Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Sáu, Ngày 19 tháng 04 năm 2024,
Doanh nghiệp thêm kiệt quệ vì bị “giam” tiền hoàn thuế GTGT: “Cuộc đấu” không khoan nhượng
Ngô Nguyên - 14/01/2023 11:01
 
Mới đây, Cục Thuế TP.HCM đã hồi đáp với một doanh nghiệp cao su bị “lưu” tiền hoàn thuế gần 50 tỷ đồng. Điều bất ngờ là, doanh nghiệp phản ứng quyết liệt khi cho rằng, ngành thuế không thể áp “lệ riêng”, mà phải tuân thủ Luật Thanh toán quốc tế theo đó Việt Nam là thành viên.
Cao su được xem là “vàng trắng” đem ngoại tệ về cho Việt Nam, nhưng hiện nhiều doanh nghiệp xuất khẩu tại TP.HCM kêu cứu tiền hoàn thuế
Cao su được xem là “vàng trắng” đem ngoại tệ về cho Việt Nam, nhưng hiện nhiều doanh nghiệp xuất khẩu tại TP.HCM kêu cứu tiền hoàn thuế

Lý lẽ của Cục Thuế: Giao dịch chưa đúng quy định ngành?

Trong số nhiều doanh nghiệp mua bán xuất khẩu cao su ở TP.HCM chưa nhận được tiền hoàn thuế giá trị gia tăng (GTGT), thì Công ty TNHH Thương mại Hòa Thuận (Công ty Hòa Thuận) “may mắn” nhận được gần như sớm nhất hồi đáp từ phía Cục Thuế TP.HCM, sau quá nhiều lần bức xúc ở các diễn đàn gặp gỡ đối thoại.

Công ty Hòa Thuận là doanh nghiệp bị chậm hoàn thuế GTGT lớn nhất nhì với gần 50 tỷ đồng, dù là doanh nghiệp xuất khẩu cao su hàng đầu Việt Nam khi kim ngạch xuất khẩu đạt trên 24 triệu USD/năm với nhiều thị trường lớn như châu Á (35%), châu Âu (30%), Trung Đông (25%), châu Mỹ (10%). Tại nhiều diễn đàn, đại diện doanh nghiệp này bức xúc cho rằng, không chỉ bị “giam” tiền hoàn thuế, doanh thu bị giảm 94%, lại phải đóng lãi vay tới nay đã gần 5 tỷ đồng, khiến doanh nghiệp không có vốn để nhận đơn hàng, buộc phải cắt giảm một số hoạt động.

Tại văn bản mới đây phúc đáp về bức xúc của doanh nghiệp liên quan việc chưa được hoàn thuế, Cục Thuế TP.HCM cho hay, kết quả thanh tra công ty này (từ tháng 3/2022) thể hiện, hầu hết (trên 95%) các giao dịch giữa Công ty với các khách hàng nước ngoài, hợp đồng xuất khẩu không có số tài khoản ngân hàng và tên ngân hàng nước ngoài. Chứng từ thanh toán không có số tài khoản ngân hàng của bên chuyển tiền (ngân hàng ở nước ngoài phục vụ bên mua).

Bà Trần Lệ Thu, đại diện Công ty TNHH Thương mại Hòa Thuận chia sẻ, rất mong các bộ: Công thương, Tài chính, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, Tổng cục Thuế có những thông tư, nghị định về chính sách thuế rõ ràng, cụ thể, thống nhất để Cục Thuế TP.HCM và cán bộ thuế thực thi áp dụng tốt hơn, không làm ảnh hưởng tới quyền lợi của các doanh nghiệp xuất khẩu đem ngoại tệ về cho đất nước.

Các giao dịch trên chưa phù hơp quy định tại khoản 3, Điều 16, Thông tư 219/2013/TT-BTC của Bộ Tài chính và Văn bản số 5018/TCT-KK ngày 13/12/2018 của Tổng cục Thuế (về việc tài khoản thanh toán tiền hàng xuất khẩu); Công văn số 3352/TCT-KK ngày 22/8/2019 của Tổng cục Thuế (về việc chứng từ thanh toán qua ngân hàng đối với hàng hóa, dịch vụ xuất khẩu); Công văn số 3352/TCT-KK ngày 22/8/2019 của Tổng cục Thuế (trả lời Cục Thuế TP.HCM về việc chứng từ thanh toán qua ngân hàng đối với hàng hóa, dịch vụ xuất khẩu).

Các văn bản thông tư trên quy định, hàng hóa, dịch vụ xuất khẩu thanh toán qua ngân hàng thì phải đảm bảo “chứng từ thanh toán tiền là Giấy báo có của ngân hàng bên xuất khẩu về số tiền đã nhận được từ tài khoản của ngân hàng bên nhập khẩu. Trường hợp trên chứng từ thanh toán qua ngân hàng do ngân hàng phục vụ người xuất khẩu không thể hiện thông tin tài khoản ngân hàng của khách hàng nước ngoài phù hợp với thông tin trên hợp đồng mua bán hàng hóa, dịch vụ đã ký giữa khách hàng nước ngoài và doanh nghiệp Việt Nam, thì chứng từ thanh toán này chưa đủ điều kiện để khấu trừ, hoàn thuế GTGT liên quan đến hàng hóa, dịch vụ xuất khẩu”.

Bên cạnh đó, qua thanh tra và xác minh hóa đơn GTGT đầu vào các doanh nghiệp bán hàng cho công ty, Chi cục Thuế quận Gò Vấp đã phát hiện Chi nhánh Công ty TNHH MTV Thương mại Mộc Lan không kê khai thuế GTGT đầu ra 1 tờ hóa đơn thuế GTGT hơn 448 triệu đồng, giá chưa thuế gần 9 tỷ đồng thuộc kỳ hoàn thuế tháng 10/2019. Chi nhánh Công ty TNHH MTV Thương mại Mộc Lan đã ngưng hoạt động từ ngày 30/3/2022.

Thế nên, Chi cục Thuế quận Gò Vấp đã có công văn chuyển tin báo vụ việc về thuế sang cơ quan Cảnh sát điều tra Công an quận Gò Vấp làm rõ. Dù Công ty Hòa Thuận đã có văn bản giải trình chứng minh việc mua bán hàng hóa, xuất khẩu lô hàng liên quan tờ hóa đơn trên và cam kết việc mua bán hàng hóa là có thực và đúng với quy định của pháp luật, nhưng thanh tra thuế chỉ ghi nhận và sẽ xử lý khi cơ quan công an có kết luận điều tra.

Doanh nghiệp đáp trả: ngành thuế áp dụng sai quy định thanh toán của ngân hàng?

Trao đổi với chúng tôi về phản hồi nêu trên của Cục Thuế TP.HCM, bà Trần Lệ Thu, đại diện Công ty Hòa Thuận phản biện quyết liệt các kết luận của Cục Thuế.

Trước kết luận của Cục Thuế TP.HCM cho rằng, 95% giao dịch giữa Công ty Hòa Thuận với các khách hàng nước ngoài, hợp đồng xuất khẩu không có số tài khoản ngân hàng và tên ngân hàng nước ngoài, Giấy báo có không có số tài khoản của bên mua hàng chuyển tiền.

Bà Thu trưng ra hàng loạt Giấy báo có của ngân hàng như VietinBank, Agribank. TMCP Á Châu… và khẳng định, tới thời điểm năm 2022, các Giấy báo có của hệ thống ngân hàng Việt Nam vẫn phải theo Điều ước quốc tế liên quan mà Việt Nam là thành viên.

Theo thông lệ quốc tế, không có quy định nào về yêu cầu các Giấy báo có thanh toán Thư tín dụng (L/C) và nhờ thu (DP) phải thể hiện đầy đủ tên và thông tin số tài khoản của người chuyển tiền/người mua. Các Giấy báo có hiện nay đều là điện SWIFT, các trường thông tin trên điện sẽ theo định dạng tiêu chuẩn của Hiệp hội Viễn thông liên ngân hàng và tài chính quốc tế (SWIFT), sẽ tùy thuộc phương thức thanh toán giữa hai bên mua bán mà có loại điện phù hợp.

Các ý kiến nêu trên của doanh nghiệp đã được gửi tới Cục Thuế TP.HCM và bộ, ngành liên quan. Về các vấn đề này, tại thông báo mới đây gửi Công ty TNHH Thương mại Hòa Thuận, Cục Thuế TP.HCM cho hay, đã báo cáo về vướng mắc và xin ý kiến của Tổng cục Thuế về việc xử lý đối với các giao dịch nêu trên. Ngoài ra, Cục Thuế TP.HCM cũng đã gửi công văn tới Vụ Hợp tác quốc tế (Tổng cục Thuế) đề nghị xác minh thông tin theo Hiệp định tránh đánh thuế hai lần.

Tóm lại, hiện không chỉ doanh nghiệp, mà cả Cục Thuế TP.HCM cũng đang chờ hồi đáp từ cấp cao hơn.

Bởi vậy, đại diện Công ty Hòa Thuận cho rằng, việc Cục Thuế TP.HCM áp dụng Công văn 5018/TCT-KK 13/12/2018 yêu cầu Giấy báo có phải thể hiện đầy đủ tên và thông tin số tài khoản của người chuyển tiền/người mua là áp dụng là sai với Thông tư 46/2014/TT- NHNN Ngày 31/12/2014, của Ngân hàng nhà nước Việt Nam, hướng dẫn về dịch vụ thanh toán không dùng tiền mặt trong lãnh thổ Việt Nam; việc cung ứng dịch vụ thanh toán quốc tế của các tổ chức cung ứng dịch vụ thanh toán được thực hiện theo quy định của pháp luật về quản lý ngoại hối, theo điều ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên; theo tập quán thương mại quy định tại Luật Các tổ chức tín dụng được các bên thỏa thuận áp dụng; chứng từ thanh toán dịch vụ, thanh toán giao dịch bằng điện tử và quy định quản lý ngoại hối trong dịch vụ thanh toán quốc tế.

“Công ty chúng tôi và các doanh nghiệp xuất khẩu tại TP.HCM chấp hành Thông tư 46/2014 TT-NHNN không dùng tiền mặt, tất cả chứng từ đều thanh toán 100% (TT, LC, DP ) bán hàng xuất khẩu thu USD về hệ thống các ngân hàng của Việt Nam. Còn Giấy báo có của hệ thống điện tử các ngân hàng Việt Nam không thể hiện nội dung như Công văn 5018/TCT-KK của Tổng cục Thuế là ngoài phạm vi khả năng của doanh nghiệp chúng tôi”, bà Thu nói và cho hay, nội dung vướng mắc này cũng đã được doanh nghiệp gửi tới các bộ, ngành liên quan.

Nếu không hợp lệ thì ngân hàng quốc tế đã không thanh toán

Cục Thuế TP.HCM cũng cho rằng, giao dịch mua bán giữa Công ty Hòa Thuận còn trật quy định khi các hợp đồng xuất khẩu không ghi số tài khoản và ngân hàng của bên mua hàng nước ngoài.

Về vấn đề này, bà Thu phản biện, doanh nghiệp ghi tên, địa chỉ và số Fone của ngân hàng bên mua phải thanh toán cho bên bán trên ANEX (Phụ lục hợp đồng), NVOICE (Hóa đơn thương mại xuất khẩu), mã tài chính quốc tế (SWIFT), mã vùng (PC), tài khoản (ACC) kèm theo bộ chứng từ LC, DP, TT, hải quan. Các chứng từ này đều cung cấp cho các ngân hàng Việt Nam.

“Nếu hồ sơ hợp đồng xuất khẩu, NVOICE, ANEX... không thể hiện tên tài khoản, tên ngân hàng nước ngoài, thì hệ thống ngân hàng Việt Nam sẽ không chấp nhận bộ chứng từ hợp lệ để lập quy trình thanh toán quốc tế kiểm soát và xử lý chứng từ hạch toán theo Thông tư 46/2014/TT- NHNN. Bên mua cũng vậy, nếu không đúng thủ tục hệ thống ngân hàng quốc tế thì cũng không thanh toán USD cho bên bán”, bà Thu khẳng định và cho hay, đã cung cấp thông tin, chứng từ nêu trên cho Thanh tra thuế, nhưng “người ta” vẫn cứ căn cứ vào “quy định ngành”.

Với nguyên nhân nữa liên quan việc chậm hoàn thuế, Cục Thuế TP.HCM phát hiện Công ty TNHH Thương mại Mộc Lan bán hàng cho Công ty Hòa Thuận nhưng không kê khai hóa đơn bán hàng trên bảng kê khai thuế, bà Thu kêu trời: “Việc doanh nghiệp khác kê khai thuế ra sao là ngoài tầm kiểm soát của chúng tôi. Cơ quan thuế phải chịu trách nhiệm giám sát kiểm tra chứ, sao lại dùng cớ này để giam tiền hoàn thuế GTGT của chúng tôi?”.

Cũng như hàng loạt công ty cao su tại TP.HCM bị chậm hoàn thuế GTGT, đại diện Công ty Hòa Thuận còn cho rằng, Cục Thuế TP.HCM áp dụng Công văn 5018/TCT-KK ngày 13/12/2018 với các doanh nghiệp tại TP.HCM là sai đối tượng. Bởi công văn trên của Tổng cục Thuế chỉ phúc đáp cho Cục Thuế Hà Nội hỏi về chính sách thuế liên quan đến tài khoản thanh toán tiền hàng xuất khẩu ghi trên chứng từ thanh toán qua ngân hàng của Công ty TNHH Hóa dệt Hà Tây.

Doanh nghiệp thêm kiệt quệ vì bị “giam” tiền hoàn thuế - Bài 2: “Lệnh sau đá lệnh trước”, doanh nghiệp gỗ lĩnh đủ
Chỉ vì “lệnh sau đá lệnh trước” mà các doanh nghiệp xuất khẩu gỗ khốn đốn vì bị chậm hoàn thuế giá trị gia tăng lên đến hàng ngàn tỷ...
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư