Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Bảy, Ngày 20 tháng 04 năm 2024,
Fed nâng lãi suất do lạm phát của Mỹ ở mức "cao không thể chấp nhận được"
T.T - 18/08/2022 20:21
 
Ngân hàng Dự trữ liên bang Mỹ (Fed) đánh giá đã có những dấu hiệu cho thấy nền kinh tế Mỹ đang suy yếu.
Cảng hàng hóa ở California, Mỹ. Ảnh: AFP/TTXVN
Cảng hàng hóa ở California, Mỹ. Ảnh: AFP/TTXVN

Fed đồng thời cho rằng trước khi cơ quan này nâng lãi suất thêm 0,75 điểm phần trăm, lạm phát của nền kinh tế đầu tàu thế giới ở mức "cao không thể chấp nhận được".

Theo biên bản cuộc họp trong 2 ngày 26 và 27/7, công bố ngày 17/8, các nhà hoạch định chính sách của Fed kỳ vọng nền kinh tế có thể tăng trưởng trong 6 tháng cuối năm. Tuy nhiên, nhiều quan chức cho rằng tăng trưởng có thể yếu đi khi duy trì lãi suất cao hơn. Trên thực tế, thị trường nhà ở, chi tiêu tiêu dùng, đầu tư kinh doanh và sản xuất đã giảm tốc sau khi tăng trưởng mạnh mẽ vào năm 2021. 

Fed nhấn mạnh tăng trưởng chậm hơn có thể "tạo tiền đề" để lạm phát dần giảm xuống mức mục tiêu 2% hằng năm của ngân hàng trung ương. Do đó, hiện Fed vẫn dự định tiếp tục tăng lãi suất ở mức vừa đủ để kéo chậm đà tăng trưởng kinh tế.

Trong tháng 6 và tháng 7, Fed đã thực hiện 2 lần tăng lãi suất cơ bản liên tiếp thêm 0,75 điểm phần trăm nhằm khống chế lạm phát cao. Tuy nhiên, tại cuộc họp vừa qua, Fed cho rằng có thể giảm tốc độ tăng lãi suất vào thời điểm thích hợp. Hiện chưa rõ liệu Fed có tiến hành thêm 1 đợt tăng lãi suất thêm 0,75 điểm phần trăm hay tăng ở mức vừa phải 0,5 điểm phần trăm trong cuộc họp dự kiến diễn vào ngày 20-21/9 tới. 

Kể từ cuộc họp của Fed cách đây 3 tuần, nền kinh tế Mỹ đã phát đi những tín hiệu trái chiều, trong đó có tỷ lệ tuyển dụng cao bất ngờ, thị trường nhà đất xấu đi và lạm phát giảm. Trước khi tiến hành cuộc họp trong tháng 9, các nhà hoạch định chính sách của Fed sẽ xem xét báo cáo về tình hình việc làm và báo cáo về giá tiêu dùng hằng tháng.

Theo giới phân tích, thách thức đối với Fed hiện nay là ngân hàng này đã phản ứng chậm chạp trước mức độ gia tăng của lạm phát vào mùa Xuân 2021, khi nền kinh tế tăng trưởng trở lại sau những tác động chưa từng có tiền lệ của đại dịch Covid-19 năm 2020. Trong suốt nhiều tháng, Chủ tịch Fed Jerome Powell đều cho rằng lạm phát cao chỉ là "tạm thời", chủ yếu do chuỗi cung ứng bị ngưng trệ và tình trạng này sẽ sớm được khắc phục, áp lực lạm phát sẽ giảm bớt. Tuy nhiên, điều này đã không xảy ra, theo đó, lạm phát của Mỹ trong tháng 6 đã tăng lên mức 9,1% - mức cao kỷ lục trong vòng 40 năm, trước khi giảm xuống mức thấp hơn vào tháng trước. Do đó, Fed đã phải tiến hành một loạt đợt tăng lãi suất, vào tháng 3, tháng 5, 6 và 7. Động thái này đã khiến lãi suất của Fed, vốn ảnh hưởng đến nhiều người tiêu dùng và các khoản tín dụng doanh nghiệp, tăng từ 0% lên 2,25% và sau đó là 2,5% - mức cao nhất kể từ năm 20218. 

Chủ tịch Fed cho biết cơ quan này sẽ nỗ lực hết sức để "ghìm cương" lạm phát, theo đó, có thể tiến hành thêm các đợt tăng lãi suất. Tuy nhiên, nhiều nhà kinh tế lo ngại Fed có thể chuyển sang siết chặt tín dụng tới mức có thể gây ra suy thoái.

Hiện quan ngại về nguy cơ xảy ra suy thoái đã dịu bớt nhờ những chuyển động tích cực của thị trường việc làm. Tháng trước, các nhà tuyển dụng đã bổ sung thêm 528.000 việc làm, đưa tỷ lệ thất nghiệp giảm xuống còn 3,5%. Trong biên bản cuộc họp hồi tháng 7, Fed ghi nhận sức mạnh của thị trường việc làm, song cho rằng việc tuyển dụng có thể là "sự tụt hậu về sức khỏe" của nền kinh tế. Fed cũng chỉ ra những dấu hiệu cho thấy thị trường việc làm có thể đang "hạ nhiệt", trong đó có số người nộp đơn xin trợ cấp thất nghiệp đang ngày một gia tăng, số người bỏ việc và số vị trí việc làm giảm.

Fed tăng lãi suất 0,75%, để ngỏ một đợt tăng lãi suất bất thường nữa, thị trường phản ứng tích cực
Đây là lần tăng lãi suất thứ tư của Fed từ đầu năm tới nay và là lần tăng lãi suất 0,75% lần thứ hai liên tiếp trong nỗ lực giảm lạm phát.
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư