Buổi sáng đầu hạ, mây trắng xô đuổi nhau trên cao, bầu trời trong xanh vời vợi, bức tranh Hà Nội thật rực rỡ, tươi vui với sắc tím và đỏ chủ đạo của hoa bằng lăng và phượng vỹ, đan xen là sắc hồng, cam, trắng của hoa giấy.

 

Không khí làm việc ở Hanoi Tourism, trên phố Trần Quốc Toản cũng “nóng” và “nhiệt” như chính không khí Hà thành những ngày này. Đó thực sự là điều hiếm thấy ở hầu hết các doanh nghiệp du lịch cách đây chừng 2 tháng và ngay cả ở thời điểm hiện tại, rất nhiều hãng lữ hành vẫn chưa chính thức trở lại “đường đua” sau những “bầm dập” bởi “sóng thần” Covid-19.

 

Ấy thế mà, nữ doanh nhân Nhữ Thị Ngần, Tổng giám đốc Hanoi Tourism chẳng những giúp doanh nghiệp của mình không một ngày đóng cửa mà còn mở thêm những lĩnh vực kinh doanh mới đầy triển vọng bổ trợ cho lữ hành.

 

 

Nếu gặp nữ CEO sinh năm 1983, hẳn ít ai ngờ ẩn trong vóc dáng nhỏ bé, gương mặt xinh đẹp với đôi mắt bồ câu biết cười, chiếc mũi dọc dừa nhỏ nhắn và ngoại hình trẻ hơn tuổi ấy là một “cỗ máy” làm việc kiên cường, sáng tạo, mạnh mẽ và bỏng cháy với nghề du lịch.

 

Sinh ra ở Hải Dương, lớn lên tại thành phố Hải Phòng, ngày từ khi còn nhỏ, mỗi bữa cơm gia đình, cô bé Nhữ Thị Ngần đã được bố mình là một quân nhân kể cho nghe về cuộc sống của người lính biên phòng khi làm nhiệm vụ ở huyện Bình Liêu, Quảng Ninh.

 

“Những hành trình và trải nghiệm đầy thú vị của bố, khi thì bị lạc trong rừng, lúc đi cắm bản, rồi cả biệt danh A Ngằn bà con yêu mến đặt cho…, luôn cuốn hút tôi một cách lạ kỳ. Qua mỗi lời kể của bố, trong đầu tôi không ngừng tưởng tượng về những chuyến phiêu lưu đầy xúc cảm, lý thú với con suối trong xanh thơ mộng, ổi rừngchín thơm lừng, rụng dọc bờ suối; những màn sương mù đặc quánh, sóng sánh phủ khắp cánh rừng, ánh hoàng hôn như mật ngọt rớt trên những bông lau trắng xóa; rồi cả tự do hít hà bầu không khí trong lành và nồng nàn hương hồi, hương quế, với hoa sim...

 

 

Tôi đã được bố kể cho nghe những câu chuyện đầy mới lạ, hấp dẫn tựa như cuốn “Nghìn lẻ một đêm” vào mỗi bữa cơm trong suốt nhiều năm liền. Từ ấy, tôi luôn khao khát được lang thang đó đây, được khám phá những vùng đất mới và nền những văn hóa khác nhau”, đôi mắt lấp lánh, CEO Nhữ Thị Ngần kể về tình yêu du lịch được cha truyền cảm hứng từ thuở ấu thơ.

 

 

Tình yêu du lịch cứ lớn dần, năm 18 tuổi, Nhữ Thị Ngần thi đậu vào khoa Du lịch học, Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân Văn (Đại học Quốc gia Hà Nội). Tại đây, cô sinh viên lại may mắn được sự hướng dẫn tận tình của thầy Trưởng khoa- cố PGS.TS Đinh Trung Kiên. Ông để lại những ấn tượng và bài học sâu sắc cho Ngần, bởi ông có phong thái quân nhân rất giống bố cô”.

 

Khóa học của Ngần cũng rất đặc biệt khi có tới 3 giáo viên chủ nhiệm, trong đó có PGS. TS Phạm Hồng Long, hiện là Trưởng khoa Du lịch học và TS. Trịnh Lê Anh, nguyên phó trưởng Khoa Du lịch học – một MC, Biên tập viên nổi tiếng và là chuyên gia trong ngành du lịch, sự kiện.  

 

 

“Cùng với PGS.TS Đinh Trung Kiên, các thầy, cô giáo rất giỏi và tâm huyết đã truyền nhiệt huyết, năng lượng, cảm xúc tích cực cho tôi. Cộng với mơ ước từ ngày bé, khi ấy, tôi thấy mình đã chọn đúng nghề và ngày càng yêu thích du lịch”, CEO Nhữ Thị Ngần nhớ lại và chia sẻ, ngay khi còn là sinh viên năm thứ hai đã làm cộng tác viên cho các hãng lữ hành, tham gia hướng dẫn cho những đoàn học sinh rồi sau đó là các đoàn công nhân và du khách khối văn phòng.

 

Nhưng đặc biệt ở chỗ, Ngần học và áp dụng những kiến thức trên giảng đường vào thực tiễn một cách rất sáng tạo. Khi thầy cô dạy về tuyến điểm hay địa lý du lịch, Ngần không học thuộc như thông thường mà hình dung rađiểm đến đó nhưb thế nào rồi tự vẽ lại sơ đồ, đến nơi sẽ khớp lại xem mình tưởng tượng có đúng không.

 

“Điều đó khiến việc học của tôi trở nên cuốn hút và thú vị hơn rất nhiều. Chính vì thế, càng học, tôi càng say mê, nhất là khi được chia sẻ những kiến thức đó cho khách hàng và thấy họ ngạc nhiên, vì một cô bé còn ít tuổi và có phần non nớt lại có những kiến thức sâu sắc đến thế. Cứ như vậy, tình yêu du lịch cứ lớn dần theo năm tháng, tôi càng đam mê và gắn bó với nghề lữ hành. Tôi hạnh phúc vì đã đi đúng đường”.

 

 

Ra trường, Ngần lập tức trở thành nhân viên tư vấn, kinh doanh rồi điều hành tour cho một hãng lữ hành có tiếng ở Hà Nội, sau đó được mời làm Giám đốc điều hành Hanoi Tourism.

 

“Ở Hanoi Tourism, không hiểu sao tôi lại có tình cảm rất đặc biệt và làm việc hăng say, miệt mài đến thế. Có những ngày, tôi cùng bạn nhân viên vé máy bay làm đến 1 giờ sáng cũng không thấy mệt”, nữ CEO sinh năm 1983 chia sẻ và bật mí cơ duyên trời định trở thành bà chủ Hanoi Tourism: “Rồi cơ duyên ập đến, cuối năm 2009, đầu năm 2010, ông chủ Hanoi Tourism vướng vào nợ nần cá nhân, phải bán công ty. Anh ấy tha thiết muốn tôi mua lại doanh nghiệp vì hơn ai hết, anh ấy yêu Hanoi Tourism và không muốn bán cho những người không có nghề du lịch. Mặc dù khi ấy tôi không có ý định làm chủ doanh nghiệp, cũng không đủ nguồn lực, nhưng được sự động viên, ủng hộ từ gia đình, mọi người góp tiền cho vay, nên tôi quyết tâm mua lại Hanoi Tourism”.

 

 

Thời điểm ấy, nữ CEO trẻ tự biết mình còn khá non nớt, nhất là về pháp lý, nhưng chị chẳng thể ngờ vừa tiếp quản công ty đã lập tức gặp cú sốc nặng nề khi phải đương đầu với khoản nợ khổng lồ của công ty do người “tiền nhiệm” để lại.

 

“Từ Bắc vào Nam, các doanh nghiệp nhà hàng, khách sạn ráo riết đòi nợ dịch vụ chưa thanh toán, thậm chí còn cả những khoản giám đốc cũ ký khống. Một lần nữa, tôi chạy vạy khắp nơi để giải quyết xong xuôi tất cả các khoản nợ rồi mới có thể bước vào hành trình đưa một doanh nghiệp nợ nần chồng chất, trở thành doanh nghiệp có tín chấp cao trong ngành, có thương hiệu và uy tín như hiện nay”, đôi mắt nữ doanh nhân đỏ hoe khi nhớ về cú sốc đầu đời.

 

“Khi ấy, ngân hàng Techcombank đưa Hanoi Tourism vào “danh sách đen” vì nợ xấu, nhưng hiện ngân hàng naỳ đã là đối tác chiến lược của chúng tôi với rất nhiều hợp đồng lớn về bảo lãnh với các hãng hàng không, nhà cung ứng dịch vụ”, CEO Nhữ Thị Ngần tâm sự.

 

 

Là người làm việc chu đáo, cẩn thận nên CEO Nhữ Thị Ngần đưa ra nguyên tắc, tất cả các khoản thanh toán vớikhách hàng và nội bộ công ty đều phải rõ ràng, minh bạch, không được phép sai hẹn một ngày. Chị cũng xây dựng tầm nhìn dài hạn cho doanh nghiệp với quỹ dự phòng rủi ro được bổ sung hàng năm, từ năm 2010.

 

Tất cả các sản phẩm của Hanoi Tourism đều hướng đến phát triển ở du lịch xanh, du lịch bền vững ngay từ khitái cấu trúc và tiên phong ứng dụng công nghệ số từ năm 2012. Năm 2014, 95% doanh thu của hãng lữ hành này đến từ hoạt động marketing online.

 

Cũng năm 2014, Hanoi Tourism thuộc nhóm 2% doanh nghiệp tại Việt Nam được Facebook, nay là Meta có kênh hỗ trợ riêng tư vấn về các phương án sử dụng công nghệ số online, ứng dụng trong hoạt động kinh doanh.

 

 

Đặc biệt, CEO Nhữ Thị Ngần cũng sớm xây dựng văn hóa doanh nghiệp, đặc biệt là văn hóa đào tạo nội bộngay từ khi tiếp quản công ty. “Tôi xây dựng mô hình tháp đào tạo. Những người có kinh nghiệm làm trước sẽ có trách nhiệm đào tạo cho người vào sau. Trường hợp nào không đào tạo được người thay thế giỏi như mình trở lên thì người sẽ không thể thăng tiến.

 

Chính vì thế, nhân viên trong công ty đều có tâm lý tự nguyện đào tạo cho người mới. Trước Covid-19, hai đợt đào tạo lớn nhất của công ty là vào mùa xuân, trước khi vào vụ cao điểm hè nội địa và cuối thu, trước hai kỳ nghỉ Tết, cho cả cấp quản lý, chuyên viên lâu năm và đào tạo mới cho các sinh viên mới ra trường hoặc mới vào nghề để tạo ra nguồn nhân sự dự trữ cho công ty. Nhờ đó, nhân sự của Hanoi Tourism luôn ổn định và tính liên kết, sự thống nhất thông tin trong nội bộ cũng rất chặt chẽ và khăng khít”, CEO Hanoi Tourism bật mí.

 

Nhờ xây dựng nền tảng vững chắc, CEO Nhữ Thị Ngần đã vượt qua nhiều cú sốc khác trong suốt hơn một thập niên điều hành Hanoi Tourism. Đơn cử như đợt bạo động dữ dội tại Thái Lan năm 2013, Hanoi Tourism vẫn mở được con đường đưa khách du lịch khám phá “xứ sở chùa vàng” an toàn. Hay vào năm 2014, năm đầu tiên Hanoi Tourism triển khai mạnh tour đi Hàn Quốc thì vướng đại dịch MERS-CoV nhưng Hanoi Tourism vẫn tìm được con đường riêng.

 

 

“Tôi đã được tôi luyện bản lĩnh qua những cú sốc đó, Hanoi Tourism cũng càng thêm củng cố cách thêm phương cách ứng biến với các tình huống rủi ro”, nữ CEO chia sẻ và “khoe”, thành tích lớn nhất của Hanoi Tourism là tiên phong tổ chức sản phẩm tour đi Thái Lan và là một đơn vị đi đầu tổ chức và có lượng tour bay nguyên chuyến đi Hàn Quốc lớn nhất. Năm 2018 và 2019, Hanoi Tourism tổ chức 100 chuyến chuyên cơ đi Hàn Quốc với sản phẩm tour miễn visa cho người Việt Nam.

 

“Chính việc ưu tiên xây dựng văn hóa làm việc, đào tạo nhân sự và tinh thần đoàn kết, quyết tâm đã mang lại những thành công đó cho Hanoi Tourism”, CEO Nhữ Thị Ngần tự hào.

 

 

“Con thuyền” Hanoi Tourism đang băng băng tiến ra biển lớn, dẫu trong mơ, nữ “thuyền trưởng” Nhữ Thị Ngần cũng không thể ngờ lại lâm vào cú sốc kép vào cuối năm 2019, đầu năm 2020.

 

Chị nghẹn ngào: “Đại dịch Covid-19 ập đến, với những doanh nghiệp lữ hành khác có thể chỉ là ngừng hoạt động, “ngủ đông” thôi, nhưng với Hanoi Tourism, đó là đại nạn chồng đại nạn”.

 

Cuối năm 2019, du lịch phát triển thịnh vượng, đối tác Hàn Quốc của Hanoi Tourism gặp vấn đề tài chính nên không có khả năng cung ứng dịch vụ, trong khi đã nhận tiền cọc hơn 11 tỷ đồng, cho dịch vụ của 4.000 du khách. Lúc đó, chỉ còn 5 ngày nữa là đoàn khách đầu tiên khởi hành, nhưng tất cả dịch vụ vận chuyển, khách sạn, nhà hàng đều chưa có gì.

 

 

“Tôi phải tức tốc bay sang Hàn Quốc, vào từng nhà hàng, khách sạn, làm việc với từng đối tác để có dịch vụ phục vụ khách hàng. 5 ngày đi khắp Seoul từ sáng sớm đến đêm khuya mới đàm phán được với các đối tác. Bởi lẽ, thời điểm tháng 10/2019 đúng dịp Đại hội Thể thao quốc gia Hàn Quốc lần thứ 100 diễn ra tại Thủ đô Seoul và một số tỉnh, thành khác nên mọi khách sạn và dịch vụ đều đã kín chỗ. Chúng tôi đã chấp nhận trả mức phí của khách sạn 5 sao cho khách sạn 3 sao hoặc 4 sao để đảm bảo đủ dịch vụ cho khách hàng”, bà chủ Hanoi Tourism kể.

 

Đôi mắt chị rưng rưng: “Tuy đã tổ chức thành công cho 4.000 du khách Việt Nam đi Hàn Quốc nhưng thiệt hại tài chính vô cùng lớn, cộng thêm 11 tỷ đồng đối tác không có khả năng hoàn trả lại”.

 

Chưa kịp đỡ sốc, thì tháng 1/2020 Covid-19 lại giáng thêm “cú đấm thép” xuống Hanoi Tourism vì đã đặt cọc chừng 20 tỷ đồng cho các hãng bay, khách sạn, nhà hàng cho dịch vụ tour quốc tế của năm 2021.

 

“Ban đầu, các hãng hàng không thông báo đúng ngày này, tháng này không bay là mất vé, phải đấu tranh mãi mới được bảo lưu số tiền. Nhưng lãi ngân hàng doanh nghiệp lữ hành vẫn phải trả, khách hàng thì liên tục đòi trả lại tiền, mà tiền đó lữ hành đã đặt cọc hết cho các nhà cung ứng dịch vụ”, nữ CEO kể.

 

Đối mặt với khủng hoảng kép, chưa đầy 6 tháng, Hanoi Tourism mất khoảng 30 tỷ đồng thanh khoản, con số khổng lồ với một hãng lữ hành. Thời điểm đó, nhân sự đối mặt với áp lực chưa từng có, khách hàng gọi điện đòi tiền, chửi bới, gây sức ép, dạo nạt… khiến nhiều nhân viên muốn bỏ nghề.

 

CEO Hanoi Tourism kể: “Rất nhiều nhân viên gọi cho tôi và khóc nức nở, chia sẻ muốn nghỉ việc. Với vai trò thủ lĩnh, tôi đã trực tiếp đứng ra, gặp từng khách hàng để đàm phán. Nhưng sắp xếp ổn thỏa với khách hàng, tôi lại phải đối mặt với bài toán tối giản bộ máy, vì cuối năm 2019, Hanoi Tourism có 100 nhân sự khối văn phòng và 300 - 400 hướng dẫn viên. Nếu duy trì bộ máy thì không gắng gượng được lâu, mà đột ngột cho họ thì khôngđành lòng”.

 

 

Cuối cùng, CEO Nhữ Thị Ngần quyết định tiếp tục duy trì công ty thêm sáu tháng nữa và sử dụng quỹ dự phòng rủi ro. Nhưng ngay cả vậy, nhân sự vẫn rất hoang mang vì dịch bệnh cứ lên, xuống thất thường, nhiều đợt nên muốn nghỉ việc, và từ đó, doanh nghiệp bị “chảy máu chất xám”.

 

Để giữ được nhân sự, CEO Hanoi Tourism đã chuyển đổi cách làm, sản phẩm và cả lĩnh vực kinh doanh với mô hình cung ứng bữa ăn văn phòng xanh, khi Hà Nội giãn cách xã hội.

 

Bếp ăn của công ty lập tức trở thành nhà bếp chế biến những món ăn tươi ngon, nóng hổi, đựng trong cặp lồng inox giữa nhiệt. Sáng nhân viên cùng nấu ăn, trưa đi giao cơm, chiều lại đi thu cặp lồng, về rửa, rồi luộc bằng nước sôi để hôm sau dùng. Khi đó, dự án lập tức được đông đảo người dân và giới văn phòng ủng hộ vì sử dụng đồ dùng bền vững, không thải ra môi trường.

 

“Tuy thu nhập không tăng bao nhiêu, nhưng công việc này đã giúp nhân viên có việc làm. Hơn thế, họ còn nhận được lời động viên, khen ngợi từ khách hàng cảm thấy hạnh phúc và tiếp tục gắn bó với Hanoi Tourism”, chị Ngần cười tươi.

 

 

Tuy vậy, dự án thực phẩm sạch chỉ duy trì khi Hà Nội giãn cách xã hội, ngay khi tình hình Covid-19 được kiểm soát, CEO Nhữ Thị Ngần cấp tốc tái cơ cấu toàn bộ doanh nghiệp, duy trì 30% nhân sự, làm lại toàn bộ quy trình, bảng biểu và hệ thống phần mềm quản lý. Bởi, theo chị: “Không thể dùng “bộ áo quá rộng” cho bộ máy đã tinh gọn”.

 

Đặc biệt, Hanoi Tourism đẩy mạnh đào tạo lại nhân sự mang tính kinh nghiệm và tính thích ứng với nghề, cách thức ứng biến với các tình huống có thể xảy. Đồng thời, nghiên cứu, xây dựng các sản phẩm mới đến các vùng xanh. Trong đó nổi bật nhất phải kể đến tour đi Bình Liêu, Quảng Ninh, địa phương nổi tiếng là kiểm soát dịch bệnh chặt chẽ, mở ra hướng đi mới cho các tour du lịch an toàn đến vùng xanh. Nhờ đó, Hanoi Tourism không phải đóng cửa ngày nào.

 

Bên cạnh xây dựng sản phẩm, với kinh nghiệm đào tạo nội bộ lâu năm, tháng 1/2022, CEO Nhữ Thị Ngần thành lập Trung tâm phát triển nguồn nhân lực du lịch (THD Centre), nhằm đóng góp vào công cuộc nâng cao chất lượng thực tế cho nguồn nhân lực du lịch sau 2 năm “chảy máu chất xám” vì Covid-19.

 

 

Các nhóm hỗ trợ mà THD Centre hướng đến gồm: Phát triển kỹ năng thực hành nghề cho người lao động làm việc trong ngành du lịch, thực hành nghề cho sinh viên tại các trường đào tạo uy tín. Đào tạo cầm tay chỉ việc theo khóa ngắn hạn dành cho nhân lực du lịch tại các địa phương. Tư vấn và hỗ trợ vận hành quy trình quản lý kinh doanh du lịch…

 

Ngoài ra, Hanoi Tourism còn tư vấn các dự án du lịch về nông nghiệp và du lịch bền vững, du lịch cộng đồng, với vai trò vừa là nhà đầu tư, vừa là nhà tư vấn và là doanh nghiệp lữ hành đưa khách đến, kết hợp phân phối, giới thiệu sản phẩm nông nghiệp đạt tiêu chuẩn OCOP và VietGAP của bà con từng tỉnh.

 

Có thể nói, trong khi rất nhiều doanh nghiệp lữ hành vẫn chưa phục hồi, Hanoi Tourism có rất nhiều lợi thế. Trước tiên, đối với thị trường trong nước và quốc tế cũng như các doanh nghiệp trong ngành, các đối tác, đại lý, khách hàng Hanoi Tourism đã khẳng định được thương hiệu, vị thế, uy tín, là Top 10 doanh nghiệp quốc tế tốt nhất Việt Nam; Top 4 doanh nghiệp lữ hành Việt Nam ứng dụng hiệu quả công nghệ số trong kinh doanh và vượt qua Covid-19 thuộc Dự án APEC Bắc Kinh; Top 100 doanh nghiệp tiêu biểu của ASEAN; Top 3 doanh nghiệp được yêu thích nhất và Top doanh nghiệp được bình chọn nhiều nhất tại Hà Nội…

 

 

Với những thành tích như vậy, lại không hề đóng cửa ngày nào suốt hơn 2 năm Covid-19, nên nhận diện của thị trường với Hanoi Tourism có tính sẵn sàng rất cao. Do đó, du khách rất yên tâm đặt tour, dịch vụ khách sạn, vé máy bay của Hanoi Tourism và lượng khách rất đông.

 

CEO Nhữ Thị Ngần cho biết, chính trong thời gian Covid-19, Hanoi Tourism tập trung mạnh cho đào tạo và củng cố nguồn nhân lực nên ngay khi thị trường phục hồi, doanh nghiệp có sẵn nguồn nhân lực đủ kinh nghiệm để xử lý các tình huống, trả lời nhanh mọi thắc mắc của du khách nên các “thượng đế” rất an tâm và chốt tour nhanh.

 

Hiện tại, du lịch nội địa đã phục hồi mạnh mẽ, nhưng với thị trường quốc tế, CEO Hanoi Tourism dự đoán phải cuối năm 2022 hoặc đầu 2023 mới thực sự phục hồi. Bên cạnh các tour đi Dubai, Thái Lan, Singapore đã khởi hành, Hanoi Tourism dang tiếp tục cân nhắc thời điểm và làm việc với các hãng hàng không để tổ chức các chuyến bay nguyên chuyến hai chiều đưa người Việt đi du lịch Hàn Quốc và đón du khách Hàn Quốc vào Việt Nam.

 

 

CEO Nhữ Thị Ngần cho biết, mục tiêu của Hanoi Tourism trong 5 -10 năm tới là vẫn sẽ phát triển du lịch bền vững theo thế “kiềng ba chân”. Mảng lữ hàng phát triển cả du lịch cao cấp với những trải nghiệm mang tính chuyên sâu, thiết kế riêng và sản phẩm phổ thông truyền thống. Mảng đào tạo sẽ không chỉ dừng lại ở cung ứng nguồn nhân lực trong nước mà còn hợp tác quốc tế để tăng cường giao lưu, học hỏi kinh nghiệm của hai bên. Còn mảng dự án du lịch cộng đồng, có Công ty cổ phần sản xuất và thương mại đầu tư nông nghiệp công nghệ cao Thần Nông hướng đến các sản phẩm hoàn toàn hữu cơ. Hanoi Tourism cũng đang phát triển cả những khu homestay, farmstay xây theo kiến trúc truyền thống bản địa.

 

Cả ba mảng sẽ hỗ trợ cho nhau để phát triển hệ sinh thái du lịch xanh kết hợp phát triển nông nghiệp, nông thôn bền vững.

 

“Định hướng “kiềng ba chân” cũng là một quyết định rất sáng suốt và kịp thời của Hanoi Tourism. Đây là định hướng chiến lược mà tôi được Chủ tịch HĐQT Phùng Hữu Ngọc Anh - người Thầy của tôi cả trên giảng đường đại học và trên thương trường. Suốt hơn 2 năm Covid-19 đầy khó khăn, chính Chủ tịch đã sát cánh cùng chúng tôi tái cơ cấu lại toàn bộ doanh nghiệp và từng bước giữ vững vị thế, củng cố vị thế của Hanoi Tourism”, CEO Nhữ Thị Ngần trải lòng.

 

Trong ngắn hạn, Hanoi Tourism xác định phải luôn luôn biến đổi và thay đổi để thích ứng nhanh với những tình huống bất ngờ, có thể không phải do Covid-19 mà là các yếu tố về an ninh, chính trị, kinh tế hoặc dịch bệnh khác nữa.

 

Là người được đào tạo về du lịch bài bản và nay tham gia đào tạo du lịch thực chiến, CEO luôn khao khát gópsức để người Việt Nam có tư duy làm du lịch bền vững, trách nhiệm. Từ đó, giúp du lịch thực sự trở thành ngành kinh tế mũi nhọn, có khả năng kéo theo sự phát triển của các ngành, lĩnh vực khác, mang lại những giá trị thiết thực, vững bền cho cộng đồng, xã hội, đất nước.

 

 

Tên của chị rất đặc biệt, có phải nó xuất phát từ biệt danh A Ngằn của bố chị?

 

- (Cười mỉm) Tôi từng hỏi bố về cái tên đặc biệt của mình. Bố tôi chỉ úp mở: “Vì bố tôi tên là Ngân và bố rất thích cuốn tiểu thuyết “Nắng””.

 

Năm lớp 11, tôi đã tìm đọc cuốn tiểu thuyết “Nắng” của nhà văn Nguyễn Thế Phương. Đề tài ông quan tâm là nông thôn và số phận những người phụ nữ với các mối quan hệt dằng dịt các tập tục, hủ tục, sự đấu tranh giữa cái cũ và cái mới, về đời sống của những giáo dân vùng Bắc Bộ trong những năm chống Pháp, về cuộc đấu tranh của những con người yêu nước. Trong đó có nhân vật A Na Ngàn, một cô gái rất xinh đẹp, nữ tính và mạnh mẽ.

 

Có lẽ bố kết hợp tên Ngân và Ngàn để đặt tên Ngần cho tôi. Chắc hẳn, ông mong muốn tôi cũng giống như A Na Ngàn. Trong gia đình, bố luôn coi tôi như một người bạn tri kỷ. Từ nhỏ, ông đã dạy tôi rất nhiều thế võ để con gái luôn mạnh mẽ.

 

Họ Nhữ vốn đã rất hiếm ở Việt Nam nên tôi cũng chưa từng thấy ai có tên Nhữ Thị Ngần giống mình.

 

 

Dường như đam mê với nghề du lịch luôn cháy bỏng?

 

- Đúng vậy.

 

Tháng 5/2020, Covid-19 đợt 1, lửa nghề vẫn cháy và tôi vẫn nỗ lực tìm kiếm nhân sự triển khai dự án mới.

 

Tháng 5/2021, Covid đợt 4 cháy mạnh hơn và vẫn tuyển dụng bổ sung cho dự án tiếp theo.

 

Tháng 2022: Covid-19 đã không còn là nỗi đáng sợ. Tôi liên tiếp kí những Hợp đồng mới,

gấp rút chuẩn bị cho các chuyến charter đường bay quốc tế. Náo nức vứoi các chương trình Đào tạo tập huấn thực hành nghề du lịch chuyên sâu. Hân hoan hỗ trợ phát triển du lịch cộng đồng, du lịch bền vững ở nhiều địa phương.

 

Cuộc sống hạnh phúc nhất là được cháy mãi với nghề mình đam mê, đồng hành với người tin tưởng và yêu thương mình.

 

 

Đang nỗ lực tuyển dụng nhân sự, chị ưu tiên chọn những người cộng sự như thế nào?

 

- Mọi khó khăn đều lần lượt nằm dưới bàn chân của những người bản lĩnh. Tôi cần những cộng sự cùng chí hướng, tâm huyết với nghề, sẵn sàng trải nghiệm và lăn xả với du lịch bền vững.

 

Bài toán kinh tế cho doanh nghiệp thời Covid-19 kéo dài chị rút ra là gì?

 

- "Đóng băng" hoạt động du lịch nhưng không đóng băng hành động của những con người làm du lịch. Lữ hành tạm ngủ thì làm ẩm thực, chăm sóc sức khỏe, học tập và đào tạo, nâng cấp bản thân, miễn là lao động và làm việc nghiêm túc bằng tất cả tâm huyết.

 

Vào lúc hoàn cảnh khó khăn nhất, là lúc chúng ta mạnh mẽ và táo bạo quyết liệt nhất. Dám thay đổi, dám dấn thân để có hướng đi phù hợp, giữ vững đội hình để chuẩn bị sẵn sàng cho ngày kết thúc đại dịch- du lịch trở lại sôi động và khác biệt hơn.

 

Du lịch sẽ trở lại với cuộc đua mới sau khi Covid-19 kết thúc sẽ không có chỗ cho những sản phẩm kém chất lượng, đào thải những doanh nghiệp định hướng thiếu bền vững. Sẽ là một trật tự mới toàn diện từ hành vi tiêu dùng, loại hình sản phẩm, yêu cầu văn minh… đến tính trách nhiệm cao hơn. Hay nói cách khác, tương lai du lịch sẽ “chất” hơn.

 

Hãy chuẩn bị ngay hôm nay bằng hành động ngắn hạn trong tư duy dài hạn, định hướng bền vững sáng suốt, không bỏ cuộc giữa chừng.

 

 

Bình luận bài viết này
Hồ Hạ thực hiện 19/05/2022 08:28