Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Năm, Ngày 25 tháng 04 năm 2024,
Nhiều ngân hàng chốt danh sách đại hội thường niên 2023 và chia cổ tức cao
Vân Linh - 13/02/2023 17:21
 
Các ngân hàng bắt đầu có thông báo về ngày chốt danh sách cổ đông tham dự đại hội cổ đông thường niên 2023 và kế hoạch chia cổ tức năm 2022.

Chốt danh sách cổ đông dự đại hội

SHB mới đây đã thông báo thời gian và địa điểm tổ chức Đại hội đồng thường niên năm 2022. Theo đó, ngân hàng sẽ tổ chức đại hội năm nay vào ngày 11/04/2023 tại Hà Nội. Ngày cuối cùng để lập danh sách cổ đông tham dự là ngày 03/03/2023.

Năm 2022, SHB ghi nhận lợi nhuận trước thuế cả năm đạt 9.659 tỷ đồng, tăng 54% so với năm trước. Theo đó. tổng thu nhập từ hoạt động kinh doanh của SHB đạt hơn 19.371 tỷ đồng, tăng 7% so với cùng kỳ trong đó đóng góp chính vẫn là thu nhập từ lãi thuần với 17.529 tỷ đồng, tăng 13%.

Tính đến 31/12/2022, tổng tài sản của SHB đạt trên 551.300 tỷ đồng, tăng 8,8% so với đầu năm. Cho vay khách hàng tăng 6,4% lên 385.633 tỷ đồng. Huy động tiền gửi từ khách hàng tăng 10,6% lên 361.841 tỷ đồng. Về chất lượng tín dụng, nợ xấu nội bảng của ngân hàng tăng 59,3% so với đầu năm. Tỷ lệ nợ xấu tăng từ 1,69% lên 2,53%.

Tương tự, Nam A Bank dự kiến sẽ tổ chức Đại hội cổ đông thường niên năm 2023 vào ngày 17/03/2023 tới đây. Thời gian chốt danh sách cổ đông tham dự được ngân hàng thông báo là 17 giờ ngày 21/02/2023.

Trước đó vào ngày 9/12/2022, Nam A Bank tổ chức đại hội đồng cổ đông bất thường thành công, bầu HĐQT và ban kiểm soát (BKS) mới nhiệm kỳ 8 (2021 - 2026).

Các cổ đông đã bầu chọn 6 nhân sự tham gia HĐQT và 3 nhân sự tham gia BKS Nam A Bank nhiệm kỳ 8 (2021 - 2026) với tỷ lệ bầu cao sau khi các ứng viên này nhận được sự thẩm định và phê chuẩn từ Ngân hàng Nhà nước Việt Nam. Các thành viên HĐQT mới đã bầu ông Trần Ngô Phúc Vũ vào vị trí Chủ tịch HĐQT Nam A Bank nhiệm kỳ 2021 - 2026

Kết thúc năm 2022, ngân hàng ghi nhận lợi nhuận trước thuế đạt 2.268 tỷ đồng, tăng 26,1% so với năm trước và đạt 100,8% kế hoạch lợi nhuận năm (2.250 tỷ đồng). Nguồn thu chính của ngân hàng là thu nhập lãi thuần đạt 5.119 tỷ đồng, tăng gần 20% so với năm trước. Lãi thuần từ hoạt động dịch vụ tăng 32% so với năm trước đạt 274,9 tỷ đồng.

Tính đến 31/12/2022, tổng tài sản ngân hàng đạt 177.578 tỷ đồng, tăng 16% so với năm trước. Cho vay khách hàng tăng 16,4% lên 119.538 tỷ đồng. Số dư tiền gửi khách hàng tăng 8,4%, đạt 124.993 tỷ đồng.

Nam A Bank cũng là một trong số ít ngân hàng có tỷ lệ nợ xấu giảm trong năm 2022. Cụ thể, số dư nợ xấu tại ngân hàng giảm từ 1.613 tỷ đồng xuống mức 1.611 tỷ trong năm 2022. Tỷ lệ nợ xấu của ngân hàng cũng giảm từ 1,57% xuống 1,35%.

LienVietPostBank cũng vừa công bố thông tin về ngày đăng ký cuối cùng thực hiện quyền cho cổ đông đề cử ứng viên bầu thành viên HĐQT và Ban Kiểm soát nhiệm kỳ 2023 - 2028 và họp cổ đông năm 2023.

Theo đó, ngày đăng ký cuối cùng là ngày 23/2/2023. Đại hội đồng cổ đông thường niên năm 2023 của LienVietPostBank dự kiến sẽ được tổ chức vào tháng 4/2023 tại Hà Nội thay vì trong TP.HCM như các năm trước.

Mới đây, Ngân hàng Nhà nước đã có văn bản chấp thuận việc thoái vốn của cổ đông lớn Tổng công ty Bưu điện Việt Nam (VNPost) tại LienVietPostBank. Theo đó, VNPost dự kiến sẽ bán ra hơn 140 triệu cổ phiếu LPB đang sở hữu.

Trước đó, cuối năm 2022, ông Nguyễn Đức Thụy (hay bầu Thuỵ) chính thức trở thành Chủ tịch HĐQT của LienVietPostBank từ ngày 9/12 thay cho ông Huỳnh Ngọc Huy (sinh năm 1966) xin từ nhiệm theo nguyện vọng cá nhân.

Bầu Thuỵ gia nhập Hội đồng quản trị LienVietPostBank với vị trí Phó chủ tịch Hội đồng quản trị vào tháng 5/2021. Có thời điểm ước tính số cổ phiếu mà bầu Thuỵ và nhóm Thaiholdings sở hữu có thể lên tới hơn 70 triệu cổ phiếu LPB.

Theo báo cáo quản trị năm 2022 của LienVietPostBank, tính đến cuối năm 2022, ông Thuỵ nắm giữ hơn 47 triệu cổ phiếu LPB, tương đương tỷ lệ sở hữu trên 2,76%.

Về kết quả kinh doanh năm 2022, lợi nhuận trước thuế cả năm của ngân hàng đạt 5.690 tỷ đồng, tăng 56% so với cùng kỳ và hoàn thành 118% kế hoạch năm. Thu nhập lãi thuần, nguồn thu chính của ngân hàng tăng trưởng 32% so với cùng kỳ, đạt 11.900 tỷ đồng.
Tổng tài sản của ngân hàng tăng 13,3% so với đầu năm lên hơn 327.700 tỷ đồng.

Trong đó cho vay khách hàng tăng đến 12,1%, đạt 230.637 tỷ đồng, dự phòng rủi ro cho vay tăng gần 53,6%. Huy động tiền gửi từ khách hàng tăng 19,8% so với đầu năm, đạt gần 216.000 tỷ đồng.

Số dư nợ xấu tăng 19,7% từ 2.863 tỷ đồng lên 3.427 tỷ đồng chủ yếu do nợ nhóm 3 tăng mạnh 610 tỷ đồng, kéo theo tỷ lệ nợ xấu trên tổng dư nợ tăng từ 1,39% lên 1,49%.

Hội đồng quản trị (HĐQT) VIB vừa có thông báo về ngày đăng ký cuối cùng chốt danh sách cổ đông tham dự đại hội đồng cổ đông thường niên 2023 là ngày 10/2/2023. Tuy chưa công bố ngày cụ thể tổ chức đại hội cổ đông, song VIB thường là ngân hàng luôn tiến hành đại hội cổ đông sớm trong tháng 3 hàng năm.

Cổ tức dự kiến chi trả mức cao

VIB vừa có nghị quyết phê duyệt việc thực hiện phương án tạm ứng cổ tức tiền mặt năm 2022 cho cổ đông hiện hữu với số tiền tạm ứng là hơn 2.107,6 tỷ đồng, tương ứng tỷ lệ 10% vốn điều lệ.

Nguồn vốn sử dụng để chia cổ tức là lợi nhuận chưa phân phối tại thời điểm 30/9/2022, trong đó lợi nhuận để lại từ các năm trước chưa sử dụng là 565 tỷ đồng và lợi nhuận thuần lũy kế ba quý đầu năm 2022 là hơn 1.542 tỷ đồng.

Với kết quả kinh doanh năm 2022 ghi nhận lợi nhuận trước thuế đạt hơn 10.580 tỷ đồng, tăng 32% so với năm trước, Ngân hàng này đã công bố Nghị quyết ĐHCĐ với nội dung có thể chia cổ tức lên đến hơn 35%, bao gồm cả cổ tức bằng tiền mặt và cổ phiếu.

Ngày 9/2, TPBank có thông báo Nghị quyết HĐQT về việc phê duyệt kế hoạch chi trả cổ tức bằng tiền mặt năm 2023. Ngày đăng ký cuối cùng để thực hiện quyền cổ đông hiện hữu để chi trả cổ tức là 21/2/2023. Ngày thanh toán là 3/3.

Trước đó, TPBank đã công bố kết quả lấy kiến cổ đông bằng văn bản về phương án trên với tỷ lệ tán thành đạt 77,69%. Cụ thể, ngân hàng dự kiến sẽ trả cổ tức bằng tiền mặt với tỷ lệ thực hiện là 25%, tức một cổ phiếu nhận được 2.500 đồng.

Nguồn vốn chi trả lấy từ lợi nhuận chưa phân phối còn đến năm 2021 sau khi trích lập các quỹ theo báo cáo tài chính năm 2021 của TPBank đã kiểm toán. Theo tài liệu đã công bố, lợi nhuận còn lại và các quỹ thặng dư lũy kế đến hết năm 2022 của TPBank đạt hơn 13.364 tỷ đồng, trong đó lợi nhuận chưa phân phối còn đến năm 2021 sau khi trích lập các quỹ là hơn 5.486 tỷ đồng.

Với khoảng 1,58 tỷ cổ phiếu đang lưu hành, ước tính TPBank sẽ phải chi 3.955 tỷ đồng để trả cổ tức cho cổ đông. Ngoài TPBank, một số ngân hàng như VPBank, VIB, ACB cũng lên kế hoạch trả cổ tức bằng tiền mặt trong năm nay.

Về kết quả kinh doanh trong quý IV/2022, TPBank ghi nhận lợi nhuận trước thuế cả năm đạt 7.828 tỷ đồng, tăng 30% so với cùng kỳ, song không đạt kế hoạch lợi nhuận năm là 8.200 tỷ đồng.

Phía ngân hàng này cho biết, mức lợi nhuận trên đến từ việc gia tăng dịch vụ bảo lãnh và tài trợ thương mại để tăng thu nhập từ phí. Ngoài ra, sự phục hồi của khách hàng được giãn nợ trong thời kỳ dịch bệnh góp phần gia tăng nguồn thu của ngân hàng. Trích lập dự phòng rủi ro cũng thấp hơn các năm trước.

Cụ thể, thu nhập lãi thuần của ngân hàng đạt gần 11.387 tỷ đồng, tăng 14% so với cùng kỳ. Các khoản thu nhập ngoài lãi của TPBank cũng tăng mạnh 18,4% lên hơn 4.200 tỷ đồng, phần lớn được hỗ trợ bởi nguồn thu đáng kể từ hoạt động dịch vụ với 2.692 tỷ đồng (tăng 75% so với cùng kỳ).

Cùng với đó, lãi thuần từ kinh doanh ngoại hối và hoạt động kinh doanh khác tăng lần lượt 10% và 186% so với năm 2021. Trong khi đó, lãi thuần từ chứng khoán đầu tư giảm 70%.

Cả năm 2022, chi phí dự phòng của TPBank giảm 37% xuống còn 1.884 tỷ đồng. Riêng trong quý IV, chi phí dự phòng rủi ro của ngân hàng giảm đến 80% từ 560 tỷ xuống còn 115 tỷ.

Tính đến 31/12/2022, tổng tài sản của ngân hàng đạt hơn 328.600 tỷ đồng, tăng 12,2% so với đầu năm. Trong đó cho vay khách hàng tăng 14% lên gần 161.000 tỷ đồng, dự phòng rủi ro cho vay tăng 3,8%. Tiền gửi khách hàng tăng mạnh 40% lên gần 195.000 tỷ.

Về chất lượng tín dụng, nợ xấu của TPBank tính đến cuối năm 2022 là 1.357 tỷ đồng, chiếm 0,84% tổng dư nợ, tăng 17,3% so với đầu năm. Chủ yếu do nợ nhóm 5 tăng gần 70% lên 505 tỷ đồng.

Tại ACB, kỳ đại hội cổ đông năm nay Ngân hàng sẽ bầu lại Hội đồng quản trị và Ban kiểm soát nhiệm kỳ 2023-2028. ACB cũng đã có thông báo về việc ứng cử, đề cử nhân sự bầu vào Hội đồng quản trị, Ban kiểm soát nhiệm kỳ mới.

Thời gian nhận hồ sơ ứng cử, đề cử dự kiến là tới ngày 20/2/2023 trước khi Ngân hàng chốt danh sách Đại hội cổ đông thường niên năm 2023 (thường ACB tiến hành Đại hội cổ đông vào tháng 4 hàng năm).

Về hoạt động kinh doanh của ACB, kết thúc năm 2022 ghi nhận lợi nhuận trước thuế hợp nhất là 17.100 tỷ đồng, đạt 114% kế hoạch năm; tín dụng đạt 413.700 tỷ đồng, tăng 14,3% và huy động đạt 414.000 tỷ đồng, tăng 9% so với năm 2021.

Đồng thời, ACB tiếp tục là ngân hàng có tỷ suất sinh lời ROE đứng đầu thị trường với mức 26,5% và tỷ lệ nợ xấu thuộc nhóm thấp nhất ngành ngân hàng, chỉ 0,74%.

ACB đang có kế hoạch trả cổ tức với tỷ lệ tương tự 2021 là 25% nhưng tỷ lệ bằng tiền và bằng cổ phiếu chưa được xác định và phải chờ ý kiến của Ngân hàng Nhà nước.

Tại cuộc gặp với Công ty Chứng khoán KB Securities Việt Nam (KBSV) mới đây, lãnh đạo ACB cho biết, năm 2023 Ngân hàng sẽ bám sát mục tiêu tăng trưởng tín dụng của Ngân hàng Nhà nước là 14-15%. Tăng trưởng huy động thấp hơn và sát với tín dụng, ước đạt 10% so với năm trước

Trên cơ sở đó, ACB đặt kế hoạch lợi nhuận trước thuế năm 2023 là trên 20.000 tỷ đồng, tăng trưởng tín dụng năm 2023 là 14-15%.
Còn về kế hoạch trả cổ tức 2022, ACB đang có kế hoạch trả cổ tức với tỷ lệ tương tự 2021 là 25% nhưng tỷ lệ bằng tiền và bằng cổ phiếu chưa được xác định và phải chờ ý kiến của Ngân hàng Nhà nước.

Trước đó, tại ACB, kế hoạch phân phối lợi nhuận 2022 đã được ĐHCĐ thông qua cũng có phương án chia cổ tức 10% bằng tiền mặt (thực hiện trong năm 2023 nếu được Ngân hàng Nhà nước chấp thuận) bên cạnh 15% bằng cổ phiếu.

Lần gần đây nhất là vào năm 2015, ngân hàng này đã chi trả cổ tức bằng tiền mặt với tỷ lệ 7%, với gần 896 triệu cổ phần lưu hành khi đó; trước đó, ACB đã chi hơn 627 tỷ đồng để trả cổ tức năm 2014. Như vậy sau 7 năm, cổ đông ACB mới có cơ hội nhận được cổ tức bằng tiền mặt.

Ngày 13/1/2023 vừa qua, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước đã ban hành Chỉ thị số 01/CT-NHNN về tổ chức thực hiện các nhiệm vụ trọng tâm của ngành ngân hàng trong năm 2023.

Đáng chú ý, khác với 3 năm trước, Ngân hàng Nhà nước không còn yêu cầu các ngân hàng không chia cổ tức bằng tiền mặt. Thay vào đó, cơ quan này chỉ khuyến khích các nhà băng trả cổ tức bằng cổ phiếu để tăng vốn điều lệ, nâng cao năng lực tài chính và khả năng cấp tín dụng cho nền kinh tế, ổn định mặt bằng lãi suất thị trường.

Loạt ngân hàng thay đổi nhân sự cấp cao trước mùa đại hội cổ đông 2023
Mặc dù chưa đến thời điểm "nóng" của mùa đại hội cổ đông thường niên ngân hàng 2023, song nhiều ngân hàng ghi nhận hàng loạt biến động...
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư