Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Sáu, Ngày 19 tháng 04 năm 2024,
Ninh Thuận: Hơn 165.000 tỷ đồng đầu tư phát triển công nghiệp đến năm 2025
Nguyễn Toàn - 25/08/2022 08:51
 
Tỉnh Ninh Thuận sẽ quy hoạch đất 9.648 ha, tổng kinh phí 165.394 tỷ đồng để đẩy mạnh phát triển công nghiệp.
Tỉnh Ninh Thuận xác định phát triển năng lượng tái tạo là trụ cột. Ảnh: Nguyễn Toàn.
Tỉnh Ninh Thuận xác định phát triển năng lượng tái tạo là trụ cột. Ảnh: Nguyễn Toàn.

Quy hoạch đất phục vụ phát triển công nghiệp đến năm 2025 là 9.648 ha; trong đó đất khu công nghiệp 1.233 ha, đất cụm công nghiệp 692 ha, đất sản xuất phi nông nghiệp 659 ha, đất sử dụng cho hoạt động khoáng sản 199 ha, đất công trình năng lượng 6.865 ha.

Nội dung trên là một trong nhiều nhiệm vụ được UBND tỉnh Ninh Thuận đặt ra trong Kế hoạch hành động triển khai về đẩy mạnh phát triển công nghiệp trên địa bàn tỉnh Ninh Thuận đến năm 2025, định hướng đến năm 2030.

Theo đó, UBND tỉnh Ninh Thuận đặt ra mục tiêu đến năm 2025, tỉnh Ninh Thuận tập trung phát triển công nghiệp năng lượng, cảng biển, công nghiệp chế biến, chế tạo, công nghiệp hỗ trợ và một số ngành công nghiệp khác; phấn đấu giá trị sản xuất công nghiệp tăng 17 - 18% /năm; tỷ trọng ngành công nghiệp chiếm 29 - 30% (đến năm 2030 là 40%) giá trị trong tổng sản phẩm trên địa bàn (GRDP).

Bên cạnh đó, tỉnh Ninh Thuận xác định phát triển năng lượng, năng lượng tái tạo là trụ cột, động lực và là một trong những ngành đột phá, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội. Theo đó đến năm 2025, tổng công suất các nhà máy điện đưa vào vận hành khoảng 6.500 MW (điện mặt trời 3.440 MW, điện gió trên bờ và gần bờ 1.200 MW, thủy điện 360 MW, điện khí LNG 1.500 MW); đến năm 2030, thu hút đầu tư và đưa vào vận hành các nhà máy điện để đạt quy mô công suất tích lũy 11.800 MW.

Để thực hiện các mục tiêu này, UBND tỉnh Ninh Thuận giao Sở Công thương chủ trì, phối hợp với các đơn vị tập trung nguồn lực đẩy nhanh tiến độ hoàn thành hạ tầng kỹ thuật các dự án cụm công nghiệp, nâng tỷ lệ lấp đầy các Cụm công nghiệp Quảng Sơn, Hiếu Thiện, Phước Tiến từ 50%-80%; đề xuất lộ trình, kinh phí và kêu gọi đầu tư hạ tầng các cụm công nghiệp gồm Tri Hải, Lợi Hải 1, Lợi Hải 2, Phước Đại...

Ngoài ra, Sở Công thương đẩy nhanh tiến độ thực hiện các dự án trọng điểm như Dự án Trung tâm điện lực LNG Cà Ná giai đoạn 1 (công suất 1.500 MW), xúc tiến đầu tư Dự án Tổ hợp công nghệ xanh và hóa chất sau muối; tiếp tục kiến nghị Chính phủ, các bộ, ngành về đẩy nhanh tiến độ triển khai đầu tư xây dựng hệ thống truyền tải 500kV, 220kV để giải toả công suất các dự án năng lượng, năng lượng tái tạo phát triển mới trên địa bàn tỉnh.

Ban Quản lý các khu công nghiệp được giao nhiệm vụ hoàn thiện hạ tầng các Khu công nghiệp Thành Hải, Phước Nam, Du Long; xúc tiến phê duyệt chủ trương đầu tư hạ tầng Khu công nghiệp Cà Ná; chuẩn bị sẵn sàng mặt bằng để giới thiệu cho các nhà đầu tư đăng ký dự án thứ cấp vào khu công nghiệp; nâng tỷ lệ lấp đầy các Khu công nghiệp Phước Nam, Du Long đạt trên 50% vào năm 2025…

Theo UBND tỉnh Ninh Thuận, tổng kinh phí thực hiện đầu tư phát triển công nghiệp tỉnh đến năm 2025 là 165.394 tỷ đồng. Trong đó, nguồn vốn thực hiện từ ngân sách Trung ương là 164 tỷ đồng; ngân sách địa phương (nguồn vốn đầu tư phát triển) là 119 tỷ đồng; doanh nghiệp, chủ đầu tư là 165.111 tỷ đồng.

Hạ tầng dẫn lối dòng vốn vào Ninh Thuận
Hạ tầng hoàn thiện là động lực quan trọng giúp Ninh Thuận thu hút đầu tư, trở thành điểm đến hấp dẫn trên bản đồ du lịch quốc gia và trung...
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư