Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Sáu, Ngày 29 tháng 03 năm 2024,
M&A ngân hàng sẽ nóng
Vân Linh - 24/08/2022 09:22
 
Thị trường ngân hàng đang chờ đợi những thương vụ bán cổ phần tỷ đô cho đối tác ngoại.
Hoạt động M&A lĩnh vực tài chính - ngân hàng sẽ rất “nóng” trong thời gian tới.

Chờ thương vụ tỷ USD

HDBank đề nghị Đại hội đồng cổ đông phê duyệt chủ trương góp vốn điều lệ với mức không quá 9.000 tỷ đồng vào một ngân hàng thương mại được chuyển giao bắt buộc. Như vậy, sau Đại Á (DaiABank), thêm một ngân hàng sắp về chung nhà với HDBank.

Cụ thể, 9.000 tỷ đồng này sẽ góp vào thời điểm chuyển giao bắt buộc. Sau đó, HDBank sẽ tiếp tục góp vốn phù hợp với lộ trình của phương án nhận chuyển giao bắt buộc được phê duyệt. Ngân hàng thương mại được chuyển giao bắt buộc sẽ hoạt động dưới hình thức ngân hàng trách nhiệm hữu hạn một thành viên do HDBank là chủ sở hữu 100% vốn điều lệ, là pháp nhân độc lập với HDBank, không thực hiện hợp nhất báo cáo tài chính.

Đánh giá thương vụ này, Công ty cổ phần Chứng khoán SSI nhận định, HDBank được khá nhiều lợi ích khi nhận chuyển giao bắt buộc một tổ chức tín dụng, như sẽ được Ngân hàng Nhà nước (NHNN) ưu đãi bổ sung hạn mức tăng trưởng tín dụng hằng năm và các khoản hỗ trợ khác theo quy định của Luật Các tổ chức tín dụng, giúp ngân hàng có cơ hội bứt phá để tăng trưởng quy mô cao hơn.

Thực tế cho thấy, ngay ở những tháng đầu năm 2022, thị trường Việt Nam đã chứng kiến hàng loạt thương vụ mua bán - sáp nhập (M&A) đình đám của ngành tài chính - ngân hàng. Trong đó, không thể không nhắc tới VPBank.

Đầu tiên là việc nhà băng này muốn bán 15% cổ phần cho đối tác nước ngoài. Theo đó, VPBank đã nâng tỷ lệ sở hữu tối đa của nhà đầu tư nước ngoài từ mức 15% lên 17,607% vốn điều lệ. Dù chưa tiết lộ cụ thể về thời gian hoàn thành kế hoạch bán vốn, nhưng đại diện ngân hàng này cho biết sẽ sớm thực hiện trong năm 2022.

Trước đó, việc SMBC chấm dứt liên minh với Eximbank khiến thị trường đồn đoán rằng, nhà đầu tư Nhật Bản này cũng sẽ thoái 15% vốn tại Eximbank để mở đường rót vốn vào VPBank - nhất là sau khi mối quan hệ hai bên trở nên gắn bó sau thương vụ SMBC hoàn tất mua 49% cổ phần của FE Credit.

Ngoài ra, thương vụ M&A giá trị tỷ đô khác có thể diễn ra thời gian tới là việc Vietcombank chào bán riêng lẻ 6,5% vốn, mà nếu thành công sẽ thu về xấp xỉ 30.000 tỷ đồng. Đây là kế hoạch được Vietcombank đặt ra từ lâu, nhưng vẫn chưa hoàn tất.

M&A ngân hàng sẽ nóng

Ông Yoshizawa Toshiki, thành viên Hội đồng Quản trị Ngân hàng OCB, đại diện đối tác chiến lược Nhật Bản (Aozora) cho rằng, M&A sẽ tăng trưởng rất mạnh sau giai đoạn ảnh hưởng do đại dịch Covid-19. Trong đó, hoạt động M&A lĩnh vực tài chính - ngân hàng sẽ rất “nóng” trong thời gian tới. Điều quan trọng để thu hút nhà đầu tư nước ngoài ở lĩnh vực này là cần nới room ngoại.

Chính phủ Việt Nam có những chính sách như cổ phần hóa các doanh nghiệp, ngân hàng quốc doanh, hay tái cơ cấu các ngân yếu kém, thiếu vốn, không đạt chuẩn và đây chính là cơ hội để cho các tổ chức nước ngoài tham gia đầu tư. Hiện đã có 3 ngân hàng lớn nhất của Nhật Bản đầu tư vào các ngân hàng Việt Nam, trở thành cổ đông chiến lược nước ngoài tại Vietcombank, VietinBank, Eximbank. Aozora là ngân hàng Nhật Bản thứ 4 đầu tư vào ngân hàng Việt Nam, khi nắm 15% cổ phần OCB và kỳ vọng nâng thêm tỷ lệ sở hữu tại nhà băng này nếu được nới room ngoại.

“Các ngân hàng cỡ trung, vừa của Nhật Bản đang tìm hiểu nhiều về thị trường tài chính, M&A tại Việt Nam”, ông Yoshizawa nói và cho rằng, không chỉ riêng Aozora, mà các nhà đầu tư Nhật Bản khác đều mong muốn Việt Nam nới thêm room ngoại trong lĩnh vực ngân hàng để có thêm cơ hội đầu tư vào lĩnh vực này.

Trong Báo cáo Các xu hướng M&A toàn cầu 2022, PwC nhận định, các hoạt động M&A dự kiến tiếp tục tăng trưởng mạnh mẽ. Trong đó, các thương vụ trong lĩnh vực tài chính - ngân hàng được dự báo sẽ nở rộ với sự tham gia của các tổ chức tài chính nước ngoài.

TS. Cấn Văn Lực, chuyên gia kinh tế trưởng của BIDV cho rằng, xu thế chuyển đổi số đang ngày càng mạnh mẽ trong nền kinh tế và các doanh nghiệp cũng đang đẩy nhanh tốc độ chuyển đổi, các mô hình kinh doanh mới xuất hiện nhiều hơn dẫn tới mức độ cạnh tranh ngày càng cao. Điều này cũng ảnh hưởng và dẫn dắt xu thế M&A của các tổ chức trên thị trường tài chính, ngân hàng.

Để tăng sức hấp dẫn thu hút nhà đầu tư ngoại tham gia các thương vụ M&A trong lĩnh vực ngân hàng, các chuyên gia cũng khuyến nghị nên xem xét nới room ngoại tại các ngân hàng trong nước. Việc này vừa giúp ngân hàng tăng vốn, vừa giúp các nhà đầu tư nước ngoài có thể an tâm đầu tư mạnh mẽ hơn vào Việt Nam.

Cổ phiếu ngân hàng “hút” nhà đầu tư
Cổ phiếu ngân hàng dần “hot” trở lại trong thời gian gần đây khi nhiều phiên phủ xanh thị trường, thanh khoản cải thiện đáng kể
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư