Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Ba, Ngày 16 tháng 04 năm 2024,
Nhiều cổ phiếu bị định giá rẻ tới mức không thể chấp nhận
Lưu Hương - 19/11/2022 08:19
 
Việc tăng lãi suất lần thứ tư liên tiếp trong năm của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) để đối phó với lạm phát gây nhiều ảnh hưởng tới dòng vốn đầu tư nước ngoài trên thị trường chứng khoán Việt Nam, các khoản nợ bằng USD cũng tạo ra nhiều áp lực cho doanh nghiệp.

Ông Vicente Nguyễn, Giám đốc Đầu tư của Quỹ Asia Frontier Capital (AFC) Vietnam Fund chia sẻ về vấn đề này.

Ông Vicente Nguyễn, Giám đốc Đầu tư của Quỹ Asia Frontier Capital (AFC) Vietnam Fund.

Thưa ông, việc Fed tăng lãi suất sẽ ảnh hưởng ra sao tới khẩu vị của nhà đầu tư nước ngoài vào thị trường chứng khoán Việt Nam? Chính sách thắt chặt tiền tệ của Fed có ảnh hưởng gì tới chính sách của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (NHNN)?

Việc USD tăng giá sẽ làm cho dòng vốn bị rút khỏi thị trường Việt Nam nhiều hơn, lực bán theo đó sẽ mạnh hơn, bởi khi nhà đầu tư rút vốn, các quỹ không có nhiều lựa chọn là phải bán danh mục và trả lại tiền cho nhà đầu tư. Điều này sẽ tác động tương đối tiêu cực trong ngắn hạn đối với thị trường chứng khoán Việt Nam.

Về chính sách tiền tệ, NHNN đã tăng lãi suất lên 200 điểm trong vòng 2 tháng qua, tăng biên độ giao dịch tỷ giá giúp tỷ giá linh hoạt hơn, nhằm bảo vệ kho dự trữ ngoại hối của Việt Nam, giúp hàng xuất khẩu của Việt Nam cạnh tranh hơn và giảm nhập khẩu.

Tính từ đầu năm, VND giảm khoảng 9% so với USD, nhưng cơ bản, VND vẫn là một đồng tiền mạnh khi tại các thị trường xuất khẩu chủ chốt của Việt Nam như EU, Nhật Bản, Hàn Quốc, Trung Quốc và cả các đối thủ cạnh tranh của Việt Nam, đồng tiền thậm chí giảm 10-20% so với USD. Chính vì vậy, NHNN đã phải linh hoạt hơn trong chính sách tỷ giá để hỗ trợ nền kinh tế.

Đâu là những thách thức với các doanh nghiệp Việt Nam trong bối cảnh USD mạnh như hiện nay?

USD mạnh lên làm cho chi phí vốn bằng USD tăng lên. Đối với Việt Nam, các khoản nợ bằng USD cũng tạo ra áp lực. Đối với doanh nghiệp Việt Nam, áp lực càng lớn hơn khi gánh nặng tài chính gia tăng bởi lãi suất và cả sự tăng giá của USD. Ngoài ra, USD mạnh lên sẽ kích hoạt dòng vốn rời khỏi các thị trường mới nổi và cận biên, điều này tác động rất lớn đến dự trữ ngoại hối của Việt Nam. Tuy nhiên, chúng ta đã kịp thời linh hoạt tỷ giá nhằm giảm bớt ảnh hưởng này.

Đối với doanh nghiệp Việt Nam, ngoài áp lực về tài chính, những doanh nghiệp nhập khẩu cũng chịu áp lực rất lớn khi giá mua hàng tăng lên mạnh mẽ, làm chi phí gia tăng, giảm lợi nhuận. Ngược lại, những doanh nghiệp xuất khẩu có vẻ có nhiều lợi thế hơn khi thu về nguồn ngoại tệ là USD, giúp họ chủ động hơn trong vấn đề này. Do đó, đối với doanh nghiệp, USD mạnh lên tác động tích cực lẫn tiêu cực, tùy vào mô hình hoạt động kinh doanh.

Ông có lời khuyên gì cho các nhà đầu tư trong nước và nước ngoài ở thời điểm này?

Chúng tôi không dám đưa ra bất kỳ lời khuyên nào cho ai, bởi hiện tại, hầu hết các quỹ đầu tư đều bị lỗ. Theo đánh giá của chúng tôi, thị trường chứng khoán Việt Nam đang bị bán tháo quá mức, nhiều cổ phiếu bị định giá rẻ tới mức không thể chấp nhận. Là một nhà đầu tư dài hạn và giá trị, chúng tôi vẫn theo đuổi điều cốt lõi này, nhưng trong ngắn hạn, cũng phải chịu đựng mức lỗ tạm thời.

Tại thị trường chứng khoán Việt Nam, những áp lực về nền kinh tế không cao, bởi GDP tăng trưởng rất tốt, các doanh nghiệp cũng phát triển ổn định và có tiềm năng tăng trưởng, ngoài trừ một vài ngành thật sự gặp khó khăn như bất động sản, xây dựng, thép và ngay cả ngân hàng.

Tuy nhiên, vấn đề lớn nhất của thị trường chứng khoán Việt Nam chính là lòng tin. Mọi thứ có vẻ đang mất dần lòng tin từ thị trường vốn lẫn thị trường nợ (trái phiếu doanh nghiệp). Dòng vốn bị bóp nghẹt, thanh khoản doanh nghiệp và nền kinh tế cũng bị bóp nghẹt. Các biện pháp xử lý những cá nhân, tổ chức vi phạm làm cho nhà đầu tư cảm thấy lo lắng, bất chấp hiệu quả dài hạn của nó.

Chính vì vậy, chúng tôi không rót bất kỳ đồng vốn nào vào lĩnh vực bất động sản, thép, chứng khoán, nhằm giảm bớt sự ảnh hưởng của những ngành này. Thay vào đó, chúng tôi gia tăng đầu tư vào những doanh nghiệp có lượng tiền mặt dồi dào như doanh nghiệp bảo hiểm để tránh sự bót nghẹt về thanh khoản, các doanh nghiệp du lịch được hưởng lợi từ việc mở cửa giúp lợi nhuận của ngành này tăng vọt và cả các doanh nghiệp xuất khẩu nữa.

Ông nhìn nhận ra sao về việc nâng hạng thị trường chứng khoán Việt Nam từ cận biên lên mới nổi?

Việc nâng hạng là một quá trình dài, chúng tôi cho rằng cần thêm thời gian cho việc này. Để được nâng hạng từ thị trường cận biên lên thị trường mới nổi theo lộ trình và thu hút nhiều vốn đầu tư nước ngoài, cũng như nhiều nhà đầu tư tổ chức, Việt Nam cần nỗ lực hơn nữa và triển khai đồng bộ nhiều biện pháp.

Kiểm soát huy động vốn của doanh nghiệp bất động sản trên thị trường chứng khoán
Bộ Xây dựng cũng kiến nghị phải kiểm soát hoạt động huy động vốn của các doanh nghiệp kinh doanh bất động sản trên thị trường chứng...
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư