Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Tư, Ngày 17 tháng 04 năm 2024,
Ngân hàng ồ ạt báo lãi năm 2022, kết quả ra sao?
Thùy Vinh - 20/01/2023 16:19
 
Hiện nhiều ngân hàng đã công bố báo cáo tài chính 2022, với kết quả lợi nhuận khả quan nhờ giảm được chi phí dự phòng trong năm qua.

Lợi nhuận tăng nhờ giảm chi phí dự phòng

Ngân hàng TMCP Xuất Nhập Khẩu (Eximbank: mã CK EIB) vừa công bố báo cáo tài chính quý IV/2022, ghi nhận lợi nhuận trước thuế năm qua đạt 3.709 tỷ đồng, gấp 3 lần năm 2021.Phần lớn các mảng kinh doanh của Eximbank có lãi tích cực trong năm qua. Trong đó, thu nhập lãi thuần tăng tới 59% so với cùng kỳ, đạt 5.592 tỷ đồng. Lãi từ hoạt động dịch vụ đạt 514 tỷ đồng, tăng 19%, lãi từ kinh doanh ngoại hối tăng 54% lên 606 tỷ đồng.

Lãi từ hoạt động khác tăng 68% lên 428 tỷ đồng, trong đó chủ yếu là xử lý và thu hồi nợ. Lãi từ hoạt động mua bán chứng khoán kém khả quan hơn, đạt 87 tỷ đồng, giảm 12% so với cùng kỳ.

Tổng thu nhập hoạt động của Eximbank đạt 7.233 tỷ đồng, tăng 53,6% so với năm trước. Chi phí hoạt động tăng 36% lên 3.420 tỷ đồng. Theo đó, tỷ lệ CIR (chi phí/tổng thu nhập) có sự cải thiện đáng kể, giảm từ 53% xuống 47%.

Sở dĩ Eximbank báo lãi đột biến trong năm nay là nhờ giảm chi phí dự phòng so với cùng kỳ, do những năm trước ngân hàng đã trích lập cao, và chất lượng tài sản có xu hướng chuyển biến tốt hơn. Cụ thể, chi phí dự phòng rủi ro của Eximbank trong năm 2022 chỉ ở mức 103 tỷ đồng, giảm tới 90% so với cùng kỳ.

Từ đó, lợi nhuận trước thuế Eximbank đạt 2.504 tỷ đồng, lãi ròng là 1.980 tỷ đồng. Theo kế hoạch được ĐHCĐ thường niên 2022 thông qua, Eximbank đặt mục tiêu lợi nhuận trước thuế 2.500 tỷ đồng năm 2022. Như vậy, ngân hàng đã hoàn thành vượt kế hoạch cả năm.

Tính đến 31/12/2022, tổng tài sản Eximbank đạt 185.045 tỷ đồng, tăng 11,6% so với cuối năm 2021. Dư nợ cho vay khách hàng tăng 14% lên 129.196 tỷ đồng, tiền gửi khách hàng tăng 8,2% lên 148.614 tỷ đồng.

Nợ xấu của Eximbank ở con số 2.346 tỷ đồng, tăng 99 tỷ đồng so với cuối năm 2021, tương đương tăng 4,4% - mức tăng thấp hơn nhiều so với tốc độ tăng trưởng tín dụng. Theo đó, tỷ lệ nợ xấu có sự cải thiện, giảm từ 1,96% xuống 1,8%.

Hội đồng quản trị (HĐQT) Eximbank đã chấp thuận đề xuất của ban điều hành ngân hàng về kế hoạch kinh doanh năm 2023 với lợi nhuận trước thuế ước đạt 5.000 tỷ đồng. Đồng thời, Ban điều hành Eximbank cũng ước tính tổng tài sản đến cuối năm 2023 ở mức khoảng 210.000 tỷ đồng, tăng 14% so với cuối năm 2022.

Trong đó, dư nợ cấp tín dụng đạt 146.600 tỷ, tăng 14%. Với số dư nợ tín dụng kể trên, ban điều hành Eximbank dự kiến kiểm soát tỷ lệ nợ xấu nội bảng dưới 1,6%, thấp hơn so với mức 1,7% vào cuối năm nay. Huy động vốn ước tính tăng 11,8% lên khoảng 165.000 tỷ đồng.

VIB cũng vừa công bố kết quả kinh doanh năm 2022 với lợi nhuận trước thuế đạt hơn 10.580 tỷ đồng, tăng 32% so với năm trước. Hiệu suất Lợi nhuận trên Vốn chủ sở hữu (ROE) liên tục đạt trên 30%.Kết quả kinh doanh vượt trội, dẫn đầu ngành về an toàn và hiệu quả

Kết thúc năm 2022, VIB đạt kết quả lợi nhuận trước thuế hơn 10.580 tỷ đồng, tăng trưởng 32% so với năm trước. Kết quả tăng trưởng lợi nhuận ấn tượng đến từ các mảng kinh doanh cốt lõi, đặc biệt là ngân hàng bán lẻ. Cụ thể, tổng doanh thu tăng trưởng 21%, tiếp tục cao hơn tỷ lệ tăng trưởng chi phí hoạt động 17%, góp phần giảm tỷ lệ chi phí hoạt động trên doanh thu (CIR) của VIB xuống còn 34%, thuộc nhóm ngân hàng bán lẻ có hiệu quả quản trị chi phí tốt nhất.

Tại ngày 31/12/2022, tổng tài sản của VIB đạt hơn 343 nghìn tỷ đồng. Trong đó, dư nợ tín dụng đạt 234 nghìn tỷ đồng, tăng trưởng 14,5%, riêng tiền gửi huy động từ khách hàng tăng trưởng hơn 15,3% đến từ việc gia tăng mạnh mẽ cơ sở khách hàng bán lẻ chất lượng. Biên lãi ròng (NIM) đạt mức 4,5% nhờ chiến lược tập trung vào bán lẻ và nguồn vốn huy động trung dài hạn chất lượng, đồng thời duy trì tính ổn định của thanh khoản và lãi suất trong bối cảnh thị trường có nhiều biến động.

Hiệu quả sinh lời (ROE) của VIB thuộc top đầu ngành với 3 năm liên tục đạt mức trên 30%. Hệ số an toàn vốn (CAR) theo Basel II đạt 12,7%, cao hơn đáng kVIB: Lợi nhuận năm 2022 tăng 32%, ROE liên tục đạt trên 30%.

Lợi nhuận VIB tăng trưởng trong năm qua, một phần nhờ dự phòng rủi ro giảm mạnh 22%. Riêng quý IV/2022, dự phòng rủi ro giảm đến 52% (từ mức trên 732 tỷ đồng xuống còn hơn 353 tỷ đồng). Về chất lượng nợ vay, tổng nợ xấu tính đến cuối năm 2022 tăng 22% so với đầu năm, chiếm 5,687 tỷ đồng trong tổng dư nợ. Kết quả, tỷ lệ nợ xấu trên dư nợ vay tăng từ mức 2.32% đầu năm lên 2.45%.

TPBank báo lợi nhuận tăng 30% trong năm 2022, đạt gần 7.900 tỷ đồng trước thuế nhờ gia tăng thu nhập phí và sự phục hồi của khách hàng được giãn nợ trong thời kỳ dịch bệnh nên dự phòng rủi ro giảm. Nhưng nếu so với kế hoạch đại hội cổ đông thường niên 2022 giao ngân hàng này vẫn chưa đạt kế hoạch lợi nhuận năm đưa ra là 8.200 tỷ đồng.

Phía ngân hàng cho biết, mức lợi nhuận trên đến từ việc gia tăng dịch vụ bảo lãnh và tài trợ thương mại để tăng thu nhập từ phí. Ngoài ra, sự phục hồi của khách hàng được giãn nợ trong thời kỳ dịch bệnh góp phần gia tăng nguồn thu của ngân hàng. Trích lập dự phòng rủi ro cũng thấp hơn các năm trước.

Cụ thể, thu nhập lãi thuần của ngân hàng đạt gần 11.387 tỷ đồng, tăng 14% so với cùng kỳ. Các khoản thu nhập ngoài lãi của TPBank cũng tăng mạnh 18,4% lên hơn 4.200 tỷ đồng, phần lớn được hỗ trợ bởi nguồn thu đáng kể từ hoạt động dịch vụ với 2.692 tỷ đồng (tăng 75% so với cùng kỳ). Cùng với đó, lãi thuần từ kinh doanh ngoại hối và hoạt động kinh doanh khác tăng lần lượt 10% và 186% so với năm 2021. Trong khi đó, lãi thuần từ chứng khoán đầu tư giảm 70%.

Nhưng cả năm 2022, chi phí dự phòng của TPBank giảm 37% xuống còn 1.884 tỷ đồng. Riêng trong quý IV, chi phí dự phòng rủi ro của ngân hàng giảm đến 80% từ 560 tỷ xuống còn 115 tỷ đồng. 

Tính đến 31/12/2022, tổng tài sản của TPBank đạt hơn 328.600 tỷ đồng, tăng 12,2% so với đầu năm. Trong đó cho vay khách hàng tăng 14% lên gần 161.000 tỷ đồng, dự phòng rủi ro cho vay tăng 3,8%. Tiền gửi khách hàng tăng mạnh 40% lên gần 195.000 tỷ.
Về chất lượng tín dụng, nợ xấu của TPBank tính đến cuối năm 2022 là 1.357 tỷ đồng, chiếm 0,84% tổng dư nợ, tăng 17,3% so với đầu năm. Chủ yếu do nợ nhóm 5 tăng gần 70% lên 505 tỷ đồng.

Trước đó, Vietcombank lợi nhuận trước thuế riêng lẻ năm 2022 tăng 39% so 2021 (khoảng 36.774 tỷ đồng, đạt 119% kế hoạch năm).
Trong đó, biên lợi nhuận (NIM) đạt 3,51%, tăng 0,24 điểm phần trăm so với 2021. Trong năm qua, tín dụng của Vietcombank tăng trưởng vượt mốc 1,15 triệu tỷ đồng, tăng 19% so với cuối năm 2021.

Thu nhập ngoài lãi của nhà băng này trong năm qua cũng tăng 9,2% so với năm 2021, hoàn thành 108,7% kế hoạch năm 2022; thu thuần kinh doanh ngoại tệ tăng trưởng 31,7% so với năm 2021, hoàn thành 124% kế hoạch năm 2022; thu hồi nợ ngoại bảng đạt 2.393 tỷ đồng, hoàn thành khoảng 80% kế hoạch năm. Như vậy, Vietcombank tiếp tục giữ ngôi vị quán quân về con số lợi nhuận cao trong ngành.

Còn với VietinBank lợi nhuận trước thuế riêng lẻ năm 2022 ước đạt 20.500 tỷ đồng, hoàn thành mục tiêu đại hội đồng cổ đông đề ra và tăng 15% so với con số năm 2021. Tuy nhiên, với một số ngân hàng quy mô vừa và nhỏ lại “đuối” sức với chỉ tiêu lợi nhuận.

BIDV cũng cho hay, kết thúc 2022 đạt lợi nhuận trước thuế hợp nhất 23.190 tỷ đồng; tổng tài sản ngân hàng đạt hơn 2,08 triệu tỷ đồng, tăng gần 21% so với năm 2021. Tổng nguồn vốn huy động trong năm qua đạt 1,95 triệu tỷ đồng, tăng 21,1% so với đầu năm.
Tổng dư nợ tín dụng và đầu tư đạt 1,96 triệu tỷ đồng, tăng 19% so với đầu năm; trong đó dư nợ tín dụng đạt 1,5 triệu tỷ đồng, tăng 12,65% so với đầu năm, cao hơn mức thực hiện năm 2021 (11,8%), đảm bảo giới hạn NHNN giao (12,7%).

Ngân hàng nỗ lực kiểm soát nợ xấu

Kết thúc năm tài chính 2022, Ngân hàng Bản Việt (mã chứng khoán BVB) công bố kết quả kinh doanh, theo đó các chỉ tiêu kinh doanh đều bám sát mục tiêu đã được thông qua tại đại hội cổ đông 2022. 

Cụ thể, tổng thu nhập Ngân hàng cuối năm 2022 đạt hơn 1.900 tỷ đồng, hoàn thành đúng kế hoạch, trong đó thu nhập từ lãi thuần tăng 19% và lãi từ hoạt động dịch vụ tăng 47% so với 2021. Các mảng kinh doanh từ thẻ (tăng 62%) và bảo hiểm (tăng 36%) đóng góp khá tốt trong việc gia tăng thu nhập cho hoạt động dịch vụ.

Tính đến 31/12/2022, tổng tài sản ngân hàng đạt hơn 79.000 tỷ đồng, tăng 3% so với 2021. Huy động vốn từ tổ chức kinh tế và dân cư đạt 59.600 tỷ đồng, dư nợ cho vay đạt 50.900 tỷ đồng, tăng lần lượt 7% và 10% so với năm 2021. Lợi nhuận trước thuế năm 2022 đạt 456 tỷ đồng, hoàn thành 101% kế hoạch và tăng 46% so với 2021. Tuy nhiên, Ngân hàng Bản Việt cho biết, “Thận trọng và tăng trưởng có chọn lọc” là định hướng 2023 của Ngân hàng để tiếp tục đảm bảo hoạt động hiệu quả nhất trong bối cảnh chung của thị trường.

Năm 2022, mặc dù thị trường có nhiều khó khăn nhưng Saigonbank vẫn hoàn thành vượt mức các chỉ tiêu do Đại hội đồng cổ đông giao. Trong đó, lợi nhuận trước thuế năm 2022 đạt 237 tỷ đồng, đạt 125% kế hoạch cả năm; dư nợ cấp tín dụng tăng 14,93%; nguồn vốn huy động từ tổ chức kinh tế và dân cư tăng 13,22% so với năm 2021.

Lãnh đạo Saigonbank cho biết, với nền tảng tài chính vững chắc, quản trị rủi ro tốt, quan tâm hỗ trợ về vốn, về lãi suất, về phí dịch vụ giúp người dân ổn định cuộc sống, giúp doanh nghiệp phục hồi, phát triển sản xuất kinh doanh. Trên cơ sở tăng trưởng tín dụng lành mạnh, Saigonbank đã được Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (NHNN) cấp hạn mức tăng trưởng (room) tín dụng 17%, cao hơn hẳn những năm trước.

Tổng thu nhập hoạt động của Saigonbank đạt 1.055 tỷ đồng, tăng 20% so với năm trước. Trong đó, thu nhập từ lãi thuần hơn 875 tỷ đồng, tăng 49% so với năm trước. Song song đó, thu nhập từ hoạt động kinh doanh dịch vụ cũng tăng trưởng mạnh 38%.
Bên cạnh đẩy mạnh hoạt động, Saigonbank còn cắt giảm mạnh chi phí, nâng cao năng suất lao động, áp dụng công nghệ mới để nâng cao chất lượng dịch vụ, thu hút thêm khách hàng.

Các chỉ số về an toàn vốn và thanh khoản được Saigonbank quản lý và tuân thủ rất chặt chẽ. Tỷ lệ an toàn vốn (CAR) đạt 15,06%, cao hơn so với quy định; tỷ lệ cho vay so với tổng tiền gửi chiếm 77,21%, đáp ứng đúng quy định của NHNN.

Ngân hàng cho biết, trong quý IV/2022, nhằm gia tăng dự trữ thanh khoản nên Saigonbank đã đầu tư thêm 1.000 tỷ đồng trái phiếu chính phủ, dẫn đến lưu chuyển tiền thuần từ hoạt động kinh doanh âm 450 tỷ đồng. Đây là kết quả của dòng tiền tài chính lành mạnh, đảm bảo an toàn thanh khoản cho Ngân hàng trong bối cảnh huy động vốn có sự cạnh tranh gay gắt như những tháng cuối năm 2022.

Mặc dù đã tích cực đồng hành, áp dụng nhiều biện pháp như giảm phí dịch vụ, lãi suất cho vay, cơ cấu lại nợ theo quy định của NHNN để hỗ trợ khách hàng nhưng hoạt động kinh doanh của một số ít khách hàng vẫn còn nhiều khó khăn, chậm trả nợ gốc và lãi làm gia tăng nợ xấu song tỷ lệ nợ xấu được Saigonbank kiểm soát ở mức khoảng 2% trên tổng dư nợ, với số tuyệt đối chỉ 398 tỷ đồng, tương đương cuối năm 2021 dù tín dụng tăng trưởng mạnh.

Lãnh đạo Saigonbank cho biết thêm, tất cả các khoản nợ tại Saigonbank đều có tài sản bảo đảm đầy đủ, đảm bảo đủ thu hồi được vốn vay, từ đó không ảnh hưởng đến các chỉ số an toàn hoạt động cũng như lợi nhuận Ngân hàng. 

Các khoản nợ xấu cũng được Saigonbank phân loại đúng, thực hiện trích lập dự phòng đúng quy định, với tỷ lệ bao phủ nợ xấu đạt mức 153%. Đây là tỷ lệ khá cao trong hệ thống ngân hàng hiện nay, cũng là bộ đệm an toàn để Ngân hàng sẵn sàng ứng phó với biến động (nếu có) liên quan đến các khoản nợ xấu.

Bac A Bank (BAB) vừa công bố báo cáo tài chính hợp nhất quý IV/2022 với lợi nhuận trước thuế năm 2022 đạt 1.072,6 tỷ đồng, tăng 18,1% so với năm 2021 và đạt 107% kế hoạch năm 2022. Thu nhập lãi thuần, nguồn thu chính của ngân hàng đạt 2.517 tỷ đồng, tăng gần 19% so với năm 2021.

Lãi thuần từ động dịch vụ tăng hơn 40% so với năm trước, đạt 91,1 tỷ đồng. Lãi thuần từ hoạt động kinh doanh ngoại hối tăng 74,3%, đạt 51,6 tỷ đồng. Hoạt động từ hoạt động kinh doanh khác tăng 20% đạt 97,3 tỷ đồng. Ở chiều ngược lại, lãi thuần từ chứng khoán đầu tư giảm 36,5% đạt 107,5 tỷ đồng trong khi năm trước ngân hàng lãi 169,4 tỷ đồng tại mảng này.

Tính đến 31/12/2022, tổng tài sản của ngân hàng đạt hơn 128.000 tỷ, tăng 7,5% so với hồi đầu năm. Dư nợ cho vay đạt hơn 94.000 tỷ đồng, tăng 11,3%. Huy động vốn tăng 3,7% lên gần 97.000 tỷ đồng. Nợ xấu của ngân hàng giảm gần 24% so với đầu năm xuống 500 tỷ đồng, chủ yếu do nợ nhóm 5 giảm từ 553 tỷ đồng xuống 415 tỷ đồng, dẫn đến tỷ lệ nợ xấu giảm từ 0,77% xuống 0,53%.

Trong khi đó, ABBank ghi nhận lợi nhuận trước thuế 1.686 tỷ đồng trong năm qua, triển khai công tác tái cơ cấu với việc thực thi nhiều dự án lớn nhằm đổi mới mô hình kinh doanh toàn hệ thống theo hướng chuyển đổi số. Tính đến hết năm 2022, tổng tài sản của ABBank đạt 130.080 tỷ đồng, tăng 8% so với cuối năm 2021; Dư nợ tín dụng ghi nhận con số 88.529 tỷ đồng, tương đương tăng 12,6% so với cùng kỳ; Huy động từ khách hàng đạt 91.837 tỷ đồng, tăng 15,9% với năm 2021.

Thu nhập thuần từ lãi đạt 3.707 tỷ đồng, tăng 22% so với năm 2021. Số dư Casa (tiền gửi không kỳ hạn) cũng tăng 6% so với cùng kỳ, đạt 12.614 tỷ đồng. Tuy nhiên, do ảnh hưởng lạm phát, nhiều khoản chi phí phát sinh tăng so với 2021 và kế hoạch đề ra.

Bên cạnh đó, năm qua hoạt động kinh doanh trái phiếu Chính phủ gặp khó khăn do mặt bằng lãi suất tăng, tỷ giá ngoại tệ biến động gây ảnh hưởng bất lợi, đến cuối năm ngân hàng này thực hiện kết chuyển số dư tài khoản kinh doanh ngoại tệ bảo đảm tuân thủ quy định của Ngân hàng Nhà nước (NHNN) cũng như điều chỉnh danh mục đầu tư đã tác động đến lợi nhuận cả năm.

Năm 2022, ABBank đạt 1.686 tỷ đồng lợi nhuận trước thuế, chưa đạt kỳ vọng so với kế hoạch đại hội cổ đông đã thông qua. Việc kiểm soát nợ xấu trong năm 2022 cũng là một thử thách lớn trước thực trạng khó khăn chung của nền kinh tế và hoạt động của các doanh nghiệp, tuy nhiên ngân hàng đã nỗ lực duy trì tỷ lệ nợ xấu trên tổng dự nợ ổn định dưới mức 3% theo đúng quy định của NHNN và trích lập dự phòng cho các khoản vay.

Chỉ số an toàn vốn (CAR) cũng vẫn được đảm bảo ở mức 11,6%, cao hơn so khuyến cáo của NHNN. Năm 2022, ABBank cũng đã hoàn thành việc tất toán mua lại toàn bộ số trái phiếu VAMC.

Ông Nguyễn Mạnh Quân – Quyền Tổng Giám đốc ABBank cho biết, trong năm 2022, trước những khó khăn khách quan cũng như các vấn đề nội tại, ABBANK có nhiều quyết định cải cách mạnh mẽ để chuyển mình. Điều này ảnh hưởng không nhỏ đến thành tích kinh doanh, nhưng chúng tôi tin đây là sự hy sinh xứng đáng để xây dựng một nền tảng kinh doanh vững chắc theo chiến lược chuyển đổi số trong thời gian tới.

Lợi nhuận ngân hàng ảnh hưởng bởi chi phí đầu vào tăng
Room tín dụng chỉ được nâng trong 3 tuần cuối của năm 2022, chi phí đầu vào tăng cao là những nguyên nhân chính khiến lợi nhuận ngân hàng giảm.
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư