Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Năm, Ngày 25 tháng 04 năm 2024,
Kiểm soát lạm phát ở mức phù hợp để tạo dư địa điều hành tăng trưởng kinh tế
Nguyễn Lê - 18/09/2022 14:35
 
Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2023 xác định phấn đấu kiểm soát lạm phát ở mức phù hợp để tạo dư địa điều hành tăng trưởng kinh tế.
.
Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Trần Quốc Phương trình bày tham luận.

Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Trần Quốc Phương cho biết trong kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2023, phấn đấu kiểm soát lạm phát ở mức phù hợp để tạo dư địa điều hành tăng trưởng kinh tế.

Bối cảnh quốc tế, tổng quan kinh tế - xã hội Việt Nam năm 2022 và triển vọng năm 2023 là nội dung được ông Trần Quốc Phương trình bày tại Diễn đàn Kinh tế - xã hội 2022, trong phiên toàn thể chiều 18/9.

Dự báo bối cảnh quốc tế, trong nước năm 2023, Thứ trưởng nêu rõ, trong nước, nền kinh tế tiếp tục phục hồi, nhưng tăng trưởng kinh tế khả năng sẽ khó khăn hơn trong quý IV/2022 và năm 2023; xu hướng chung của nhiều tổ chức quốc tế là nâng dự báo tăng trưởng năm 2022 nhưng cũng đồng thời hạ dự báo tăng trưởng năm 2023 của Việt Nam.

WB dự báo GDP nước ta tăng 7,5% năm 2022 và 6,7% năm 2023. IMF dự báo tăng trưởng của Việt Nam năm 2022 là 7% (tăng so với mức dự báo 6% tại thời điểm 16/5/2022), năm 2023 là 6,7% (giảm so với mức dự báo 7,2% vào thời điểm 16/5/2022), Thứ trưởng thông tin.

Vẫn ở bối cảnh trong nước, theo Thứ trưởng, hoạt động sản xuất, kinh doanh tiếp tục khởi sắc; nguồn vốn đầu tư công từ Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội, 3 Chương trình mục tiêu quốc gia được đẩy mạnh giải ngân. Ổn định kinh tế vĩ mô được giữ vững, môi trường đầu tư kinh doanh tiếp tục được cải thiện, là cơ sở tích cực cho tăng trưởng và phát triển.

Tuy nhiên, với độ mở kinh tế lớn, trong khi tính tự chủ của nền kinh tế, năng lực sản xuất trong nước còn hạn chế, rủi ro, thách thức tới tăng trưởng kinh tế, ổn định kinh tế vĩ mô của nước ta là rất lớn. Khó khăn, thách thức ngày càng tăng, nhất là áp lực lạm phát, tăng chi phí sản xuất, rủi ro về chuỗi cung ứng; nhu cầu các thị trường xuất khẩu lớn, truyền thống suy yếu; khả năng cạnh tranh, bảo vệ và giữ ổn định thị trường trong nước; điều chỉnh chính sách của các nền kinh tế, đối tác thương mại, đầu tư chủ yếu của nước ta; diễn biến bất thường thiên tai, dịch bệnh, bão lũ, an ninh nguồn nước…

Một số nội dung chủ yếu về kế hoạch phát triển kinh tế , xã hội năm 2023 cũng được ông Trần Quốc Phương báo cáo tại diễn đàn.

Thứ trưởng cho biết, thực hiện nhiệm vụ được giao, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đang tham mưu, xây dựng Kế hoạch năm 2023.

Kế hoạch này dự kiến xác định 15 chỉ tiêu phát triển kinh tế, xã hội, trên cơ sở bám sát các mục tiêu phát triển trong cả giai đoạn 2021-2025, dự báo khả năng đạt được năm 2022, phấn đấu kiểm soát lạm phát ở mức phù hợp để tạo dư địa điều hành tăng trưởng kinh tế, hỗ trợ và phát triển lao động - việc làm, phát triển các lĩnh vực xã hội, tiếp tục nâng cao đời sống người dân.

Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã phối hợp với các bộ, cơ quan và địa phương xác định các nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm cuối năm 2022 và 12 nhóm nhiệm vụ, giải pháp năm 2023, Thứ trưởng cho hay.

"Trong bối cảnh khó khăn, thách thức nêu trên, càng phải nỗ lực, quyết tâm cao nhất để thực hiện nhanh, hiệu quả, thực chất, toàn diện các Nghị quyết của Quốc hội, Chính phủ, Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế, xã hội, Chương trình phòng, chống dịch Covid-19 (2022-2023); chủ động ứng phó linh hoạt, kịp thời với các tình huống phát sinh, đồng thời tập trung vừa xử lý các vấn đề tồn đọng, kéo dài, vừa thực hiện hiệu quả các giải pháp căn cơ trong trung và dài hạn để phấn đấu đạt các mục tiêu phát triển 05 năm đề ra; bảo đảm hài hòa, gắn kết chặt chẽ giữa việc thực hiện các giải pháp để vừa phục hồi, thúc đẩy tăng trưởng vừa giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, bảo đảm các cân đối lớn", ông Phương nói.

Đồng thời, Thứ trưởng nêu rõ, cần tiếp tục quan tâm, đẩy mạnh phát triển các lĩnh vực văn hóa, xã hội; hỗ trợ kịp thời cho người dân, người lao động, nhất là người nghèo, người thu nhập thấp, đối tượng yếu thế để ổn định và nâng cao đời sống; tiếp tục củng cố, giữ vững quốc phòng, an ninh, hội nhập quốc tế toàn diện, sâu rộng.

"Trong tổ chức thực hiện, cần theo dõi sát tình hình, chủ động trong công tác dự báo, tham mưu, điều hành; phối hợp hiệu quả giữa chính sách tài khóa, tiền tệ, thương mại, điều hành giá và các chính sách vĩ mô khác. Phản ứng chính sách nhanh, có trọng tâm, trọng điểm, hiệu quả, kịp thời, tính đến độ trễ trong xây dựng, trình cấp có thẩm quyền ban hành, tổ chức thực hiện và thời gian tác động của chính sách", lãnh đạo Bộ Kế hoạch và Đầu tư nói.

Về tình hình phát triển kinh tế, xã hội năm 2022, Thứ trưởng khái quát, nền kinh tế có bước phục hồi tích cực ngay từ đầu năm 2022, tăng trưởng GDP 6 tháng ước tăng 6,42% so với cùng kỳ, theo một số dự báo cả năm 2022 có khả năng sẽ đạt 7%.

Cũng trong phiên chiều 18/9, Diễn đàn sẽ nghe ông Andrea Coppola, Chuyên gia Kinh tế trưởng Ngân hàng Thế giới (WB) tại Việt Nam trình bày về Động lực tăng trưởng kinh tế Việt Nam năm 2022 – những đề xuất phát triển kinh tế xanh và kinh tế số.

TS. Cấn Văn Lực, Chuyên gia Kinh tế trưởng BIDV trình bày về "Nâng cao năng lực chống chịu, tính tự cường của nền kinh tế và thúc đẩy phục hồi, phát triển kinh tế - xã hội".

Tiếp đó, chủ đề của phiên toạ đàm toàn thể cũng chính là chủ đề của Diễn đàn: Củng cố nền tảng kinh tế vĩ mô, thúc đẩy phục hồi và phát triển bền vững.

Sau toạ đàm, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ sẽ phát biểu bế mạc Diễn đàn. 

Ngân hàng Nhà nước đã tính giải pháp gỡ tiến độ cho gói hỗ trợ lãi suất 2%
Ông Phạm Thanh Hà, Phó thống đốc Ngân hàng Nhà nước thừa nhận có e ngại từ các ngân hàng thương mại trong thực hiện gói hỗ trợ lãi suất 2%,...
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư