Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Bảy, Ngày 20 tháng 04 năm 2024,
Doanh nghiệp lo sốt vó vì sụt giảm đơn hàng
Thế Hoàng - 13/11/2022 08:53
 
Sự giảm sút đơn đặt hàng với các nhà xuất khẩu đã thấy rõ trong quý IV/2022. Dự báo quý I/2023, tình hình cũng chưa sáng sủa, các doanh nghiệp như ngồi trên đống lửa.

Đơn hàng ngày càng ít

Thị trường nhập khẩu lớn hàng hóa sản xuất tại Việt Nam là EU, Hoa Kỳ đã giảm nhu cầu tiêu dùng, thắt chặt chi tiêu, tác động ngay tới lượng đơn hàng xuất khẩu cuối năm.

Đơn hàng giảm đã xảy ra liên tục từ tháng 8 đến nay. Lúc này, các doanh nghiệp da giày, đồ gỗ đang rất sốt ruột bởi cầu tiêu dùng hàng hóa giảm không chỉ ở hiện tại, mà đã lan sang cả quý I năm sau.

Báo cáo Chỉ số Nhà quản trị mua hàng sản xuất Việt Nam (PMI) tháng 10/2022, do S&P Global công bố cho thấy thực trạng không mấy sáng sủa về ngành sản xuất, xuất khẩu. Theo đó, số lượng đơn đặt hàng mới thấp nhất trong hơn một năm.

Lạm phát tăng cao ở hầu hết thị trường lớn của Việt Nam như Mỹ, EU, ảnh hưởng đến tiêu dùng những mặt hàng không thiết yếu. Các ngành hàng xuất khẩu bị ảnh hưởng rõ nhất là đồ gỗ, hàng dệt may, giày dép, điện tử, nhựa và sản phẩm nhựa…

“Mặc dù điều kiện kinh doanh trong lĩnh vực sản xuất của Việt Nam tiếp tục được cải thiện, nhưng đã có dấu hiệu chững lại trong bối cảnh tăng trưởng đơn hàng mới yếu hơn”, Báo cáo nêu.

Đơn cử, xuất khẩu điện thoại và linh kiện trong tháng 10/2022 đã “bốc hơi” trên 1 tỷ USD so với tháng 9, từ mức gần 6,1 tỷ USD, xuống còn 5,05 tỷ USD. Hai tháng cuối năm, đơn hàng xuất khẩu mặt hàng này vẫn tiếp đà giảm.

Theo ông Andrew Harker, Giám đốc kinh tế tại S&P Global Market Intelligence, dữ liệu PMI tháng 10 cho thấy những dấu hiệu về tình trạng suy thoái nền kinh tế toàn cầu đã ảnh hưởng đến các nhà sản xuất của Việt Nam, khi cả số lượng đơn đặt hàng mới và xuất khẩu đều kém nhất trong 13 tháng.

Hiệp hội Gỗ và Lâm sản Việt Nam (Viforest) xác nhận, nhiều doanh nghiệp trong ngành đang chịu áp lực lớn vì đơn hàng giảm mạnh. 10 tháng năm 2022, xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ đạt 13,5 tỷ USD. Mục tiêu 16 tỷ USD trong năm 2022 khó đạt khi đơn hàng liên tục giảm. Nếu tháng 8 xuất khẩu mang về 1,45 tỷ USD, tháng 9 mang về 1,4 tỷ USD, thì tháng 10 chỉ còn 1,2 tỷ USD. Hai tháng còn lại trong năm nếu theo đà giảm của đơn hàng có thể chỉ còn khoảng 1 tỷ USD/tháng.

Tương tự, Tập đoàn Dệt may Việt Nam (Vinatex) thông tin, tăng trưởng 9 tháng của năm khá tốt, nhưng cuối năm thì tình hình đảo ngược, đơn hàng ít đi. Thị trường hàng may mặc dự báo trầm lắng hết quý IV và sẽ kéo dài sang năm 2023.

Thị trường tài chính tiền tệ cũng ảnh hưởng khá tiêu cực đến hoạt động sản xuất, kinh doanh của các doanh nghiệp. USD tăng giá mạnh so với VND, đồng nghĩa với việc các doanh nghiệp xuất khẩu dệt may Việt Nam mất đi lợi thế cạnh tranh.

Dự báo trong những tháng cuối năm 2022, tỷ giá USD tiếp tục tăng khoảng 4% so với đầu năm, lãi suất cho vay USD cuối năm 2022 cũng được dự báo tăng 0,5 - 1%, đưa lãi suất cho vay ngắn hạn lên 5 - 5,5%.

Lãi suất cho vay VND kỳ hạn 6 tháng hiện nay của các ngân hàng thương mại đang giao dịch quanh mức 8,5 - 9%, cuối năm 2022 dự kiến tăng thêm 0,5-1%, duy trì ở mức  khoảng 9% đến 10%.

Ông Cao Hữu Hiếu, Tổng giám đốc Vinatex dự tính, với mức tăng tỷ giá và lãi suất như hiện nay, chi phí tài chính của các doanh nghiệp trong Tập đoàn tăng khoảng 100 tỷ đồng so với năm 2021.

Năm 2023 chưa hết khó

Việc lập kế hoạch kinh doanh cho năm 2023 với nhiều doanh nghiệp là bài toán khó. Đơn hàng giảm, việc làm không đủ cho lao động, nếu không khéo thu xếp, đảm bảo chi trả thu nhập sẽ mất lao động, khi thị trường phục hồi trở lại sẽ thiếu nguồn lực cho sản xuất. Nhưng chi phí đâu để chi trả lại là câu chuyện đau đầu.

Hiện một số dây chuyền sản xuất, nhất là lĩnh vực dệt may, da giày, đồ gỗ... tại khu vực phía Nam đã phải tính đến chuyện giãn giờ làm, không còn cảnh tăng ca, thậm chí cắt giảm lao động.

Công ty TNHH Việt Nam Samho (100% vốn Hàn Quốc, chuyên gia công các loại giày thể thao xuất khẩu) cho biết, dự kiến cắt giảm gần 1.500 lao động do tình hình kinh doanh khó khăn, thiếu đơn hàng. Được biết, doanh nghiệp này có gần 1.500 công nhân có hợp đồng lao động thời hạn 1 năm và sẽ hết hạn hợp đồng vào cuối tháng 11 và đầu tháng 12.

Với đặc thù sử dụng nhiều lao động, 2 ngành dệt may, da giày sợ nhất phải cắt giảm lao động, bởi khi sản xuất phục hồi sẽ không kiếm đâu ra người. Nhưng do lâm vào thế khó, với các doanh nghiệp quy mô lớn mà đơn hàng giảm sâu cũng khó điều phối lao động, đành chọn phương án cho nghỉ việc. Doanh nghiệp quy mô nhỏ hơn thì cố giữ chân lao động.

Ông Cao Hữu Hiếu thông tin, thị trường trầm lắng, nhưng doanh nghiệp vẫn phải trong tư thế chuẩn bị sẵn sàng các nguồn lực để có thể chủ động tổ chức sản xuất ngay khi có các tín hiệu khởi sắc.

Công ty TNHH Việt Thắng Jean thừa nhận, lượng đơn hàng từ thị trường châu Âu đã giảm tới 60%, trong khi từ Mỹ giảm 30-40%. Trước thực trạng đơn hàng suy giảm, doanh nghiệp luôn bám sát thông tin thị trường cũng như theo dõi chặt chẽ tình hình kinh doanh của khách hàng để có ứng biến phù hợp, đồng thời phát triển thêm các thị trường mới như Canada, Australia.

Theo Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công thương), lạm phát gia tăng đã đẩy nhiều nền kinh tế rơi vào giảm phát, kéo theo tiêu dùng giảm mạnh, chuỗi cung ứng toàn cầu bị đứt gãy. Các ngành xuất khẩu tỷ USD trong nước sẽ còn phải đối mặt với xu hướng bảo hộ mậu dịch vẫn tiếp tục khi các quốc gia tăng cường sử dụng công cụ phòng vệ thương mại, hàng rào kỹ thuật để bảo vệ sản xuất trong nước họ.

Doanh nghiệp lại nín thở đợi
Trong lịch làm việc tuần này, Quốc hội sẽ biểu quyết thông qua Luật Thực hiện dân chủ ở cơ sở. Giới kinh doanh lại nín thở chờ đợi.
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư