Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Năm, Ngày 28 tháng 03 năm 2024,
Hoa Sen phát hành cổ phiếu ESOP giá chiết khấu 40,6%, nhưng vẫn “ế” hơn 2 triệu
Duy Bắc - 03/07/2022 09:24
 
CTCP Tập đoàn Hoa Sen (mã HSG - sàn HoSE) báo cáo kết quả phát hành cổ phiếu ESOP cho nhân viên.

Theo đó, Hoa Sen dự kiến phát hành 4.934.800 cổ phiếu ESOP với giá ưu đãi 10.000 đồng/cổ phiếu cho người lao động. Tuy nhiên, kết thúc thời gian đăng ký ngày 30/6, Công ty chỉ nhận được 2.930.800 cổ phiếu ESOP được đăng ký, chiếm 59,4% tổng lượng dự kiến chào bán và còn lại 2.004.000 cổ phiếu ESOP không thể chào bán, chiếm 40,6% tổng lượng cổ phiếu ESOP phát hành.

Hoa Sen dự kiến tiếp tục chào bán 1,97 triệu cổ phiếu cho những người lao động khác, thời gian chào bán chậm nhất đến ngày 4/7/2022. Đối với số cổ phiếu còn lại mà người lao động không đăng ký mua, hoặc nộp tiền, Công ty sẽ hủy.

Trước đó, để thu hút người lao động tham gia, Công ty đã kéo dài thời gian nộp tiền thêm 10 ngày, từ lịch cũ là ngày 3/6 đến 20/6 sang lịch mới từ ngày 3/6 đến 30/6. Mặc dù đã kéo dài thời gian, nhưng Công ty vẫn “ế” tới hơn 2 triệu cổ phiếu ESOP phát hành giá 10.000 đồng/cổ phiếu, thấp hơn 40,8% giá thị trường.

Được biết, cổ phiếu HSG liên tục lao dốc từ đầu năm tới nay. Cụ thể, từ ngày 7/3 đến 1/7, cổ phiếu HSG giảm 60,2% từ 42.450 đồng về 16.900 đồng/cổ phiếu và thuộc nhóm cổ phiếu giảm mạnh nhất sàn HoSE trong cùng thời gian.

Thêm nữa, Công ty TNHH Tập đoàn Đầu tư Hoa Sen - Công ty của ông Lê Phước Vũ, Chủ tịch HĐQT Hoa Sen vừa bán toàn bộ 17,75 triệu cổ phiếu HSG, tương ứng 3,6% vốn điều lệ để giảm sở hữu về 0% vốn điều lệ, giao dịch được thực hiện từ 23/6 đến 24/6 bằng hình thức giao dịch thỏa thuận.

Được biết, trong phiên giao dịch ngày 24/6, cổ phiếu HSG có 5 giao dịch thỏa thuận giá sàn. Trong đó, một lệnh 9 triệu cổ phiếu; một lệnh 5 triệu cổ phiếu; một lệnh hơn 2,6 triệu cổ phiếu; một lệnh hơn 0,6 triệu cổ phiếu; và một lệnh 0,5 triệu cổ phiếu. Như vậy, tổng cộng 5 lệnh đã có 17.749.301 cổ phiếu HSG được trao tay với giá sàn 14.100 đồng/cổ phiếu, tương ứng tổng giá trị gần 250,3 tỷ đồng.

Như vậy, nhiều khả năng Công ty của ông Lê Phước Vũ đã bán ra toàn bộ 17,75 triệu cổ phiếu HSG và mang về tổng số tiền 250,3 tỷ đồng.

Tận dụng cổ phiếu tăng nóng, nhóm lãnh đạo và tổ chức liên quan liên tục bán ra

Giao dịch cổ đông nội bộ HSG từ 1/10/2020 đến 30/10/2021 (Nguồn: BCTN).
Giao dịch cổ đông nội bộ HSG từ 1/10/2020 đến 30/10/2021. (Nguồn: BCTN).

Thực tế, đây không phải là lần duy nhất nhóm cổ đông liên quan lãnh đạo bán ra, ngay trong giai đoạn tăng nóng năm 2021, nhóm cổ đông liên quan ông Lê Phước Vũ liên tục bán ra cổ phiếu. Cụ thể, giai đoạn từ 25/11/2020 đến 2/1/2021, Công ty TNHH Tập đoàn Đầu tư Hoa Sen đã bán ra hơn 57 triệu cổ phiếu HSG để giảm sở hữu từ 16,45% về còn 3,63% vốn điều lệ; giai đoạn 11/8 đến 9/9/2021, ông Trần Ngọc Chu, Phó chủ tịch HĐQT bán 400.000 cổ phiếu để giảm sở hữu từ 0,34% về còn 0,26% vốn điều lệ; giai đoạn 7/10 đến 5/11/2021, ông Hồ Thanh Hiếu, Phó tổng giám đốc bán 400.000 cổ phiếu để giảm sở hữu từ 0,11% về còn 0,03% vốn điều lệ …

Thực tế, cổ phiếu HSG bắt đầu tăng từ 30/3/2020 và đạt đỉnh ngày 15/10/2021, tức tăng 11,3 lần từ 4.030 đồng lên 49.750 đồng/cổ phiếu và hiện tại, tính tới ngày 1/7, cổ phiếu HSG đã giảm hơn 66% từ đỉnh về 16.900 đồng/cổ phiếu nhưng cao hơn 3,19 lần so với đáy cuối tháng 3/2020.

Có thể thấy, tận dụng sự bùng nổ của thị trường chứng khoán và cổ phiếu tăng cao, nhóm ban lãnh đạo và tổ chức liên quan liên tục chốt lời dần cổ phiếu HSG và cổ phiếu này bước vào chu kỳ lao dốc mạnh.

Gió bắt đầu đổi chiều với Hoa Sen sau 2 năm tăng trưởng ấn tượng

Kể từ tháng 11/2021 tới nay, giá thép thế giới và trong nước có dấu hiệu đồng pha. Trong đó, giá thép thế giới đã giảm khoảng 24% từ 5.922 về 4.522 CNY/tấn và tiếp tục xu hướng giảm, điều này gây áp lực trích lập dự phòng giảm giá tồn kho và nhu cầu tiêu thụ yếu.

Theo nguồn tin từ Bloomberg, mặc dù giá thép thế giới liên tục giảm trong giai đoạn vừa qua nhưng các công ty sản xuất thép không thể đóng cửa các lò cao và phải hoạt động liên tục bởi vì khi ngừng hoạt động, phải mất khoảng 6 tháng mới có thể khởi động lại hoạt động, điều này dẫn tới kịch bản mặc dù dư cung nhưng thép vẫn tiếp tục được sản xuất, công ty sản xuất thép chỉ hạn chế bớt một phần sản lượng.

Việc giá thép liên tục giảm giá đã bắt đầu phản ánh vào tình hình kinh doanh của Hoa Sen. Theo đó, trong quý II (1/1 đến 31/3/2022), Hoa Sen ghi nhận doanh thu đạt 12.661,1 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế đạt 234,07 tỷ đồng, lần lượt tăng 16,7% và giảm 77,4% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, biên lợi nhuận gộp giảm mạnh từ 17,4% về chỉ còn 11,3%.

Mặc dù doanh thu vẫn tăng nhưng giá vốn tăng cao dẫn tới biên lợi nhuận gộp giảm mạnh, ngoài ra, chi phí tài chính, bán hàng và quản lý cũng tăng cao trong kỳ dẫn tới lợi nhuận giảm 77,4%.

Lũy kế 6 tháng đầu năm niên độ tài chính 2021-2022, Hoa Sen ghi nhận doanh thu đạt 29.594,7 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế đạt 872,4 tỷ đồng, lần lượt tăng 48,4% và giảm 47,8% so với cùng kỳ năm trước.

Có thể thấy, trong 6 tháng đầu năm, thay vì giữ tốc độ tăng trưởng mạnh như niên độ tài chính 2020-2021, Công ty lại cho thấy dấu hiệu bắt đầu bước vào chu kỳ suy giảm lợi nhuận. Hiện tại, nếu giá thép không đảo chiều tăng trở lại và nhu cầu không hồi phục, bức tranh lợi nhuận của nhóm ngành thép có thể tiếp tục tiêu cực tới cuối năm.

Đóng cửa phiên giao dịch ngày 1/7, cổ phiếu HSG tăng 800 đồng lên 16.900 đồng/cổ phiếu.

Cổ phiếu HSG giảm sâu, Công ty của Chủ tịch Lê Phước Vũ vẫn muốn thoái toàn bộ 17,75 triệu cổ phiếu
Định giá cổ phiếu CTCP Tập đoàn Hoa Sen (mã HSG - sàn HoSE) liên tục hạ thấp, nhưng Công ty của Chủ tịch HĐQT vẫn muốn thoái toàn bộ cổ phiếu.
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư