Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Bảy, Ngày 20 tháng 04 năm 2024,
Góc nhìn TTCK tuần 17-21/10: Cẩn trọng nguồn cung gia tăng ở vùng cản 1.075 điểm
Hải Trần - 16/10/2022 16:10
 
Mặc dù thị trường có nhịp hồi phục, tạo vùng hỗ trợ cân bằng mới 1.000-1.030 điểm, nhưng nhìn chung dòng tiền vẫn thận trọng khi VN-Index tiến vào vùng Gap giảm 1.062 – 1.075 điểm.

Chỉ số VN-Index test thành công ngưỡng hỗ trợ tâm lý mạnh quanh 1.000 điểm và hồi phục liên tiếp 3 phiên cuối tuần. Đóng tuần trong sắc xanh sau 5 tuần giảm điểm liên tiếp giúp giải tỏa tâm lý nhà đầu tư. Với diễn biến này, nhiều ý kiến cho rằng, thị trường đã kết thúc xu hướng giảm giá ngắn hạn tính từ khi áp dụng chu kỳ thanh toán T+2.

Tuy nhiên, trước nhiều yếu tố vĩ mô chưa có chuyển rõ ràng, và dòng tiền rụt rè, đặc biệt là tâm lý nhà đầu tư đang bị tổn thương sau nhịp giảm rất mạnh – thì việc phục hồi tuần qua chưa đủ để họ mạnh dạn giải ngân. Chính bởi vậy, nguồn cung có thể gia tăng trở lại quanh vùng cản mạnh 1.075 điểm và là áp lực cho thị trường.

Thực tế nhịp hồi phục này được đóng góp một phần từ cung hạ nhiệt sau giai đoạn gây áp lực liên tục trên thị trường (trong đó có hoạt động force sell của CTCK khi cổ phiếu giảm sâu, càng khiến đà giảm sâu hơn).

Ông Bùi Văn Huy, Giám đốc chi nhánh TP.HCM, CTCK DSC ước tính khi cao điểm lượng margin toàn thị trường khoảng 200.000 tỷ đồng, cuối quý 2 khoảng 140.000 tỷ đồng, dự tính cuối quý 3 vào khoảng 120.000 tỷ đồng, giảm 15% so với quý 2. Dự báo con số margin khó dưới 100.000 tỷ đồng vì nhiều khách hàng có dư nợ margin cao không trading, trong khi con số trước làn sóng F0 là khoảng 80.000 tỷ đồng.

Với dự báo như vậy, CTCK đều đưa lời khuyên cho nhà đầu tư không mua đuổi, quan sát kỹ và đề phòng rủi ro suy yếu từ vùng cản. Canh nhịp hồi để chốt lời vị thế ngắn hạn và cơ cấu danh mục theo hướng tăng quản trị rủi ro.

Xét về định giá, ông Huỳnh Minh Tuấn, Giám đốc Môi giới Hội sở Công ty Chứng khoán Mirae Asset, Nhà sáng lập Công ty cổ phần FIDT cho rằng,  P/E của thị trường đang về mức khoảng 11 lần (dĩ nhiên định giá sẽ thay đổi theo bối cảnh lãi suất), thấp hơn so với mặt bằng chung các thị trường trong khu vực như Thái Lan, Indonesia, Malaysia hoặc Ấn Độ.

Nhưng, thị trường đang bị thiếu dòng tiền. Song hành đó, quỹ đầu tư nước ngoài lớn cũng bị rút ra nên bắt buộc họ phải bán cổ phiếu ra thị trường nhiều. Xét về P/B của toàn thị trường đã rơi vào vùng khoảng 1,7 đến 1,8 lần, cũng là mức rẻ so với khu vực.

Ông Đỗ Bảo Ngọc, Phó Tổng Giám đốc CTCK Kiến thiết Việt Nam cho rằng, nhìn rộng ra nền kinh tế, xu hướng lãi suất tăng là rõ ràng, lãi suất tiền gửi và cho vay đều tăng. Trong điều kiện như vậy thì đã hút tiền khỏi các kênh đầu tư tài sản có nhiều rủi ro. Đây là yếu tố trọng yếu tác động đến dòng tiền, trước đây tiền rẻ, dồi dào, sẽ ưu tiên đầu tư, còn hiện nay, chi phí vốn đắt hơn thì đầu tư không còn là ưu tiên.

Trên bình diện chung của kinh tế thế giới là lạm phát cao, lãi suất tăng, tỷ giá phức tạp và thị trường chứng khoán thì giảm, nên dòng tiền cũng sẽ co lại, chọn lựa sự “an toàn”. Vĩ mô chưa cải thiện rõ ràng, vấn đề về trái phiếu còn nhiều e ngại, nên tâm lý chung của nhà đầu tư là có lãi bán ngay.

Ông Ngọc đánh giá, về cơ bản là biến động dòng tiền do các yếu tố vĩ mô tác động là lớn, nên thanh khoản chung trên thị trường hiện nay chủ yếu quanh 10.000 tỷ đồng, giảm mạnh so với trung bình năm 2021. Tâm lý thận trọng của nhà đầu tư trước các yếu tố vĩ mô thấy rất rõ.

Vậy bao giờ dòng tiền quay lại? Chỉ  khi vĩ mô có tín hiệu chuyển biển tích cực rõ hơn. Chính tâm lý thận trọng này, dòng tiền rút ra trước đó làm cho thanh khoản chung thị trường teo tóp. Xu hướng giảm thanh khoản vẫn có thể diễn ra. Thị trường sẽ rơi vào tình trạng chỉ số sideway kèm thanh khoản thấp, kéo dài cho đến khi vĩ mô chuyển biến rõ ràng, ông Ngọc nói.

Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư