Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Sáu, Ngày 29 tháng 03 năm 2024,
Động cơ linh hoạt giúp ổn định nhanh hệ thống khi tỷ trọng năng lượng tái tạo cao
Hoàng Nam - 04/11/2022 18:25
 
Nhà máy điện ICE linh hoạt và các giải pháp tích trữ năng lượng giúp đẩy nhanh quá trình chuyển đổi năng lượng nhờ cân bằng năng lượng tái tạo không ổn định và đảm bảo lưới điện

Wärtsilä, tập đoàn lớn chuyên về các giải pháp năng lượng linh hoạt dựa trên công nghệ động cơ đốt trong (ICE) đã vừa trình bày nghiên cứu khả thi để phát triển một dự án nhà máy điện ICE 300 MW tại phía Nam, nhằm cung cấp nguồn công suất linh hoạt cần thiết cho hệ thống điện Việt Nam trước thực tế nhu cầu vẫn tiếp tục gia tăng nhưng các nhà máy điện lớn khó triển khai nhanh như mong đợi.

Tổ máy điện khí do Wartsila xây dựng hỗ trợ điện gió tại Argentina
Tổ máy điện khí do Wartsila xây dựng hỗ trợ điện gió tại Argentina

Các nhà máy điện động cơ ICE của Wärtsilä được thiết kế theo dạng mô-đun và có thể xây dựng trong vòng 12 tháng, giúp cung cấp nguồn điện cần thiết một cách nhanh chóng, góp phần đảm bảo an ninh năng lượng.

Những nhà máy này có thể hoà lưới trong vòng chưa đầy 30 giây kể từ khi khởi động và đạt đầy tải trong vòng chưa đầy 2 phút. Cùng với hệ thống pin tích trữ năng lượng, các nhà máy điện ICE có thể giúp cân bằng các nguồn năng lượng tái tạo, duy trì độ ổn định và độ tin cậy cũng như tối ưu hóa hệ thống điện.

Theo nghiên cứu này, với quy mô 300 MW, nhà máy điện ICE vận hành khoảng 1.500 giờ/năm sẽ cần khoảng 202 tấn LNG/ngày, tương đương 74.000 tấn/năm. Do là giải pháp cấp bách và thời gian lên lưới nhanh nên giá điện cũng không thấp, hơn 13 UScent/kWh khi giá dầu thô ở mức trên 70 USD/thùng. 

Theo ông Nicolas Leong, Giám đốc khu vực Bắc & Đông Nam Á, Tập đoàn Wärtsilä, Việt Nam sẽ cần bổ sung một lượng lớn công suất mới để đáp ứng nhu cầu điện ngày một tăng trong những năm tới. Cùng lúc đó, Việt Nam đã cam kết đạt mục tiêu Net zero vào năm 2050 nên chúng ta sẽ thấy lượng năng lượng tái tạo được bổ sung vào hệ thống điện ngày càng nhiều.

Vì thế, nhà máy điện ICE linh hoạt và các giải pháp tích trữ năng lượng sẽ giúp Việt Nam đẩy nhanh quá trình chuyển đổi năng lượng bằng cách cân bằng các nguồn năng lượng tái tạo không ổn định, đảm bảo lưới điện luôn ổn định và tin cậy.

Nhu cầu điện của Việt Nam đã tăng nhanh hơn so với tất cả các nước Đông Nam Á khác, ở mức khoảng 10% mỗi năm trong thập kỷ qua. Dự thảo Quy hoạch điện VIII đưa ra hồi tháng 10/2022 cũng chỉ ra rằng, năng lượng tái tạo sẽ chiếm 25% công suất lắp đặt trong hệ thống điện vào năm 2030 và sẽ tăng lên 55% vào năm 2050 để đạt được mục tiêu net zero vào năm 2050.

Dự thảo Quy hoạch điện VIII cũng đã ghi nhận tầm quan trọng của nhà máy điện linh hoạt trong một hệ thống điện có tỷ trọng năng lượng tái tạo cao. Độ linh hoạt có thể được cung cấp bởi các giải pháp khác nhau như thủy điện tích năng, pin tích trữ năng lượng và điện khí linh hoạt dựa trên công nghệ ICE.

Một nghiên cứu về hệ thống điện Việt Nam do Viện Năng lượng (IE) thuộc Bộ Công thương (MOIT) thực hiện khuyến nghị bổ sung các nhà máy điện động cơ đốt trong (ICE) từ năm 2022 trở đi vào hệ thống điện của Việt Nam. Các nhà máy điện ICE cần được xây dựng ở miền Nam với tổng công suất 650 MW trong giai đoạn 2022–2023. Các nhà máy điện ICE sẽ hỗ trợ nhu cầu phụ tải cao vào năm 2025, đặc biệt khi Việt Nam dự kiến sẽ bị chậm trễ trong việc bàn giao một số dự án điện than và tuabin khí chu trình hỗn hợp ở miền Nam. Ngoài ra, điều kiện hạn hán có thể gây ra nguy cơ thiếu điện trong nước.

Về dài hạn, công suất cần thiết của các nhà máy điện ICE linh hoạt để cung cấp công suất dự trữ, phủ đỉnh và cân bằng nguồn điện tái tạo trong lưới điện sẽ là 2.500 MW vào năm 2030 và tăng lên 10.600 MW vào năm 2040 và 13.400 MW vào năm 2050. Với sự có mặt của ICE trong hệ thống, tổng chi phí hệ thống sẽ giảm khoảng 180 triệu USD/năm vào năm 2030 và mức tiết kiệm tương tự trong những năm tới có thể đạt được bằng cách xây dựng thêm các nhà máy điện ICE.

Trước đó vào tháng 9/2022, Wärtsilä công bố một báo cáo với tiêu đề "Tái định hình ngành Năng lượng tại khu vực Đông Nam Á" nhằm mô phỏng các lộ trình tối ưu về chi phí để đạt net zero ở ba quốc gia Đông Nam Á gồm Việt Nam, Philippines và Indonesia.

Các kịch bản mô phỏng nhấn mạnh vai trò của công nghệ ICE và pin tích trữ năng lượng để đạt mục tiêu net zero của Việt Nam vào năm 2050. Các kết luận chính của báo cáo cho thấy sự kết hợp giữa năng lượng tái tạo và nguồn điện linh hoạt đến từ các động cơ ICE và hệ thống pin tích trữ năng lượng có thể đảm bảo độ tin cậy cho hệ thống điện Việt Nam và việc đạt mục tiêu net zero là khả thi với các công nghệ có sẵn mà không làm tăng chi phí hệ thống.   

Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư