Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Năm, Ngày 25 tháng 04 năm 2024,
Động lực từ thưởng vượt tiến độ cho chủ đầu tư và nhà thầu
Anh Minh - 21/08/2022 13:18
 
Quy định về thưởng vượt tiến độ được cả chủ đầu tư và nhà thầu đánh giá là sẽ tạo ra bước đột phá tại các dự án hạ tầng giao thông sử dụng vốn đầu tư công.

Cho đến thời điểm này, quy định về thưởng vượt tiến độ - cơ chế được cả chủ đầu tư và nhà thầu đánh giá là sẽ tạo ra bước đột phá tại các dự án hạ tầng giao thông sử dụng vốn đầu tư công từ Chương trình Phục hồi và Phát triển kinh tế - xã hội do Bộ Kế hoạch và Đầu tư chủ trì soạn thảo, đã được định hình tương đối rõ nét.

Theo Dự thảo Nghị định quy định chế độ thưởng đối với các chủ thể liên quan đến các dự án giao thông trong Chương trình và các dự án quan trọng quốc gia, trọng điểm ngành giao thông, nguồn tiền thưởng hợp đồng sẽ được sử dụng từ số tiền dư sau đấu thầu, gồm cả phần tiết kiệm chi phí do chỉ định thầu và các nguồn hợp pháp khác. Mức tiền thưởng được xác định trên nguyên tắc đảm bảo chất lượng công trình theo quy chuẩn, tiêu chuẩn kỹ thuật, thực hiện công khai, minh bạch và công bằng.

Việc thưởng sẽ áp dụng cho gói thầu cụ thể, với số tiền thưởng không vượt số tiền còn dư sau đấu thầu và chỉ được xem xét với các gói thầu không vi phạm quy định pháp luật có liên quan.

Trường hợp thưởng hợp đồng sẽ được xác định nếu các bên liên quan rút ngắn được thời gian thực hiện gói thầu từ các giải pháp thông thường hoặc áp dụng các giải pháp, công nghệ mới, có sáng kiến, sáng tạo, mà vẫn đảm bảo quy chuẩn, tiêu chuẩn kỹ thuật.

Để tạo sự chủ động, cơ quan chủ trì soạn thảo kiến nghị Chính phủ để chủ đầu tư dự án quyết định việc thưởng hợp đồng, đồng thời có trách nhiệm kiểm tra, giám sát thực hiện trên cơ sở thống nhất các mốc thời gian để xác nhận khối lượng hoàn thành theo hợp đồng, đánh giá hiệu quả dự án.

Về lý thuyết, đây là cơ chế tài chính cần thiết để khuyến khích các nhà thầu sáng tạo hoặc bổ sung chi phí nhằm rút ngắn tiến độ, qua đó góp phần khắc phục tình trạng chậm tiến độ kéo dài đang ngày càng phổ biến tại nhiều dự án hạ tầng giao thông.

Cần phải nói thêm rằng, hơn 10 năm qua, dù triển khai cả trăm dự án, nhưng chỉ có đúng 2 trong số các công trình do Bộ Giao thông - Vận tải quản lý về đích vượt tiến độ. Tình trạng trên cũng xảy ra phổ biến tại các dự án xây dựng kết cấu hạ tầng do các bộ, ngành và địa phương khác quản lý, dù nhiều công trình được chuẩn bị khá kỹ, vốn được bố trí đầy đủ.

Chắc chắn là khó có thể chấp nhận tình trạng này tại các dự án sử dụng vốn từ Chương trình Phục hồi và Phát triển kinh tế - xã hội, bởi ngoài việc quỹ thời gian thực hiện Chương trình không dài (khoảng 3 năm), thì tính chất và quy mô quan trọng của công trình cũng không cho phép các bên tham gia để vỡ tiến độ.

Trên thực tế, sẽ không có chuyện cơ chế thưởng tiến độ sẽ giúp cho hàng chục công trình, gói thầu thuộc Chương trình Phục hồi và Phát triển kinh tế - xã hội về đích vượt tiến độ, nhưng chỉ cần một vài gói thầu vượt tiến độ, thì sẽ kích thích các gói thầu khác hoàn thành đúng kế hoạch.

Yêu cầu đặt ra lúc này là phải cân bằng được lợi ích giữa chủ đầu tư và nhà thầu khi xây dựng cơ chế thưởng vượt tiến độ. Lý do là, nếu chi phí thưởng quá thấp, dưới chi phí bỏ ra thì sẽ không khuyến khích được đơn vị thi công; nếu treo thưởng quá cao thì sẽ vượt quá lợi ích kinh tế thu được từ việc rút ngắn tiến độ.

Để đạt được điều này, cơ quan chủ trì soạn thảo cần sự góp ý, xây dựng có trách nhiệm, đầy đủ từ các đơn vị trong ngành giao thông - vận tải và các địa phương có kinh nghiệm triển khai dự án hạ tầng quy mô lớn. Bên cạnh đó, để tránh tình trạng phát sinh tranh chấp, khiếu nại liên quan đến thưởng tiến độ như từng xảy ra, các quy định về thưởng vượt tiến độ phải chi tiết, dễ hiểu, dễ thực hiện, tránh những cách hiểu khác nhau khi thực thi.

Đặc biệt, việc thưởng và phạt cần được thực hiện nghiêm minh, công bằng với tất cả chủ thể tham gia dự án. Tránh tình trạng khi dự án vượt tiến độ, đảm bảo chất lượng, thì là công của tất cả, nhưng khi công trình chậm tiến độ, có sự cố thì lại là lỗi của nhà thầu dù việc chậm giải phóng mặt bằng, chất lượng hồ sơ, khảo sát thiết kế kém; vốn bố trí không đủ đều thuộc trách nhiệm của chủ đầu tư.

Đây cũng chính là điều mà các nhà thầu - nhân tố quyết định chất lượng, tiến độ công trình - mong đợi nhất khi tham gia đấu thầu và đặt bút ký vào các bản hợp đồng thực hiện các gói thầu thuộc Chương trình Phục hồi và Phát triển kinh tế - xã hội sẽ được triển khai trong thời gian tới.

Nhà thầu mắc cạn, ngạt thở vì nợ đọng
Tình trạng nợ đọng đang phổ biến ở tất cả doanh nghiệp xây dựng. Nếu điểm nghẽn này không sớm được giải quyết, các nhà thầu sẽ phá...
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư