Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Năm, Ngày 28 tháng 03 năm 2024,
Ngân hàng vẫn phải đối phó với nhiều rủi ro tăng trưởng
Hà Tâm - 14/05/2022 08:21
 
Thu ngoài lãi giảm, nợ xấu có nguy cơ “về kho” vào tháng 6/2022, áp lực trích lập dự phòng vẫn ở mức cao, tác động của trái phiếu doanh nghiệp… là những rủi ro của ngân hàng năm nay.
Việc siết chặt dòng tiền đổ vào bất động sản và trái phiếu doanh nghiệp có thể sẽ ảnh hưởng đến thu nhập của ngân hàng.

Áp lực lãi suất, tín dụng bất động sản

Dù nhu cầu tín dụng đang phục hồi nhanh trở lại, tín dụng 4 tháng tăng mạnh gấp đôi cùng kỳ năm ngoái, song những biến số kinh tế mới cũng đang tác động tiêu cực tới hoạt động ngân hàng. Trong đó, nợ xấu, lãi suất, áp lực trích lập dự phòng là những thách thức lớn nhất với các ngân hàng lúc này.

TS. Lê Xuân Nghĩa, chuyên gia kinh tế dự đoán, từ nay đến cuối năm, Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) sẽ tăng lãi suất nhanh và mạnh hơn, các ngân hàng trong nước cũng buộc phải tăng lãi suất tiền gửi cao hơn.

Mặc dù lãi suất huy động tăng, nhưng lãi suất cho vay không thể tăng tương ứng. Lãi suất bị ép cả đầu vào lẫn đầu ra khiến chênh lệch lãi suất cho vay/huy động (NIM) của ngân hàng sẽ bị co hẹp, ảnh hưởng đến lợi nhuận thuần vốn chiếm tỷ lệ lớn trong cơ cấu thu nhập của các nhà băng.

Bên cạnh đó, lâu nay, nhiều ngân hàng sống khỏe nhờ tín dụng bất động sản và đầu tư, phát hành trái phiếu doanh nghiệp. Tuy nhiên, việc siết chặt dòng tiền đổ vào hai kênh này thời gian tới có thể sẽ ảnh hưởng đến thu nhập của các ngân hàng.

Thực tế, trong quý I/2022, rất nhiều ngân hàng có tốc độ tăng trưởng tín dụng cao đều nhờ tăng mạnh đầu tư trái phiếu doanh nghiệp. Tại thời điểm cuối quý I/2022, số dư trái phiếu doanh nghiệp lớn nhất là ở các ngân hàng Techcombank, MB, VPBank, TPBank, SHB. 

Sức ép về nợ xấu

Theo ông Lê Xuân Nghĩa, các ngân hàng cũng đang chịu sức ép lớn về nợ xấu những tháng cuối năm. “Hiện nay, nợ xấu bị che giấu bởi quy định giãn, hoãn nợ. Bắt đầu từ tháng 6, quy định này sẽ không còn nữa, số nợ xấu tăng nhiều hơn, trích lập dự phòng rủi ro cũng tăng lên. Nguồn tiền thu từ nợ về cho vay sẽ giảm và lãi suất (cả huy động và cho vay) sẽ tăng”, ông Nghĩa nhận định.

Hai năm qua, dù các ngân hàng đã tăng mạnh tỷ lệ trích lập dự phòng rủi ro, song nếu nợ xấu “về kho”, không còn được cơ cấu, thì trích lập dự phòng rủi ro tại nhiều ngân hàng lại có nguy cơ tăng mạnh.

Hai năm qua, dù các ngân hàng đã tăng mạnh tỷ lệ trích lập dự phòng rủi ro, song nếu nợ xấu “về kho”, không còn được cơ cấu, thì trích lập dự phòng rủi ro tại nhiều ngân hàng lại có nguy cơ tăng mạnh.

Báo cáo tài chính quý I/2022 của các ngân hàng cho thấy, tình hình nợ xấu tại hầu hết các ngân hàng xấu đi trong quý I/2022. Nguyên nhân một phần là việc phân loại lại các khoản nợ tái cơ cấu thành nợ nhóm 4 hoặc nhóm 5 sau khi hết thời hạn tái cơ cấu. Tỷ lệ nợ nhóm 2 tăng tương đối mạnh ở hầu hết ngân hàng.

Theo các chuyên gia phân tích của Trung tâm Phân tích Công ty cổ phần Chứng khoán SSI (SSI Research), chất lượng tài sản trong quý I/2022 của các ngân hàng chưa phải là vấn đề đáng lo ngại, nhưng áp lực trích lập dự phòng vẫn ở mức cao, tăng 18% so với cùng kỳ năm ngoái.

Triển vọng cuối năm

Triển vọng lớn nhất của các ngân hàng những tháng cuối năm là tốc độ số hóa đang được đẩy nhanh, tiền gửi không kỳ hạn (CASA) tiếp tục cải thiện, nhờ đó giảm bớt tiêu cực của việc giá vốn đầu vào gia tăng. Hơn nữa, sự hồi phục tín dụng giúp ngân hàng tăng về lượng, bù đắp phần nào sự sụt giảm NIM có thể diễn ra. Bên cạnh đó, thu nhập từ bảo hiểm và hoạt động thoái vốn dự kiến đem lại nguồn lợi nhuận khủng cho các ngân hàng.

Trong mùa Đại hội đồng cổ đông ngân hàng vừa qua, hầu hết các ngân hàng đều đưa ra mục tiêu tăng trưởng lợi nhuận khả quan trong năm nay, với mức tăng trưởng lợi nhuận trước thuế bình quân 31%. Kết quả kinh doanh quý I của các ngân hàng hầu hết đều vượt mục tiêu đề ra, ngoại trừ OCB.

Tuy vậy, theo SSI Research, kết quả kinh doanh quý I của các ngân hàng chưa phản ánh đầy đủ tác động của những động thái siết hoạt động cho vay bất động sản và trái phiếu doanh nghiệp gần đây. Các rủi ro trong ngắn hạn với các ngân hàng vẫn còn cho đến khi tình hình thị trường trái phiếu doanh nghiệp trở nên rõ ràng hơn. Đây cũng là lý do cổ phiếu ngân hàng có tỷ trọng đầu tư trái phiếu doanh nghiệp lớn và cho vay bất động sản được dự báo sẽ lao dốc mạnh hơn các cổ phiếu cùng nhóm khác trên thị trường.

Cuối năm 2022, nợ xấu theo Nghị quyết 42 có thể tăng lên mức 430.000 tỷ đồng
Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Thị Hồng cho biết thông tin trên tại phiên họp thứ 10 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, sáng 14/4.
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư