thành của vùng đất Đà Nẵng được gắn liền với những câu chuyện liên quan với núi Hải Vân.

Nếu như năm 1858, thực dân Pháp chọn Đà Nẵng để tấn công, mở đầu cuộc xâm chiếm nước ta, thì hơn trăm năm sau, năm 1965, tại bãi biển Xuân Thiều (Đà Nẵng), gần với Hải Vân, quân đội Mỹ cũng đổ bộ những đơn vị lính đầu tiên, trực tiếp tham chiến tại Việt Nam. Hẳn đó không phải là sự trùng hợp ngẫu nhiên của lịch sử, mà bởi, Đà Nẵng giữ vị trí địa chiến lược vô cùng trọng yếu của đất nước.

Gạch nối lịch sử và nền tảng quá khứ đã hun đúc và tạo nền tảng cho một Đà Nẵng hiện đại và chuyển mình phát triển mạnh mẽ ngày nay. Với không gian địa lý đặc biệt, Đà Nẵng là thành phố duy nhất trong số 5 thành phố trực thuộc Trung ương nằm ở vị trí trung độ của đất nước, với mặt tiền là Biển Đông bao la và phía sau là Tây Nguyên hùng vĩ.

Vì thế, từ lâu, Đảng và Nhà nước đã nhận thấy tầm quan trọng chiến lược của địa bàn này, không chỉ trong chiến tranh giải phóng dân tộc, mà cả trong thời bình. Riêng trong hai thập niên đầu thế kỷ 21, Bộ Chính trị đã 2 lần ban hành nghị quyết về xây dựng và phát triển Đà Nẵng, đó là Nghị quyết số 33-NQ/TW (năm 2003) và Nghị quyết số 43-NQ/TW (năm 2019).

Nhờ thế, Đà Nẵng có chặng nước rút ấn tượng, trở thành điểm sáng của cả nước và khẳng định vai trò “đầu tàu” của miền Trung - Tây Nguyên. Đến nay, quy mô và trình độ nền kinh tế của Đà Nẵng thuộc nhóm phát triển của Việt Nam, kinh tế tăng trưởng nhanh. Từ một tỉnh lị nhỏ, Đà Nẵng vươn mình trở thành đô thị lớn của đất nước, “địa chỉ đỏ” trên bản đồ du lịch của thế giới.

Tiếp tục đặt mục tiêu cao hơn cho Đà Nẵng, Nghị quyết số 43/NQ-TW tạo cơ chế, chính sách đặc thù cho Thành phố với 3 điểm nổi bật.

Thứ nhất, cho phép Đà Nẵng được thực hiện phân cấp, phân quyền gắn với trách nhiệm địa phương, người đứng đầu trên một số lĩnh vực quản lý về quy hoạch, đất đai, đô thị, đầu tư, tài chính - ngân sách, tổ chức, nhân sự và tiền lương...

Thứ hai, Bộ Chính trị đồng ý chủ trương thực hiện thí điểm xây dựng mô hình cơ quan quản lý cảng thống nhất tại Đà Nẵng theo hướng tiên tiến, hiệu quả, phù hợp với thông lệ quốc tế.

Thứ ba, cho phép Đà Nẵng được xây dựng và thực hiện Đề án thí điểm Mô hình chính quyền đô thị phù hợp với yêu cầu phát triển của Thành phố và quy định của pháp luật.

Sách lược này sẽ tạo động lực cho Đà Nẵng phát triển nhanh và bền vững. Thành phố bên sông Hàn hướng đến mục tiêu trở thành một trong những trung tâm kinh tế - xã hội lớn của cả nước và Đông Nam Á, với vai trò là trung tâm khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo, du lịch, thương mại, tài chính, logistics, công nghiệp công nghệ cao, công nghệ thông tin, công nghiệp hỗ trợ. Đà Nẵng sẽ trở thành thành phố cảng biển, đô thị biển quốc tế với vị trí là hạt nhân của chuỗi đô thị, cực tăng trưởng của vùng Kinh tế trọng điểm miền Trung - Tây Nguyên…

Những mục tiêu ấy đang được hiện thực hóa. Cuối năm 2022, tại phường Hòa Hiệp Bắc (quận Liên Chiểu), dưới chân núi Hải Vân hùng vĩ, Đà Nẵng đã khởi công Dự án Đầu tư xây dựng bến cảng Liên Chiểu - phần cơ sở hạ tầng dùng chung, mở đầu cho bước đi hiện thực hóa mục tiêu chiến lược tại Nghị quyết số 43/NQ-TW của Bộ Chính trị.

Nếu trước đây, hầm đường bộ Hải Vân được đưa vào khai thác, sử dụng đã xóa nỗi ám ảnh “đi bộ thì khiếp Hải Vân”, xóa điểm nghẽn huyết mạch giao thông trên con đường thiên lý Bắc - Nam đã tồn tại bao đời, tạo động lực tăng trưởng cho Đà Nẵng, thì nay, cảng Liên Chiểu sẽ là điểm sáng, tạo bứt phá, không chỉ  ngành vận tải, logistics, mà cả ngành du lịch, dịch vụ cũng được hưởng lợi, tạo thành mạng lưới thương mại quốc tế đa diện… Từ đó, mở rộng không gian phát triển không chỉ cho Đà Nẵng, mà cả khu vực miền Trung, đảm bảo quốc phòng - an ninh, giữ vững phên giậu, “mạng sườn”, tiền tiêu của Tổ quốc. Dự án cũng sẽ góp phần tăng vị thế của Đà Nẵng trên bản đồ các vịnh biển của Việt Nam và cả khu vực…

Kế thừa những bước chân của tiền nhân, Đà Nẵng đang tự tin hướng tới mục tiêu cao hơn, xa hơn, cùng cả nước hiện thực hóa khát vọng phát triển phồn thịnh, hùng cường.

Hỗ trợ các nạn nhân gặp nạn trên đèo Hải Vân
Chiều 8/1, lãnh đạo UBND TP. Đà Nẵng và tỉnh Thừa Thiên Huế đã đến bệnh viện Đà Nẵng thăm hỏi các nạn nhân gặp nạn tai nạn giao thông trên...
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư