Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Bảy, Ngày 20 tháng 04 năm 2024,
Hội nghị Thủ tướng Chính phủ đối thoại với nông dân Việt Nam (lần thứ tư) tổ chức tại Sơn La
Hồng Hạnh - 23/05/2022 22:41
 
Ngày 29/5, Thủ tướng Phạm Minh Chính sẽ đối thoại với 300 nông dân tiêu biểu đại diện cho 12 triệu hộ hội viên nông dân cả nước, tại Trung tâm Hội nghị tỉnh Sơn La.

Tiếp sức, hỗ trợ nông dân

Chiều 23/5, tại Hà Nội, T.Ư Hội Nông dân Việt Nam phối hợp tỉnh Sơn La tổ chức họp báo công bố thông tin về chuỗi sự kiện: Hội nghị Thủ tướng Chính phủ đối thoại với nông dân; Festival trái cây và sản phẩm OCOP Việt Nam năm 2022; lễ khởi công và khánh thành các dự án kinh tế – xã hội tại tỉnh Sơn La.

Toàn cảnh buổi họp báo, chiều 23/5. (Ảnh: Minh Ngọc/ Dân Việt)

Ông Đinh Khắc Đính, Phó Chủ tịch Hội Nông dân Việt Nam nhấn mạnh: Đảng và Nhà nước ta xác định nông nghiệp, nông dân, nông thôn nước ta luôn có vị trí chiến lược đặc biệt quan trọng trong quá trình công nghiệp hoá, hiện đại hóa đất nước và hội nhập quốc tế; là cơ sở và lực lượng quan trọng để phát triển kinh tế xã hội bền vững; giữ vững ổn định chính trị, đảm bảo quốc phòng an ninh; giữ gìn và phát huy bản sắc văn hoá dân tộc, bảo vệ môi trường, sinh thái của đất nước. 

Trong những năm qua, các cấp Hội từ Trung ương đến cơ sở và cán bộ, hội viên nông dân luôn nỗ lực phấn đấu, khắc phục khó khăn, vượt qua thách thức, chung sức đồng lòng…, góp phần đưa nền nông nghiệp nước ta tiếp tục tăng trưởng bền vững; khẳng định vai trò là trụ đỡ của nền kinh tế và đảm bảo an sinh xã hội. 

Hội nghị Thủ tướng Chính phủ đối thoại với nông dân năm 2022 với chủ đề "Tiếp sức, hỗ trợ nông dân; thực hiện chiến lược phát triển nông nghiệp, nông thôn bền vững" là sự kiện chính trong chuỗi sự kiện, được tổ chức tại tỉnh Sơn La.

Ông Đinh Khắc Đính chia sẻ, đây là diễn đàn để các đại diện nông dân, các hợp tác xã nông nghiệp, doanh nghiệp, các tổ chức, cá nhân nhà khoa học hoạt động trên lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn trong cả nước trực tiếp phản ánh với Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ về những khó khăn, vướng mắc trong việc triển khai thực hiện các nhiệm vụ về phát triển nông nghiệp, nông dân, nông thôn. Đặc biệt là trong quá trình thực hiện tái cơ cấu nền nông nghiệp, phục hồi chuỗi cung ứng sau đại dịch Covid-19; việc thực hiện Chiến lược Phát triển nông nghiệp, nông thôn bền vững giai đoạn 2021 – 2030, tầm nhìn đến năm 2050.

Trên cơ sở đối thoại, đề xuất, kiến nghị những vấn đề về cơ chế, chính sách để Thủ tướng Chính phủ xem xét, ban hành và chỉ đạo các bộ, ngành có giải pháp nhằm tháo gỡ kịp thời để nông dân yên tâm khôi phục sản xuất, kinh doanh. 

Đồng thời tiếp tục phát huy sự sáng tạo của nông dân nhằm góp phần thực hiện thắng lợi mục tiêu phục hồi nền kinh tế trong và sau đại dịch Covid-19.

Phát biểu tại buổi họp báo, ông Nguyễn Văn Hoài, Phó Tổng biên tập báo Nông thôn Ngày nay cho biết, tiếp nối thành công của 3 Hội nghị Thủ tướng Chính phủ đối thoại với nông dân vào tháng 4/2018 tại tỉnh Hải Dương, tháng 12/2019 tại Cần Thơ và tháng 9/2020 tại Đắk Lắk, Trung ương Hội Nông dân Việt Nam chủ trì, phối hợp với tỉnh Sơn La tổ chức Hội nghị Thủ tướng Chính phủ đối thoại với nông dân Việt Nam (lần thứ tư) ngày 29/5/2022. Báo Nông thôn Ngày nay là cơ quan được giao tổ chức nội dung Hội nghị.

Hội nghị sẽ diễn ra dưới sự chủ trì của Thủ tướng Phạm Minh Chính, cùng 500 đại biểu có mặt trực tiếp tại Trung tâm Hội nghị tỉnh Sơn La, trong đó có 300 nông dân tiêu biểu đại diện cho 12 triệu hộ hội viên nông dân cả nước. Cùng với đó, Hội nghị còn có sự tham dự của lãnh đạo Tỉnh ủy, UBND tại 62 điểm cầu trên cả nước.

Hơn 1.600 câu hỏi, đề xuất, kiến nghị gửi tới Thủ tướng

Ban Tổ chức đã mở các kênh thông tin để gửi câu hỏi đến Thủ tướng Chính phủ, gồm Hội Nông dân các tỉnh, các hợp tác xã, chuyên gia, nhà khoa học... Và đến nay đã có hơn 1.600 câu hỏi, đề xuất, kiến nghị được gửi tới Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính.

Qua tổng hợp và báo cáo, nội dung các câu hỏi, đề xuất, kiến nghị tới Thủ tướng lần này tập trung vào một số nội dung chính như: Tình hình giá cả vật tư nông nghiệp như phân bón, thức ăn chăn nuôi, thuốc bảo vệ thực vật tăng cao do ảnh hưởng của dịch Covid-19 đang tác động nặng nề đến sản xuất nông nghiệp; 

Tình trạng sốt đất xảy ra ở nhiều địa phương, khiến không ít nông dân bán vườn, bán tư liệu sản xuất, nhiều ý kiến kiến nghị, cần siết chặt quản lý, sớm sửa đổi Luật Đất đai; Vấn đề về thúc đẩy liên kết, hợp tác, phát huy tốt hơn nữa vai trò của các hợp tác xã nông nghiệp; Vấn đề khó khăn về nguồn vốn cho sản xuất nông nghiệp; 

Tình trạng ô nhiễm môi trường ở nông thôn; Bảo tồn và phát huy các giá trị bản sắc văn hóa nông thôn; đặc biệt là các chính sách, chiến lược liên quan đến việc phát triển nông nghiệp, nông thôn bền vững, căn cơ...

Theo Ban Tổ chức, dự kiến tại Hội nghị, Thủ tướng Chính phủ sẽ trực tiếp gặp gỡ, đối thoại và trao đổi trên tinh thần cởi mở, thẳng thắn với đại diện 300 nông dân tiêu biểu; với đại diện Hội Nông dân các cấp. 

Bên cạnh đó, điểm mới của Hội nghị năm nay, đó là Thủ tướng cũng sẽ đối thoại, trao đổi với các HTX, các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn; các chuyên gia, nhà khoa học.

Tại Hội nghị lần này, Trung ương Hội Nông dân Việt Nam cũng đưa ra các đề xuất, kiến nghị lớn với Thủ tướng và Chính phủ, gồm: Một số định hướng lớn về chính sách tạo điều kiện cho bộ phận cư dân nông thôn chuyển thành công nhân có thể trở thành thị dân. Chủ trương, giải pháp phát triển đô thị ngay tại nông thôn, hình thành những vùng quê đáng sống, để người nông dân “ly nông không ly hương”.

Bên cạnh đó, vấn đề đào tạo, bồi dưỡng, huấn luyện nông dân đủ tri thức, văn hóa, kỹ năng sản xuất nông nghiệp để thực hiện được vai trò chủ thể của mình trong chuyển đổi số nông nghiệp; Định hướng lại vấn đề về chăn nuôi gia công khi người nông dân hưởng lợi quá ít trong chuỗi giá trị này; Vấn đề về tăng cường các giải pháp, chính sách để tăng tỷ lệ xuất khẩu nông sản chính ngạch; Phong trào khởi nghiệp trong nông nghiệp; Đẩy mạnh nghiên cứu khoa học công nghệ trong nông nghiệp, nhất là đối với giống cây trồng, vật nuôi...

Festival trái cây và sản phẩm OCOP Việt Nam có quy mô 500 gian hàng

Cũng tại họp báo, ông Nguyễn Thành Công, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Sơn La cho biết, lễ khai mạc Festival trái cây và sản phẩm OCOP Việt Nam sẽ diễn ra tại Quảng trường Tây Bắc. 

Quy mô Festival dự kiến khoảng 500 gian hàng chia thành các khu vực: “Nông sản Việt và sản phẩm OCOP - vươn ra Thế giới”; Triển lãm “Thành tựu phát triển nông nghiệp Việt Nam”; Triển lãm “Thành tựu phát triển kinh tế - xã hội và tiềm năng phát triển của tỉnh Sơn La”... 

Mỗi tỉnh, thành phố sẽ tham gia 1-2 gian hàng, trưng bày các sản phẩm trái cây đặc hữu và sản phẩm OCOP đặc trưng của địa phương.

Tại Festival còn có các sự kiện như: Hội nghị Kết nối tiêu thụ, xuất khẩu xoài và nông sản Sơn La năm 2022; Triển lãm “Con đường nông sản”; không gian văn hoá “Ẩm thực miền sơn cước”; Hội chợ triển lãm trực tuyến; tiêu thụ nông sản và sản phẩm OCOP trên sàn thương mại điện tử; Cuộc thi “Tạo hình nghệ thuật từ hoa và trái cây”, “Ảnh đẹp về trái cây”...

Ban Tổ chức cho hay, nhân dịp này, dự kiến Thủ tướng sẽ tham dự lễ khởi công dự án Thiên đường sữa Mộc Châu, khánh thành cầu kính Bạch Long (huyện Mộc Châu); thăm mô hình sản xuất nông nghiệp tiêu biểu xã Hát Lót, thăm tiến độ xây dựng và đầu tư Tổ hợp chế biến rau quả Doveco, dự án chế biến rau quả lớn nhất tỉnh Sơn La tại huyện Mai Sơn; thăm Cảng hàng không Nà Sản. 

Ông Nguyễn Thành Công kỳ vọng qua chuỗi sự kiện, tỉnh sẽ quảng bá được con người và các sản phẩm của Sơn La; kết nối giữa tỉnh Sơn La với các tỉnh trong cả nước để hỗ trợ, tiêu thụ các sản phẩm nông sản, trái cây; hỗ trợ để thu hút đầu tư và phát triển nông nghiệp theo hướng công nghệ cao, bền vững; quảng bá, giới thiệu sản phẩm ra thị trường thế giới…

Phát triển 10.000 sản phẩm OCOP quốc gia đến năm 2025
Đến năm 2025, chương trình phấn đấu ít nhất 10.000 sản phẩm OCOP được công nhận đạt từ 3 sao trở lên, trong đó có khoảng 400 - 500 sản phẩm OCOP...
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư