Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Sáu, Ngày 29 tháng 03 năm 2024,
Italy có thể tránh được suy thoái kinh tế
T.T - 14/03/2023 20:34
 
Italy có khả năng tránh được suy thoái kinh tế, mặc dù bị ảnh hưởng bởi giá năng lượng và lạm phát cao kỷ lục, khi các số liệu kinh tế mới nhất đưa ra bức tranh lạc quan hơn.
Người dân di chuyển trên đường phố tại Rome, Italy. Ảnh: AFP/ TTXVN
Người dân di chuyển trên đường phố tại Rome, Italy. Ảnh: AFP/ TTXVN

Theo số liệu mới nhất vừa được Cơ quan Thống kê quốc gia Italy (ISTAT) công bố, chỉ số giá sản xuất tại Italy trong tháng 1/2023 đã giảm 7,5% so với tháng 12/2022, nhưng tăng 11,1% so với cùng kỳ năm 2022.

Tuy nhiên, số liệu tháng 1/2023 là sự cải thiện rõ rệt so với tháng 12/2022, khi chỉ số PPI tăng 31,7% so với cùng kỳ năm trước đó.

Trước đó, Chủ tịch Cơ quan Xúc tiến thương mại Italy (ICE) Matteo Zoppas cho biết rằng xuất khẩu hiện chiếm 32% GDP của nước này, với 625 tỷ euro trong năm 2022, tăng 20% so với năm trước, nhờ mức tăng mạnh của hàng hóa trung gian và không dùng bền. Có khoảng 112.000 công ty Italy sản xuất cho thị trường xuất khẩu.

Suy thoái kinh tế được định nghĩa rộng rãi là Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) hai quý liên tiếp giảm và nền kinh tế lớn thứ ba Khu vực sử dụng đồng euro (Eurozone) trong quý IV/2022 đã giảm 0,1% so với 3 tháng trước đó.

Hồi tháng 11/2022, Bộ Tài chính Italy dự báo GDP của nước này sẽ giảm hai quý liên tiếp, nhưng hiện đã điều chỉnh dự báo sang tăng trưởng trong quý I/2023, khi chính phủ tập trung vào việc giảm thiểu rủi ro suy thoái. Tỷ lệ tăng trưởng năm 2023 hiện được dự báo ở mức gần 1%, tăng so với mục tiêu 0,6% được đặt ra vào tháng 11/2022.

Tuy nhiên, Bộ trưởng Kinh tế Giancarlo Giorgetti đã cảnh báo rằng việc tăng lãi suất của Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) sẽ đặt ra "những vấn đề nghiêm trọng" đối với các quốc gia có nợ cao như Italy. Chính sách tiền tệ của ECB nhằm chống lạm phát "đang dẫn đến việc tăng lãi suất chưa từng thấy trong một thế giới đã quen với lãi suất bằng 0 hoặc lãi suất âm" và điều này "sẽ gây ra những vấn đề nghiêm trọng đối với các quốc gia mắc nợ cao như Italy".

Ngân sách năm 2023 của Italy đã dành hơn 21 tỷ euro (22,4 tỷ USD) để giúp các công ty và hộ gia đình thanh toán hóa đơn điện và khí đốt trong quý đầu tiên của năm nay. Với việc ECB tăng lãi suất, Bộ trưởng Giorgetti cho rằng Italy nên tiếp tục thực hiện chính sách tài khóa "thận trọng và có trách nhiệm" để giảm nợ công.

Nợ công của Italy - từng cao nhất trong Eurozone sau Hy Lạp - đã giảm xuống 144,7% GDP vào năm 2022 so với mục tiêu của chính phủ là 145,7% GDP.

Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư