Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Sáu, Ngày 29 tháng 03 năm 2024,
Đề xuất đầu tư cao tốc Trung Lương - Mỹ Thuận giai đoạn 2 bằng vốn ngân sách
Bảo Như - 18/10/2022 08:17
 
Đây là quan điểm của lãnh đạo UBND tỉnh Tiền Giang đối với việc triển khai đầu tư mở rộng tuyến đường cao tốc Trung Lương - Mỹ Thuận, giai đoạn 2.
Một đoạn cao tốc Trung Lương - Mỹ Thuận.
Một đoạn cao tốc Trung Lương - Mỹ Thuận.

UBND tỉnh Tiền Giang vừa có công văn 5668/UBND – TH gửi Bộ GTVT về việc đầu tư mở rộng đường cao tốc Trung Lương - Mỹ Thuận.

Liên quan đến phương án đầu tư, UBND tỉnh Tiền Giang cho biết, hiện Trung ương đang triển khai đầu tư các tuyến cao tốc Mỹ Thuận - Cần Thơ, Cần Thơ - Cà Mau, Châu Đốc - Cần Thơ - Sóc Trăng, Cao Lãnh - An Hữu bằng nguồn vốn ngân sách. Do vậy, UBND dân tỉnh Tiền Giang nhận thấy việc đầu tư giai đoạn 2 bằng nguồn vốn ngân sách do Trung ương hỗ trợ sẽ phù hợp với tình hình thực tế của dự án.

Về các hình thức đầu tư khác (BOT, BTL, BLT) như theo gợi ý của Bộ GTVT, lãnh đạo UBND tỉnh Tiền Giang đề nghị Bộ GTVT nghiên cứu, báo cáo đề xuất Thủ tướng Chính phủ quyết định.

Về năng lực thực hiện khi được giao làm cơ quan chủ quản,UBND tỉnh Tiền Giang cho biết hiện địa phương này đang được giao là Cơ quan nhà nước có thẩm quyền đối với dự án đầu tư xây dựng đường cao tốc Trung Lương - Mỹ Thuận giai đoạn 1 theo hình thức hợp đồng BOT. Vì vậy, tỉnh này đáp ứng các điều kiện để làm Cơ quan chủ quản dự án đầu tư xây dựng đường cao tốc Trung Lương - Mỹ Thuận giai đoạn 2.

Dự án đường cao tốc Trung Lương - Mỹ Thuận giai đoạn 1 được Bộ GTVT  phê duyệt vào tháng 10/2014, điều chỉnh vào tháng 6/2017, trong đó thực hiện phân kỳ với bề rộng nền đường 17m gồm 4 làn xe cao tốc rộng 3,5m và dải phân cách giữa; có bố trí điểm dừng xe khẩn cấp ngắt quãng.

Theo UBND tỉnh Tiền Giang, trong thời gian khai thác miễn phí từ ngày 30/4/2022 và khai thác chính thức có thu phí từ ngày 09/8/2022 đã xuất hiện một số vấn đề cấp bách, trong đó có việc lưu lượng phương tiện lưu thông trên tuyến cao tốc Trung Lương - Mỹ Thuận hiện nay khá lớn. Do quy mô đầu tư giai đoạn 1 được tính toán dựa trên lượng xe cách đây hơn 10 năm, đến nay không còn phù hợp với sự gia tăng của phương tiện và nhu cầu của người dân.

Bên cạnh đó, Dự án đường cao tốc Trung Lương - Mỹ Thuận giai đoạn 1 (giai đoạn phân kỳ), chưa có làn dừng khẩn cấp mà chỉ bố trí các điểm dừng xe khẩn cấp có chiều rộng khoảng 2m bao gồm vạch sơn (toàn tuyến có 11 điểm dừng khẩn cấp ở hai bên tuyến với khoảng cách trung bình 10km/1 dải/1 chiều), việc bố trí này không khả thi trong quá trình khai thác sử dụng vì khi xe gặp sự cố không thể tự chạy tới điểm dừng, đồng thời phương tiện cứu nạn, cứu hộ sẽ không kịp thời xử lý các sự cố ở mọi vị trí theo thời gian quy định của chỉ dẫn kỹ thuật.

Trước đó, Bộ GTVT đã có công văn gửi UBND TP.HCM; UBND các tỉnh: Tiền Giang, Long An về việc triển khai nghiên cứu đầu tư mở rộng đường cao tốc TP.HCM - Trung Lương - Mỹ Thuận. Tại công văn này, Bộ GTVT đề nghị UBND tỉnh Tiền Giang báo cáo Tỉnh ủy, HĐND tỉnh chấp thuận, thông qua phương án đề xuất tiếp tục làm cơ quan có thẩm quyền nghiên cứu triển khai thực hiện dự án đầu tư mở rộng tuyến cao tốc Trung Lương - Mỹ Thuận.

Bên cạnh đó, UBND tỉnh, thành phố nhận nhiệm vụ làm cơ quan có thẩm quyền đối với các dự án nói trên sơ bộ đánh giá, làm rõ sự cần thiết đầu tư, quy mô và phương án đầu tư để báo cáo Thủ tướng Chính phủ xem xét, quyết định giao Cơ quan có thẩm quyền.

Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư