Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Ba, Ngày 23 tháng 04 năm 2024,
Gelex, Năm Bảy Bảy là doanh nghiệp niêm yết đầu tiên mua lại trái phiếu trước hạn
Duy Bắc - 25/05/2022 08:09
 
Sau khi xử phạt Tân Hoàng Minh, thị trường trái phiếu có dấu hiệu trầm lắng và đặc biệt một số doanh nghiệp niêm yết đang thực hiện mua lại trái phiếu trước hạn.

Doanh nghiệp đẩy mạnh mua lại trái phiếu trước hạn

Kết thúc năm 2021, tổng khối lượng trái phiếu doanh nghiệp phát hành 791,8 nghìn tỷ đồng, tăng 70,7% so với cùng kỳ năm 2020. Trong đó, các doanh nghiệp bất động sản phát hành 357 nghìn tỷ đồng, chiếm 44,8% tổng lượng phát hành; nhóm ngân hàng phát hành 229,2 nghìn tỷ đồng, chiếm 28,8% tổng lượng phát hành; nhóm năng lượng và khoáng sản phát hành 44,7 nghìn tỷ đồng, chiếm 5,6% tổng lượng phát hành; nhóm định chế tài chính khác phát hành 31,4 nghìn tỷ đồng, chiếm 3,9% tổng lượng phát hành; nhóm phát triển hạ tầng phát hành 30,2 nghìn tỷ đồng, chiếm 3,8% tổng lượng phát hành và còn lại là nhóm khác.

Bước sang quý I/2022, tổng lượng trái phiếu phát hành 61,9 nghìn tỷ đồng, tăng 34% so với cùng kỳ và giảm 74% so với quý IV/2021. Trong đó, các doanh nghiệp bất động sản tích cực phát hành với tổng giá trị 38,2 nghìn tỷ đồng, chiếm 62% tổng lượng trái phiếu phát hành, tập trung chủ yếu trước khi xảy ra sự kiện Tân Hoàng Minh.

Khối lượng phát hành trái phiếu theo quý (Nguồn: SSI Research).
Khối lượng phát hành trái phiếu theo quý (Nguồn: SSI Research).

Bước sang tháng 4/2022 (sau sự Tân Hoàng Minh), các doanh nghiệp bất động sản chỉ phát hành 820 tỷ đồng so với bình quân hàng tháng trong năm 2021 là 26 nghìn tỷ đồng/tháng.

Thêm nữa, hoạt động mua lại trái phiếu trước hạn trong 3 tháng đầu năm đạt 12,8 nghìn tỷ đồng. Tuy nhiên, tính tới cuối tháng 4/2022, tổng lượng trái phiếu mua trước hạn là 24,7 nghìn tỷ đồng, tăng 17,9% so với cùng kỳ. Như vậy, trong tháng 4/2022, lượng trái phiếu mua lại là 11,9 nghìn tỷ đồng, gần bằng lượng mua lại trong cả quý I/2022.

Theo SSI Research, Các doanh nghiệp bất động sản nhanh chóng đẩy mạnh phát hành trái phiếu riêng lẻ trong quý I/2022, trước khi Thông tư 16/2021 có hiệu lực vào ngày 16/1/2022, siết chặt việc quản lý các ngân hàng mua trái phiếu doanh nghiệp có mục đích góp vốn. Cụ thể, 31 doanh nghiệp bất động sản phát hành tổng cộng 38,2 nghìn tỷ đồng trong quý I/20222, chiếm 62% tổng lượng trái phiếu phát hành và tăng 31,6% so với cùng kỳ.

SSI Research nhấn mạnh: “Sau việc hơn 10,000 tỷ đồng trái phiếu nhóm doanh nghiệp của Tân Hoàng Minh bị huỷ bỏ, các doanh nghiệp phát hành cũng như nhà đầu tư trở nên thận trọng hơn với hình thức huy động vốn thông qua phát hành trái phiếu. Trên thực tế, các doanh nghiệp bất động sản trong tháng 4 chỉ phát hành 820 tỷ đồng, giảm mạnh so với các tháng trước đó”.

Nhóm các doanh nghiệp bất động sản lớn thực hiện phát hành trái phiếu trong quý I/2022 (Nguồn: SSI Research).
Nhóm các doanh nghiệp bất động sản lớn thực hiện phát hành trái phiếu trong quý I/2022 (Nguồn: SSI Research).

Trong đó, một số doanh nghiệp phát hành trái phiếu lớn hầu hết chưa niêm yết như CTCP Đầu tư và Phát triển Eagle Side phát hành 3.610 tỷ đồng; CTCP Air Link phát hành 3.410 tỷ đồng; CTCP Xây dựng Kiên Hưng Thịnh phát hành 2.990 tỷ đồng; CTCP WorldWide Capital phát hành 2.950 tỷ đồng; CTCP Đầu tư Xây dựng Tường Khải phát hành 3.930 tỷ đồng; CTCP Xây dựng Minh Trường Phú phát hành 3.810 tỷ đồng; CTCP Đầu tư Vast King phát hành 2.260 tỷ đồng; CTCP Hưng Thịnh Investment phát hành 2.000 tỷ đồng; CTCP Phát triển Đất Việt phát hành 1.600 tỷ đồng; Công ty TNHH Đầu tư và Phát triển Bất động sản Nice Star phát hành 1.500 tỷ đồng …

SSI Research dự phóng thị trường trái phiếu doanh nghiệp sẽ kém sôi động hơn ít nhất trong quý II trước khi có các chính sách rõ ràng từ Chính phủ.

Sự kiện Tân Hoàng Minh và các động thái siết chặt của Chính phủ trên thị trường trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ trong thời gian qua có đã tác động cả doanh nghiệp phát hành và tâm lý nhà đầu tư . Khối lượng doanh nghiệp bất động sản phát hành trái phiếu riêng lẻ giảm mạnh trong tháng 4. Trên thực tế, thị trường trái phiếu doanh nghiệp cần được xây dựng như là sản phẩm của thị trường vốn dù đặc thù có tính trung dài hạn. Chính phủ mục tiêu vẫn đang định hướng phát triển thị trường vốn, giảm sự phụ thuộc của doanh nghiệp vào tín dụng ngân hàng do vậy việc phát triển thị trường trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ là cần thiết. Tính đến cuối năm 2021, quy mô của thị trường trái phiếu doanh nghiệp vào khoảng 18% GDP, thấp hơn so với mục tiêu của Chính phủ là dư nợ thị trường trái phiếu doanh nghiệp đạt khoảng 20% GDP vào năm 2025. Các động thái gần đây của Chính phủ nên được nhìn nhận là cách để có thể thanh lọc thị trường tốt hơn, hạn chế sự tham gia của các doanh nghiệp yếu kém, chống gian lận và tạo môi trường tích cực cho các các doanh nghiệp tốt tham gia thị trường”, SSI Research nhấn mạnh.

Gelex và Năm Bảy Bảy là doanh nghiệp đầu tiên niêm yết mua lại trái phiếu trước hạn

CTCP Tập đoàn Gelex (Gelex, mã chứng khoán GEX - sàn HoSE) vừa mua lại 300 tỷ đồng trái phiếu, thời gian mua lại là ngày 19/5/2022.

Được biết, đây là trái phiếu kỳ hạn 3 năm, phát hành ngày 19/5/2021 và đáo hạn ngày 19/5/2024 với tổng giá trị đợt phát hành là 300 tỷ đồng, lãi suất 8,5%/năm. Như vậy, chỉ mới sau 1 năm phát hành, công ty đã mua lại toàn bộ lô trái phiếu này, trước kỳ hạn 2 năm.

CTCP Đầu tư Năm Bảy Bảy (Mã chứng khoán NBB - sàn HoSE) vừa mua lại 50 tỷ đồng trái phiếu để giảm xuống từ 350 tỷ đồng về còn 300 tỷ đồng trong đợt phát hành tháng 6/2021, thời gian mua lại từ 9/5 đến 12/5.

Được biết, đây là trái phiếu phát hành ngày 11/6/2021, đáo hạn ngày 11/6/2024 và mã trái phiếu là NBBH2124001. Như vậy, công ty đã thực hiện mua lại một phần trái phiếu phát hành sau gần 1 năm, trước kỳ hạn hơn 2 năm.

Gelex đặt kế hoạch doanh thu 36.000 tỷ đồng, tiếp tục tìm kiếm các cơ hội M&A
Năm 2022, Gelex tiếp tục nâng các chỉ tiêu kinh doanh với chiến lược tăng trưởng thông qua hoạt động M&A.
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư