Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Năm, Ngày 28 tháng 03 năm 2024,
Giải quyết các điểm nghẽn, bất cập cản trở sự phát triển của doanh nghiệp
Hà Nguyễn - 31/01/2023 08:18
 
Để nền kinh tế có thể tiếp tục phục hồi và phát triển, một trong những giải pháp được Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng nhấn mạnh là phải giải quyết các điểm nghẽn, bất cập cản trở sự phát triển của doanh nghiệp.
Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng.

Thưa Bộ trưởng, chúng ta vừa bước vào năm Quý Mão 2023 với nhiều dự báo không thuận về kinh tế toàn cầu và Việt Nam. Chính Bộ trưởng cũng từng nói, đây là năm tiếp tục có những diễn biến bất định, khó lường. Vậy nền kinh tế Việt Nam đang đối mặt với những khó khăn, thách thức gì?

Năm 2022 đã khó khăn, năm 2023, tình hình kinh tế thế giới dự báo tiếp tục biến động rất phức tạp, khó lường, thậm chí khó khăn hơn năm 2022. Đó là tình trạng lạm phát tiếp tục duy trì ở mức cao; chính sách tiền tệ thắt chặt, tăng lãi suất kéo dài kèm theo mất giá trị đồng tiền, giảm mạnh nhu cầu tiêu dùng tại nhiều quốc gia; thị trường bất động sản ở nhiều nước khó khăn hơn; khu vực doanh nghiệp bị ảnh hưởng nặng nề, thất nghiệp gia tăng dẫn đến nguy cơ bất ổn xã hội và chính trị ở một số nước...

Thậm chí, một số quốc gia có dấu hiệu rơi vào suy thoái kinh tế. Nguy cơ mất thanh khoản, rủi ro, bất ổn tài chính, tiền tệ, nợ công, an ninh năng lượng, an ninh lương thực trên toàn cầu gia tăng... sẽ tác động mạnh, kéo dài, trên phạm vi lớn tới hầu hết các nền kinh tế.

Bối cảnh, tình hình thế giới nêu trên đã được Bộ Kế hoạch và Đầu tư tổng hợp, tham mưu trong quá trình xây dựng Kế hoạch Phát triển kinh tế - xã hội năm 2023, trình Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ báo cáo Quốc hội tại Kỳ họp thứ tư, cũng như trong xây dựng Nghị quyết 01 của Chính phủ. Bối cảnh đó sẽ ảnh hưởng lớn tới kinh tế - xã hội Việt Nam.

Năm 2022, kinh tế Việt Nam đã có sự phục hồi tích cực, đạt được nhiều kết quả quan trọng, khá toàn diện trên nhiều ngành, lĩnh vực, hoàn thành và vượt nhiều chỉ tiêu. Khi thiết kế và đề xuất các gói chính sách phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội, Bộ Kế hoạch và Đầu tư dự kiến sau 2 năm triển khai sẽ giúp nền kinh tế phục hồi và chuẩn bị được những điều kiện để tăng trưởng nhanh, mạnh trong những năm tiếp theo.

Tuy nhiên, những biến động bất lợi của bối cảnh thế giới đã và đang gây cản trở, khó khăn, thách thức rất lớn đối với quá trình phục hồi và phát triển của nền kinh tế. Với độ mở lớn, nhiều động lực tăng trưởng của kinh tế Việt Nam bị ảnh hưởng, nhiều việc có thể làm tốt hơn, nhưng do ngoại cảnh nên chưa đạt kết quả như mong muốn.

Chẳng hạn, chuyện chi phí nguyên, nhiên vật liệu tăng cao dẫn đến chi phí logicstics, chi phí sản xuất, giá thành các gói thầu xây dựng tăng cao là một trong những nguyên nhân gây khó khăn, cản trở việc đẩy nhanh tiến độ giải ngân vốn đầu tư công. Rồi tỷ giá biến động nhanh, lãi suất tăng cao, chi phí vốn tăng gây khó cho doanh nghiệp trong tiếp cận vốn.

Việc các nền kinh tế lớn trên thế giới suy giảm tăng trưởng làm cho cầu hàng hóa xuất khẩu giảm, ảnh hưởng lớn đến kế hoạch tham gia sâu rộng và nâng cấp chuỗi giá trị toàn cầu của doanh nghiệp. Bên cạnh đó, thành quả xây dựng và củng cố nền tảng ổn định kinh tế vĩ mô, cơ cấu lại hệ thống tín dụng, xử lý nợ xấu đang gặp nhiều thách thức lớn do doanh nghiệp khó khăn, nợ xấu gia tăng…

Vậy trong bối cảnh bất định và đầy khó khăn, thử thách đó, chúng ta phải “ứng vạn biến” ra sao?

Thời gian qua, chúng ta thường dùng các cụm từ như “bất định”, “phức tạp”, ‘khó lường” để nhận định về bối cảnh kinh tế thế giới. Để ứng phó với sự bất định này, điều quan trọng là chúng ta phải nâng cao năng lực phân tích và dự báo, đồng thời chủ động xây dựng các biện pháp cải cách và điều hành kinh tế vĩ mô.

Bộ Kế hoạch và Đầu tư trong thời gian qua đã luôn nỗ lực để làm tốt nhiệm vụ này. Nhưng chúng tôi luôn tâm niệm rằng, không thể chỉ dừng ở tham mưu cách thức “ứng phó” với các thay đổi ở bối cảnh kinh tế quốc tế và trong nước, mà xác định phải đi trước một bước, với các tham mưu cải cách nhằm nâng cao năng lực nội tại, mức độ độc lập, tự chủ của nền kinh tế trong bối cảnh hội nhập quốc tế…

Phải nhìn nhận thẳng thắn, Việt Nam là một quốc gia đang trong hành trình đổi mới và hội nhập với thế giới, từng bước cố gắng thu hẹp khoảng cách và bắt kịp với các nước phát triển trong khu vực. Nền kinh tế của chúng ta có quy mô còn khá khiêm tốn, khả năng thích ứng, chống chịu trước những cú sốc đến từ bên ngoài còn hạn chế, nhưng lại có độ mở lớn, dễ bị ảnh hưởng từ các biến động, dù là nhỏ của thế giới.

Do đó, việc nâng cao năng lực chống chịu, tính tự cường của nền kinh tế, tạo tiền đề xây dựng một nền kinh tế độc lập, tự chủ gắn với chủ động, tích cực hội nhập quốc tế sâu rộng và hiệu quả có ý nghĩa đặc biệt quan trọng đối với nước ta trong tình hình mới. Đây là một định hướng, chủ trương nhất quán, được xác định rõ trong các nghị quyết, chiến lược, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội mà Đảng, Nhà nước đề ra.

Năm 2023 được dự báo có nhiều khó khăn, thách thức, nhưng Quốc hội đã quyết nghị mục tiêu tăng trưởng kinh tế 6,5%. Làm thế nào để chúng ta có thể đạt được mục tiêu này, thưa Bộ trưởng?

Ngay sau khi Quốc hội thông qua Nghị quyết về Kế hoạch Phát triển kinh tế - xã hội năm 2023 tại Kỳ họp thứ tư, Chính phủ đã khẩn trương chỉ đạo xây dựng các nghị quyết triển khai thực hiện kết luận của Ban Chấp hành Trung ương và Quốc hội về triển khai thực hiện kế hoạch năm 2023. Đầu tháng 1/2023, Chính phủ đã ban hành Nghị quyết số 01/NQ-CP về Nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu thực hiện Kế hoạch Phát triển kinh tế - xã hội, cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia năm 2023.

Trong bối cảnh tình hình thế giới, trong nước dự báo tiếp tục diễn biến phức tạp, khó lường, khó khăn, thách thức nhiều hơn, để đạt được các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội, cần quyết liệt, tập trung đẩy mạnh và triển khai nhanh hơn các nhóm nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm của năm 2023 trên tinh thần đoàn kết, kỷ cương; bản lĩnh, linh hoạt; đổi mới sáng tạo; kịp thời, hiệu quả.

Cần kiên định, nhất quán với với quan điểm, mục tiêu, định hướng chỉ đạo, điều hành của Đảng, Nhà nước. Đó là giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, thúc đẩy tăng trưởng, bảo đảm các cân đối lớn của nền kinh tế; điều hành đồng bộ, linh hoạt, hiệu quả, phối hợp chặt chẽ giữa chính sách tài khóa với chính sách tiền tệ và các chính sách vĩ mô, phù hợp với thực tiễn.

Cùng với đó, tiếp tục chú trọng, nâng cao công tác hoàn thiện thể chế, thực thi pháp luật, tạo điều kiện khơi thông, huy động và sử dụng hiệu quả mọi nguồn lực cho phát triển; tạo chuyển biến rõ nét trong thực hiện các đột phá chiến lược về thể chế, nguồn nhân lực và hệ thống kết cấu hạ tầng.

Đồng thời, tập trung cơ cấu lại nền kinh tế gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng, thúc đẩy khoa học - công nghệ, đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số; bảo đảm hài hòa giữa phát triển kinh tế, văn hóa - xã hội, bảo vệ môi trường; củng cố quốc phòng, an ninh, giữ vững ổn định, trật tự, an toàn xã hội để phát triển đất nước…

Nghị quyết số 01/NQ-CP đã đề ra 11 nhóm giải pháp trọng tâm, trong đó có việc cải cách thể chế, thúc đẩy giải ngân vốn vốn đầu tư công, tháo gỡ các điểm nghẽn về nguồn lực, cải thiện sức cạnh tranh…

Đây là những nhiệm vụ, giải pháp cần tập trung thực hiện. Cùng với việc đẩy mạnh 3 đột phá chiến lược, 12 nhóm nhiệm vụ giải pháp trọng tâm tại Chiến lược 10 năm, chúng ta sẽ không chỉ hóa giải khó khăn, thách thức trước mắt, mà còn nâng cao năng lực sản xuất trong nước, năng suất lao động, hiệu quả hoạt động, sức cạnh tranh, khả năng tự chống chịu của nền kinh tế trước các yếu tố, thách thức mới từ bên ngoài trong trung và dài hạn.

Để kinh tế Việt Nam đạt mục tiêu đề ra, cũng như để tiếp tục tăng tốc, phát triển, nhiều ý kiến đã chỉ ra rằng, cần tiếp tục tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, hỗ trợ khu vực doanh nghiệp phát triển. Bộ trưởng nghĩ sao về điều này?

Có thể nói, những ngày cuối năm 2022 và những tháng đầu năm 2023 tiếp tục là giai đoạn khó khăn của cộng đồng doanh nghiệp, đặc biệt là doanh nghiệp khu vực tư nhân trong nước. Hoạt động sản xuất - kinh doanh của khu vực này tiếp tục có khả năng bị thu hẹp, do áp lực về dòng tiền, lãi vay và thị trường xuất khẩu…

Thực hiện phương châm “Chính phủ đồng hành cùng doanh nghiệp”, để tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp nói riêng, cho nền kinh tế nói chung, Bộ Kế hoạch và Đầu tư sẽ tiếp tục kiến nghị Chính phủ giao các bộ, ngành liên quan tiếp tục triển khai quyết liệt, hiệu quả, thực chất, toàn diện Chương trình Phục hồi và Phát triển kinh tế - xã hội, trong đó có nhóm nhiệm vụ, giải pháp hỗ trợ phục hồi doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh; triển khai kịp thời các chính sách hỗ trợ có trọng tâm, trọng điểm cho doanh nghiệp.

Bên cạnh đó, Bộ cũng kiến nghị Chính phủ xem xét cho ý kiến và chỉ đạo đẩy mạnh thực hiện chính sách, rà soát, điều chỉnh nguồn lực từ các chính sách khó triển khai hoặc không thực hiện hết cho các chính sách còn dư địa, như chính sách hỗ trợ lãi suất 2%, chính sách hỗ trợ tiền thuê nhà...

Cùng với đó, tiếp tục phát triển lành mạnh thị trường chứng khoán, thị trường trái phiếu doanh nghiệp thành kênh huy động vốn quan trọng, an toàn cho doanh nghiệp…; hoàn thiện cơ chế, chính sách về trái phiếu doanh nghiệp, kịp thời tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, ổn định và phát triển lành mạnh, an toàn, hiệu quả thị trường trái phiếu doanh nghiệp; nghiên cứu, đề xuất giải pháp tiếp tục chính sách miễn, giảm, gia hạn thuế, phí, tiền sử dụng đất để giảm áp lực dòng tiền, hỗ trợ doanh nghiệp.

Đồng thời, tiếp tục phát triển và đa dạng hóa các kênh huy động vốn mới cho doanh nghiệp; phát triển những loại hình định chế tài chính trung gian mới; xem xét cho phép triển khai thí điểm tạo thêm lựa chọn cho nhà đầu tư và kênh hút vốn cho các doanh nghiệp.

Để tháo gỡ khó khăn cho khu vực doanh nghiệp, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đang trình Chính phủ Dự thảo Nghị quyết về một số chính sách, giải pháp trọng tâm hỗ trợ và phát triển doanh nghiệp đến năm 2025, bao gồm nhóm nhiệm vụ, giải pháp cần thực hiện ngay trong ngắn hạn và nhóm giải pháp trong dài hạn.

Điều quan trọng là cần giải quyết các điểm nghẽn, bất cập làm cản trở doanh nghiệp phát triển; cởi trói, giải phóng tiềm lực của các doanh nghiệp khu vực tư nhân. Đồng thời, đổi mới các chính sách, chương trình hỗ trợ doanh nghiệp để đảm bảo phù hợp với nhu cầu thực tế của doanh nghiệp và thị trường.

Dấu ấn kinh tế 2022, trông chờ kỳ tích năm 2023
Nền kinh tế Việt Nam đã phục hồi mạnh mẽ, với tốc độ tăng trưởng GDP lên tới 8,02%, thuộc diện cao nhất khu vực. Hàng loạt kỷ lục cũng đã...
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư